Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

KINH PHAP HOA/ PHAP SU CONG DUC/ TRICH TU (1)






Chữ Pháp sư công đức, trong kinh pháp Hoa không có nghĩa là mang đậm nét của một người thuyết pháp, mà Pháp ở đây biểu tượng cho tất cả sáu trần, sáu căn và sáu thức, bởi vì nếu nói pháp thì có bốn lý của pháp. Pháp cũng gọi là tâm, Pháp cũng gọi là phương pháp, và Pháp cũng gọi là lời dậy của Phật và pháp cũng gọi là tất cả cái gì mình thấy, mình nghe, mình đụng, mình ngửi, mình nếm, mình biết qua sáu căn, sáu thức khi đối với sáu trần, như vậy, đó gọi là pháp.
Trong kinh pháp Hoa này nói ai làm chủ được sáu căn, sáu trần, sáu thức thì người đó chính là vua pháp. Có nghĩa là người đang ở trong pháp mà không bị dính ở trong các pháp, cho nên gọi đó là Pháp sư. Có nghĩa là vị này sống ở trong tất cả các pháp mà không bị các pháp chi phối.
 Đối với sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mắt có thể thấu tột cùng tam thiên đại thiên thế giới, trên là cõi trời phạm thiên, dưới là địa ngục, hay trên thì nghe các vị trời sắc cứu cánh, dưới thì nghe tiếng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v…mà không hệ lụy ở trong các pháp, không có chỗ nào không nghe, không có chỗ nào không thấy.
Tổ Huệ Năng lúc ấy ngài còn là một cư sĩ, ngài chưa xuất gia. Đi đến một ngôi chùa ngài nghe một vị thiền sư thuyết Pháp, thính chúng rất đông.
Lúc ấy ở ngoài cổng chùa có hai vị thầy tranh cãi với nhau, một vị nói rằng phướng động, vị kia tranh luận rằng gió động, bởi vì gió thổi mới làm phướng động. Một người chấp vào gió, một người chấp vào phướng, cả hai đều không ra được cái lý lẽ. Bởi vì nếu nói theo pháp thế gian, nói theo tục đế thì ai nói cũng đúng. Nếu mà có gió thì phướng mới động, nếu không có phướng gió có thổi thì phướng đâu mà động?
Chúng ta thấy hai thầy tranh luận rất là đúng, nhưng mà đúng ở trong tục đế mà thôi, chứ không thể đúng ở trong cái chơn đế được.
Lúc ấy tổ Huệ năng mới nói:
Không phải phướng động, cũng không phải gió động, mà chính là tâm các vị động.
Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”. Các pháp xưa nay cái tướng thường tịch lặng. Có nghĩa là không có động.
Khi  đọc tới kinh Pháp hoa thì chúng ta thấy, đang tụng kinh có âm thanh diễn ra, ở ngoài gió bay vẫn nghe được tiếng gió vi vu, tất cả nhưng âm thanh bên ngoài đều có thể nghe thấy. Như vậy các pháp bên ngoài lúc nào cũng động, mà sao khing Pháp Hoa nói các tướng thường vắng lặng? Tất cả các âm thanh đó chúng ta đã dùng tâm loạn động mà nghe thấy, không dùng nhĩ căn thanh tịnh thì sao vạn pháp không động được.
Khi mắt thấy vạn vật thì sự tác động bởi cảnh ít hơn là tai nghe âm thanh. Bởi vì tai nghe âm thanh có thể mình ngồi một chỗ mà âm thanh ở một nơi xa vẫn nghe thấy, tâm vẫn động. Còn mắt nhìn chỉ nhìn được cái gì trước mắt chúng ta nên nó ít tác động hơn.
Ví như người mù nhìn không thấy được vạn vật, nhưng khi chúng ta nói chuyện ở đằng xa, người đó vẫn nghe thấy, vẫn phân biệt được người thân hay người quen nói chuyện. Cũng vậy nếu quý vị ngồi đây nghe thầy nói chuyện mà chưa từng biết mặt, nghe vẫn nghe được nghe tiếng Phật pháp, hay không phật pháp. Còn mắt không phân biệt được âm thanh, mà chỉ là nhìn thấy sắc. Tai thì nghe tiếng âm thanh phát ra, nó siêu xuất hơn, vì âm thanh nó dù cách vách tường thì chúng ta vẫn nghe thấy. Dù âm thanh cách bao nhiêu thời gian, bao nhiêu không gian, nếu mà chúng ta thường thọ trì kinh Pháp Hoa thì ở đâu chúng ta cũng nghe tới, nếu nói theo lý tột cùng của nó.
Đối với chúng ta cũng vậy, cái nhĩ căn mà uyên thâm nghe được. Ví dụ khi mình đang nghe bài giảng về công đức của Pháp sư, có nghĩa là ai mà hiểu được chỗ này thì người làm chủ các pháp. Có nghĩa là khi nghe ở đây không phải là nghe tiếng thị phi, đây không phải là nghe tiếng của trời của người, mà ở đây mình đang nghe vi diệu pháp. Đây là mình nghe âm thanh của bất khả tư nghì, nếu chúng ta dùng bằng nhĩ căn bình thường mà nghe để cho nó nghe tai này ra tai bên kia mất, như thế được người đời ví dụ như nước chảy lá môn. Còn người nghe thì có nghe mà không hiểu gì hết thì gọi là đàn gảy tai trâu, đàn mà đem đến lỗ tai con trâu đàn thì nó có nghe nhưng nó không hiểu gì hết, đờn dù có hay cách mấy thì cũng bằng vô dụng mà thôi. Còn một cách nghe mà cảm thấy chói tai thì người ta thường gọi là vịt nghe sấm vậy, vì nó nghe vang bên tai nó sợ hãi chạy hỗn loạn.
Cũng vậy, đối với giáo lý nhứt thừa, hay tức tâm tức Phật, chúng ta khi nghe có người không hiểu, có người nghe không nổi, nhưng có người nghe cảm thấy khó chịu khi giáo lý trực ngộ thẳng chơn tâm của chúng ta.
Như vậy cái mà nghe để người ta đừng nói mình nghe như nước chảy lá môn đó thì như nước chảy vào biển. Nghĩa là trăm sông trăm rạch chảy vào biển đều hoà vào trong nước biển, có nghĩa là khi mình dùng nhĩ căn mà viên thông để nghe như vậy, ta đem vô ở trong biển thanh tịnh tâm của mình đều được dung hoà. Biển khi nước chảy vào dù tất cả các vạt dơ chảy vào biển, thì trước sau những vật dơ bị tiêu mất. Bởi lẽ trong biển có chất muối, mà muối thì nó hàm xúc, nên vật nào dù dơ bẩn hay sach gì cũng đều được nó dung hoà với nhau sau đó thanh lọc lại. Ví như xác chết xình thối mà trôi ra biển, thì một thời gian nó sẽ được hoà tan thành ra nước biển. tại nước biển có chất mặn, có khả năng làm tiêu đi những cấu bẩn, hết tất cả những chất dơ đó.
Cho nên khi nói nếu dùng nhĩ căn viên thông mà nghe cũng như nước chảy vào biển, nó dung chức tất cả để hoà tan trở thành nước biển nguyên thể của nó. Ở đây chúng ta dầu là nghe Phật pháp cao siêu, dầu là nghe tiếng khen, nghe tiếng chê cũng đều giống như nghe Phật pháp vậy thôi.
Tại sao? tại vì tất cả các pháp đều là Phật pháp, vốn của nó là thanh tịnh, là thường tịch lặng. thành ra khen hay chê đều tịch lặng.
 Khi chúng ta nghe âm thanh, nghe tiếng động niệm bên ngoài rồi không hiểu, vì nghe bằng nhĩ căn thế tục chứ không dùng nhĩ căn viên thông mà nghe. Viên tức là tròn, thông là thông suốt, ta nghe ở trong cái tánh thông suốt.
Lấy nhĩ căn nghe để tự làm nhiễm ô, bởi vì căn tánh của chúng sanh thích bám víu vào trong trần cảnh, thích theo cài sự khen chê bên ngoài. lấy giả làm thật, lấy mộng làm chơn nên tâm thị thường đau khổ.
Cứ như vậy mà nhiều đời nhiều kiếp cứ sanh sanh, tử tử, không biết con đường nào để chúng ta chạy ra ngoài. Nếu chúng ta lấy nhĩ căn nhiễm ô mà nghe thì nghe xong có được thanh tịnh hay không? Có sửa đổi lại được hay không? Không bao giờ, nghe xong rồi thì trước sau gì cái nghe, cái hiểu, cái tu cũng giống y như vậy chứ không thay đổi được.
Khi chúng ta nghe pháp mà dùng tâm phàm nghe thì nghe không thể sửa đổi được gì cả. Lý do là mình dùng tâm vô ký mà nghe, hai là dùng tâm phân biệt, thầy này giảng hay, thầy kia nổi tiếng, có nhiều người mến mộ, thầy kia không ai biết đến chắc là nói không hay v.v…không dùng tam tuệ văn, tư, tu để nghe pháp. Nếu dùng được tam tuệ thì khi nghe chúng ta liền suy nghĩ về pháp yếu, suy nghĩ kỷ càng biết đó là pháp có thể giúp ta đến con đường an lạc đoạn trừ khổ đau, do đó mà mình dốc lòng tu thiện.
Còn một loại nghe pháp sanh tâm ngã mạn, cống cao, cho rằng những điều thầy nói chúng ta điều học, đều hiểu được tất cả rồi nên không cần phải nghe thêm nữa. Tâm này cũng được gọi là nghe pháp trong sự nhiễm ô chứ không dùng tâm chí thành để mà học hỏi, do đó mà khi ra khỏi đạo tràng rồi chúng ta cũng đâu có sửa đổi được.
Cũng có người khi nghe pháp rồi lại nghĩ rằng: chúng ta nghe như thế này rồi sẽ đem pháp này nói cho người khác nghe. Mình sẽ đi thâu thập những lời nói của những vị này, xong rồi ta truyền lại cho các vị khác. Lấy cái đó như két học nói, lập lại ngôn từ giống như các vị thầy ấy, nhưng chính bản thân mình thì không lấy đó làm đà tiến thủ, không lấy lời dạy đó mà thực hành trong việc tu tập cho chính mình. Khi nghe pháp thì chúng ta phân định rõ ràng chỉ trong giờ thuyết pháp thì mới là nghe pháp, ngoài ra tiếng khen, tiếng chê, khôpng phải là nghe pháp. Thành ra mình không thích nghe khen, chê thì cái nghe pháp này cũng gọi là nghe trong nhiễm ô luôn. Khi mà muốn nghe lại, muốn sống lại nhĩ căn viên thông, muốn sống lại tánh nghe mà để cho một ngàn hai trăm công đức thì phải nghe ở trong cái tâm thường tịch sáng.
 Cái tâm nghe để mà phản chiếu lại, để nhìn lại xem chúng ta khiếm khuyết cái gì trong đó. Mình biết mình đang khiếm khuyết cái giới đó, mình biết mình đang khiếm khuyết trong lỗi lầm như thế, và mình còn thiếu trong việc tu tập như thế này, yếu tu trong mặt kia v.v…
Khi nghe pháp khởi tâm tìm cầu học hỏi, biết rằng điểm đó mình còn sai, chưa đúng, cần phải sửa đổi thì mình nhìn lại ở trong khiếm khuyết, cái lỗi lầm, cái mê muội của mình như vậy. Thì dù cho thời pháp đó rất bình thường đi chăng nữa thì đối với bản thân chúng ta cũng là vi diệu cao siêu.
Khi chúng ta nghe pháp một cách viên thông với nhĩ căn thanh tịnh như thế, thì sẽ được một ngàn hai trăm công đức. Tại sao lại nói như vậy? Tại vì cái phước đức và công đức trong nhà Phật không giống nhau. Phước đức là dùng hình tướng, có sự thể bên ngoài, mà mình dụng, mình cúng dường, mình tu, dùng hình tướng thì nó có phước theo hình tướng. Có nghĩa là có phước thì được sanh thiên, có tội thì đoạ xuống tam đồ bát nạn nơi cõi địa ngục.
Công đức thì không như phước đức, công đức là nhìn lại mình, thẩm thấu lại mình, tự xét lại những cái dở, những cái tồi tệ, những cái khiếm khuyết, những gì nặng nề hay phiền hay não mà từ xưa tới giờ ta chưa bao giờ biết dụng công để mà tu tập cho dứt hặn những nghiệp lực sâu dày.
Lấy thí dụ trước kia khi nghe người khác chê bai, hay nói nặng, mình không thể chấp nhận được, một là nghe rồi đau khổ, hai là nghe rồi muốn kích động trở lại đối phương để. Nhưng bây giờ nghe lại tiếng khen, tiếng chê, thì mình cũng khó chịu, cũng nói trả lại nhưng khi về đến nhà suy nghĩ lại hối hận vì biết đó là cái dở của mình. Khi nhịn nhục không được như vậy, mình cảm thấy hổ thẹn, sau đó tự mình đến bày tỏ sự hối lỗi của mình vì hành động vừa qua.
Khi mình dám thấy lại cái dở của mình còn bộc bạch cho người khác biết, thì đây không phải là hình tướng bên ngoài mà mình đang dụng nữa. Đây không phải là dùng một cái gì để cúng dường cho chư Phật nữa, mà là dùng cái thân tâm tột cùng hiểu biết, trí huệ và lòng từ bi ở trong đó để mà khởi lên. Nhưng ai khởi được? Ai làm được chuyện đó? Nếu người này không có tâm thường quán nội kết, thường biết đuợc những cái dở bên trong để cho nó tan biến. Người này làm sao mà hiểu, làm sao có thể làm được một cách dễ dàng.
Từ đâu mà chúng ta có thể làm được? Từ ở chỗ có bản ngã, từ ở chỗ có lòng từ bi, mà thấy chúng sanh đáng thương, từ chỗ thấy vô ngã, từ chỗ thường xuyên quán nội kết, từ chỗ chúng ta biết lọc lừa tâm ý. Từ những chỗ đó chúng ta thấy được cái ngã không thật có, cái mà mình thấy như vậy, đem thân tâm để ứng dụng thì không phải phước đức, nếu như đời sống của chúng ta chỉ chuyên bảo thủ cho kiến giải, cho bản ngã của chính mình, thì làm sao có thể tu tập công đức được. Khi họ làm phước, gieo trồng nhân tốt, nhưng ngược lại bên trong nội tâm không tu tập, không biết sửa đổi, thì chỉ được hưởng phước báu nhân thiên, không thể tự giải thoát khỏi sanh tử luân hồi được.
Chúng ta lo làm phước tích thiện bên ngoài mà không ngồi lại ở trong tâm. Làm phước bên ngoài mà không xả ly được cái tâm ngã và ngã sở, làm phước mà với tâm cầu danh, xem nặng trong việc làm phước đó, rồi cho việc làm phước để cho mọi người biết đến mình nhiều, cứ chấp chặt trong cái làm phước của mình. Chính những cái chạy theo những điều làm phước của họ, cho nên không thể nào nhận rõ được cái nào là chơn, cái nào là vọng.
Thiền sư khi tham thiền quán chiếu trực ngộ được bản tâm thanh tịnh, hiểu rõ ràng tất cả các pháp vốn thanh tịnh, hiểu các pháp từ xưa nay vốn tịch diệt nên nói:
Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng,
Xuân đáo bách hoa khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng.
Khi vị ấy nghe rõ mọi âm thanh bên ngoài, tâm không dao động, không vướng mắc, nghe để mà nghe, nghe theo nhĩ căn thanh tịnh của mình. Không bị nghe các âm thanh ngoài kia làm cho tâm mình xáo trộn, chạy theo cảnh, chấp vào cảnh. Bây giờ hạt giống bồ đề đã thành tựu.
Tâm vọng tưởng đã được dùng lưỡi gươm trí tuệ chặt đứt, khi nhìn ra mà không bao giờ nhiễm ô, cảnh vẫn là cảnh, động vẫn là động, khen chê chỉ là giả tưởng bên ngoài. Bây giờ với cái thấy, cái nghe, như vậy thì nhìn các pháp đều thanh tịnh. Khi tâm mình không bám víu, khi tâm mình không nhiễm ô. Thì chúng ta lấy cái gì để gọi là pháp động? cho nên chính vì chỗ đó mà hai thầy Tỳ Kheo tranh luận cho là phướng động, hay gió động gì thì cũng chỉ là tâm chúng ta động mà thôi.
Lục Tổ Huệ Năng ngài sống trong tâm thanh tịnh, không còn vướng mắc những cái trần cái cảnh nào. Ngài thường thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, tụng đọc trong sự liễu nghĩa thượng thừa nên khi nghe hai thấy tranh luận ngài mới lại khẳng định: “Không phải phướng động, không phải gió động mà tâm của hai nhơn giả động”.
Khi nghe chuyện như vậy vị thầy trụ trì ở đó, hỏi ra mới biết ngài được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền Y Bát cho tổ Huệ Năng. Ngài tu tập trong rừng suốt mười mấy năm sau đó mới xuất gia, khi ngài đi truyền bá giáo lý, những lời dạy của ngài được các vị đệ tử viết lại thành cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh.
Ngay ở chỗ nói Phẩm Pháp Sư Công Đức thì đức Phật ngài dạy cho chúng ta biết Pháp sư đây có nghĩa là sống trong thế gian phải biết tuỳ duyên mà hành pháp, tìm cho mình chỗ trụ tâm, tâm trụ một chổ thì không gì có thể làm khuấy nhiễu chúng ta được.
Phật hoàng Trần Nhân Tông viết lên bài kệ trong sự liễu ngộ chân tâm:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Vô tâm đối cảnh chớ hỏi thiền.
Như vậy, khi chúng ta đã thật sự hiểu và nắm được những cốt yếu của căn trần cảnh và thức, thì điều cần thiết cho mỗi hành giả khi tu tập phải khởi tâm ứng dụng, phải biết tự thanh lọc tâm. Thiệt sự trong tâm chúng ta rõ ràng hiểu làm cho ta động niệm, không pháp nào làm được mọi pháp đều là Phật pháp, thì không pháp nào sống không được, không pháp nào cho chúng ta sống ở ngoài sự tĩnh lặng chơn như bất động cả.
 
--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét