TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 141
Ðế phân biệt tâm kinh
(Saccavibhangacittasuttam)
I. TOÁT YẾU
The Exposition of the Truths.
The venerable Sariputta gives a detailed analysis of the Four Noble Truths.
Trình bày về những sự thật.
Tôn giả Xá Lợi Phất phân tích chi tiết về Bốn chân lý vi diệu.
II. TÓM TẮT
Phật gọi các tỷ kheo và dạy rằng, sự khai thị bốn thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Ðạo là Pháp luân vô thượng đã được Như lai chuyển vận tại vườn Lộc uyển. Không ai có thể nói ngược lại sự tuyên thuyết này. Và Ngài khuyên chư tỷ kheo hãy thân cận hai vị thượng thủ là Xá Lợi Phất và Mục kiền liên, vì tôn giả Xá Lợi Phất có thể giảng giải, khai triển bốn thánh đế, hướng dẫn tu tập chứng quả Dự lưu, còn tôn giả Mục kiền liên có thể hướng dẫn tu tập đến quả vị A la hán. Nói xong Phật đi vào tinh xá.
Sau đó tôn giả Xá Lợi Phất giảng rộng về bốn chân lý như sau:
Thánh đế về khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Sanh là sự tái sanh của mỗi loài chúng sinh, sự xuất hiện các uẩn, sự có ra các căn. Già là trạng thái các căn hủy hoại, tuổi thọ bị rút ngắn. Chết là sự tận diệt các uẩn, sự quăng bỏ tử thi. Sầu là cảm thọ đau khổ khi bị tai nạn này khác. Bi là khóc lóc than van khi gặp tai nạn, đau khổ. Khổ là sự không sảng khoái về thân, do thân cảm thọ. Ưu là sự đau đớn về tâm, sự không sảng khoái trong lòng, do tâm cảm thọ. Não là sự tuyệt vọng não nề nơi những ai gặp tai nạn, đau khổ. Cầu không được là khi chúng sinh bị những khổ về sanh, già chết sầu bi khổ ưu não… chi phối, mong rằng mình không còn bị những khổ ấy chi phối nhưng lời mong cầu đó không được thành tựu. Tóm lại, năm thủ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức đều khổ.
Tập thánh đế là tham ái đưa đến tái sanh, đi kèm hỷ và tham. Khổ diệt thánh đế là sự diệt tận tham ái ấy, sự giải thoát khỏi tham ái ấy. Khổ diệt đạo thánh đế là thánh đạo tám ngành, đó là: Chánh kiến tức thấy như thật về bốn chân lý. Chánh tư duy là tư duy vô sân, ly dục, bất hại. Chánh ngữ là tự chế bốn kiểu nói láo là nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm. Chánh nghiệp là không sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Chánh mạng là từ bỏ tà mạng. Chánh tinh tiến là đối với các bất thiện chưa sanh, nỗ lực khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; với ác đã sanh, khởi lên quyết tâm trừ diệt; với thiện pháp chưa sanh, nỗ lực khiến cho sanh khởi, với thiện pháp đã sanh, nỗ lực khiến cho tăng trưởng, phát triển đi đến viên mãn. Chánh niệm là ngay trên thân tâm này mà quán thân, thọ, tâm, pháp, tinh cần tỉnh giác để diệt tham ưu về thế gian này. Chánh định là ly dục ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ; thiền thứ hai với hỷ lạc do định sanh không tầm tứ; thiền thứ ba không còn hỷ gọi là xả niệm lạc trú; thiền thứ tư không khổ không lạc, có niệm thanh tịnh nhờ xả. Ðấy là thánh đế về con đường diệt khổ. Chúng tỷ kheo hoan hỷ tín thọ lời thuyết giảng của tôn giả Xá lợi Phất.
III. CHÚ GIẢI
Một cách giảng tứ diệu đế theo ngôn ngữ ngày nay là: Khổ là hậu quả của một lối sống vô ý thức về nhiều mặt; Tập là lối sống vô ý thức ấy; Diệt là sự hết khổ nhờ lối sống hoàn toàn được thắp sáng với ý thức hay chánh niệm tỉnh giác trong mọi lúc; đạo là lối sống có chánh niệm, có ý thức vào mọi lúc. Hay nói cách khác, đạo là cách sống có ý thức ở tám phương diện: thấy có ý thức, suy nghĩ có ý thức, nói có ý thức, làm có ý thức, sinh nhai có ý thức, siêng năng có ý thức, nhớ có ý thức, tập trung có ý thức. Chỉ khi vô ý thức thì ta mới đau khổ vì thấy những gì không đáng thấy, nghĩ những cái không đáng nghĩ, nhớ những gì không đáng nhớ, làm những gì không đáng làm, vân vân.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỷ kheo:
Sự khai thị bốn đế
Về Khổ, Tập Diệt Ðạo
Là Pháp luân vô thượng
Ðược Như lai chuyển vận
Ðầu tiên tại vườn Nai
Trên cả thế gian này
Với chư thiên, ma, phạm
Không ai chặn đứng được
Hay là quay ngược lại.
Tỳ kheo hãy thân cận
Xá lợi và Mục liên
Những trí giả, hiền giả
Sách tấn đồng phạm hạnh.
Xá Lợi Phất Mẹ sanh
Khai diễn bốn thánh đế
Hướng dẫn cho tu tập
Chứng đến quả Dự lưu
Mục kiền liên Mẹ dưỡng
Dẫn đến quả La hán.
Sau khi Phật vào nghỉ
Tôn giả Xá Lợi Phất
Giảng cho chúng tỷ kheo
Bốn chân lý vi diệu.
Một thánh đế về khổ:
Sanh, Già, Bệnh, Chết khổ,
Sầu Bi Khổ Não Ưu
Cầu không được là khổ.
Tóm lại năm thủ uẩn
Tức có thân là khổ.
Sanh là sự tái sanh
Của mỗi loài chúng sinh,
Sự xuất hiện các uẩn,
Sự có ra các căn.
Già là căn hủy hoại
Tuổi thọ bị rút ngắn.
Chết là diệt các uẩn,
Sự quăng bỏ tử thi.
Sầu là nỗi đau khổ
Bị tai nạn này khác.
Bi khóc lóc thở than
Mỗi khi gặp khổ nàn.
Khổ là nỗi đau nhức
Do thân xác cảm thọ.
Ưu là tâm đau đớn
Không sảng khoái trong lòng.
Não tuyệt vọng não nề
Khi gặp các tai ương.
Khổ về Cầu không được
Là khi chúng sinh khổ
Về nỗi sanh, già chết
Sầu bi khổ não ưu…
Cứ mong sao hết bị
Những khổ này chi phối
Nhưng cầu có được đâu.
Tóm lại năm thủ uẩn
Sắc thọ tưởng hành thức
Bị nhiễm vì chấp thủ
Chính là một đống khổ.
Thứ hai Tập thánh đế:
Tham ái khiến tái sanh
Ði kèm hỷ và tham
Tái hiện ở ba cõi
Dục sắc và vô sắc.
Ba Khổ diệt thánh đế
Sự diệt tận tham ái
Giải thoát nó hoàn toàn.
Khổ diệt đạo thánh đế
Là thánh đạo tám ngành:
Chánh kiến thấy như thật
Bốn chân lý nói trên
Chánh tư duy suy nghĩ
Không kèm dục, sân, hại.
Chánh ngữ là tự chế
Không nói dối, hai lưỡi,
Nói ác khẩu, phù phiếm.
Chánh nghiệp không sát sinh
Trộm cắp và dâm dục.
Chánh mạng bỏ tà mạng,
(Sinh nhai hại mình, người.)
Chánh tinh tiến bốn siêng:
Các bất thiện chưa sanh
Siêng khiến không sanh khởi;
Các bất thiện đã sanh
Siêng quyết tâm trừ diệt;
Với thiện pháp chưa sanh,
Siêng làm cho sanh khởi,
Với thiện pháp đã sanh,
Siêng làm chúng tăng lên.
Chánh niệm là luôn luôn
Quán thân, thọ, tâm, pháp,
Ngay nơi thân tâm này
Luôn tinh cần tỉnh giác
Diệt tham ưu sự đời.
Chánh định là ly dục
Và ly bất thiện pháp,
Chứng trú thiền thứ nhất
Hỷ lạc ly dục sanh
Còn có tầm có tứ;
Nhị thiền không tầm tứ
Hỷ lạc do định sanh;
Tam thiền không còn hỷ
Chỉ còn xả với lạc
Gọi xả niệm lạc trú,
Tứ thiền không khổ lạc,
Chỉ còn duy nhất xả
Gọi Xả niệm thanh tịnh.
Ðấy chính là thánh đế
Về con đường diệt khổ
Mà Thế tôn tuyên thuyết
Không ai quay ngược được
Pháp luân vô thượng này.
http://www.budsas.110mb.com/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-15.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét