Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Kinh số 33Kinh Dài: Người Chăn Bò
(Mahàgopàlaka suttam)
- Greater Discourse on The Cowherd -
(Mahàgopàlaka suttam)
- Greater Discourse on The Cowherd -
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc đã được cắt nghĩa)
II. NỘI DUNG KINH DÀI NGƯỜI CHĂN BÒ
1. Người chăn một đàn bò tốt cần có đủ 11 đức tính:
1.1. Biết rõ các sắc.
1.2. Khéo phân biệt các tướng.
1.3. Trừ bỏ trứng bò chét.
1.4. Biết băng bó vết thương.
1.5. Có xông khói.
1.6. Biết chỗ nước có thể lội qua.
1.7. Biết chỗ nước uống.
1.8. Biết con đường.
1.9. Biết (khéo biết) chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.
1.10. Không vắt sữa cho đến khô kiệt.
1.11. Có chủ ý săn sóc đặc biệt các con bò đực già, đầu đàn.
2. Tương tự, một Tỷ kheo có thể lớn mạnh trong Pháp và Luật Phật Giáo cũng cần có 11 đức tính như sau (theo thứ tự tương đương với 11 đức tính của người chăn bò):
2.1. Như thật biết rõ các sắc thuộc Tứ đại và sắc do Tứ đại hợp thành.
2.2. Như thật biết kẻ ngu, người trí và nghiệp tướng của họ.
2.3. Khi thọ dụng, biết từ bỏ các triền cái, các ác, bất thiện tâm.
2.4. Biết hộ trì sáu căn.
2.5. Biết giảng Pháp cho các người khác những gì mình đã học.
2.6. Biết hỏi nghĩa lý về Pháp, Luật với các bậc trì Pháp, trì Luật để đoạn nghi.
2.7. Chứng đạt, hiểu rõ Pháp và hiểu rõ mục tiêu tu tập.
2.8. Như thật biết Bát Thánh đạo.
2.9. Như thật rõ Tứ niệm xứ.
2.10. Biết thọ dụng " tứ sự cúng dường " vừa đủ.
2.11. Giữ thân, khẩu, nghiệp đầy lòng từ, giữa tập thể và nơi riêng vắng, đối với các bậc Trưởng lão, lãnh đạo, tôn túc.
III. BÀN THÊM
1. Mười một đức tính trên của vị Tỷ kheo là những gì mà một vị Tỷ kheo cần học hiểu và thực hành để có đủ nhân duyên phát triển Giới học, Định học và Tuệ học, hay phát triển tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Đây là nội dung giáo dục một tu sĩ (Tăng, Ni) mà Thế Tôn chỉ dạy. Đây cũng là một nội dung giáo dục cơ bản mà ngành giáo dục ở các tự, viện cần tham khảo và thực hiện. Làm được như thế thì Tăng già sẽ hưng thịnh.
2. Mười một điều giới thiệu ở trên cần được xem là các nét căn bản của linh hồn một đường hướng giáo dục hiện đại nhắm đến, bên cạnh nhiều kiến thức truyền đạt khác. Thiếu một, hay thiếu nhiều hơn một, trong mười một điểm thành tựu ấy thì nền giáo dục đào tạo của Phật Giáo còn khập khểnh. Đấy là chưa đề cập đến nội dung giáo dục đào tạo để đáp ứng các yêu cầu đóng góp của thời đại.
3. Ví dụ người chăn bò là một điển hình gợi ý rằng:
- Môi trường sống chung quanh có thể để lại các bài học giá trị cho một tu sĩ chiêm nghiệm về đời sống tâm thức.
- Các ví dụ cụ thể lấy từ đời sống thực tế giúp cho người học Phật dễ nhận ra các nghĩa lý sâu xa hơn về công phu giải thoát, và dễ nhớ.
4. Ví dụ người chăn bò gợi nhớ cho các Phật tử Việt Nam đến hình ảnh " chăn trâu tâm ", theo đó, có thể ghi lại 11 đức tính của một Tỷ kheo thành một cẩm nang đáng nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét