1.GIOI THIEU
Kệ: 1. bài văn giảng giải kinh Phật. 2. Bài văn nhà sư để lại cho đệ tử trước khi tịch.
Thi kệ: Nhửng bài kệ làm bằng thơ.
2. Vài cái link hay:
hay PHONG THÁI của NGƯỜI ĐẠT ĐẠO
Khi nói đến tông chỉ của Thiền, chúng ta thấy Thiền đã lập cước trên tiến trình tu chứng:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhơn tâm
Kiến tánh thành Phật
Được dịch:
Chẳng thành lập văn tự
Truyền dạy ngoài giáo lý
Chỉ thẳng vào tâm người
Để thấy tánh thành Phật
Và cũng do vậy mà Chư vị Tổ đức đã dạy rằng:
"Vận thủy ban sài, tức là gánh nước, bửa củi là Thiền, giữ tâm tĩnh lặng là Thiền."
Vì không lập văn tự, không chủ trương hình tướng bên ngoài, chỉ phá trừ sự câu chấp cố hữu mà con người, chúng sinh đã cưu mang trải qua bao nhiêu cuộc sống, từ đời này qua kiếp nọ, đã không thấy được tự tánh thường hằng vô sinh, tồn tục tận cùng nơi tâm thức. Nơi đây, chúng ta nghe Lục Tổ Huệ Năng, sau khi được Ngũ Tổ HoằngNhẫn giải Kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm." thì Lục Tổ được đại ngộ và thưa với Ngũ Tổ rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp
Vì tự tánh của pháp giới chúng sinh từ xưa đến nay vốn dĩ thanh tịnh, như nhiên, chẳng đến chẳng đi, chẳng còn chẳng mất, nhưng sao ta lại thấy thiên hình vạn trạng, có được, có thua, đắc thất thành bại dưới mọi hình tướng, chúng ta thấy có vậy là do vọng niệm dấy khởi, do tâm sanh diệt mà thành. Giống như người bị hoa mắt, nhìn vào hư không thấy có hoa đốm giữa trời, nhưng thật sự bầu trời không có hoa đốm.
Vạn pháp đều viên dung, đều tự vận hành theo "chính nó" mà danh từ nhà Phật gọi là "như thị" vì "như thị" cho nên:
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng
Được dịch:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân về trăm hoa nở
Hoàng oanh hót đầu cành
Bản lai diện mục của các pháp là như vậy, cho nên người tham cứu Thiền học hay thực nghiệm Thiền cần giữ tâm thanh thản, an bình - mà chúng ta thường nghe: "Tâm an tức thị Thiền". Hay: "Đương bình tâm địa, tắc thế giới địa, nhất thiết giai bình." - Tâm của mình được an bình thì cảnh giới bên ngoài tất cả đều được an bình, có nghĩa là tâm bình thì thế giới bình.
Vì tâm hồn thanh thảnh, tấm lòng bình yên sống bằng những giây phút hiện tại, tĩnh giác để nhìn sự vật diễn tiến một cách khách quan, mà không khen, chẳng chê, không bình phẩm, không khởi tâm thẩm định, mà phải tự cảm nhận giá trị nhiệm mầu và vĩnh cửu của cái bây giờ và ở đây. Cái đó như là:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu
Được dịch:
Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì
Có nghĩa là sống với phút giây hiện tại là thời điểm linh thiêng, là giờ phút hội ngộ của chính mình, vì lẽ những điều quá khứ là những cái đã qua, mà những kỳ vọng trong tương lai là điều chưa tới, là cái sống thực, sống còn, sống vĩnh cửu của một tâm hồn trong sáng, không đau thương, than vãn một thời vàng son đã qua, hay nuôi một hoài bão huy hoàng trong tương lai sẽ tới, do vậy mà tâm hồn của chư vị Thiền sư:
Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân
Được dịch:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh ngoại
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân
Khi đất tâm được trưởng dưỡng bằng hương vị bạch tịnh của giáo pháp, thì nơi đây ngàn hoa đua nở, điểm xuyết hương giác ngộ trên cành trúc xanh, nơi áng mây trôi mà đâu đâu cũng là chân như, thường tịch.
Trong lẽ sinh diệt, có cái bất sinh diệt, trong sự vận chuyển thường tình, có cái miên viễn, thường trụ. Đó là, giá trị tương dung, tương nhiếp của các pháp hữu tình và chơn đế:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Được dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân về trăm hoa tươi
Việc đời qua trước mặt
Tuổi đời chóng tàn phai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Vẫn còn một nụ mai vàng đong đưa trên cành mai khẳng khiu, hứng gió xuân, dẫu rằng xuân có đến hay xuân ra đi thì đó chỉ là pháp tương đối của thời gian, qua bốn tiến trình: thành, trụ, hoại, không. Nhưng, qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không đó vẫn có cái thường hằng vĩnh cửu đó là: "nụ mai tâm Phật" chẳng nở, chẳng rụng, chẳng tàn, chẳng phai, luôn luôn hiện hữu trên cành mai vô thường, của dòng đời sanh diệt. Để được thấy rõ hơn, sống động hơn, nhiệm mầu hơn, qua 4 câu kệ của Thiền Sư Ngộ Ấn:
Diệu tánh hư vô bất khả phân
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phất lô trung thấp vị càn
"Hoa sen mọc trong lò lửa vẫn xinh tươi là một hình ảnh bất tư nghì của Kinh Pháp Hoa. Ngay nơi thân đang bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt, vẫn có tri kiến Phật an nhiên tự tại, bất sanh bất diệt. Trên ngọn núi năm uẩn, bị lửa vô thường thiêu đốt, hòn ngọc tri kiến Phật sắc vẫn óng ánh, tươi nhuần."
Đây là giá trị đặc thù siêu việt được triển khai tuyệt đối để đưa con người từ địa vị phàm phu chuyển thành Thánh quả, mà một khi thể đạt Thánh quả thì cũng có nghĩa là trở về cội nguồn, quê hương thường tại.
Thiền Sư Thường Chiếu, đời nhà Trần đã nói lên ý nghĩa ba cõi là nhà:
Đạo vốn không nhan sắc
Mà ngày càng gấm hoa
Trong ba ngàn cõi ấy
Đâu chẳng phải là nhà?
Đó chính là phong thái của người đạt đạo, cảm nhận và ý thức được rằng: khắp pháp giới chúng sinh đâu cũng là nhà của mình, là nơi mình trú ngụ, để trang trải lòng Từ Bi cứu độ chúng sinh. Là giá trị nhuần nhuyễn trong nếp sống đạo. Nơi đây, chúng ta thấy thái độ ung dung trong biển đời sanh tử như bọt hải âu, như cơn gió thoảng, thật là thanh thản, không bâng khuâng, không lo sợ, mà luôn sống bằng giá trị như thật.
Khi tâm sinh chừ, sanh tử sinh
Khi tâm diệt chừ, sanh tử diệt
Sanh tử xưa nay tính vốn không
Thân huyễn hóa này cũng sẽ diệt...
Sanh là vọng sanh, tử vọng tử
Tứ đại vốn không, không chỗ tựa
Đến nhà còn hỏi đường làm chi
Thấy trăng thời khỏi cần tay chỉ
Sợ hãi tử sinh là người mê
Đạt ngộ ung dung là kẻ trí
Quê hương chính là sự thể đạt đạo lý, mà hành tung của Chư vị Thiền sư là chống tích trượng vào đời cứu khổ độ mê, để một ngày nào đó con người không còn làm khách phong trần nữa, như Tổ Trúc Lâm đã nói:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật vãn gia hương vạn lý trình
Được dịch:
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa, vạn dặm trường
Mãi làm người lữ thứ rong ruổi trong đời tử sinh, để rồi đường về quê hương trước mặt còn xa tít mù khơi, khi mà trời đã về chiều, hoàng hôn buông phủ.
Qua đó ta hình dung tấm thân tiều tụy, lang thang của người cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Người cùng tử có viên ngọc trong chéo áo nhưng không biết, cứ mãi rong ruổi tìm cầu vì miếng ăn, cái mặc, chịu cực, chịu khổ, cho đến một ngày kia gặp lại người bạn cũ, chỉ rõ viên ngọc trong chéo áo, khi ấy người cùng tử mới chấm dứt kiếp đời khổ lụy.
Sự tu tập và chứng ngộ đã sẵn có trong mỗi con người ở cuộc đời này, bởi vì Phật pháp bất ly thế gian pháp, tức là Phật pháp không thể xa rời thế gian mà có. Phật pháp cũng tùy thuận theo pháp thế gian để uốn nắn, un đúc và trưởng thành một hành giả trên lộ trình giác ngộ, giải thoát. Từ cõi đời nhiều đau thương, tan vỡ, như thân huyễn nhà mộng mà Chư Phật, các vị Bồ Tát đã hiện thân giáo hóa. Như giữa đầm bùn lầy kia, hoa sen thơm ngát, giữa sự sanh tử trầm luân là đạo tràng của bậc giác ngộ. Thiền sư Minh Lương, Triều vua Lê Dụ Tông đã nói:
Ngọc xinh ẩn trong đá
Hoa sen dấy tự bùn
Nên biết tìm giác ngộ
Nơi sinh tử trầm luân
Vẫn là thái độ trầm lặng, sâu thẳm tận cùng vô để của tri thức, người hành giả làm sao hiển lộ Phật tánh? Không lý luận ngôn ngữ văn chương, mà tâm thanh tịnh, nhận chân được tri kiến Như Lai, đó là thiết yếu. Qua câu chuyện của người có kinh nghiệm thực tập Thiền định, chúng ta thấy:
"Mưa không ngớt, Thiền đường lạnh và ẩm ướt một cách khó chịu... mặc áo quần dài phủ mắt cá chân, áo dài tay bằng len, hai chiếc áo ấm, áo choàng len, hai đôi bít tất len, nhưng không hết run... Tiếng gầm thét của người Godo còn làm phân tâm hơn là cây kích trượng vung múa, đau nhức ở chân và lưng... Tư tưởng phóng chạy điên cuồng... Thay đổi thế ngồi từ Agura sang Seiza đến Hanka, điều chỉnh 3 cái đệm mông theo mọi cách, có thể nghĩ ra nhưng vẫn không tránh khỏi đau..."
"Vào độc tham lần đầu tiên, Lão Sư Đại Vân vẽ một vòng tròn với một chấm ở giữa: "Cái chấm này là ông và cái vòng tròn này là vũ trụ, thật ra ông bao trùm cả vũ trụ nhưng vì ông tự thấy mình như cái chấm này, một mảnh nhỏ bé biệt lập, nên ông không kinh nghiệm vũ trụ như không thể tách rời với mình... ông phải phá vỡ sự tự nhốt mình, phải quên triết học và mọi thứ khác, phải đặt tâm ở đan điền và chỉ hít thở KHÔNG ... Tâm của vũ trụ là cái hốc bụng của ông!..."
"KHÔNG là thanh kiếm khiến ông có thể cắt đứt mọi tư niệm tận trong vùng cội nguồn tư tưởng và tình cảm... Nhưng KHÔNG không phải chỉ là phương tiện để đạt ngộ mà nó chính là giác ngộ. Tự chứng ngộ không phải là việc tiến từng bước mà là kết quả của một cái nhẩy vọt, trừ phi tâm ông thanh tịnh thì ông không thể thực hiện được cái nhẩy vọt này.
"Thầy muốn nói gì qua chữ thanh tịnh?"
"Trống rỗng, không một tư niệm nào hết..."
"Nhưng tại sao cần phải chiến đấu để giác ngộ, nếu chúng ta vốn có sẵn Phật tánh đã giác ngộ?"
"Ông có thể chỉ cho tôi xem cái tánh đã giác ngộ của ông không?"
"À không, tôi không thể chỉ ra được nhưng trong Kinh bảo chúng ta vốn có tánh ấy phải không?"
"Kinh không phải là kinh nghiệm của ông, đó là kinh nghiệm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu ông nhận ra Phật Tâm của mình, thì ông chính là Phật."
Giá trị tối thắng của người thực tập Thiền định là tạo điều kiện để trí tuệ phát khởi, từ đó chơn tâm được hiển lộ, mà qua tinh thần giáo pháp Tam Vô Lậu Học: Tức là Giới, Định, Huệ. Người hành giả từ Giới sanh Định, và từ Định để phát sanh Trí Huệ. Mà mãnh lực của Trí Huệ là xô ngã mọi thành trì tham sân chấp ngã để từ đó hành giả thõng tay vào chợ, mà hòa quang đồng trần, như bao nhiêu phong thái của người Đạt Đạo, thản nhiên tự tại trước sự tử sinh, hay bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời như Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý đã nói:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Được dịch:
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân man mác thu qua rụng rời
Thịnh suy, suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành
Hãy để tâm thanh thản như dòng nước thiên nhiên. Hãy để tâm bềnh bồng như mây trời vô định. Hãy để tâm thư thả như từng giọt nắng hồng và hãy để tâm thong dong như chưa từng bị trói buộc bởi bất cứ lý do mê ngộ, thánh phàm, chân như, hay vọng niệm. Tâm của người đạt đạo, phong thái phiêu diêu như Thiền Sư Thanh Nguyên Duy Tín đã nói:
"Sải tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo bậc thiện tri thức, chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải là nước. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh y nhiên, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước."
Tâm của người đạt đạo: Vô ngữ! Vô ngôn! Tiếu kha kha!
San Diego, ngày 14 tháng 08 năm 2004
Thích Nguyên Siêu
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét