“Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya”: Bộ tuyển tập, bình luận kinh Phật giá trị |
Tác giả bộ sách nói trên, thầy Quảng Tánh, là người phụ trách chuyên mục Lời Phật dạy trên Báo Giác Ngộ hàng mấy năm liền. Đây là chuyên mục mà người viết bài này quan tâm và tìm đọc đầu tiên ngay khi tờ Giác Ngộ phát đến mỗi kỳ. Người viết bài này nghĩ rằng, dù nhỏ, nhưng chuyên mục này có nội dung giá trị nhất tờ báo và giữ gìn tờ báo trước hết vì chuyên mục này. Vì một lẽ rất đơn giản, 50% nội dung chuyên mục chính là lời Phật, từ kim khẩu Phật nói ra. Nội dung sách chính là nội dung các bộ kinh Phật Nikàya, thì đương nhiên giá trị của nó nằm ở Đại Tạng kinh. Vì sao khi xuất hiện ở chuyên mục của một tờ báo, nay xuất bản thành sách, lại có thể được coi là có giá trị. Căn cứ vào đâu để xác định giá trị đặc trưng riêng cho bộ sách “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya” từ chuyên mục cùng tên trên Báo Giác Ngộ? 1.Giá trị đầu tiên là ở sự tuyển chọn Chúng ta đều biết, Kinh tạng Nikàya, gồm nhiều bộ kinh khác nhau, có nội dung hết sức đa dạng, phong phú và đồ sộ. Tất nhiên, những nội dung này có sự khác biệt rất lớn. Tiếp xúc và lãnh hội được toàn bộ nội dung các bộ kinh là điều đương nhiên khó khăn. Công việc càng khó khăn, nặng nề, phức tạp đối với các Phật tử sơ cơ. Người đọc Kinh tạng Nikàya dễ có cảm tưởng đi vào một khu vườn kỳ hoa dị thảo, nhưng khó xác định chủng loại và cảm thụ vẻ đẹp, vì quá nhiều và có thể lúng túng vì vị trí. Do vậy, để giúp được một số đông bạn đọc thâm nhập Kinh tạng Nikàya, nhu cầu trước tiên phát sinh là cần tuyển những bài kinh hay nhất, ý nghĩa nhất, giúp ích cho thực tế tu tập nhiều nhất để người đọc dễ dàng tiếp xúc. Tuyển kinh là một điều khó, vì phải đọc kinh, hiểu kinh một cách sâu sắc để lựa chọn. Người lựa chọn cũng phải xây dựng tiêu chí tuyển chọn chi tiết, căn cứ vào đó để tuyển. Nếu không bộ kinh tuyển không có giá trị “tuyển”, mà sẽ chỉ là một bộ phận kinh mà thôi, và có thể là một bộ phận phiến diện. Giá trị của việc tuyển là người đọc kinh phải thấy hay, có thể là những bài được tuyển người đọc cảm thấy hay nhất, thiết thực nhất, đáng đọc nhất, đáng đọc trước tiên. Bộ sách “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya” đáp ứng được điều đó của độc giả. Giá trị trước tiên của bộ sách nằm ở chỗ tuyển đúng, tuyển khéo, tuyển phù hợp với bạn đọc. Với giá trị này của bộ sách, người đọc có thể tiếp xúc ngay với những bài kinh tinh túy, thiết thực nhất của Kinh tạng Nikàya, có được một bước đệm đầu tiên hết sức thoải mái, dễ chịu và đầy hứng thú trên bước đường thâm nhập Kinh tạng Nikàya. 2.Giá trị thứ hai của bộ sách là việc rút gọn, tinh giản các bài kinh, sao cho vừa đủ ý, vừa ngắn gọn, vừa dễ tiếp thụ, thực hành. Chúng ta đều biết là các bộ kinh Nikàya có phong cách diễn đạt rất đặc biệt. Đó là việc lặp đi lặp lại nhiều lần, vừa nhấn mạnh, vừa xác định một vấn đề, đồng thời phủ nhận vấn đề tương phản. Do đó, nếu không quen, người đọc dễ có cảm giác nhàm chán, khó đọc, dễ bỏ ngang việc đọc, vì cho rằng văn kinh dài dòng rối rắm. Thực ra, phong cách diễn đạt của ngôn ngữ Kinh tạng Nikàya là cách diễn đạt hết sức chính xác, có tác dụng ngăn ngừa những cách hiểu sai lệch có thể có, vừa có tác dụng khắc sâu trí nhớ ở người nghe kinh trong hoàn cảnh chưa có việc ghi chép bằng văn bản, cũng như chưa có phương tiện in ấn. Nhưng điều này cũng có tác dụng ngược lại, không thích hợp với người đọc ngày nay. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải diễn đạt lại nội dung các bản dịch Kinh tạng Nikàya theo phong cách ngôn ngữ hiện đại. Một số vị tôn túc thì tỏ ra dè dặt, vì e ngại trước hết làm mất đặc trưng phong cách của Kinh tạng Nikàya, vừa có thể có một ảnh hưởng nào đó đến nội dung của toàn bộ kinh tạng, đặc biệt khi người đọc chưa thấu triệt tinh thần các bộ kinh Nikàya. Chúng tôi nghĩ rằng, giữ gìn dạng toàn vẹn nội dung văn bản kinh điển Nikàya dĩ nhiên là điều căn bản. Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có những bản rút gọn. Nếu không, độc giả Kinh tạng Nikàya sẽ bị thu hẹp đáng kể, đặc biệt là sẽ có một hàng rào phong cách ngôn ngữ ngăn cách các bộ kinh Nikàya với giới trẻ, rất xa lạ với kiểu hành văn của kinh, mà chư tôn đức rất cẩn thận giữ gìn sát với nguyên bản khi phiên dịch. Văn bản rút gọn, giản lược cần được xem là văn bản phụ, một dạng hỗ trợ cho văn bản trọn vẹn, phục vụ cho một số đối tượng nhất định, trong một số hoàn cảnh nhất định mà thôi. Dường như, trước đây, có một số vị tôn đức đã giản lược một số ít bài kinh A Hàm, nhưng riêng tôi thì chưa thấy các bản giản lược Kinh tạng Nikàya dịch từ tiếng Pàli. Tác giả Quảng Tánh đã làm được điều cần thiết đó, với 3 tập “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya”. Giản lược, rút gọn các bài kinh tạng Pàli là một việc làm cũng hết sức khó khăn và nặng nề trách nhiệm. Lược đi những câu nào, từ nào, giữ lại những câu nào, từ nào là một bài toán khó. Một bài kinh rút gọn là một bài toán nhức đầu, căng thẳng dưới áp lực trách nhiệm. Theo tôi, có lẽ, nó khó hơn việc dịch kinh nhiều. Vì dịch kinh thì chỉ cần trách nhiệm trong chuyển đổi ngôn ngữ và người dịch có một không gian rộng rãi để trình bày lại sự diễn đạt của mình. Còn giản lược, rút gọn kinh điển thì người làm công việc này bị ràng buộc trong không gian chật hẹp, với dung lượng giới hạn. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm nội dung kinh đúng tuyệt đối. Để có được 3 tập “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya”, chắc chắn, tác giả Quảng Tánh đã phải làm việc hết sức cực nhọc. Nhìn chung, các bài kinh rút gọn dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh cố gắng việc gìn giữ những nội dung căn bản của bản kinh ở mức đầy đủ. Cũng như việc tuyển chọn, việc rút gọn giản lược các bài kinh Nikàya cũng là một bước đệm cần thiết để người đọc bước đầu thâm nhập Kinh tạng Nikàya dễ dàng, thuận lợi, hứng thú. 3.Các lời bình phía dưới các bài kinh cũng là một đóng góp quan trọng của người biên soạn. Các lời bình, như tên gọi của nó, chỉ là những ý kiến ban đầu của người tuyển chọn và tóm lược kinh, không phải là những bài phân tích, giảng giải đầy đủ. Tuy nhiên, từ lúc chuyên mục Lời Phật dạy do tác giả Quảng Tánh biên soạn xuất hiện trên Báo Giác Ngộ, người đọc có thể tìm thấy ngay một số lời bình sâu sắc, ý vị, độc đáo, súc tích, khiến người đọc có thể được những gợi ý suy nghĩ để đi sâu hơn vào việc tìm hiểu, suy niệm lời kinh. Sách “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya” được trình bày thành 3 tập với 3 màu in khác nhau cho cùng một ảnh bìa. Nội dung các bài kinh được chia theo đề mục độc lập, tiện cho việc tra cứu. Sách đã được phát hành trên toàn quốc. TimHieuDaoPhat.Com Theo Phattuvietnam.net |
http://timhieudaophat.com/Gioi-thieu-sach/Loi-Phat-day-trong-Kinh-tang-Nikaya-Bo-tuyen-tap-binh-luan-kinh-Phat-gia-tri.nso
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét