Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

KINH THAN HANH NIEM, TRUNG BO KINH SO 119





0 TRICH:


(Bốn oai nghi)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, biết rằng: "Tôi đi". Hay đứng, biết rằng: "Tôi đứng". Hay ngồi, biết rằng: "Tôi ngồi". Hay nằm, biết rằng: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.


1. GIOI THIEU
Hinh thuc; Kinh so 119 thuoc Trung bo Kinh.
Tieng Pali la;

Kàyagatàsati sutta



2. NOI DUNG;

A. Kinh noi ve quan niem ve than va loi ich cua Niem ve than hanh.
Ni Si Tri Hai viet:
"Thân hành niệm khéo tu tập viên mãn sẽ đưa đến mười lợi ích lớn: Một là nhiếp phục lạc khổ. Hai, nhiếp phục sợ hãi khiếp đảm. Ba kham nhẫn được các nghịch cảnh đủ loại. Bốn dễ chứng bốn thiền, được hiện tại lạc trú. Năm chứng thần túc thông. Sáu Thiên nhĩ. Bảy tha tâm. Tám túc mạng trí. Chín Sinh tử trí hay thiên nhãn, biết sống chết chúng sinh. Mười lậu tận trí."

B. Than hanh niem la mot phap mon cua Niem Than (trong bai Kinh Tu niem xu, tbk 10)

3. CHANH VAN


Trung Bộ KinhMajjhima Nikaya

119. Kinh Thân hành niệm
(Kàyagatàsati sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi một số đông Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng:
-- Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thân hành niệm, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố.
Và câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy đã bị gián đoạn.
Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì? Câu chuyện gì của các Ông bị gián đoạn?
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường, và câu chuyện sau này được khởi lên: "Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thân hành niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố". Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong thời Thế Tôn đến.
-- Và này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, có quả lớn, có công đức lớn?
(Quán niệm hơi thở)
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra". An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Bốn oai nghi)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, biết rằng: "Tôi đi". Hay đứng, biết rằng: "Tôi đứng". Hay ngồi, biết rằng: "Tôi ngồi". Hay nằm, biết rằng: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Ðầy đủ chánh niệm)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (sanghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán thân bất tịnh)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu". Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: 'Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán tứ đại)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại". Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán tử thi)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy". 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn là xương thối trở thành bột; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Các bậc Thiền)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm và tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm; sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.
(Sự phát triển qua thân hành niệm)
Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (antogadha) đều thuộc về minh phần (vijjabhagiya). Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm đều thuộc về minh phần.
Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, thời Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người quăng một hòn đá nặng vào một đống đất sét ướt nhuyễn, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Có phải hòn đá nặng ấy có cơ hội lún sâu vào đống đất sét ướt nhuyễn ấy?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây khô không có nhựa, có người đến cầm phần phía trên của đồ quay lửa và nói: "Tôi sẽ làm cho ngọn lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho sức nóng hiện lên". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy mang đến phần phía trên của đồ quay lửa, quay với cành cây khô không có nhựa ấy, người ấy có làm cho ngọn lửa sanh ra, có làm cho sức nóng hiện lên không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với người ấy, Ma vương có cơ duyên với người ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước, trống rỗng, trống không, được đặt trên cái giá, có một người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ nước vào bình không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy.
Này các Tỷ-kheo, vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội với vị ấy. Ma vương không có duyên với vị ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người quăng một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Trái banh dây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây ướt có nhựa, rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: "Tôi sẽ làm cho lửa sinh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ được nước vào bình ấy không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hộ đối với người ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với người ấy.
Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt đạt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào (sati sati ayatane). Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá và có người lực sĩ đến và lắc qua lắc lại cái bình ấy, như vậy nước có thể trào ra ngoài không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
Ví như có một hồ nước trên một miếng đất bằng, bốn phía có đê đắp làm cho vững chắc, và tràn đầy nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi có người lực sĩ đến và phá một khúc đê, nước có thể tràn ra ngoài không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng tại chỗ ngã tư có một chiếc xe đậu, thắng với những con ngựa thuần thục, có roi ngựa đặt ngang sẵn sàng, có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
(Công đức của thân hành niệm)
Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười?
(1) Lạc bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên; (2) khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi được khởi lên. (3) Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng. (4) Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn Thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú. (5) Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện một thân; hiện hình biến đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm thiên; (6) với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần. (7) Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loại người; tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham, biết tâm không tham; tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân, biết tâm không sân; tâm có si, biết tâm có si; tâm không si, biết tâm không si; tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn; tâm đại hành, biết tâm đại hành; tâm không đại hành, biết tâm không đại hành; tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết tâm vô thượng; tâm Thiền định, biết tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết tâm không Thiền định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát. (8) Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. (9) Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. (10) Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc.
Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể mong đợi.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ "The Middle Length Discourses of the Buddha", Tỳ kheo Nanamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995).
10-03-2005



4. TRICH TU:
http://www.viet.net/anson/uni/u-kinh-trungbo/trung119.htm

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

19 TAM SO TINH HAO




Cac tam so tinh hao. Tong cong 19. 
Vi dieu phap
So huu tinh hao
So huu bien hanh


Dua tren Tai lieu cua Su Giac Chanh van van.
1.


1) Tín (Saddha):


Từ ngữ căn Sam: tốt, khéo + Dah: đặt xuống, để xuống, nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn vào tam bảo; đức tin trong sạch, đứng đắn. Ðặc tánh của Tín là khiến các sở hữu tâm đồng sinh trở nên trong sạch và hướng dẩn, kích thích chúng hướng đến một địa vị cao hơn. Khi có lòng tin thì các phiền não, nghi ngờ tiêu sạch. Khi có lòng tin thì có sự kích thích muốn tiến tới quả đích cao hơn. Như một người lội qua một khúc sông khó lội để những người khác tin tưởng và lội theo.


Saddha hay Tín thuộc thành phần tịnh hảo, tốt đẹp (Sobhana) nên phải có Chánh Tín: Tin Nghiệp (Kamassaddha), Tin Quả (Vipakassaddha), Tin Tư Nghiệp (Nghiệp riêng của mỗi cá nhân – Kammassakatā) và tin vào sự giác ngộ của Ðức Thế Tôn. Chú ý: Tín ở đây không phải là cuồng tín.


Vì vậy, đối tượng duy nhất của Tín phải là Tam Bảo. Nếu tin vào Tam Bảo mà tin một cách sai lầm (mê tín, cuồng tín) thì cũng không được coi là Chánh Tín, đừng nói tới tin vào những điều trái với Tam Bảo.


Vậy nếu một người không phải là Phật tử, nhưng họ tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của các bậc đạo sư thì đó không phải là chánh tín hay sao ? cụ thể hơn nếu những người theo Thiên Chúa giáo, họ tin tưởng vào lời dạy của Chúa trọn đời làm việc thiện để sau khi mản phần họ được Chúa rước về Thiên Ðàng, ngự bên cạnh chúa thì niềm tin đó có khác gì với sở hữu Tín trong tâm thiện tịnh hảo đâu ?.


Câu trả lời chắc chắn là không giống, bộ Māhāpatthāna có giải thích: bố thí, trì giới với lòng tham ái, mong tạo các việc thiện để được hưởng phước nhơn thiên thì gọi là "Pháp thiện trợ pháp bất thiện bằng cảnh duyên = Kusalo dhammo akusalassa dhammassa arammanapaccayena paccayo", và ở đây sẽ có câu hỏi nếu vậy người Phật tử thuần thành, khi làm việc thiện để mong cầu đạo quả Niết-Bàn thì có phải cũng là một tâm tham bất thiện hay chăng ? – không, bởi sự mong đắc chứng Niết-Bàn là mong thoát ly thú vui dục lạc của nhơn thiên chứ không phải là mong thụ hưởng nên không phải là tâm tham bất thiện.


- Chơn tướng của sở hữu Tín là cách tin Tam Bảo và luật nghiệp báo.


- Phận sự của sở hữu Tín là làm cho tâm tín ngưỡng.


- Sự thành tựu của sở hữu Tín là làm tâm không bị nhơ bẩn vì mê tín.


- Nhân cần thiết của sở hữu Tín là Tam Bảo.


2.


2) Niệm (Sati):


Từ ngữ căn Sar: nhớ đến. Nhớ đến ở đây không phải là sự hồi tưởng lại hay trí nhớ mà là sự tỉnh thức, nhận thức rõ ràng những hành vi, động niệm của mình trong thời điểm hiện tại, đối tượng của Sở Hữu Niệm là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Sati nếu khéo luyện tập sẽ đưa đến Túc Mạng Minh. Ðặc tánh của Niệm là gìn giữ không cho các ác pháp sinh khởi, gìn giữ không cho các thiện pháp bị bỏ quên và để các thiện pháp luôn luôn có mặt. Niệm như người lính gát cửa, chỉ cho những người tốt đi vào còn những người xấu thì chặn lại.


- Chơn tướng của sở hữu Niệm là cách tỉnh thức, không sơ ý.


- Phận sự của sở hữu Niệm là ghi nhớ, làm cho không quên.


- Sự thành tựu của sở hữu Niệm là trau dồi tâm khắn khít với cảnh.


- Nhân cần thiết của sở hữu Niệm là biết vững chắc.


3.


3) Tàm (Hiri):


Là hổ thẹn, không thể làm chuyện tội lỗi. Tàm là sự hổ thẹn đối với lương tâm của chính mình. Một người có lòng Tàm sẽ thối lui trước các pháp bất thiện như không dám rờ tay vào những vật dơ bẩn.


- Chơn tướng của sở hữu Tàm là cách hổ thẹn tội lỗi.


- Phận sự của sở hữu Tàm là không làm chuyện tội lỗi.


- Sự thành tựu của sở hữu Tàm là cách lui sụt trước ác pháp.


- Nhân cần thiết của sở hữu Tàm là biết tự trọng.


4.


4) Úy (Ottappa):


Là ghê sợ tội lỗi xấu xa. Từ ngữ căn Na + ava + tapp: bị đau khổ, bứt rứt. Otappa là sự sợ hải khi làm điều ác, sợ kết quả của các điều ác. Người có tâm Úy sẽ thấy sợ hải trước ác pháp như không dám đặt tay vào lửa, biết tự hối khi có sự chỉ trích của người khác.


- Chơn tướng của sở hữu Úy là cách ghê sợ tội lỗi (hổ thẹn).


- Phận sự của sở hữu Úy là không làm chuyện tội lỗi.


- Sự thành tựu của sở hữu Úy là cách lui sụt trước ác pháp.


- Nhân cần thiết của sở hữu Úy là sợ người cười chê và sợ hậu quả của ác pháp.


Tàm và Úy thường đi đôi với nhau, Tàm dựa trên lòng hổ thẹn, Úy dựa trên lòng sợ hải, đó là hai yếu tố cần thiết trong các thiện tâm


5.


5) Vô Tham (Alobha):


Là không ham muốn ngủ dục, không luyến ái ngủ trần, không dính mắc đối tượng như lá sen không lưu nước sau một đám mưa. Vô Tham còn hàm nghĩa bố thí (Dāna), một thái độ vị tha tích cực.


- Chơn tướng của sở hữu Vô Tham là không đắm nhiểm trong ngũ dục.


- Phận sự của sở hữu Vô Tham là không chấp trước.


- Sự thành tựu của sở hữu Vô Tham là không nhiểm đắm trước cảnh ưa thích.


- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Tham là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
6.


6) Vô Sân (Adosa):


Vô Sân đồng nghĩa với tâm Từ (Mettā). Ðặc tánh của Vô Sân là sự vắng mặt của hờn giận, bất bình, thù oán; làm cho các Danh Pháp đồng sanh được êm dịu, mát mẽ.


- Chơn tướng của sở hữu Vô Sân là không độc ác.


- Phận sự của sở hữu Vô Sân là tránh xa sự sát hại.


- Sự thành tựu của sở hữu Vô Sân là sự mát mẽ.


- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Sân là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
7.


7) Hành Xã (Tatra Majjhattatā):


Là trung tánh, vô tư đối với các pháp tương ưng. Ðặc tánh của sở hữu Hành Xã là vô tư, không thiên lệch như người đánh xe điều khiển cặp song mả một cách đồng đẳng. Ðôi khi Hành Xã còn đồng nghĩa với Xã (Uppekkhā) trong Tứ Vô Lượng tâm. Hành Xã cũng có thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā) trong các tâm thiện nhưng không thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā) trong các tâm bất thiện và tâm vô nhân.


- Chơn tướng của sở hữu Hành Xã là dung hòa các pháp đồng sanh cho bằng nhau.


- Phận sự của sở hữu Hành Xã là làm cho các pháp đồng khởi không thái quá cũng không bất cập.


- Sự thành tựu của sở hữu Hành Xã là tâm vô tư đối với cảnh.


- Nhân cần thiết của sở hữu Hành Xã là phải có các pháp tương ưng.
8.


8) Tịnh Thân và Tịnh Tâm (Kāyapassaddhi – Cittapassaddhi):


Từ ngữ căn Pa + sambh: an tịnh. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ hay làm dịu xuống sự nóng bỏng của vật dục phiền não (Kilesadaratha – vūpasaṃ), cũng như bóng mát của cây đối với người đang bị mặt trời thiêu đốt. Tịnh (Passaddhi) phản nghĩa với Phóng Dật (Uddhacca). Kāya: Thân, ở đây không phải nói về cơ thể mà ám chỉ một tổng hợp các sở hữu tâm. Citta chỉ cho tâm.


- Chơn tướng của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là sự an tịnh, lìa xa sự sôi nổi (phiền não) của tâm và các sở hữu tâm.


- Phận sự của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là làm êm dịu sự sôi nổi.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm êm dịu, mát mẻ đối với cảnh.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
9.


9) Khinh Thân và Khinh Tâm (Kāyalahutā – Cittalahutā):


Từ ngữ căn Laghu: nhẹ, mau. Ðặc tánh của hai tâm sở này là diệt trừ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm giống như một người đặt một gánh nặng xuống. Khinh (Lahutā) đối trị với Hôn Trầm (Thīna) và Thụy Miên (Middha).


- Chơn tướng của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là cách lìa bỏ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.


- Phận sự của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là phá sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm được nhẹ nhàng.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
10.


10) Nhu Thân và Nhu Tâm (Kāyamuditā – Cittamuditā):


Là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự thô cứng và chống đối. Như một miếng da thô cứng sau khi được thoa dầu hay ngâm nước sẽ trở nên nhu nhuyến (mềm dịu). Nhu (Muditā) đối trị với Tà Kiến (Diṭṭhā) và Ngã Mạn (Māna).


- Chơn tướng của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm.


- Phận sự của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là hạn chế sự thô cứng của tâm và các sở hữu tâm.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm bắt cảnh dể dàng.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
11.


11) Thích Thân và Thích Tâm (Kāyakammaññatā – Cittakammaññatā):


Từ ngữ căn Kamma + Tā: thích ứng. Thích hợp với mọi hoàn cảnh. Như một cục sắt bị nung đỏ có thể làm thành bất cứ vật gì.


- Chơn tướng của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là cách lìa sự không thích hợp với công việc.


- Phận sự của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là diệt sự cứng ngắt của tâm và các sở hữu tâm.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và sở hữu tâm khi tiếp thâu đối tượng.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
12.


12) Thuần Thân và Thuần Tâm (Kāyapaguññatā – Cittapaguññatā):


Là sự tinh luyện thông thạo hay thuần thục của tâm và sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự đình trệ (bệnh hoạn) của tâm và sở hữu tâm. Như một người thợ rành nghề có thể làm được tất cả các công việc trong lảnh vực nghề nghiệp của mình.


- Chơn tướng của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là sự không đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.


- Phận sự của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là diệt trừ sự đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là cách xa lìa lỗi lầm.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và các sở hữu tâm.
13.


13) Chánh Thân và Chánh Tâm (Kāyujjukatā – Cittujjukatā):


Là sự chánh trực của tâm và sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu này là đối trị với sự quanh co tà vạy của tâm và các sở hữu đồng sanh để chúng trở thành chơn chánh. Như kim chỉ nam giúp người khách lữ hành khỏi lạc hướng.


- Chơn tướng của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là cách chơn chánh, ngay thẳng.


- Phận sự của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là đối trị sự tà vạy.


- Sự thành tựu của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là được chơn chánh không tà vạy.


- Nhân cần thiết của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.

Buon thuoc ve tam so nao?










TÂM SỞ (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo


Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 18


SÂN, ÁC CẢM (Dosa)


Dosa, sân hay ác cảm, là một sở hữu tâm khác nữa. Khi tâm không thích một đối tượng nào đó nó cảm nhận lập tức sân hay ác cảm xuất hiện. Khi có sân xuất hiện, cảm giác đi kèm với tâm luôn luôn là thọ ưu. Chúng ta không thích thọ ưu và chúng ta muốn loại bỏ những thọ ưu đó. Tuy nhiên chỉ khi nào tâm căn sân có đầy đủ duyên hệ thì nó mới xuất hiện mà thôi. Chúng ta cố gắng trừ khử thọ ưu là bởi vì chúng ta chấp thủ với thọ hỷ; chúng ta thực sự mù tịt về nguyên nhân cững như những thất lợi do điều bất thiện gây ra.


Chúng ta nên nghiên cứu những yếu tố chi phối tâm căn sân. Kinh Phật và các bản chú giải cho chúng ta thấy sân gồm nhiều khía cạnh khác nhau và nếu chúng ta nghiên cứu những khía cạnh này, chúng ta có thể hiểu rõ những thất lợi và nguy cơ sân gây ra. Chánh kiến sẽ nhận ra những nguy cơ do điều bất thiện gây ra cũng chi phối các điều thiện nữa. Tốt hơn là nên am hiểu rõ ràng (có chánh kiến) về sân hơn là chỉ cố gắng trừ khử mà không có bất kỳ hiểu biết gì về sân cả.


Hình như luôn có muôn vàn lý nguyên nhân tạo ra ác cảm (sân) và hình như những nguyên nhân đó lúc nào cũng từ bên ngoài chúng ta như nơi những hành vi của người khác hay những biến cố bất hạnh xảy ra. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự lại xuất hiện chính bên trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta đã tích lũy quá nhiều sân, còn sân thì lúc nào cũng tìm ra được đối tượng cho mình. Chúng ta quá chấp thủ với những cảnh tốt và khi ta không cảm nhận được những cảnh tốt đó nữa thì buộc sân phải trổi dậy. Khi sân đã trổi dậy, ta sẽ thấy tham chi phối sân phải rất mạnh.


Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, cuốn I phần IX chương III, 257) đã định nghĩa sân như sau:


Nổi cơn thịnh nộ hoặc trở nên cáu kỉnh là trạng thái của sân, giống như con rắn bị đập; lao mình lên hoặc quằn quại như thể bị thấm độc là phận sự của sân; hoặc giả thiêu rụi điều gì sân lệ thuộc[116], giống như vụ cháy rừng; sân thành tựu cách xúc phạm hoặc gây tổn hại, giống hệt kẻ thù nắm bắt được cơ hội; nguyên nhân sâu xa là nắm được những cơ sở gây phật ý người khác, giống như nước tiểu trộn lẫn với thuốc độc.


Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 171) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự về sân[117]. Chúng ta đọc thấy trạng thái của sân là nổi cơn lôi đình, giống như con rắn bị đập. Khi con rắn đã bị đánh nó trở nên hung dữ và bắt đầu tấn công. Sân cũng rất hung hãn, giống như con rắn đã bị đập. Phận sự của sân chính là tự tỏa ra và quằn quại giống như khi nọc độc đã có tác dụng. Khi độc đã có tác dụng liền ảnh hưởng đến toàn cơ thể và gây ra đau đớn. Sân cũng giống như một hậu quả xấu như thế, gây thiệt hại. Phận sự của sân được sánh với một vụ cháy rừng thiêu rụi toàn bộ những gì nhờ vào đó mà sống. Sân cũng gây hại giống như vụ cháy rừng thiêu rụi hết cây cối. Nguyên nhân sâu xa của sân là “những cơ sở gây phiền toái, giống như nước tiểu hòa chung với thuốc độc”. Chẳng ai thích cái hỗn hợp nước tiểu trộn lẫn với thuốc độc đó, cho dù ở Ấn Độ người ta dùng nước tiểu để chữa bệnh. Nghiên cứu kỹ lưỡng nguyên nhân sâu xa sân hiện là điều hết sức ích lợi, nhất là những “nguyên nhân gây phiền toái”. Sân thường xuất hiện do điều người khác đang thực hiện hay đang nói với chúng ta hoặc với người nào đó. Ngay cả việc làm tốt ta đang thực hiện cho ai đó cũng có thể là lý do gây phiền toái nếu chúng ta không ưa gì người đó. Chúng ta đọc thấy trong Sách Phân Tích (Book of Analysis chương 17 § 960) về chín lý do tạo ra sân như sau:


Về mặt này, “đâu là chín cơ sở gây phiền toái?” “Hắn đã làm hại tôi”, thế là phiền toái xuất hiện; “Hắn ấy đang hại tôi”, thế là phiền toái xuất hiện; “Hắn sẽ hại tôi” như thế phiền toái xảy ra. “Hắn đã hại tôi...hắn đang hại tôi... hắn sẽ hại người tôi hằng yêu mến” như thế phiền toái đã xuất hiện.” Hắn đã làm điều tốt.... hắn đang làm điều tốt... hắn sẽ làm điều tốt cho người tôi không yêu mến”. Và như vậy phiền toái xuất hiện, đây là chín cơ sở gây phiền toái.


Sân xuất hiện với hai loại tâm, trong đó một số là “tâm vô trợ” (Asankharika) và số khác là “tâm hữu trợ” (Sasankharika)[118]. Sân lại có nhiều mức độ khác nhau. Sân có thể chỉ là một ác cảm nhẹ nhàng hay mạnh hơn một chút, xuất hiện như là một trạng thái buồn sầu ủ rũ, bực tức, cáu kỉnh, tức giận hay căm ghét. Khi sân mạnh hơn chúng ta có thể nói ra những lời thô bỉ, hay quăng quật đồ đạc trong nhà. Chúng ta cảm thấy thất vọng và đi đến chỗ tự tử, có thể đánh người khác, và ngay cả giết người nữa. Khi chúng ta nghe thấy án mạng giết người do sân, chúng ta kinh ngạc không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra. Khi sân xảy ra với cường độ mạnh mẽ có thể dẫn tới nghiệp bất thiện. Chúng ta không hề nghĩ đến chính ta đã phạm phải. Sân mạnh hơn còn thôi thúc ta phạm cả tội ác vô gián nghiệp (Anantarika kamma) tức là “tội ác ghê tởm” làm phát sinh tái sanh khổ cảnh ngay sau khi cuộc sống chúng ta đã phạm tội ác kết thúc. Chúng ta đọc thấy năm loại tội ác vô gián nghiệp trong Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn 5, chương 13 §9, những phiền muộn) như sau:


Này chư Tỳ-khưu, có năm loại người phải hư mất nơi địa ngục do phạm phải năm điều phiền não, vô phương cứu chữa. Năm loại người đó là ai vậy?


Một là người giết mẹ; hai là người giết cha, ba là người giết một vị A-la-hán; với ác ý, rồi gây đổ máu cho đức Như Lai; tạo chia rẽ trong cộng đoàn Tăng già.


Đây là năm quả tội ác đáng phải hư mất nơi tầng địa ngục, đối với ai gây ra tội ác trên và đã trở thành vô phương cứu chữa.


Chúng ta nên nhớ rằng sân ở bất kỳ mức độ nào cũng đều nguy hiểm cả. Ngay cả ở mức độ nhẹ hơn cũng vậy. Nếu chúng ta không tu luyện chánh kiến, sân sẽ tích luỹ trong ta ngày càng nhiều hơn không biết chừng. Chính vì thế, nghiên cứu kỹ lưỡng từng loại sân đem lại nhiều ích lợi cho ta.


Sân có thể thúc đẩy nghiệp đạo bất thiện qua thân, khẩu và cả trong ý nữa. Sân thôi thúc nghiệp đạo bất thiện qua thân xác chính là “sát sanh”. Còn đối với với trộm cắp có thể do tham hay sân thôi thúc mà ra. Chính vì sân thôi thúc mà chúng ta muốn làm hại đến người khác. Tham và sân thôi thúc tới ba trong số bốn nghiệp đạo bất thiện qua khẩu, cụ thể là nói láo, vu khống và những chuyện không đâu. Khi chúng ta muốn hại người khác thì cũng do sân thôi thúc mà thôi. Sân còn thôi thúc cả nghiệp đạo bất thiện qua những lời nói thô lỗ. Sân lại thôi thúc nghiệp đạo bất thiện qua ý đó chính là ác ý, tức là ý định muốn hại người khác. Nghiệp bất thiện có thể gây ra đau buồn ngay trên đời này và cả ở đời sau nữa. Người phạm phải nghiệp bất thiện sẽ phải sợ hãi vì quả của nghiệp người đó gây ra và những người như vậy không hề có bình an trong tâm hồn. Sân gây tác hại cho cả thân xác và tâm hồn. Vì sân mà dáng vẻ bề ngoài chúng ta trở nên xấu xí; mặt mũi đỏ gay, nét mặt khó chịu và miệng chúng ta cụp xuống trông rất thảm hại. Chúng ta nên nhớ rằng tỏ ra cho người khác thấy bộ mặt khó chịu của mình thật không thận trọng chút và có thể tạo ra cho họ mất kiên nhẫn thay vì ác cảm. Sân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, sân có thể làm ta mất ngủ, mất bạn bè, mất danh giá, mất luôn thành công trong làm ăn và mất cả tài sản nữa và sau khi cuộc sống trên đời này kết thúc chúng ta lại phải tái sanh khổ cảnh do sân mà ra.


Rất có thể chúng ta không có sân trầm trọng đến mức độ phạm phải nghiệp đạo bất thiện. Nhưng ngay cả khi sân ở một mức độ nhẹ nhàng hơn cũng có thể gây khó chịu trong hành động và lời nói. Trước khi nhận ra sân thì chúng ta đã dễ dàng thốt ra những lời nói lỗ mãng cục cằn xúc phạm đến người khác. Khi sân xuất hiện ngay cả ở mức độ gây phiền toái nhẹ nhàng thôi, thì không thể có tình thương mến, hoặc thiếu cân nhắc trước tình cảm đối với người khác. Thí dụ, có những vị khách bất ngờ đến nhà ta, trong lúc chúng ta không muốn bị quấy rầy, chúng ta cảm thấy khó chịu. Trong những lúc như vậy thái độ của ta rất khắt khe và chúng ta không thể thích nghi được với hoàn cảnh mới với tình thương mến và lòng mến khách. Book of Analysis (Chương 17, § 833) đưa ra một lời nhắc nhở ngắn ngủi nhưng rất hiệu quả trong một đoạn nhằm tóm tắt lại cả hai tình huống đó.


Thiếu vắng tính dịu dàng và tính mến khách.


Lời khẳng định trên như là một lời nhắc nhở phải cẩn thận với những tình huống trong cuộc sống đời thường. Thật sự thì lòng không mến khách thường đi đôi với thiếu tính dịu dàng tế nhị và kèm với tính khắt khe. Tuy nhiên, thoạt tiên cho dù ta có ác cảm khi bị người khách bất đắc dĩ quấy rầy, thì chánh kiến có thể làm thay đổi thái độ ngay. Chúng ta có thể nhận ra điểm thất lợi nếu không tỏ ra ân cần đối với vị khách, và thiếu tế nhị và dịu dàng. Thế rồi chúng ta có thể đón tiếp khách của chúng ta với tình thương mến, và chính chúng ta sẽ nhận ra không còn có thái độ cứng cỏi và lỗ mãng xảy ra nữa thay vào đó là tính dễ mến và mềm mại trong lòng.


Sân đôi khi cũng xuất hiện dưới hình thức lo sợ. Khi sợ hãi chúng ta không thích thú trước cảnh vật chúng ta cảm nhận. Sợ hãi gây hại cho cả thân và tâm. Chúng ta có thể sợ người khác, sợ trước một tình huống nào đó, sợ bệnh tật, sợ tuổi già và cả thần chết nữa. Cho đến khi nào chúng ta chưa tận diệt được sân thì sân sẽ luôn tìm ra đối tượng.


Chúng ta thường tích lũy sân bằng nhiều cách khác nhau: có người ác cảm ở một tình huống nào đó, trong khi đó người khác thì không. Sân không chỉ xuất hịên do duyên hệ người những gì người ta thực hiện hay không thực hiện điều gì đó, sân còn xuất hiện với bất kỳ đối tượng nào cảm nghiệm được qua một trong số sáu “môn”. Chúng ta tỏ ra cáu kỉnh vì trời mưa, trời nắng hay bão tố. Chúng ta đọc thấy trong Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, cuốn II, phần II, chương II, 367).


... “hoặc giả khi điều phật ý nổi lên (không có cơ sở)” nghĩa là bực tức vô căn cứ. Thí dụ một vị Tỳ-khưu nào đó nổi cáu lên nói rằng: “mưa gì mà nhiều thế”, “chẳng mưa gì hết”, “trời nắng dữ dội thế” “trời chẳng nắng gì cả”; vị Tỳ-khưu ấy bực tức khi gió thổi mạnh, bực tức vì không quét được lá bồ đề, không thể mặc được áo cà sa, vị Tỳ-khưu đó bực tức với gió, không được tinh táo vị Tỳ-khưu đó bực tức với ngay một gốc cây.


Đức Phật so sánh những người dễ dàng bực tức với một ung nhọt, chỉ cần đụng nhẹ tới ung nhọt ta đã cảm thấy rất đau. Thật hôi hám và khó chịu phải chứng kiến cái cảnh đó. Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn III, chương III § 25, ung nhọt):


Này chư Tỳ-khưu, thế loại người nào tâm họ được vì như một ung nhọt đây? Theo tài liệu này thì hạng người tỏ ra dễ cáu kỉnh và náo loạn cả lên. Khi nói với họ bất kỳ điều gì, cho dù rất tầm thường, họ đã nổi nóng lên, họ rất dễ bực tức và hay sinh sự, họ rất dễ phẫn nộ và để lộ ra bực tức, hận thù,và hờn giận. Giống như một ung nhọt, chỉ cần lấy cây hoạc một thứ gì gì đó đụng nhẹ vào đủ làm chảy ra đủ thứ máu mủ ra. Ngay cả như vậy, ôi! này chư Tỳ-khưu, khi người nào đó để lộ ra bực tức, hận thù và hờn dỗi. Người như vậy được gọi là “người có lòng giống như một ung nhọt.” ...


Thế rồi Đức Phật lại nói về người có “tấm lòng trong sáng”, là người đã nhận ra được Tứ diệu đế, nhưng vẫn chưa đạt đến bậc A-la-hán, rồi người có tấm lòng “sáng như kim cương” tức là vị thánh A-la-hán. Giống như kim cương có thể cắt mọi thứ, ngay cả đá quí hay cục đá cứng, ngay cả như vậy vị A-la-hán cắt đứt, phá hủy hết các “lậu hoặc” (Asavas)[119].


Cho đến khi nào chúng ta quá chấp thủ với “những pháp thế gian” (Loka-dhammas) như lợi lộc, danh vọng, lời tán dương và hạnh phúc, buộc phải có sân xuất hiện mỗi khi những điều đó thay đổi. Tất cả thứ đó thay đổi liên tục. Nhưng chúng ta cố ý quên đi điều này là vạn vật chỉ là “vô thường” mà thôi. Khi ta mất hết tài sản, khi ta không nhận được danh dự, khi ta bị chê bai khiển trách hoặc khi chúng phải đau khổ, thì ác cảm và buồn bã nổi lên trong ta. Chánh kiến về một pháp, nghiệp chướng và dị thục hay quả báo có thể giúp chúng ta có thái độ quân bình hơn trước những điều sảng khoái cũng như khó chịu xảy đến với chúng ta. Khi các căn chúng ta cảm nhận được những cảnh khó chịu do nghiệp bất thiện tạo ra, do những hành động bất thiện chúng ta đã phạm phải và chẳng có người nào tránh được dị thục hay quả báo bất thiện ngay khi có thời cơ thuận tiện để dị thục đó xuất hiện. Khi chúng ta hiểu ra rằng ác cảm đối với dị thục hay quả báo bất thiện không lợi lộc gì, lúc đó ta mới tập trung như lý tác ý thay vì phi như lý tác ý vào những đối tượng ta cảm nghiệm được. Tất cả có thể sẽ xuất hiện trí tuệ sáng suốt về những pháp đó, nhưng sự am hiểu như vậy không thể tận diệt được sân cũng như những phiền não khác. Chỉ có chánh kiến được tu luyện nơi thiền quán mới có thể tận diệt được chúng mà thôi.


Sân có thể bị tạm thời loại bỏ do việc tu luyện tĩnh. Khi chúng ta nhận ra những bất lợi vì chấp thủ với những cảnh dục và khi chúng ta đã có nhiều tích lũy để phát triển tĩnh đạt đến mức độ thiền, tạm thời chúng ta có thể rời khỏi các căn. Các tâm thiện sắc giới có thể tạo ra quả dưới dạng tái sanh nơi cõi Phạm thiên sắc giới và các tâm vô sắc giới thiện lại thể tạo ra quả dưới dạng tái sanh nơi các cõi Phạm thiên vô sắc. Cho dù tham và si có xuất hiện nơi các cõi này[120] là nơi không còn duyên hệ gì để cho sân xuất hiện được nữa. Tuy nhiên, sân vẫn xuất hiện khi có tái sanh nơi cõi dục giới. Như chúng ta đã thấy, thủ chấp với những cảnh trần lại chi phối sân. Chỉ khi nào đạt đến giai đoạn quả thánh A-na-hàm thì sân mới bị tận diệt hoàn toàn. Quả thánh A-na-hàm không chấp thủ với các cảnh dục và như vậy không thể chi phối được sân.


Chỉ khi nào chúng ta tu luyện chánh kiến về pháp thực tại, thì cuối cùng sân mới bị tận diệt. Chánh kiến nhận ra sân như là một thực tại hiện hữu đích thực như là pháp Hành, pháp hữu vi và vô ngã. Thông qua chánh niệm về sân trạng thái của nó mới được nhận ra. Chúng ta tin rằng rất dễ nhận ra sân nhưng chúng ta thường nghĩ đến sân như là một khái niệm “Sân” hay là “ác cảm” và như vậy ta không thể nhận ra được trạng thái của nó. Chúng ta vẫn còn coi điều đó như là “Sân của tôi” thay vì nhận ra sân chỉ là một loại danh pháp xuất hiện là do đạt được những duyên hệ thích hợp.


Rất có thể xảy ra là chúng ta có nhiều ác cảm đối với ác cảm của chúng ta, cũng như đối với thọ ưu đi kèm với ác cảm đó đến nỗi tin rằng chúng ta không thể chánh niệm được pháp vào ngay sát-na này. Trên nguyên tắc chúng ta chánh niệm được bất kỳ pháp nào xuất hiện, những duyên hệ cần thiết cho chánh niệm xuất hiện, ngay cả khi chúng ta không thấy có chút “hứng thú” nào cả.


Hình như chúng ta không có hận thù hoặc tức giận, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta đã tận diệt hết sân. Cho đến khi nào vẫn còn khuynh hướng sân tiềm tàng, dứt khoát sân sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào. Chúng ta đọc thấy trong kinh Trung Bộ Kinh (Middle Length Sayings I số 21 dụ ngôn cái cưa) viết về Videhika, một Tỳ-khưu Ni rất điềm tĩnh cho đến khi sân không có cơ hội để xuất hiện. Hình như Tỳ-khưu Ni không còn sân. Tỳ-khưu Ni đã nổi tiếng khắp vùng, dịu dàng, khiêm tốn và điềm tĩnh. Người tớ gái Kali muốn thử Tỳ-khưu Ni xem sao và mỗi ngày nàng đã đến làm việc trễ. Chính vì vậy Tỳ-khưu Ni Videhika mất kiên nhẫn: Tỳ-khưu Ni dùng cây chốt cửa đánh vào đầu Kali. Sự việc xảy ra như vậy khiến Tỳ-khưu Ni mang tiếng xấu. Chúng ta đọc thấy Đức Phật dạy với Tỳ-khưu của ngài như sau:


Ngay cả điều đó đã xảy ra như vậy. Này chư Tỳ-khưu, một số vị Tỳ-khưu ở đây vẫn rất dịu dàng, khiêm tốn và điềm tĩnh, họ chẳng bao giờ có lời lẽ gây phiền hà với nhau. Nhưng khi trái ý nổi lên thì lúc đó vị Tỳ-khưu mới được coi như là dịu dàng, khiên tốn, và điềm tĩnh....


Đức Phật đã động viên Tỳ-khưu là hãy có “lòng thân thiện” ngay cả khi người khác nói với họ bằng những lời lẽ khó chịu. Ngay cả nếu như những tên trộm đê tiện đập đánh họ túi bụi xẻ thịt phanh thây họ ra từng mảnh.


Những ai đã tận diệt được sân, những vị quả thánh A-na-hàm và bậc thánh A-la-hán không bao giờ còn giận dữ hoặc có chút khó chịu. Ngay trong những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi và ngay cả phải chịu đau ốm bệnh tật.


Khi bị đau đớn hoặc ốm đau chúng ta thường hay ác cảm, khi có cảnh xúc khó chịu ảnh hưởng đến thân căn và thân thức của ta đi kèm là các thọ khổ. Thân thức là tâm quả trong trường hợp này thân thức là quả của nghiệp bất thiện. Ngay sau đó trong qui trình tâm căn sân thì tâm cũng xuất hiện và cảm nhận được đối tượng đó với ác cảm. Hầu như không thể tránh khỏi là ác cảm xuất hiện ngay sau thân thức cảm nghiệm được cảnh xúc khó chịu đó cùng với ác cảm. Để có chánh kiến về những pháp khác nhau xảy ra. Cần thiết phải tu luyện chánh niệm danh pháp và sắc pháp. Có nhiều loại danh pháp và sắc pháp khác nhau khi chúng ta bị đau khổ và khi chúng ta có sân hận về đau khổ và chúng có thể là cảnh của chánh niệm. Chánh kiến về danh pháp và sắc pháp sẽ giúp chúng ta chịu đựng đau khổ nhiều hơn và kiên nhẫn trong cơn bệnh hoạn. Nếu chúng ta bắt đầu tu luyện chánh kiến về pháp ngay vào lúc này, chúng ta sẽ tích luỹ được những duyên hệ giúp cho pháp xuất hiện khi chúng ta đau ốm hoặc khi chúng sắp phải ra đi về cõi vĩnh hằng.






Câu hỏi:
Loại bỏ thọ ưu có luôn thực hiện được bằng tâm thiện hay không?
Nguyên nhân sâu xa của sân (dosa) là gì ?
Khi có những “duyên hệ khó chịu ngoài đời” ta thường hay bực tức. Bằng cách nào chánh kiến về nghiệp chướng và quả báo giúp ta có được tâm thiện thay vì sân hận?
Tại sao nơi cõi Phạm thiên sắc giới và nơi cõi Phạm thiên vô sắc giới lại không còn sân (dosa)?
Tại sao ta không tận diệt được sân mà không phải tu luyện chánh kiến về danh pháp và sắc pháp? tại sao ta không thể tận diệt được chỉ bằng tu luyện lòng nhân ái?
Khi chúng ta ốm đau và khi ta sắp đi về cõi vĩnh hằng, điều gì ích lợi nhất có thể thực hiện để thắng được sân? Chúng ta nên làm gì nếu như sân lại nổi lên trong những tình huống đó?
[116] Vật, như là ý vật. Sắc pháp (Rupa) chính là ý vật của tất cả các tâm khác với ý hay thần kinh nhĩ... điều này được gọi là ý vật (Heart-base) xin xem Vi Diệu Pháp trong cuộc sống đời thường, chương 17 (Abhidhamma in the daily life chapter 17).


[117] So sánh với Pháp tụ (Dhammasangani) § 418.


[118] Xem Vi Diệu Pháp trong đời thường (Abhidhamma in the daily life) chương 8.


[119] “Các chất gây nghiện” tức một nhóm phiền não.


[120] Trừ nơi cõi Phạm thiên sắc giới là cõi chúng sanh vô tưởng (Asanna-satta) tức cõi thuộc các “Sinh vật vô thức.” Là nơi chỉ có sắc pháp mà thôi.

Các cư sĩ nữa cũng có thể học pháp và thuyết pháp



Không chỉ có các vị Tỳ khưu mà còn có các cư sĩ nữa cũng có thể học pháp và thuyết pháp. Chúng ta xem trong Kinh Ðại Níết bàn (chương III, 112,113):


Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ànanda về ác Ma, Ngài dạy, sau khi Như Lai giác ngộ, ác ma cung thỉnh Như Lai giờ này đã hợp thời, Ngài nên nhập Níết bàn:


Này Ànanda, khi được nói vậy, ta nói với ác ma:- " Này ác ma ta sẽ không diệt độ cho đến khi nào không chỉ có Tỳ khưu và Tỳ khưu ni mà còn có nam và nữ cư sĩ trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỹ luật, sẳn sàng, đa văn, duy trì chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh theo chánh pháp- sau khi học hỏi giáo lý, họ có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng chánh pháp - khi có tà đạo khởi lên, có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá chánh pháp một cách thần diệu! Ta sẽ không diệt độ khi nào phạm hạnh mà ta giảng dạy chưa được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn - nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài người!
--
http://www.quangduc.com/luan/30vidieuphap19.html

KINH KALAMA/ 65.- Các Vị Ở Kesaputta


1. GIOI THIEU:

Đọc Kinh này tôi tâm đắc với câu sau đây:

- Này các người Kâlâma, vị Thánh Thanh văn nào ly tham sân si, giác tỉnh, chánh niệm, với tâm Từ Bi Hỷ Xả (3) tỏa khắp một phương và an trú. Cũng như vậy phương thứ hai, phương thứ ba và phương thứ tư. Cũng như vậy tỏa khắp vũ trụ bên trên, phía dưới, bề ngang, mọi hướng, mọi nơi; vị ấy an trú với tâm Từ Bi Hỷ Xả (4) rộng rãi, to lớn, không giới hạn, hết sạch giận dữ.


2. NOI DUNG:


1. Phật giảng cho người Kamala biết làm sao biết điều gì đúng pháp, điều gì sai.


3. CHANH KINH:


65.- Các Vị Ở Kesaputta


1-17
1.- Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến Kesaputta, thị trấn của các người Kàlàmà.
Các người Kàlàmà ở Kesaputta được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca đã đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: Ngài là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi tự thực chứng, Ngài đã giảng dạy chư thiên và loài người, hàng tu sĩ và cư sĩ, vua chúa cùng thường dân, Ngài đã giảng Pháp cao diệu từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối; Ngài đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiết và rõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy".


2.- Rồi các người Kàlàmà ở Kesaputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kàlàmà ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
- Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?"


3. - Ðương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Ðương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!


4. Các Ông nghĩ thế nào, này Kàlàmà! Lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có tham, này các Kàlàmà, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.


5. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có sân, này các Kàlàmà, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn..


6. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có si, này các Kàlàmà, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.


7. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
- Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Hay ở đây, là như thế nào?
- Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ, ở đây, đối với chúng con là vậy.


8. - Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: "Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.".
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Ðiều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.


9. Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!


10. Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không tham, này các Kàlàmà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.


11. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không sân, này các Kàlàmà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.


12. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không si, này các Kàlàmà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.


13. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là thiện, bạch Thế Tôn.
- Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?
- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?
- Ðược người trí tán thán, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay ở đây, là như thế nào?
- Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.


14. - Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú! Ðiều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.


15. - Này các Kàlàmà, vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Từ biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.
Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Từ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.
Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Bi biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.
Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Bi, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.
Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Hỷ biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.
Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Hỷ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.
Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Xả biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.
Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.


16. Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, không sân như vậy, không uế nhiễm như vậy, thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy đạt được bốn sự an ổn:
i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên cõi thiện, cõi trời, cõi đời này"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
iii) "Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được"; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
iv) "Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh"; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.
Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị có được bốn an ổn này.


17. - Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị có được bốn an ổn:
"Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
"Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
"Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được"; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
"Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh"; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.
Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị có được bốn an ổn này.


Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Chúng con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
_ _
http://www.viet.net/anson//uni/u-kinh-tangchibo/tangchi03-0507.htm
Kinh Kalama