Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

TAM GIOI/TRICH





Tam giới (zh. 三界, sa. trilokatraidhātukatrayo dhātavaḥ, pi. tisso dhātuyo, bo. khams gsum ཁམས་གསུམ་), cũng được gọi là Tam hữu (zh. 三有), là ba cõi của Vòng sinh tử, là nơi mà loài Hữu tình tái sinh trong theo hướng Lục đạo (sa. gati). Khái niệm Tam giới này có thể hiểu là Vũ trụ quan của đạo Phật. Tam giới bao gồm:
1. Dục giới (欲 界; s, p: kāmalokakāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i khams འདོད་པའི་ཁམས་), có Ái dục về giới tính và những ái dục khác.
  • Trong dục giới có những loại hữu tình sau:
Ngạ quỷ (zh. 餓鬼, sa. preta)
Địa ngục (zh. 地獄; naraka);
Loài người (人世, sa. nāra)
Súc sinh (畜生, sa. paśu)
A-tu-la (阿修羅; asura)
Sáu cõi Thiên ở cõi dục (lục dục thiên 六欲天):
Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);
Đao lợi (忉利) hay Tam thập tam thiên (三十三天, sa. trayastriṃśa);
Dạ-ma (夜摩, sa. yāmadeva) hoặc Tu-dạ-ma thiên (須夜摩天, sa. suyāma);
Đâu-suất thiên (兜率天, sa. tuṣita);
Hoá lạc thiên (化樂天, sa. nirmāṇarati);
Tha hoá tự tại thiên (他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);
2. Sắc giới (zh. 色界, sa. rūpalokarūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi dục tính, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Đây là thế giới của các thiên nhân trong cõi Thiền (sa. dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia làm nhiều cõi thiên khác nhau:
  • Sơ thiền thiên (zh. 初禪天) với ba cõi thiên sau:
Phạm thân thiên (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);
Phạm phụ thiên (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);
Đại phạm thiên (大梵天, sa. mahābrahmā).
Có hệ thống ghi thêm cõi thiên thứ tư của Sơ thiền thiên là Phạm chúng thiên (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).
  • Nhị thiền thiên (二禪天) với ba cõi sau:
Thiểu quang thiên (少光天, sa. parīttābha);
Vô lượng quang thiên (無量光天, sa. apramāṇābha);
Cực quang tịnh thiên (極光淨天, sa. abhāsvara, cựu dịch là Quang âm thiên 光音天).
  • Tam thiền thiên (三禪天) bao gồm:
Thiểu tịnh thiên (少淨天, sa. parīttaśubha);
Vô lượng tịnh thiên (無量淨天, sa. apramāṇaśubha);
Biến tịnh thiên (遍淨天, sa. śubhakṛtsna).
  • Tứ thiền thiên (四禪天) gồm có:
Vô vân thiên (無雲天, sa. anabhraka);
Phúc sinh thiên (福生天, sa. puṇyaprasava);
Quảng quả thiên (廣果天, sa. bṛhatphala);
Vô tưởng thiên (無想天, sa. asāṃjñika);
Vô phiền thiên (無煩 天, sa. avṛha);
Vô nhiệt thiên (無熱 天, sa. atapa);
Thiện kiến thiên (善見天, sa. sudarśana);
Sắc cứu kính thiên (色究竟天, sa. akaniṣṭha);
Hoà âm thiên (和音天, sa. aghaniṣṭha);
Đại tự tại thiên (大自在天, sa. mahāmaheśvara).
Có sách xếp Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu kính thiên, Hoà âm thiên dưới tên Tịnh phạm thiên (淨梵天), không thuộc về Tứ thiền thiên.
3. Vô sắc giới (無色界, sa. arūpalokaarūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་): thế giới này được tạo dựng thuần tuý bằng tâm thức và gồm Bốn xứ (sa. arūpasamādhi). Vô sắc giới gồm:
Không vô biên xứ (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);
Thức vô biên xứ (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);
Vô sở hữu xứ (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);
Phi tưởng phi phi tưởng xứ (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana)
Hành giả tu học Tứ thiền bát định có thể tái sinh vào bốn xứ này.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_gi%E1%BB%9Bi

10 DANH HIEU DUC PHAT/TRICH



TIM HIEU VE 10 DANH HIEU CUA DUC PHAT


Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo, ngay bây giờ : Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Trong xã hội con người, những cái gì đẹp, cao quí, thường được ca ngợi, hay được chiêm ngưỡng, đó là những cái mà đời hay người đời tặng riêng cho mình. Nhưng khi nhận những sự tán dương này mà Tâm không dính mắc vào những lời xưng tụng, tán thán, khen ngợi đó, thì mới chính là người đức hạnh hay bậc thánh hiền. Do đó, tuỳ theo tấm lòng cung kính của mỗi người tu Phật mà có những danh hiệu khác nhau để  tôn kính Ngài được biết như : Samôn Cồ Đàm, Đức Thế Tôn, Đấng Từ Phụ, Đấng Như Lai …
Đức Phật đã lấy cuộc đời của mình làm tâm điểm để tu tập và khai triển nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Quá trình tu chứng của Ngài đã nói lên con người có một kho tàng vô tận tiềm ẩn, có khả năng thẩm thấu nguyên nhân sinh diệt của các pháp, để từ đó vượt qua được tất cả thú vui, vật chất tạm bợ của cuộc đời. Do đó, Ngài mới khuyến khích con người khơi dậy niềm tin Phật tánh có sẵn trong mỗi người qua câu : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”.
Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo, ngay bây giờ : Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật quả thực, là Ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ, bị quên lãng, trong khả năng trí giác thẩm thấu thật tánh của các pháp nhân sinh vũ trụ, sẳn có ở mỗi người.
Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua. Thành công hay không là do chính bản thân của mình.
Khi phiền não (Kaṣāyā) được hiểu như là nguồn gốc của Tham, Sân, Si, và được coi là gốc rễ đau khổ của con người theo tinh thần Phật học. Sự hiện diện bất thiện xảy ra trong thân, khẩu, ý, thường được gắn liền với phiền não, là do các yếu tố có liên quan đến những gợi cảm mong muốn, tức giận, si mê, lo lắng bồn chồn, và nghi ngờ.
Chính vì lo sợ : Tham, Sân, Si, là những trở ngại đầu tiên cho chúng sanh mà Đức Phật không dấu diếm điều gì trong sự kinh nghiệm tu tập của mình, để đạt được sự hoàn toàn tỉnh thức. Ngài luôn nhắc nhở : Sống phải tận dụng thời giờ để tu học, để thực hiện những gì thật ý nghĩa cho Đạo như ý của mình muốn.
Đức Phật là người biết khắc phục mọi phiền não, bằng sự hàm dưỡng tu tập quán sát nội tại trong thân tâm để vượt qua những trở ngại, mang phẩm chất lợi tha toàn diện, để trở nên siêu việt, cho nên người ta mới gọi Ngài là Phật Thế Tôn hay Đức Thế Tôn. Chữ Tôn là chữ để chỉ cho bậc đáng kính trọng.
Trong ngôn ngữ Phật học, từ Bhagavan thường được dịch âm thành Bà Ca Vãn hay Bà Ca Bà. Những chữ thường thấy : Bhagavat, Bhagavan, Bhagavān, Bhagavatī, Bhagavate, Bhagavati, Bhagavatām… trong bảng biến thân từ của của Bhagavat, भगवत्, qua ba dạng : nam tính, nữ tính, trung tính, được dùng để tôn xưng Đức Phật hay những gì có liên quan đến Phật. Tất cả những từ kể trên đều phát xuất từ chữ Bhaga,भग, viết từ gốc động từ căn √ भज्  bhaj. Theo nghĩa bóng Bhaga là người khắc phục phiền não.
Trong Phật Địa Kinh Luận, quyển 1 có ghi 6 ý nghĩa của Bhagavat như sau : Tự Tại, Xí Thịnh, Đoan Nghiêm, Danh Xưng, Cát Tường, Tôn Quý.
Từ "Bhagava" cũng đã được dùng để mô tả Đức Phật trong kinh điển Pali sớm nhất. Trong Anussati (Pāli), là"Hồi ức hay chánh niệm của Đức Phật". Nó dùng để chỉ hành động của lòng sùng kính, tôn thờ, ngợi khen và suy niệm về Đức Phật qua những danh xưng dưới đây :
"Itipi so Bhagava. Thật vậy, Ðức Thế Tôn có :
Araham : Ứng Cúng
Samma sambuddho : Chánh Biến Tri.
Vijja carana sampanno : Minh Hạnh Túc.
Sugato : Thiện Thệ.
Lokavidu : Thế Gian Giải.
Anuttaro : Vô Thượng Sĩ.

Purisadammasarathi : Ðiều Ngự Trượng Phu .
Sattha devamanussanam : Thiên Nhân Sư.
Buddho : Phật.
Bhagavati : Thế Tôn."
Trong Phạn ngữ, cũng có ghi những danh xưng để tôn kính Đức Phật được biết như sau :
Tathāgata : Như Lai, là người đã đến như thế hay người đã đến từ cõi Chân như.
Arhat : Ứng Cung, là người đáng được cúng dường, đáng được tôn kính.
Samyak saṃbuddha : Chính Biến Tri hay Tam miệu tam Phật đà, là người hiểu biết đúng tất cả các pháp.
Vidyā caraṇa saṃpanna : Minh Hạnh Túc, là người có đủ trí huệ và đức hạnh.
Sugata : Thiện Thệ, là người đã đi một cách tốt đẹp.
Loka vid : Thế Gian Giải, là người đã thấu hiểu thế giới.
Anuttara puruṣa : Vô Thượng Sĩ, là Đấng tối cao, không ai vượt qua.
Puruṣa damya sārathi : Điều Ngự Đại Trượng Phu, là người đã điều chế được mình và nhân loại.
Deva manuṣyānāṃ śāstṛ : Thiên Nhân Sư, là Bậc thầy của cõi người và cõi trời.
Bhagavān : Phật Thế Tôn, là Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính.
Còn tiếp
Trích trong Tinh Hoa Phật học của TS Huệ Dân,

BOC LUU/TUONG UNG CHU THIEN





[01] Chương I

Tương Ưng Chư Thiên

-ooOoo-
I. Phẩm Cây Lau
I: Bộc Lưu (S.I,1)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
II. Giải Thoát (Si.2)
... Ở Sàvatthi. Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không?
-- Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh.
-- Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?
Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt,
Các thọ diệt, tịch tịnh,
Như vậy này Hiền giả,
Ta biết sự giải thoát,
Thoát ly và viễn ly,
Cho các loại chúng sanh.
III. Ðưa Ðến Ðoạn Tận - (Tạp 36.9. Ðại 2,262b. Biệt Tạp 8.7, Ðại 2,427b). (S.i,2)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
IV. Thời Gian Trôi Qua (Biệt Tạp 8.8, Ðại 2,427b) (S.i,3)
... Nhân duyên ở (Sàvatthi ), đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
V. Bao Nhiêu Phải Cắt Ðoạn. (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Phải cắt đoạn bao nhiêu,
Phải từ bỏ bao nhiêu,
Tu tập thêm bao nhiêu,
Vượt qua bao trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo vượt bộc lưu?
(Thế Tôn):
Phải cắt đoạn đến năm,
Phải từ bỏ đến năm,
Tu tập thêm năm pháp (lực),
Vượt qua năm trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo "vượt bộc lưu".
VI. Tỉnh Giác (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Có bao pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác?
Có bao pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ?
Có bao nhiêu việc làm
Ðưa ta đến trần cấu?
Có bao nhiêu việc làm
Khiến ta được thanh tịnh?
(Thế Tôn):
Có năm pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác,
Có năm pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ.
Chính có năm việc làm
Ðưa ta đến trần cấu,
Chính có năm việc làm
Khiến ta được thanh tịnh.
VII. Không Liễu Tri (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai với các pháp,
Không liễu tri thấu suốt,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo.
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai với các pháp,
Khéo liễu tri sáng suốt,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
VIII. Mê Loạn (Tạp 22.5, Ðại 2,154b. Biệt Tạp 9.5, Ðại 2,435c) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai đối các pháp,
Quá đắm say mê loạn,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai đối các pháp,
Không đắm say mê loạn,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
IX. Mong Muốn Kiêu Mạn (Tạp 36.4, Ðại 2,261a. Biệt Tạp 8.2, Ðại 2,426a) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ðối vị ưa kiêu mạn,
Ở đây không điều phục,
Không trí tuệ sáng suốt,
Không định tĩnh nhiếp tâm,
Ðộc thân trú rừng núi,
Sống với tâm phóng dật,
Vị ấy không vượt khỏi,
Sự chi phối ma lực.
(Thế Tôn):
Từ bỏ mọi kiêu mạn,
Tâm tư khéo nhiếp định,
Với tâm khéo tư sát,
Giải thoát mọi phiền trược,
Ðộc thân trú rừng núi (giới),
Với tâm không phóng dật,
Vị ấy vượt thoát khỏi,
Sự chi phối ma lực.
X. Rừng Núi (Tạp 36.3, Ðại 2,260c. Biệt Tạp 8.1, Ðại 2,426a) (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
(Thế Tôn):
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

PHAM VE GIA





Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V - Thiên Ðại Phẩm


[48] Chương IV

Tương Ưng Căn (b)

-ooOoo-

V. Phẩm Về Già
41. I. Già (S.v,216)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây.
3) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:
-- Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời (sithilàni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
4) -- Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
5) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
-- Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập.

5. KINH KHONG CAU UE




1. GIOI THIEU

BAI KINH SO 5 NEU RA 2 DIEU VE DOI SONG XUAT GIA:

a) Sống đời sống viễn ly.
b) Tẩy sạch các cấu uế của tâm.


2. TRUNG BO KINH/ HT THICH MINH CHAU DICH
3. TOAT YEU BAI KINH TRUNG BO SO 5/ NI SU TN TRI HAI
4. BAI KINH TRUNG BO SO 5/ HT THICH CHON THIEN GIANG GIAI


2.
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

5. Kinh Không uế nhiễm
(Anangana sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở tại đây, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) gọi các Tỷ-kheo. "Chư Hiền Tỷ-kheo". --"Thưa Hiền giả", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:
-- Này chư Hiền, ở đời có bốn hạng người. Thế nào là bốn? Chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Lại nữa chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Lại nữa chư Hiền, ở đây có hạng người không có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Lại nữa, chư Hiền, ở đây, có hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế".
Chư Hiền, ở đây, hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Trong hai hạng người có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người hạ liệt. Chư Hiền, ở đây, hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Trong hai hạng người có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người ưu thắng.
Chư Hiền, ở đây, có hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Trong hai hạng người không có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người hạ liệt. Chư Hiền, ở đây, hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Trong hai hạng người không có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người ưu thắng.
Ðược nói như vậy, Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên) nói với Tôn giả Sariputta như sau:
-- Tôn giả Sariputta, do nhân gì, do duyên gì, trong hai hạng người có cấu uế này, một hạng người được gọi là hạ liệt, một hạng người được gọi là ưu thắng? Tôn giả Sariputta, do nhân gì, do duyên gì trong hai hạng người không có cấu uế này, một hạng người được gọi là hạ liệt, một hạng người được gọi là ưu thắng?
-- Ở đây, Hiền giả, hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Với người này, có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ không khởi lên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm". Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, phủ đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy không dùng đến, không lau chùi và quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian càng ô nhiễm hơn, càng đầy bụi bặm hơn.
-- Này Hiền giả, sự thật là vậy.
-- Này Hiền giả, như vậy hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Với người này, có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ không khởi lên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn nhiễm".
Ở đây, này Hiền giả, hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Với người này, có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ khởi lên ước muốn, sẽ cố gắng, sẽ tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi không còn tham, không còn sân, không còn si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm". Này Hiền giả, giống như cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, phủ đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy dùng đến, lau chùi và không quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian được thanh tịnh hơn, được sạch sẽ hơn.
-- Này Hiền giả, sự thật là vậy.
-- Này Hiền giả, như vậy hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri: "Nội thân ta có cấu uế". Với hạng người này, có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ khởi lên ước muốn, sẽ cố gắng, sẽ tinh tấn, để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi không còn tham, không còn sân, không còn si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm".
Ở đây, này Hiền giả, hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Với người này, có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ tư niệm tịnh tướng. Do tư niệm tịnh tướng, tham sẽ làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm". Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, thanh tịnh và sạch sẽ. Và người chủ cái bát ấy không dùng đến, không lau chùi và quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian, càng ô nhiễm hơn, càng bụi bặm hơn.
-- Này Hiền giả, sự thật là vậy.
-- Này Hiền giả, như vậy hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Với người này có thể chờ đợi sau: "Người này sẽ tư niệm tịnh tướng. Do tư niệm tịnh tướng, tham sẽ làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm".
Ở đây, này Hiền giả, hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Với người này có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ không tư niệm tịnh tướng. Do không tư niệm tịnh tướng, tham sẽ không làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần, trong khi không có tham, không có sân, không có si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm". Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, thanh tịnh và sạch sẽ và người chủ cái bát ấy dùng đến, lau chùi và không quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian, càng được thanh tịnh hơn, càng được sạch sẽ hơn.
-- Này Hiền giả, sự thật là vậy.
-- Này Hiền giả, như vậy hạng người không có cấu uế, và như thật tuệ tri: "Nội thân ta không có cấu uế". Với người này có thể chờ đợi như sau: "Người này sẽ không tư niệm tịnh tướng. Do không tư niệm tịnh tướng, tham sẽ không làm ô nhiễm tâm người này. Người này sẽ từ trần, không có tham, không có sân, không có si, không còn cấu uế, tâm không còn ô nhiễm".
Này Hiền giả Moggallana, do nhân này, do duyên này, trong hai người có cấu uế này, một người được gọi là hạ liệt, một người được gọi là ưu thắng. Này Hiền giả Moggallana, do nhân này, do duyên này, trong hai người không có cấu uế này, một người được gọi là hạ liệt, một người được gọi là ưu thắng.
-- Này Hiền giả, cấu uế gọi là cấu uế, danh từ gì là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế?
-- Này Hiền giả, các ác bất thiện pháp, cảnh giới của dục là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo chớ có biết về ta rằng là đã phạm giới tội". Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo có thể biết được các Tỷ-kheo ấy đã phạm giới tội. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Các Tỷ-kheo đã biết được ta đã phạm giới tội". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo hãy quở trách ta ở chỗ kín đáo, không phải ở giữa Tăng chúng". Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo quở trách Tỷ-kheo ấy ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Các Tỷ-kheo quở trách ta ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ, và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng một Tỷ-kheo đồng đẳng hãy quở trách ta, chớ không phải một vị không đồng đẳng". Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo không đồng đẳng quở trách Tỷ-kheo ấy, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo không đồng đẳng quở trách ta, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng bậc Ðạo Sư hãy hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo! Mong rằng bậc Ðạo Sư không hỏi Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo!". Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: bậc Ðạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư không hỏi Tỷ-kheo ấy nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Bậc Ðạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Bậc Ðạo Sư không hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng các Tỷ-kheo hãy để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm! Mong rằng các Tỷ-kheo không để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để Tỷ-kheo ấy đi trước trong khi vào làng để dùng cơm. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Các Tỷ-kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng tại chỗ ăn, ta được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất! Mong rằng Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất; còn Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tại chỗ ăn, ta không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng tại chỗ ăn sau khi ăn xong, ta sẽ thuyết tùy hỷ pháp, không phải Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, sẽ thuyết tùy hỷ pháp!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp; Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp. Ta tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá, còn ta không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni tụ tập tại ngôi tịnh xá,... (như trên)... ta sẽ thuyết pháp cho các Nam cư sĩ... ta sẽ thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn ta không thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta; các vị Tỷ-kheo chớ có cung kính, tôn trọng, lễ bái cúng dường một Tỷ-kheo khác!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng lễ bái, cũng dường một Tỷ-kheo khác, các Tỷ-kheo không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác chớ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng các Tỷ-kheo-ni... (như trên)... các Nam cư sĩ... (như trên)... các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta. Các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác, các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác; các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng ta nhận được các y phục tối thắng, Tỷ-kheo khác không nhận được các y phục tối thắng!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác nhận được các y phục tối thắng, Tỷ-kheo ấy không nhận được các y phục tối thắng. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác nhận được các y phục tối thắng; ta không nhận được các y phục tối thắng". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: "Mong rằng ta nhận được các đồ ăn khất thực tối thắng... (như trên)... các sàng tọa tối thắng, các dược phẩm trị bịnh tối thắng. Tỷ-kheo khác không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng!" Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng, còn Tỷ-kheo ấy không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng". Tỷ-kheo này nghĩ rằng: "Một Tỷ-kheo khác nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng; còn ta không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng". Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.
Này Hiền giả, các ác bất thiện pháp, cảnh giới của dục này là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế.
Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào, các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này còn được thấy và nghe là chưa được diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy là vị sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng, sống hạnh khất thực, thứ lớp khất thực từng nhà một, theo hạnh mang phấn tảo y, mặc y phục thô xấu, thời các đồng phạm hạnh không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này còn được thấy và còn được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới dục của Tỷ-kheo chưa được diệt trừ.
Này Hiền giả, ví như một bát bằng đồng, mang từ chợ về hay từ nhà người thợ rèn về, bát ấy thanh tịnh, sạch sẽ. Nhưng người chủ của bát ấy đựng đầy bát với xác rắn, xác chó hay xác người, đậy lại với một cái bát đồng khác rồi mang về hàng chợ lại. Có người thấy vậy bèn hỏi: "Bạn mang cái gì có vẻ đẹp đẽ ngon lành vậy?" Khi cầm cái bát lên, mở ra và nhìn vào, thì với người ấy, không ưa thích khởi lên, sự ghê tởm khởi lên, và sự yếm ố khởi lên. Những người đói còn chưa muốn ăn các thứ ấy, huống nữa là những người đã no.
Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào, các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này còn được thấy và được nghe là chưa được diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy là vị sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng, sống hạnh khất thực, thứ lớp khất thực từng nhà một, theo hạnh mang phấn tảo y, mặc y phục thô xấu, thời các đồng phạm hạnh không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này còn được thấy và còn được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này là chưa được diệt trừ.
Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào mà các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này được thấy và được nghe là đã diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy sống gần làng mạc, chấp nhận biệt thỉnh thực, mang y người gia chủ cúng, thời các đồng phạm hạnh cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường vị Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này được thấy và được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục của vị Tỷ-kheo ấy đã được diệt trừ.
Này Hiền giả, ví như một bát đồng, mang từ hàng chợ về hay từ nhà người thợ rèn về, bát ấy thanh tịnh, sạch sẽ. Người chủ cái bát ấy dựng đầy với gạo ngon, cơm lành, các hột đen đã lấy ra, các loại đồ ăn, đậy lại với một bát đồng khác rồi mang về hàng chợ lại. Các người thấy vậy bèn hỏi: "Bạn mang cái gì có vẻ đẹp đẽ ngon lành vậy?" Khi cầm cái bát lên, mở ra và nhìn vào, thì đối với người ấy, ưa thích khởi lên, sự không ghê tởm khởi lên, sự không yếm ố khởi lên. Người no còn muốn ăn các thứ ấy huống nữa là người đói.
Này Hiền giả, cũng vậy, đối với vị Tỷ-kheo nào, mà các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này được thấy và được nghe là đã diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy sống ở biên giới gần làng mạc, chấp nhận biệt thỉnh thực, mang y người gia chủ cúng, thời các đồng phạm hạnh cung kính, tôn trọng lễ bái cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này được thấy và được nghe các ác, bất thiện pháp cảnh giới của dục này đã được diệt trừ.
Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Mahamoggallana thưa với Tôn giả Sariputta:
-- Hiền giả Sariputta, một ví dụ khởi lên cho tôi!
-- Hiền giả Moggallana, hãy nói lên ví dụ ấy.
-- Hiền giả, một thời tôi ở thành Vương Xá, tại Giribbaja. Này Hiền giả, rồi tôi đắp y vào buổi sáng, mang theo y bát, vào thành Vương Xá để khất thực. Lúc bấy giờ, Samiti, con một người làm xe, đang đẽo một vành xe, và tà mạng ngoại đạo Panduputta, trước là con của một người làm xe, đang đứng một bên. Rồi tà mạng ngoại đạo Panduputta trước là con một người làm xe, khởi lên ý nghĩ như sau: "Mong rằng Samiti, con người thợ xe, hãy đẽo đường cong này, đường méo này và các mắt gỗ này, để vành xe này không có cong, không có đường méo, không có mắt gỗ, được trơn tru và được đặt vào trong trục chính". Này Hiền giả, tà mạng ngoại đạo Panduputta, trước là con một người làm xe suy nghĩ như thế nào, thời đúng như vậy, Samiti, con người làm xe, đẽo đường cong này, đường méo này và các mắt gỗ này của vành xe ấy. Này Hiền giả, tà mạng ngoại đạo Panduputta trước là con người làm xe, hoan hỷ nói lên lời hoan hỷ như sau: "Hình như người này đang đẽo (vành xe ấy) như là với tâm của anh ta, anh ta biết tâm ta vậy".
Này Hiền giả, những ai không có lòng tin, vì mục đích sinh sống, không phải vì lòng tin mà xuất gia, sống đời sống vô gia đình, những vị gian ngụy, xảo trá, khi cuống, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm lời, tạp thoại, không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không tha thiết với hạnh Sa-môn, không nhiệt thành tôn trọng Phật pháp, ưa sống sung túc, biếng nhác, dẫn đầu về đọa lạc, chối bỏ trọng trách sống viễn ly, giải đãi không tinh tấn, lãng quên không chú niệm, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, đần độn. Tôn giả Sariputta với pháp môn này, như là với tâm của Tôn giả, Tôn giả biết tâm của những hạng người ấy.
Những kẻ Thiện nam tử, do lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; những vị nào không gian ngụy, không xảo trá, không khi cuống, không trạo cử, không kiêu mạn, không dao động, không lắm lời, không tạp thoại, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, tha thiết với hạnh Sa-môn, nhiệt thành tôn trọng Phật pháp, không sống trong sung túc, không biếng nhác, bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc, dẫn đầu về viễn ly, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực, chú tâm cảnh giác, định tâm, nhất tâm, có trí tuệ, không đần độn. Những vị này sau khi nghe pháp môn này của Tôn giả Sariputta, hình như đang uống, hình như đang nếm với lời nói và tâm ý. Thật lành thay, một vị Tôn giả đồng phạm hạnh đã khiến cho vượt khỏi bất thiện và an trú vào chánh thiện!
Này Hiền giả, ví như một người đàn bà hay người đàn ông, còn đang tuổi trẻ, tánh ưa trang sức, sau khi gội đầu xong, sau khi được một vòng hoa sen xanh hay một vòng vũ sanh hoa, hay một vòng thiện tư hoa, dùng hai tay cầm lấy vòng hoa ấy và đặt trên đỉnh đầu. Này Hiền giả, cũng vậy những Thiện nam tử vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không gian ngụy... (như trên)... Thật lành thay một Tôn giả đồng phạm hạnh đã khiến cho vượt khỏi bất thiện và an trú vào chánh thiện!
Như vậy hai vị cao đức ấy cùng nhau thiện thuyết, cùng nhau tùy hỷ.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

3.

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 5

Không uế nhiễm

I. TOÁT YẾU

Anangana Sutta - Without blemishes.

The venerable Sàriputta gives a discourse to the Bhikkhus on the meaning of blemishes, explaining that a bhikkhus becomes blemished when he falls under the sway of evil wishes.

Không lỗi lầm.

Tôn giả Xá lợi phất giảng cho các tỳ kheo ý nghĩa của cấu uế - hay lỗi lầm - giải thích rằng một tỳ kheo có lỗi khi vị ấy bị thao túng bởi những ước muốn xấu.

II. TÓM TẮT

Có 4 hạng người trên đời:

1. Có cấu uế mà không tự biết;
2. Có cấu uế và như thật biết mình có cấu uế;
3. Không cấu uế nhưng không tự biết;
4. Không cấu uế và biết như thật mình không cấu uế.

Trong hai hạng có cấu uế, hạng tự biết hơn người không tự biết. Vì khi có cấu uế mà không tự biết, vị ấy sẽ chết mang theo những cấu uế còn nguyên vẹn; nhưng nếu tự biết còn cấu uế, vị ấy sẽ khởi lên ước muốn tinh tấn diệt trừ cấu uế và sẽ từ trần với tâm không còn ô nhiễm. Như người có cái bát dơ, lại bỏ quên nó vào nơi bụi bặm thì càng ngày càng dơ. Ngược lại nếu thấy bát dơ, chủ nhân đem lau chùi không để vào nơi bụi bặm, thì bát càng ngày càng sáng sạch.
Trong hai hạng không cấu uế cũng vậy. Hạng không cấu uế nhưng không tự biết một cách như thật là mình không cấu uế, thì có thể có lúc do tiếp xúc sắc đẹp mà nổi tham, quên quán thân bất tịnh, gọi là "tư niệm tịnh tướng" và từ đó tham, sân làm ô nhiễm tâm vị ấy. Như một cái bát sạch mà chủ nhân không biết dùng, lại liệng nó vào chỗ bụi bặm thì dần dà nó sẽ thành bát dơ. Người không cấu uế và như thật tuệ tri mình không cấu uế, thì sẽ không tư niệm tịnh tướng, luôn quán bất tịnh nên tham không làm ô nhiễm tâm vị ấy. Vị ấy sẽ từ trần với tâm không còn ô nhiễm. Như chủ nhân một cái bát sạch nhờ biết nó sạch nên siêng lau chùi, giữ gìn không để nó lẫn lộn với rác rưởi.

Do vậy, trong bốn hạng người thì hai hạng "có biết" là hơn hai hạng kia.
Tiếp đến tôn giả kể ra những gì gọi là cấu uế nơi tỳ kheo: đó là các suy tư bất thiện liên hệ đến dục, như vị tỳ kheo nổi lên phẫn nộ bất mãn khi thầm mong nhiều chuyện mà toàn gặp chuyện trái lại: khi có phạm giới, thầm mong đừng ai biết; mong các tỳ kheo quở trách mình tại chỗ kín đáo đừng công khai; nếu bị cử tội công khai, mong người quở trách phải là người ngang hàng. Tại giảng đường, thầm mong Phật hỏi mình nhiều lần, đừng hỏi ai khác. Vào xóm khất thực, thầm mong chúng tỷ kheo để mình dẫn đầu; thầm mong mình được chỗ tốt nhất, thực phẩm tốt nhất; mong các tỷ kheo để cho mình phát biểu sau khi ăn xong tại nhà gia chủ [thuyết tùy hỷ pháp]. Khi đại chúng nhóm họp trong tịnh xá, thầm mong họ mời mình thuyết pháp cho chúng tỷ kheo, tỳ kheo ni, nam hoặc nữ cư sĩ. Thầm mong được chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam, nữ cư sĩ tôn trọng lễ bái cúng dường mình chớ không phải ai khác. Thầm mong mình được tứ sự cúng dường loại tốt nhất.

Tất cả những mong mỏi như trên, cùng với sự bất mãn phẫn nộ do cái khổ "cầu không được" đều gọi là cấu uế, là cảnh giới của dục.
Nơi tỳ kheo nào chưa diệt trừ các cấu uế, thì dù vị ấy là người sống ở rừng, tu đủ thứ khổ hạnh, vẫn không được các vị đồng phạm hạnh cung kính tôn trọng. Người ấy được ví như một cái bát bề ngoàiđẹp đẽ nhưng đựng toàn thứ dơ bẩn gớm ghiếc như xác rắn xác chuột. Trái lại một tỳ kheo dù sống gần làng mạc, không tu khổ hạnh, nhưng đã diệt trừ cấu uế, thì vẫn được cung kính tôn trọng, như một cái bát đẹp lại chứa toàn thực phẩm ngon lành.

III. CHÚ GIẢI
IV. PHÁP SỐ
Ba độc: tham sân si.

Ba nghiệp: thân, ngữ, ý.

Bốn hạng người: hai hạng có và hai hạng không cấu uế.

V. KỆ TỤNG

A. Bốn hạng người1. Ðời có bốn hạng người:
Có lỗi mà tự tri,
Có lỗi, không tự tri
Không lỗi cũng gồm hai
Tự biết, không tự biết.

2. Hạng "có biết" là hơn:
Như cái bát dơ dáy
Chủ biết mà lau chùi
Thì sẽ thành bát sạch.
Cũng thế, người có lỗi
Tự biết, lo sửa đổi
Sẽ th
ành người trong sạch
Chết mang theo nghiệp lành.

3. Có lỗi không tự biết
Như bát dơ càng dơ
Vì lâu ngày không rửa;
Người xấu không tự biết
Chết mang theo xấu xa.

4. Người tốt không tự biết
Lại giao du bạn xấu
Ðam mê theo thanh sắc
Lâu ngày thành kẻ hư.
Như cái bát trong sáng
Mà đem liệng đống rác
Hoặc chứa to
àn thứ dơ
Ði đời cái bát sạch.

5. Người tự biết không lỗi
Lo tư quán bất tịnh
Không rơi v
ào tham, sân
Chết với tâm vô nhiễm.
Như cái bát trong sáng
Chủ lại siêng lau chùi
Không để bám bụi bặm
C
àng ngày càng sáng trong.

B. Cấu uế của tâm:6. Các ác bất thiện pháp
Và cảnh giới của dục
Ấy gọi là đồng nghĩa
Với cấu uế của tâm.

7. Thầm mong đợi một đường
Việc xảy ra một nẻo
N
ên phẫn nộ bất mãn
Ðây gọi là cấu uế.

8. Khi lỡ phạm giới tội
Cầu mong đừng ai biết
Người biết, b
èn nổi sân
Ðây gọi là cấu uế.

9. "Mong họ quở trách ta
Chỗ kín đáo một chút
Chớ đừng giữa công khai"
Sự xảy ra ngược lại
Bị quở trách giữa tăng
Ðương sự bèn nổi sân
Ðây gọi là cấu uế.

10. "Ước chi người đồng đẳng
Quở trách tội lỗi m
ình"
Thực tế không được vậy
Bị người dưới chơi leo
Hậm hực, l
òng bất mãn
Ðây gọi là cấu uế.

11. Tại giảng đường, học Pháp
Thầm mong thầy gọi m
ình
Thầy lại gọi người khác
Lòng bất mãn không vui
Ðây gọi là cấu uế.

12. "Mong ta được dẫn đầu
Khi v
ào làng khất thực,"
Hóa ra người dẫn đầu
Lại l
à tỳ kheo khác,
Mình bất mãn không vui
Ðây gọi là cấu uế.

13. "Mong tại nơi thọ thực
Ta ngồi chỗ tốt nhất
Ðược thức uống tốt nhất
Và thực phẩm hảo hạng."
Một tỳ kheo khác được
Những g
ì ta thầm mong
Ta phẫn nộ, bất mãn
Ðây gọi là cấu uế.

14. "Mong sau khi ăn xong
Ta thuyết t
ùy hỷ pháp"
Nhưng sự tình xảy ra
Là tỳ kheo khác thuyết;
Ta phẫn nộ, bất mãn
Ðây gọi là cấu uế.

15. Khi bốn chúng tụ tập
Tại một ngôi tịnh xá
Tỳ kheo ấy thầm mong
Mình được mời giảng pháp
Nhưng sự t
ình xảy ra
Một tỳ kheo khác giảng;
Ta phẫn nộ, bất mãn
Ðây gọi là cấu uế.

16. "Mong ta được bốn chúng
Lễ bái v
à cúng dường"
Nhưng một tỳ kheo khác
Ðã được địa vị ấy
Ta phẫn nộ, bất m
ãn
Ðây gọi là cấu uế.

17. "Mong ta sẽ có được
Những vật dụng tối thắng
Về tứ sự cúng dường"
Nhưng người được, ta không
Ta phẫn nộ, bất m
ãn
Ðây gọi là cấu uế.

18. Nơi vị tỳ kheo nào
Chưa đoạn trừ cấu uế
D
ù có tu khổ hạnh
Cũng không đáng tôn sùng.
Nơi vị tỳ kheo nào
Ðã đoạn trừ cấu uế
D
ù không tu khổ hạnh
Cũng đáng được tán dương.



4.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 5
Kinh Không Uế Nhiễm Anangana sutta - Dicourse On No Blemishes
Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮTuệ tri: Pajànàti: (comprehends a thing as it really is): Thấy sự vật như thật; thấy với trí tuệ .
- Tâm cấu uế: Nội thân cấu uế (anganam: blemish): Tâm có tham trước, sân hận và si mê, bao gồm: các ác, bất thiện pháp, và cảnh giới của dục: phẫn nộ; bất mãn; phú tàng; ưa danh; ưa hơn người; lợi dưỡng mong được tôn kính cúng dường; gian ngụy; xảo trá; khi cuống; trạo cử; kiêu mạn; dao động; lắm lời; tạp thoại; không hộ trì các căn; không tiết độ ăn uống; không chú tâm cảnh giác; không tha thiết Sa môn hạnh; không nhiệt thành tôn trọng Pháp; ưa sống sung túc; biếng nhác; dẫn đầu về đọa lạc; chối bỏ trọng trách sống viễn ly; giải đãi không tinh tấn; lãng quên không chú niệm, tán loạn; liệt tuệ, đần độn (Tôn giả Xá Lợi Phất liệt kê).
II. NỘI DUNG KINH
1. Tôn giả Sàriputta phân biệt có 4 hạng người ở đời:

a) Hàng thiếu trí tuệ, không biết mình đang có các tâm cấu uế.
b) Hạng thiếu trí tuệ, không biết mình đang không có tâm cấu uế.
c) Hạng có trí tuệ, biết mình đang có tâm cấu uế .
d) Hạng có trí tuệ, biết mình đang không có tâm cấu uế .
Hai hạng người có trí tuệ là ưu thắng trong nhũng người có tâm cấu uế, và không có tâm cầu uế. Hai hạng người kia là hạ liệt.

- Hạng ưu thắng sẽ hướng tâm về vô tham, vô sân, vô si và nuôi dưỡng tâm vô tham, vô sân, vô si.
- Hạng hạ liệt tiếp tục đi sâu vào các tâm cấu uế, hay sẽ tiếp tục rơi vào tâm cấu uế .
Trong bốn hạng người ấy, trí tuệ thấy rõ tâm là nhân tố quyết định hướng về giải thoát hay quyết định giải thoát.
2. Vị Tỷ kheo quyết tâm giải thoát thì cần bám chặt hai điểm thực hiện:

a) Sống đời sống viễn ly.
b) Tẩy sạch các cấu uế của tâm.
Trên cơ sở thành tựu hai điểm ấy mà phát triển Định và Tuệ, hay phát triển Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Tâm không cấu uế như là vòng hoa tuyệt đẹp trang điểm cho người xuất thế. Đây là nội dung mà tôn giả Sàriputta giáo giới các vị Tỷ kheo./.

(trích Nguyệt san Giác Ngộ số 72, 03-2002)