Vô Tình Thuyết Pháp
John Daido Loori
Thị Giới dịch
John Daido Loori là vị hướng dẫn tâm linh và là tu viện trưởng tu viện Zen Mountain Monastery ở New York, cũng là người sáng lập giòng Thiền Mountain and River. Ngài là tác giả của nhiều tác phẩm về Thiền và bài sau đây được trích dịch từ tác phẩm Teachings of the Earth của ngài.
Chúng ta đang ở vào một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên, những mối đe dọa chính không phải là những tai họa từ thiên nhiên đã từng là những nỗi sợ hãi lớn nhất của tổ tiên chúng ta ngàn năm về trước, nhưng là những hiểm họa do chính con người tạo ra. Chúng ta đang ở vào một thời điểm nguy ngập trong sự phát triển, một thời điểm quyết định cho cả số phận của con người cũng như hành tinh của chúng ta. Chúng ta đang đối diện với một nghịch lý thúc ép nhất: Một mặt, chúng ta sở hữu được một mức độ hiểu biết và khả năng kỹ thuật mà chỉ những thập niên trước cũng khó tưởng tượng được. Chúng ta hiểu những số liệu phức tạp về những tầm xa nhất của không gian và những họat động tế vi nhất của những mảnh thời gian nhỏ của các nguyên tử. Mặt khác, hàng triệu con người trên quả địa cầu nầy đã và đang chết đói. Môi trường của chúng ta bị ô nhiễm. Tài nguyên thiên nhiên của địa cầu đang bị tước đoạt đến mức báo động. Nỗi ám ảnh về thảm họa môi sinh toàn cầu có khả năng tiêu diệt các chủng loại và mọi sự sống đè nặng lên chúng ta. Mặc dù chúng ta hiểu biết quá nhiều về vũ trụ và hoạt động của nó, chúng ta chỉ hiểu biết một cách hời hợt về chúng ta, đời sống của chúng ta, và mối liên hệ giữa chúng ta với vạn vật.
Cách chúng ta nhận thức về chúng ta và về vũ trụ vẫn còn nhị nguyên và hầu như không thay đổi trong suốt sự phát triển của lịch sử nhân loại. Nó là một cái nhìn chấp nhận sự phân ly giữa mình và kẻ khác. Kết quả của cái nhìn phân ly đó là chúng ta đã tạo ra những môn trìết học, nghệ thuật, khoa học, y học, sinh thái học, thần học, tâm lý học, chính trị học, xã hội học, đạo đức học… biệt lập nhau. Hậu quả là tạo ra cái thế giới mà ngày nay chúng ta sống trong đó. Những vấn đề như chiến tranh nguyên tử, ô nhiễm tài nguyên thiên nhiên, SIDA, ma túy, nghèo đói, đồi bại trong tôn giáo, chính trị và kinh doanh, tất cả đều liên hệ với cách chúng ta hiểu về cái ngã. Cách chúng ta hiểu về ngã cũng là cách chúng ta hiểu về vũ trụ, và cách chúng ta hiểu về vũ trụ quyết định cách chúng ta liên hệ với nó, điều chúng ta làm đối với nó, và cách chúng ta sống trong đó.
Gần đây, chúng ta thấy xuất hiện ở Tây phương một cách hiểu về thực tại hoàn toàn mới. Nguồn gốc của cách hiểu đó là một tác phẩm mà trước đó chỉ các Phật tử biết đến. Đó là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm trình bày một vũ trụ mà trong đó tất cả mọi sự vật và những sự vật khác tương nhập với nhau trong sự đồng nhất và quan hệ duyên khởi; trong đó mỗi sự vật đều cần đến mỗi sự vật khác và không có một hạt bụi nhỏ nào không ảnh hưởng đến toàn thể. Một ẩn dụ trong kinh, Lưới Trời Đế Thích, vẽ ra một thế giới trong đó mọi hiện hữu được nhìn như một tấm lưới kim cương lớn rộng khắp vũ trụ, không chỉ ba chiều không gian mà còn bao gồm chiều thứ tư là thời gian. Mỗi điểm của tấm lưới vĩ đại nầy là một hạt kim cương nhiều mặt phản chiếu mỗi viên kim cương khác, và như vậy, chứa đựng mọi viên kim cương trong tấm lưới. Những viên kim cuơng tiêu biểu cho toàn thể vũ trụ quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều mà ẩn dụ đó muốn mô tả là mỗi và mọi sự vật trong vũ trụ đều chứa đựng mỗi sự vật khác trong mọi lúc.
Lưới Trời Đế Thích không chỉ là nguyên lý triết học; nó là một sự trình bày về thực tại được chứng nghiệm. Nó là kinh nghiệm trực tiếp của hàng ngàn nam nữ Phật tử qua trên hai ngàn năm. Có thể nói rằng, giáo lý nầy chỉ được người Tây phương tiếp nhận một cách nghiêm túc vào thế kỷ thứ hai mươi, khi họ nhận thấy một trong những ứng dụng của tia sáng laser đã minh chứng cho sự xác thực của cái thấy cổ xưa nầy. Sử dụng ánh sáng laser, chúng ta có thể tạo một hình chụp trên một tấm bảng kẽm; khi ánh sáng laser được cho xuyên qua tấm kẽm, một hình ảnh ba chiều được phóng ra. Đó là hình ảnh rất đẹp, một hình ảnh holographic mà chúng ta có thể bước đi trong đó, cho phép chúng ta ngồi ở giữa những đồ vật trong bức tranh đó. Điều đáng chú ý hơn, và làm thay đổi tận gốc cách chúng ta nhìn sự vật là khi cắt tấm kẽm chụp hình đó làm đôi và chiếu ánh sáng laser qua chỉ nửa tấm kẽm đó nó vẫn phóng chiếu toàn thể hình ảnh, cắt phần tư làm hai, cắt phần tám làm hai và cứ như thế cho đến một phần nhỏ nhất của tấm kẽm. Khi chiếu ánh sáng laser qua nó, toàn bộ bức tranh được phóng chiếu, không có phần nào bị mất. Điều nầy chứng tỏ một việc: mỗi phần của tấm kẽm chứa đựng tất cả mọi chi tiết của cái toàn thể, giống như những viên kim cương trong Lưới Trời Đế Thích.
Kết quả của sự khám phá nầy là các nhà sinh vật bắt đầu khảo sát sinh vật học theo mô hình holographic. Lý thuyết mới về não bộ cũng được dùng mô hình holographic, và các nhà vật lý bắt đầu nhìn vào vũ trụ bằng “con mắt” theo mẫu holographic. Ngày nay, trong thế kỷ thứ hai mươi mốt, các nhà khoa học đã bắt đầu chứng minh được sự xác thực của những điều được nói ra từ sự chứng nghiệm Lưới Trời Đế Thích truyền đạt bởi các hành giả Phật giáo qua 2500 năm.
Nhận ra vũ trụ holographic là điều tôi muốn gọi là tâm thức thế kỷ hai mươi mốt. Chỉ với việc hiểu bản chất của vũ trụ như là một toàn thể, chúng ta có thể làm điều gì đó cho những vấn đề mà chúng ta đang đối diện. Tâm thức thế kỷ hai mươi mốt là tâm thức của những vị Cổ Phật; đó là Tâm Phật, cũng là tâm của tất cả chúng sanh. Tâm đó chúng ta đã có sẵn đủ, nhưng chúng ta chôn vùi nó trong một quãng đời bị điều kiện hóa – điều kiện hóa do cha mẹ, thầy giáo, văn hóa, tổ quốc, học vấn... Khi chúng ta nhận ra vũ trụ tương quan phụ thuộc, không thể nào chúng ta từ bỏ trách nhiệm đối với nó. Rõ ràng rằng điều chúng ta làm và điều xảy ra cho chúng ta chỉ là một. Khi nhận thức điều nầy một cách sâu xa, chúng ta sẽ không thể nào còn trì hoãn và đổ lỗi. Chúng ta tạo ra thế giới của chúng ta – đó là điều ai cũng thấy rõ. Đó là kết quả đến từ nhận thức. Khi chúng ta nghe vể những vấn đề của thế giới, chúng ta cảm thấy thất vọng. Chúng ta có thể làm được điều gì? Tình trạng có vẻ vô vọng. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi vô vọng đó, chúng ta vẫn có cách để giải quyết tình trạng của chúng ta, với điều kiện là chúng ta phải hiểu được chúng ta thật sự là ai ở bên ngoài chiếc bị da, bên ngoài ngôn ngữ và ý niệm. Đâu là sự thật, thực tại của cuộc sống? Ý nghĩa của hiện hữu là gì?
Vào thời nhà Đường ở Trung hoa, Thiền sư Động Sơn lúc còn rất trẻ đã đặt những câu hỏi tương tự. Khi nghe một câu trong Tâm Kinh, “Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,” ngài rờ lên mặt nói: “Tôi có mắt, tai, mũi, lưỡi. Tại sao kinh nói rằng chúng không hiện hữu?” Những hành giả đã tụng Tâm Kinh ở ngôi chùa đó xấp xỉ hai mươi năm, và hàng ngàn người khác nhau đã ngồi trong thiền đường và tụng “Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có thế giới của sắc, không có thế giới của ý.” Nhưng có lẽ ít người đã hỏi câu hỏi mà một chú tiểu mười tuổi hỏi thầy mình: “Tại sao kinh lại nói như vậy? Con thấy con có đủ.” Thầy của Động Sơn không thể trả lời và gởi Động Sơn đến một vị Thiền sư mà Động Sơn về sau vào năm hai mươi mốt tuổi được cho thọ giới Tỳ kheo.
Sau khi thọ giới Tỳ kheo, ngài Động Sơn đi du phương đến tham bái ngài Nam Tuyền. Trong lúc sữa soạn cho ngày giỗ ngài Mã Tổ, thầy của Nam Tuyền, ngài Nam Tuyền hỏi chúng: “Ngày mai giỗ ngài Mã Tổ, các ông có nghĩ rằng ngài sẽ đến hay không?” Không có ai trả lời. Khi đó, vị tăng trẻ Động Sơn bước ra nói: “Có bạn thì ngài sẽ đến.” Nam Tuyền nói: “Mặc dầu là một kẻ hậu sanh, người nầy có thể được mài dũa.” Động Sơn nói: “Hòa thượng đừng ép tốt thành xấu!” rồi đi ra.
Sau đó, Động Sơn đến tham bái ngài Qui Sơn hỏi, “Mới đây con nghe nói Nam Dương Trung Quốc Sư có cuộc pháp thoại về vô tình thuyết pháp, con không hiểu được ý nghĩa vi tế.” Qui Sơn nói: “Con có nhớ pháp thoại đó không?” - “Có nhớ.” Qui Sơn nói: “Hãy nói ra xem.” Động Sơn nói: “Một vị tăng hỏi: ‘Tâm của Cổ Phật là gì?’ Quốc sư trả lời: ‘Rào, tường, ngói, đá.’ Vị tăng hỏi: ‘Rào, tường, ngói đá có phải là loài vô tình không?’ Quốc sư nói: ‘Phải.’ Tăng hỏi: ‘Có biết thuyết pháp không?’ Quốc sư nói: ‘Thuyết pháp không dừng nghỉ.’ Vị tăng hỏi: ‘Sao con không nghe?’ Quốc sư nói: ‘Ông không nghe nhưng không thể cản trở người khác nghe.’ Tăng hỏi: ‘Ai nghe được?’ Quốc sư nói: ‘Các bậc Thánh nghe được.’ Vị tăng hỏi: ‘Hòa thượng có nghe không?’ Quốc sư nói: ‘Ta không nghe.’ Vị tăng hỏi: ‘Hòa thượng không nghe làm sao biết là vô tình có thể thuyết pháp?’ Quốc sư nói: ‘Nhờ ta không nghe, nếu ta nghe thì đồng với các bậc Thánh, ông sẽ không được nghe ta dạy.’ Vị tăng hỏi: ‘Như vậy chúng sanh không dự phần trong đó sao?’ Quốc sư nói: ‘Ta thuyết pháp vì lợi ích của chúng sanh, không phải cho các vị thánh.’ Vị tăng nói: ‘Sau khi chúng sanh nghe rồi thì thế nào?’ Quốc sư: ‘Tức không phải là chúng sanh.’ Vị tăng nói: ‘Kinh nào làm căn cứ cho việc thuyết pháp của loài vô tình?’ Quốc sư nói: ‘Những lời không hợp với kinh điển thì không phải là lời của người học đạo. Ông có đọc kinh Hoa Nghiêm chưa? Kinh nói rằng đất thuyết pháp, chúng sanh thuyết pháp, mọi vật trong ba thời quá khứ hiện tại tương lai thuyết pháp.”
Sau khi Động Sơn kể lại câu chuyện, Qui Sơn nói: “Ta trong đó cũng có, chỉ khó gặp người thích hợp.” Động Sơn nói: “Con chưa hiểu, xin Sư chỉ dạy.” Ngài Qui Sơn đưa phất trần lên và hỏi: “Hiểu không?” Động Sơn nói: “Không hiểu, xin Hòa thượng dạy.” Qui Sơn nói: “Miệng cha mẹ sinh ta rốt cuộc không thể nói được.” Động Sơn hỏi: “Có vị nào có thể giúp chăng?” Qui Sơn gởi ngài đến Thiền sư Vân Nham.
Động Sơn rời Qui Sơn đến tham bái ngài Vân Nham. Động Sơn hỏi: “Vô tình thuyết pháp ai có thể nghe được?” Ngài Vân Nham trả lời: “Vô tình nghe được.” Động Sơn hỏi: “Hòa thượng nghe không?” Vân Nham nói: “Nếu ta nghe, ông không nghe ta thuyết pháp.” Động Sơn nói: “Sao con không nghe?” Ngài Vân Nham đưa phất trần lên, hỏi: “Nghe không?” Động Sơn nói: “Không.” Vân Nham nói: “Ta thuyết pháp ông không nghe, làm sao nghe được loài vô tình thuyết pháp?” Động Sơn nói: “Vô tình thuyết pháp căn cứ vào kinh nào?” Vân Nham nói: “Ông có đọc Kinh Di Dà chưa, trong đó nói rằng nước, chim, cây, rừng tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp.” Động Sơn nhân đó được lãnh hội.
Ngài Động Sơn đã lãnh hội được điều gì? Hai vị Thầy khác nhau, hai giòng phái khác nhau; cùng một mục đích, cùng một giáo lý. Đưa phất trần lên có nghĩa là gì? Phất trần là thanh cây nhỏ gắn lông ngựa ở đầu dùng để đuổi ruồi mà không làm chết chúng. Nó trở thành một biểu tượng cho việc dạy pháp, một trong những thứ được truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Nhưng việc đó không quan trong. Vấn đề là việc đưa phất trần lên để hiển lộ sự thuyết pháp của loài vô tình. Đưa phất trần, nháy mắt, đưa một cành hoa, gọi và đáp – tất cả những điều đó liên quan đến sự tương dung. Tương dung là “thấy sắc với toàn thể thân và tâm, nghe tiếng với toàn thể thân và tâm.” Khi làm được điều đó, chúng ta có thể hiểu được sự vật một cách sâu xa. Đó là điều mà Động Sơn kinh nghiệm, giáo pháp được trao truyền từ vạn pháp.
Khi chúng ta nói rằng “không phân ly, không bám víu,” đó là tương dung. “Nhân và quả là một” đó là tương dung. “Trách nhiệm” đó là tương dung. “Quên bản ngã” đó là tương dung. “Thật sự là chính mình” đó là tương dung. Tất cả những điều nầy chỉ là những cách nói khác nhau về một sự việc. Bao lâu mà chúng ta còn nhốt mình trong chiếc bị da, chúng ta khóa kín phần còn lại của thế giới và khi đó sẽ không có tương dung.
Sau khi bày tỏ sự lãnh hội, Động Sơn nới với ngài Vân Nham: “Con vẫn còn tập khí chưa trừ hết.” Vân Nham nói: “Ông đã làm gì?” Động Sơn nói: “Cho đến Thánh đế (Phật pháp) con cũng không làm.” Nói cách khác là không cố gắng, không dụng công, cũng không không dụng công. Vân Nham nói: “Có hoan hỉ không?” Động Sơn nói: “Hoan hỉ không phải là không. Giống như trong phẩn tìm thấy ngọc quí.” Rồi Động Sơn hỏi: “Làm thế nào để thấy được con người chân thật của con?” Vân Nham nói: “Hỏi người đưa tin ở bên trong.” Động Sơn nói: “Con hỏi đây.” Vân Nham nói: “Người ấy nói gì?” Vị sư già muốn nói với Động Sơn rằng hãy tin vào chính bản thân. Toàn thể sự việc đang xảy ra ngay ở đây và bây giờ. Khi sắp từ giả, Động Sơn hỏi: “Khi ngài qua đời, có người hỏi chân dung của ngài, con sẽ trả lời sao?’ “Chân dung” có nghĩa là giáo pháp. Vân Nham lặng yên một lúc rồi nói: “Là cái đó.” Động Sơn trầm ngâm một lúc. Vân Nham nói: “Thiện xà lê, đảm đương việc nầy, hãy suy xét cho kỹ.”
Động Sơn vẫn còn chút nghi ngờ. Về sau, khi đi ngang qua một con sông, nhìn thấy bóng mình phản chiếu dưới nước, ngài đại ngộ. Ngài đọc bài kệ:
Đừng tìm kiếm bên ngoài,
Xa lạ với chính mình.
Ta nay đi một mình,
Nơi nơi đều gặp nó.
Nó giờ chính là ta,
Ta giờ không phải nó.
Thấu hiểu được việc đó,
Mới khế hợp chân như. (*)
Lời của Động Sơn “Nó giờ chính là ta, ta giờ không phải nó” cũng cùng ý nghĩa như câu: “Anh và tôi là một, nhưng tôi không phải là anh và anh không phải là tôi.” Hai mặt cùng hiện hữu đồng thời; không phải một nửa cái nầy, một nửa cái kia. Nó không phải là một sự hòa trộn. Đó là một cái duy nhất vượt ngoài cả hai mặt đối đãi. Cái đó không phải là tuyệt đối cũng không phải là tương đối, không trên không dưới, không hiện hữu cũng không không hiện hữu. Đó là một thực tại vượt ngoài mọi tính chất nhị nguyên, và tu tập là để nhận ra cái đó. Một trong những khó khăn trong việc tu Thiền là chúng ta thường dồn mọi chú tâm vào việc nhận ra nền tảng tuyệt đối của thực tại, và do đó không bao giờ hoàn tất. Một mặt chúng ta phải chứng nghiệm “không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý;” mặt khác, chúng ta có cả một vũ trụ rộng lớn. Chân lý phải được tìm thấy ở chỗ không vướn vào một cực đoan nào. Một mặt là hữu tình, một mặt là vô tình. Một mặt là trần tục, một mặt là thiêng liêng. Thánh thiện, phàm tục; tốt, xấu; nam, nữ; trời, đất; trên, dưới. Tất cả mọi thứ có tính nhị nguyên đều không thể nắm bắt được cái đó.
Một trong những đóng góp lớn của ngài Động Sơn là giáo lý “Thiên Chính Ngũ Vị” nói về những tập hợp nhị nguyên.
Vị thứ nhất là Chính Trung Thiên, là dụng ở trong thể, tương đối ở trong tuyệt đối, là nói về không – không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nhưng chúng ta sẽ không hiểu được điều đó nếu không bước vào vị thứ hai là Thiên Trung Chính, thể ở trong dụng, tuyệt đối ở trong tương đối, là sự thể nghiệm cái không đó. Đây là chỗ mà kinh nghiệm ngộ xảy ra. Nhưng vẫn còn sự phân ly. Tuyệt đối và tương đối, thể và dụng vẩn còn phân đôi.
Vị thứ ba là Chính Trung Lai, đến từ tuyệt đối, nương lý tu sự, thể nghiệm toàn thể vũ trụ cũng là chính mình. Khi đó, ngã là vạn pháp, hiện hữu trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là lúc thể nghiệm rằng mỗi hành động của chúng ta đều có ảnh huởng đến toàn bộ vũ trụ. Nếu chỉ hiểu thì chưa đủ, vì trong hiểu vẫn còn sự phân ly giữa người hiểu và đối tượng được hiểu. Lòng tin cũng như vậy – một hệ thống tín ngưỡng thường phải tùy thuộc vào thứ gì khác bên ngoài, và như vậy là bất toàn. Trái lại khi chứng nghiệm, chúng ta biến đổi cuộc sống của chúng ta và sự biến đổi đó thực sự có sức mạnh. Chúng ta không còn sống trong mơ hồ; toàn thể chất liệu trở thành cuộc sống, và từ đó tâm từ bi bắt đầu xuất hiện. Chúng ta đưa cuộc sống của chúng ta vào dòng. Và thực tế chúng ta vốn đã ở trong dòng.
Vị thứ tư là Thiên Trung Chí, đến từ cả tương đối và tuyệt đối, khi đó dụng hoàn toàn khế hợp với thể. Ở giai đoạn nầy vẫn còn hai thứ, giống như muối trộn với tiêu. Có sự hợp nhất, nhưng trong sự hợp nhất vẫn còn hai thứ. Điều nầy được diễn tả như hình ảnh của vị Bồ tát, mặt phủ đầy bụi, xuống núi và trở lại vào chợ.
Trong vị thứ năm, Kiêm Trung Đáo, thể và dụng đều đủ, sự và lý cùng sánh, không còn sự hòa trộn. Nó là một – không tuyệt đối cũng không tương đối, không tăng không giảm, không dơ không sạch, không tốt không xấu, không nam không nữ.
Ngài Dogen (Đạo Nguyên) trình bày trong Kinh Núi Và Sông:
“Người nghi ngờ núi bước đi chưa hiểu buớc đi của chính mình. Không phải là người đó không bước đi, nhưng người đó chưa hiểu, chưa rõ ràng về sự bước đi của mình. Người hiểu sự bước đi của chính mình cũng phải hiểu sự bước đi của núi xanh. Núi xanh không phải hữu tình cũng không phải vô tình. Cái ngã không phải hữu tình cũng không phải vô tình.”
Thiền sư Keizan (Oánh Sơn) sau ngài Động Sơn 600 năm, bình:
“Hãy quan sát kỹ, các vị sẽ nhận được hoàn toàn cái biết bí ẩn nầy. Đó được gọi là vô tình hay vô sinh. Gọi là vô sinh vì không chạy theo âm thanh và hình tướng, không bị ràng buộc bởi cảm xúc hay phân biệt. Vị Quốc sư đã giải thích kỹ điều nầy, do đó khi nghe nói về loài vô tình, đừng hiểu lầm là rào hay tường. Bao lâu mà cảm giác và tư tưởng không bị đánh lừa và bám chặt vào tâm thức, và tâm thức không chạy tán loạn, khi đó cái biết nầy sẽ sáng rỡ và rõ ràng. Nếu cố gắng nắm bắt thì không thể nắm bắt được; nó không có hình tướng, nó không hiện hữu. Cũng không thể tách rời khỏi nó vì nó luôn luôn ở với chúng ta; nó không phải không hiện hữu. Nó không phải là nhận thức, không phải là ý nghĩ, nó không dính liếu gì với những yếu tố tâm-vật lý.”
Khi ngài Oánh Sơn nói: “không bị ràng buộc vào cảm xúc hay phân biệt” ngài không có ý nói không có cảm giác hay sự quan tâm. Ngài có ý nói là không bị bị ràng buộc, không bám víu. Không bị ràng buộc vào cảm xúc có nghĩa là: Khi khóc, hãy thực sự khóc. Khi cảm giác, hãy cảm giác bằng cả thân và tâm. Đừng phân ly. Phân ly tạo ra sự ràng buộc, phân ly ngăn cản và thu hẹp tự do của chúng ta.
Bài học bí mật nầy luôn luôn biểu lộ và truyền dạy một cách rõ ràng. Nó là cái làm cho chúng ta nhướng mày nheo mắt. Nó bao hàm trong sự đi, đứng, ngồi, nằm, tắm, rữa, hành động, chết, sinh, ăn khi đói, ngủ khi mệt. Tất cả những cái nầy đều là lời thuyết pháp, cho đến tiếng của côn trùng. Không có cái gì dấu diếm. Tất cả mọi sự vật đều đang thuyết pháp một cách rõ ràng và không ngừng.
Chúng ta hãy thấy và nghe những lời thuyết pháp nầy. Chúng ta hãy thấy và nghe tiếng của núi và sông, của những loài đang bị nguy hiểm và có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta hãy thấy và nghe tiếng của nguyên tử, của những kẻ không nhà, của trẻ con; tiếng của những lời dạy của vô số thế hệ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta cố gắng thấy với mắt và nghe với tai, chúng sẽ không khi nào thấy được. Chỉ khi nào chúng ta thấy với tai và nghe với mắt chúng ta sẽ thật sự thấy “cái đó” một cách rõ ràng. Làm thế nào để thấy bằng tai và nghe bằng mắt? -Tọa thiền. Tọa Thiền là con rồng vào nước, là sư tử vào rừng. Tọa Thiền là cái ngồi giác ngộ của đức Phật, là sự trao truyền chân thật của tâm thức thế kỷ hai mươi mốt, là tiếng của vạn pháp.
(*)
Thiết kỵ tòng tha mịch
Điều điều dữ ngã sơ
Ngã kim độc tự vãng
Xứ xứ đắc phùng cừ
Cừ kim chính thị ngã
Ngã kim bất thị cừ
Ưng tu nhẫm ma hội
Phương đắc khế như như
--
http://www.ngocbao.org/VNVN_Web/pdf.aspx?c=76&a=230&t=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét