Tac gia: TS Huệ Dân
Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo, ngay bây giờ : Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Trong xã hội con người, những cái gì đẹp, cao quí, thường được ca ngợi, hay được chiêm ngưỡng, đó là những cái mà đời hay người đời tặng riêng cho mình. Nhưng khi nhận những sự tán dương này mà Tâm không dính mắc vào những lời xưng tụng, tán thán, khen ngợi đó, thì mới chính là người đức hạnh hay bậc thánh hiền. Do đó, tuỳ theo tấm lòng cung kính của mỗi người tu Phật mà có những danh hiệu khác nhau để tôn kính Ngài được biết như : Samôn Cồ Đàm, Đức Thế Tôn, Đấng Từ Phụ, Đấng Như Lai …
Đức Phật đã lấy cuộc đời của mình làm tâm điểm để tu tập và khai triển nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Quá trình tu chứng của Ngài đã nói lên con người có một kho tàng vô tận tiềm ẩn, có khả năng thẩm thấu nguyên nhân sinh diệt của các pháp, để từ đó vượt qua được tất cả thú vui, vật chất tạm bợ của cuộc đời. Do đó, Ngài mới khuyến khích con người khơi dậy niềm tin Phật tánh có sẵn trong mỗi người qua câu : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”.
Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo, ngay bây giờ : Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật quả thực, là Ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ, bị quên lãng, trong khả năng trí giác thẩm thấu thật tánh của các pháp nhân sinh vũ trụ, sẳn có ở mỗi người.
Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua. Thành công hay không là do chính bản thân của mình.
Khi phiền não (Kaṣāyā) được hiểu như là nguồn gốc của Tham, Sân, Si, và được coi là gốc rễ đau khổ của con người theo tinh thần Phật học. Sự hiện diện bất thiện xảy ra trong thân, khẩu, ý, thường được gắn liền với phiền não, là do các yếu tố có liên quan đến những gợi cảm mong muốn, tức giận, si mê, lo lắng bồn chồn, và nghi ngờ.
Chính vì lo sợ : Tham, Sân, Si, là những trở ngại đầu tiên cho chúng sanh mà Đức Phật không dấu diếm điều gì trong sự kinh nghiệm tu tập của mình, để đạt được sự hoàn toàn tỉnh thức. Ngài luôn nhắc nhở : Sống phải tận dụng thời giờ để tu học, để thực hiện những gì thật ý nghĩa cho Đạo như ý của mình muốn.
Đức Phật là người biết khắc phục mọi phiền não, bằng sự hàm dưỡng tu tập quán sát nội tại trong thân tâm để vượt qua những trở ngại, mang phẩm chất lợi tha toàn diện, để trở nên siêu việt, cho nên người ta mới gọi Ngài là Phật Thế Tôn hay Đức Thế Tôn. Chữ Tôn là chữ để chỉ cho bậc đáng kính trọng.
Trong ngôn ngữ Phật học, từ Bhagavan thường được dịch âm thành Bà Ca Vãn hay Bà Ca Bà. Những chữ thường thấy : Bhagavat, Bhagavan, Bhagavān, Bhagavatī, Bhagavate, Bhagavati, Bhagavatām… trong bảng biến thân từ của của Bhagavat, भगवत्, qua ba dạng : nam tính, nữ tính, trung tính, được dùng để tôn xưng Đức Phật hay những gì có liên quan đến Phật. Tất cả những từ kể trên đều phát xuất từ chữ Bhaga,भग, viết từ gốc động từ căn √ भज् bhaj. Theo nghĩa bóng Bhaga là người khắc phục phiền não.
Trong Phật Địa Kinh Luận, quyển 1 có ghi 6 ý nghĩa của Bhagavat như sau : Tự Tại, Xí Thịnh, Đoan Nghiêm, Danh Xưng, Cát Tường, Tôn Quý.
Từ "Bhagava" cũng đã được dùng để mô tả Đức Phật trong kinh điển Pali sớm nhất. Trong Anussati (Pāli), là"Hồi ức hay chánh niệm của Đức Phật". Nó dùng để chỉ hành động của lòng sùng kính, tôn thờ, ngợi khen và suy niệm về Đức Phật qua những danh xưng dưới đây :
"Itipi so Bhagava. Thật vậy, Ðức Thế Tôn có :
Araham : Ứng Cúng
Samma sambuddho : Chánh Biến Tri.
Vijja carana sampanno : Minh Hạnh Túc.
Sugato : Thiện Thệ.
Lokavidu : Thế Gian Giải.
Anuttaro : Vô Thượng Sĩ.
Purisadammasarathi : Ðiều Ngự Trượng Phu .
Purisadammasarathi : Ðiều Ngự Trượng Phu .
Sattha devamanussanam : Thiên Nhân Sư.
Buddho : Phật.
Bhagavati : Thế Tôn."
Trong Phạn ngữ, cũng có ghi những danh xưng để tôn kính Đức Phật được biết như sau :
Tathāgata : Như Lai, là người đã đến như thế hay người đã đến từ cõi Chân như.
Arhat : Ứng Cung, là người đáng được cúng dường, đáng được tôn kính.
Samyak saṃbuddha : Chính Biến Tri hay Tam miệu tam Phật đà, là người hiểu biết đúng tất cả các pháp.
Vidyā caraṇa saṃpanna : Minh Hạnh Túc, là người có đủ trí huệ và đức hạnh.
Sugata : Thiện Thệ, là người đã đi một cách tốt đẹp.
Loka vid : Thế Gian Giải, là người đã thấu hiểu thế giới.
Anuttara puruṣa : Vô Thượng Sĩ, là Đấng tối cao, không ai vượt qua.
Puruṣa damya sārathi : Điều Ngự Đại Trượng Phu, là người đã điều chế được mình và nhân loại.
Deva manuṣyānāṃ śāstṛ : Thiên Nhân Sư, là Bậc thầy của cõi người và cõi trời.
Bhagavān : Phật Thế Tôn, là Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét