Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

TAM PHAN BIET 2 VAN DAP/ TRICH TU 1


THIỀN VỚI TÂM PHÂN BIỆT


Từ Phong

***

- Tại sao trong đạo Phật, nhất là về Thiền Tông lại nói người tu hành chớ đem tâm phân biệt, tâm phân biệt là đầu mối đưa ta vào luân hồi sanh tử.

- Đúng như ông nói, tâm phân biệt đưa ta vào luân hồi sanh tử, nhưng cũng chính nhờ tâm phân biệt mà lại khiến ta thoát vòng sanh tử.

- Sao lại có sự trái ngược vậy?

- Vì phân biệt mà sinh ra yêu ghét.  Rồi vì yêu mà tham luyến, vì ghét mà chối bỏ để sinh ra sân hận, tạo ra nghiệp để bị dính mắc, và cứ thế trôi lăn trong sinh tử.  

- Tại sao cứ vướng vào nghiệp là phải trôi lăn trong sanh tử?  Nếu nghiệp thiện thì sao?

- Nghiệp có là do tạo tác.  Có tạo tác thì liền có quả xấu, quả tốt.  Nghiệp ác thì đi xuống, nghiệp thiện thì đi lên.  Dù đi lên hay đi xuống thì cũng còn trong quả sanh tử.

- Ông đã giải thích tâm phân biệt khiến ta phải chìm trong vòng luân hồi sinh tử.  Vậy còn tâm phân biệt khiến ta giải thoát là làm sao?  Có nghịch lý không?

- Không nghịch lý chút nào.  Nhờ có tâm phân biệt mà ông mới biết đâu là sai, đâu là đúng; biết đường nào đi xuống, đường nào đi lên; đường nào tối, đường nào sáng; làm sao đi trong luân hồi, làm sao không còn sanh tử.

- Vậy làm sao thoát khỏi luân hồi .

- Muốn thoát khỏi luân hồi thì phải dừng nghiệp.

- Muốn dừng nghiệp thì làm sao? 

- Ông đã biết tâm phân biệt khiến ta yêu hay ghét.  Vì yêu, ghét mà tạo ra nghiệp.  Vậy muốn dừng nghiệp thì ông cứ đi ngược chiều.  Nghĩa là đừng yêu hay ghét, đừng tham sân si.  Muốn vậy thì buông tâm phân biệt.

- Ông nói vì tâm phân biệt mà đi trong sanh tử, vì tâm phân biệt mà giải thoát.  Bây giờ nếu buông tâm phân biệt thì làm sao học hành, làm sao làm việc?

- Ở đây tôi nói buông tâm phân biệt tạo ra nghiệp, chứ không bảo buông tâm phân biệt khiến mình đi lên.  Học hành, làm việc … cần đến tâm phân biệt , tức thức thứ 6 hay Ý thức trong Duy thức học.  Lúc đó vẫn phải phân biệt, nhưng phân biệt trong chánh niệm không tham sân si.  Khi đã hiểu, đã biết rồi thì cứ thế mà làm, mà học theo kế hoạch,  không cần tính toán gì thêm nữa.  Nếu có gì trở ngại thì cứ việc suy nghĩ, tính toán, nào có gì trở ngại đâu.

- Làm sao buông tâm phân biệt được.  Nó rất tự nhiên.  Nếu tôi trông thấy một người đàn ông bước vào sân nhà thì tôi đã phân biệt rồi.  Nếu không phân biệt thì sao tôi biết đó là đàn ông, không phân biệt sao tôi biết được là ông ta bước vào, và vào trong sân.  Vậy trong trường hợp này thì sao?

-  Đúng, sự phân biệt này rất tự nhiên và hoàn toàn trong sáng nếu nó không kèm một ý gì khác nữa như một tình cảm, một nghi ngờ, một phán đoán… Phán đoán, nghi ngờ, tình cảm đều là tâm vọng động và tạo ra nghiệp.  Đây chính là chỗ mà ngài Huyền Giác nói cùng Lục Tổ Huệ Năng, “Phân biệt nhưng vẫn không phải ý”.

- Buông tâm phân biệt rồi ta còn gì?

- Buông tâm phân biệt không phải là ông đã mất mình, ông còn lại cái biết hay tánh biết hoặc tánh giác vẫn hằng chiếu soi nơi ông dù bất cứ nơi nào, thời gian nào, hoàn cảnh nào và thân phận nào.  Đó chính là con người thật của ông vậy. 

- Như vậy thật là dễ quá.

- Vâng, nó thật dễ.  Nhưng sống được với nó trong mọi phút giây, trong mọi hoàn cảnh thì chẳng dễ chút nào.  Buông cả dễ, cả khó và cả nó nữa để không còn một khái niệm, không còn ngã nhân, tất cả đều như nhiên thì không cầu mà chân như tự hiển lộ.

- Có chứng cứ gì không?

- Xin mời ông dùng trà.
--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét