Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tâm chiều
Cuộc đời đó lửa đem tiếng ca lên như than phiền
bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
một đời bỏ ngõ đêm hồng, ngoài trời còn dâng nước lên mắt e
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió từ vào trong đá xưa đến bây giờ
Mắt đã mù tóc xanh đen vần trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu, lời ca đau trên cao
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu bước chân quên
--
Kinh moi doc bai viet cua Luong dinh Khoa:
Tạm quên đi những ưu phiền, em nương theo khúc nhạc của Trịnh ru mình bình yên theo những tiếng ca phiêu bồng, thanh thoát, chập chờn mộng mị thực hư…
Cuộc đời là những tiếng hát mà mỗi người sẽ tự hát lên theo cách riêng của mình: Có tiếng trong veo, vút cao, có lời khàn đục, trầm lắng; có khúc hân hoan, có lời than thở…
Ý nghĩ ấy, cách gọi ấy xuất hiện trong em ngay lần đầu tiên nghe “Dấu chân địa đàng” của Trịnh Công Sơn – hay nói đúng hơn người nhạc sỹ họ Trịnh tài hoa đã hát lên những cung bậc, chiêm nghiệm khác nhau về cuộc đời bằng một giai điệu trữ tình với những ca từ lấp lánh ảo huyền, vừa cụ thể, gần gũi lại vừa trừu tượng, siêu thoát…
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Là một chiều cuối tuần chênh vênh giữa những mệt mỏi, cô đơn, Trịnh đã dắt em vào thế giới riêng của ông với một không gian ru lòng dịu lại – đủ tĩnh tại để biết gió đã đưa mây “về ngang bên lưng đèo”, đủ tinh tế để biết những loài sâu ăn lá trong chiều ngủ quên cho sắc xanh tràn lên biêng biếc trong mắt mùa. Và đâu đó cuộc đời bắt đầu cất tiếng êm ca thiết tha đượm một khối tình sầu nhớ tơ vương, “bàng hoàng lạc gió mây miền” khiến vó ngựa lữ khách chùng chân ngập ngừng đồng cảm:
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em…
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em…
Nhắm mắt lại và để những tiếng ca cuộc đời dẫn lối phiêu du. Lời ca đã trôi qua những âm sắc ưu phiền của thực tại, đón em bằng một “đêm hồng” nồng nàn ước vọng. Trong từng “vùng u tối”, khúc ca của những loài sâu cũng dần lịm lại, tan về hư vô – chỉ còn thoảng bay trong gió “lời ca dạ lan” thơm nồng tin yêu…
Trong những khoảng đêm hồng bỏ ngỏ vu vơ, có điều gì ngọt ngào mà luyến nhớ, rưng rưng trong mắt em? Có điều gì nông nổi em rất muốn quên mà từng đêm vẫn chập chờn theo giấc mơ tìm về nhắc nhớ?
Em mang tuổi hai mươi của mình đi qua cánh cửa mùa son trẻ có những vòng tay bao bọc chở che để đến gần hơn với mưa nắng cuộc đời, với vị mặn mòi của những giọt mồ hôi rơi trên đồng ruộng, với những giọt nước mắt của lần đầu tiên hụt hẫng trước niềm tin để rồi học cách đứng lên khi Trịnh nói với em rằng từ trong khô cằn – đất vẫn chiu chắt nở hoa cho tiếng ca hiền hòa khởi phát:
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó
Loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu
Lời ca đau trên cao
Em mở lòng mình đón nhận và lắng nghe dồn dập những tiếng ca cuộc đời vọng đến – hát từ những người đang sống quanh em. Có gió có mưa, có tiếng thở dài nhói đau sau những bão giông đổ xuống trên đầu để rồi sau những bồi lấp của thời gian có những muộn phiền, đau thương sẽ nằm lại, ngủ yên trong một ngăn ký ức, như “loài rong rêu” trầm lặng lắng mình nơi mỗi dòng sông.
Cuộc đời là sự song hành của một chuỗi những buồn – vui, được – mất mà mỗi người sẽ tự hát lên từ khi bản thân bắt đầu nhận thức được về thế giới xung quanh cho đến khi thấy mình nhẹ tênh như một chiếc lá lìa cành tìm về đất mẹ. Và bên cạnh ngàn vạn tiếng ca với những âm sắc bộn bề vui buồn, được mất khác nhau ấy, ai cũng có một khoảng bình yên ru hồn nương náu – nơi “địa đàng còn in dấu chân bước quên”:
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên
Tạm quên đi những ưu phiền, em nương theo khúc nhạc của Trịnh ru mình bình yên theo những tiếng ca phiêu bồng, thanh thoát, chập chờn mộng mị thực hư…
Là Trịnh – Trịnh đang hát cho em nơi giữa “đêm hồng”, kể cho em nghe về một cõi siêu thực mang tên “địa đàng” mà sau một hành trình dài dằng dặc với chiếc balô chất đầy vui buồn nhân thế trên lưng, con người ta đều muốn bước đến và khao khát để lại dẫu chỉ là một bước chân bé nhỏ mong manh trước khi khép nhẹ đôi mi ngủ quên giữa cuộc đời…
21h39, 10.12.2010
LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét