Bất đoạn bất thường nghĩa là chẳng mất mà cũng chẳng còn. Cái chẳng mất ấy chính là tâm thức của ta. Tâm ta giống như một dòng điện. Dòng điện ấy luôn luôn tồn tại ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi hình thức khác nhau; nhưng khi một bóng đèn cháy rồi, ta không còn thấy ánh sáng nữa, ta gọi là mất; nhưng thực sự ra ánh sáng ấy vẫn còn, nó đang hiện hữu trong dòng điện ấy. Bằng chứng là nếu ta thay một bóng đèn khác thì nó sẽ sáng lên. Ánh sáng ấy nói là thường cũng không đúng, mà nói là mất cũng không đúng. Vì lẽ ánh sáng ấy chỉ thay đổi, xê dịch tùy thời mà thôi. Tâm thức ta cũng giống như vậy. Khi ta còn cảm giác thì bảo rằng ta biết. Khi hơi thở hết rồi thì gọi là chết, mà ngay cả hơi thở ấy cũng vay mượn của đất trời, chứ đâu có cái gì là của ta. Nó không có chủ thể thật sự. Khi hít không khí vào để nuôi buồng phổi, rồi thở không khí ra để tạo sự tuần hoàn. Khi không còn hít thở được nữa thì ta bảo rằng đã dứt sự sống. Tâm thức ấy thực sự ra không hoàn toàn là một tâm thức độc lập. Nếu ta là người thì tâm ta là người. Nếu ta là vật thì dòng tâm thức ấy sẽ thay đổi thành sự nhận biết của con vật, chứ không thể là sự nhận biết của con người được. Do vậy nếu nói tâm ấy thường còn là điều không đúng.
Như vậy tâm ấy sẽ đi về đâu? - Đó chỉ là một sự biến tướng của sự nhận thức. Khi làm chúng sanh thì tâm ấy là chúng sanh. Khi làm A La Hán thì tâm ấy sẽ chuyển đổi; khi làm Bồ Tát thì tâm ấy lại càng mạnh mẽ hơn để lao vào đời mà cứu độ chúng sanh. Khi thức đã chuyển thành trí trọn vẹn thì tâm ấy là Niết Bàn, Vô Ngã, Chơn Như, Tịch Tịnh. Cũng là một dòng nước; nhưng khi chảy đến chỗ đất lở thì ta thấy đục và khi chảy đến chỗ cát hoặc sỏi đá ta thấy trong. Sở dĩ ta thấy trong hay đục là do nhận thức chấp trước của mình mà có, chứ thật ra nước không trong mà cũng chẳng đục. Do vậy mà tâm này cũng chỉ thế thôi.
http://chanh-y.blogspot.de/2012/05/bat-bat-trung-quan-luan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét