Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Kinh Phap Hoa/ Tu thanh de/ 52 tam so

Gioi thieu

Hom nay gioi thieu ban doc 1 bai viet cua Thay Tri Quang, trich tu net, xem link o duoi bai. Nhan thay bai viet co vai y tuong moi:
- vai tro cua 52 tam so.
- Lien he giua Tu thanh de va Kinh Phap hoa.

Kinh moi


Tòa án lương tâm
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 40 tại chùa Phổ Quang ngày 28-9-2008)




Đây là đề tài nhằm áp dụng Phật giáo vào cuộc sống hiện thực của con người. Trong Phật pháp không có danh từ tòa án, ở đây dùng danh từ tòa án để giúp chúng ta dễ nắm bắt được hiện tượng cuộc sống và phân biệt giữa tòa án trong tâm con người, thường gọi là tòa án lương tâm với tòa án ngoài xã hội.

Người ta thường nói một người có thể chạy tội trước tòa án, nhưng không thể chạy tội được với lương tâm, vì tòa án căn cứ trên điều luật để xét xử, mà luật lệ do con người đặt ra và thay đổi tùy theo phong tục, tập quán của từng bộ lạc, từng quốc gia, từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, đối với một việc, luật pháp ở chỗ này cho rằng đúng, thì chỗ khác lại cho là sai; thời kỳ này nói như vậy, làm như vậy là phải, nhưng thời kỳ sau, nói và làm như vậy lại bị coi là sai trái, phạm tội. Chính vì vậy mà chúng ta thấy trong thực tế cuộc sống có những người đương thời được tôn vinh là người lãnh đạo tốt, nhưng bị thất thế, sa cơ, họ lại trở thành tội nhân. Có thể thấy rõ rằng sự suy xét theo tòa án thế gian không bảo đảm đúng hoàn toàn và người ta có thể tránh tội, trốn được luật pháp, nên chúng tôi không đề cập đến. Trái lại, tòa án lương tâm thì không ai trốn tránh được, mà phải đối diện với nó, vì nó là chân lý. Người làm điều trái với lương tâm thường cảm thấy bị bất an, bị dằn vặt trong lòng; đó là điều đau khổ nhất của con người trước tòa án lương tâm. Nhiều người lầm tưởng rằng có tiền tài, danh vọng, địa vị là hạnh phúc; nhưng đối với đạo Phật, có được tâm an lạc là hạnh phúc nhất và hạnh phúc này mới lâu bền. Thật vậy, người có tiền tài, danh vọng, địa vị trong xã hội, nhưng do làm việc ác mà được thì đó chính là con đường đưa họ vào địa ngục A tỳ, vì trong tâm họ luôn bị mặc cảm tội lỗi hành hạ, lúc nào cũng cảm thấy bất an, đau khổ.
Vị sa môn tu hành từ bỏ tất cả những gì mà người thế gian ưa thích, đắm say để sống với tâm an lạc. Họ không có tiền bạc, danh vọng, địa vị, v.v… , nhưng có tài sản quý báu nhất là tâm an lạc. Đức Phật dạy tâm an lạc là cốt lõi của cuộc sống con người. Người tu có tâm an lạc sẽ có phước báu thứ hai là sức khỏe tốt. Thực tế cho thấy người sống không an lạc, luôn lo lắng, buồn phiền, tính toán, suy nghĩ, dù họ bồi dưỡng đến mấy cũng dễ rơi vô bệnh nan y, thì cả thân lẫn tâm đều đau khổ cho đến kết thúc cuộc sống.
Tâm an lạc tạo cho chúng ta sức khỏe tốt, nhờ vậy, tuy sống đạm bạc, nhưng người tu ít bệnh tật. Và tâm an lạc, sức khỏe tốt sẽ tạo cho chúng ta có được hảo tướng, vì tâm như thế nào thì ngoại hình sẽ tương ưng như thế đó. Tên cướp chắc chắn hiện ra tướng hung ác, người ngay thẳng luôn có tướng hiền lương. Nhìn tướng bên ngoài mà biết được tâm bên trong của con người là vậy.
Do tâm an lạc, có sức khỏe tốt và hiện tướng giải thoát thì tâm vô hại ấy sẽ thu hút mọi người đến được với chúng ta, mọi loài cũng gần gũi với ta. Trong cuộc sống hàng ngày, người có tâm an lạc, khoan dung, không tính toán, thân cận họ, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Người có tâm ác, dù mua chuộc, người ta đến với họ cũng miễn cưỡng, hay chỉ có người ác tới với họ. Vì vậy, phước báu thứ tư là có nhiều quyến thuộc Bồ đề, hay bạn tốt. Và từ căn bản của bốn phước này, sẽ sanh ra phước báu thứ năm mà nhiều người mong ước là có tiền của và quyền thế. Nếu không có bốn phước trước, không thể tạo dựng tiền của và quyền thế và tất cả các phước báu này đều phát xuất từ tâm an lạc.






"Một người có thể chạy tội trước tòa án, nhưng không thể chạy tội được với lương tâm" Tâm an lạc, tâm hoàn toàn trong sáng, thì tòa án lương tâm xét xử chúng ta không có tội gì; nói cách khác, chúng ta không bị mặc cảm tội lỗi giày vò, nên bốn phước kia mới hiện hữu: sức khỏe tốt, ngoại hình dễ coi, quyến thuộc, bạn bè tốt, tiền của nhiều. Nhưng nếu bốn phước này không xuất hiện trong cuộc sống, mặc dù chúng ta không có tội, thì ắt là vị phán quan trong tâm ta đã xét xử không đúng, không công bằng hay sao. Vị phán quan trong tâm chúng ta là ai?
Theo Thế Thân Bồ tát, tâm chúng ta có hai loại: tâm vương là chủ và tâm sở là phụ. Tâm vương có tám thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức. Tuy tám thức tâm vương là chủ, nhưng chúng có tính chất vô thưởng vô phạt, cho nên tòa án lương tâm được thành lập bằng 51 thành viên gọi là 51 tâm sở. Có thể hình dung 51 tâm sở gồm có viện kiểm sát buộc tội, luật sư gỡ tội và chánh án xét xử. Như vậy, tòa án lương tâm do 51 tâm sở phán định. Thử xem trong 51 tâm sở, phán quan mạnh hay luật sư mạnh.
Trong 51 tâm sở, tức tòa án lương tâm của một người bình thường gồm có: 5 biến hành (xúc, tác, thọ, tưởng, tư), 5 biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, huệ), 6 căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến), 20 tùy phiền não (tàm, úy, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, trạo cử, phóng dật, hối, miên, tầm, tứ) và 11 thiện tâm sở (tín, tàm, úy, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại).
Như vậy, trong thành phần nhân sự của tòa án lương tâm con người bình thường, thiện tâm chỉ có 11 thành viên mà phải đối chọi với 26 tên ác (6 căn bản phiền não và 20 tùy phiền não), cho nên tòa án lương tâm này không bao giờ quyết đoán đúng đắn.
Ngoài ra, còn có 24 bất tương ưng hành pháp luôn nói ngược lại bên kết tội; vì thế, có lúc lương tâm con người đã phủ quyết một việc không tốt, nhưng sau đó có xét lại, gọi là ngụy biện cho mình. Nói cách khác, luật sư biện hộ chỉ có 11 người mà ban kết tội quá nhiều, nên cuối cùng, trước vành móng ngựa của tòa án lương tâm, ai cũng cảm thấy bị lương tâm cắn rứt.
Nhưng khi trở thành đệ tử Phật, Đức Phật dạy chúng ta phán xét tất cả hành vi tạo tác phát xuất từ tâm là chính theo trình tự từ thấp đến cao của Tam thừa giáo: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Đó là ba hạng đệ tử của Phật hành đạo, tu tập khác nhau. Hạng Thanh văn được xếp vào hạng ác nghiệp nhiều, cho nên cảm thấy quá đau khổ trên cuộc đời này mà muốn cầu thoát ly. Nghĩa là họ đã bị sáu căn bản phiền não, 20 tùy phiền não cùng 24 bất tương ưng hành pháp luôn tác động, tâm luôn bất an, dù sống trong hoàn cảnh tốt, nhưng tâm cảm giác như ngồi trên đống lửa.
Nhằm giúp chúng ta đối trị tâm bất an này, Đức Phật đưa ra 37 trợ đạo phẩm trong Tứ Thánh đế. Thật vậy, 37 trợ đạo phẩm có công năng diệt tận gốc sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não. Sáu căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến thường được triển khai thêm năm tên giặc là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, trở thành mười triền cái ràng buộc chúng ta trong sinh tử luân hồi và ngăn che không cho chúng ta sống an lạc.
Khổ đế và Tập đế nhằm vạch mặt tất cả những tên tội phạm nằm trong lương tâm chúng ta là phiền não. Sáu căn bản phiền não hay mười triền cái lại lệ thuộc 20 tùy phiền não. Thuở còn ngồi ghế nhà trường, nhớ lời Hòa thượng Thiện Hoa dạy, tôi luôn nhận biết rõ từng tâm một hoạt động ra sao và dùng pháp Tứ Thánh đế để luận tội, xử phạt nó. Phiền não và triền cái là tội lỗi, phải tu Đạo đế, dẹp bỏ chúng tận gốc. Tâm phiền não nào trừ được là trừ ngay, bớt được tên giặc nào đỡ cho chúng ta liền. Ý thức sâu sắc như vậy, tôi ít quan tâm đến việc người đối xử với tôi như thế nào, chỉ lo quan tâm đến những phản ứng trong tâm tôi để xử nó. Nhiều người tu sai lầm vì lo biết bên ngoài nhiều, còn giặc trong lòng mình lại nuôi lớn. Khi chúng ta đối cảnh, có người ác xấu hại ta, điều này không quan trọng, nhưng quan trọng là niệm ác xấu hiện hữu trong ta.
Đem ác xấu bên ngoài cộng với ác xấu bên trong tâm mình, đó là sai lầm nghiêm trọng. Điều này dễ nhận thấy rõ trong thực tế cuộc sống. Đối trước việc ta không bằng lòng thì ta liền đem việc này để vào lòng chúng ta và chắc chắn nó lại tác động tâm không bằng lòng phát triển lên. Tôi còn nhớ Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng: "Các nhơn tự tảo môn tiền tuyết. Bất quản tha nhân ốc thượng sương". Nghĩa là mỗi người phải lo dọn dẹp tuyết ngập trước cửa nhà mình, không còn lối ra, đừng lo nghĩ đến sương rơi trên mái nhà người. Nói cách khác, phê phán người khác thì dễ, xét lại lỗi lầm của mình mới khó.
Thực tập 37 trợ đạo phẩm nhằm diệt trừ tất cả căn bản phiền não và 20 tùy phiền não, là từng bước chúng ta đi vào cửa ngõ của Phật giáo, từng bước lên được bốn nấc thang giải thoát là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. 37 trợ đạo phẩm dẫn chúng ta vào thế giới Phật, quét dọn đầu tiên là không cho tâm sanh khởi bằng cách không tiếp xúc. Theo kinh nghiệm riêng tôi, việc bên ngoài xảy ra quá lớn, nhưng tôi không để tâm, nên không biết. Có người nói rằng chết tới nơi mà không lo; nhưng vì tôi không biết, nên tâm tôi vẫn an lạc. Thiết nghĩ chết tới nơi, mà có sợ thì cũng chết, đâu thể tránh khỏi. Và khởi tâm tu hành, nỗ lực diệt phiền não được thì không lo, không sợ mà cũng không chết, dù đối trước việc hiểm nguy có thể mất mạng. Đó là điều kỳ diệu khi chúng ta quyết lòng tu theo Phật. Còn người lo sợ quá, đứng tim, chết trước !
Tu Tứ Thánh đế và tụng kinh Pháp Hoa, tôi rất tâm đắc thí dụ lương y. Ông lương y có thuốc rất hay là Tứ Thánh đế có công năng chữa lành được tất cả bệnh tật. Những người con của ông muốn khỏi bệnh, nhưng sợ thuốc đắng, nghĩa là muốn hết khổ nhưng không chịu tu hành, cho nên trong tâm luôn buồn giận, lo sợ, cứ phát triển những thứ này và cứ để Tứ Thánh đế sang một bên. Một ngày kia, ông lương y nói rằng phải đi sang nước khác để cứu người và ông đã để sẵn thuốc ở đó, nhớ uống. Ít lâu sau, ông cho sứ giả về nói với những cuồng tử là những đứa con buồn giận lo sợ suốt ngày rằng ông đã chết. Họ nghe tin cha chết, nghĩ rằng bị côi cút, không còn ai cứu chữa được, mới chịu uống thuốc. Nghĩa là không có Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này, nhưng chúng ta sử dụng Tứ Thánh đế để chữa bệnh, thân liền khỏe mạnh, tức hết buồn giận lo sợ, tâm được an lạc. Bấy giờ, người cha hiện thân trở lại mà bảo các con cha thật thường còn, không bao giờ chết, nghĩa là Đức Phật vẫn hằng hữu miên viễn bên cạnh chúng ta. Điều này gợi cho chúng ta ý gì?.
Thực tập 37 trợ đạo phẩm của Tứ Thánh đế, đầu tiên thực hành Tứ niệm xứ quán: Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Tu thuần thục bốn pháp quán này đạt tới vô ngã, thì buồn giận lo sợ biến mất, liền giải thoát, vào được cửa Không (Không môn), hay Thiền gọi là vào được cổng chùa, chúng ta không còn hệ lụy trần gian. Vì vậy, mười triền cái bỏ xuống, sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não rơi rụng, chúng ta được giải thoát, thấy Phật, hay sống với tuệ giác của Phật, đắc quả Dự lưu, Tu đà hoàn.
Kế tiếp, chúng ta tiến tu pháp Tứ chánh cần là bốn điều nên làm. Vì quán Không, được giải thoát, nhưng trong tâm chúng ta chỉ nhứt thời giải thoát mà thôi, chưa phải giải thoát thật sự hoàn toàn. KinhPháp Hoa gọi đó là Hóa thành. Thật vậy, vì nghiệp chướng trần lao mà chúng ta đã tạo từ vô thỉ kiếp quá nhiều, nhưng nhờ quán Không, mới được tạm thời an ổn, tất cả nghiệp phiền não trần lao nhiều đời của chúng ta không phải mất hẳn, chúng ta chỉ tạm quên, không nghĩ đến, cho nên nó không tác động ta. Bà con dòng họ liên hệ chặt chẽ với chúng ta từ nhiều đời, không phải dễ dàng rời bỏ họ. Thực tế cho thấy đối với những người bán thế xuất gia, vợ con thường lục tục kéo tới, đối với những người đi tu từ thuở nhỏ thì cha mẹ, anh em tìm đến. Vì vậy, Phật nói rằng phải trải qua bảy lần sinh tử mới cắt được mối duyên ràng buộc này. Nói cách khác, chúng ta không thể quên được bảy đời cha mẹ mình, chỉ khi nào cứu giúp họ lên được chốn an lành, chúng ta mới thật sự giải thoát. Còn chúng ta giải thoát mà cha mẹ, anh em, bạn bè ở trong đường ác, mỗi khi nhớ đến họ, chúng ta liền cảm thấy đau lòng.
Khi tu học ở Nhật, tôi không bị ảnh hưởng trực tiếp chiến tranh, nhưng nghĩ đến quê hương, nhớ đến cảnh chết chóc bên nhà, nhớ đến cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy Tổ, lòng cảm thấy ray rứt. Sự thật mình đã giải thoát, đã sống yên ổn, nhưng quyến thuộc chưa giải thoát thì lương tâm mình vẫn sống dậy. Cha mẹ, anh em, thầy Tổ, đàn na tín thí đã đầu tư cho mình tu học, làm sao ở yên được. Nhớ đến lời nguyện hàng ngày rằng trên đền bốn ơn nặng, nên vẫn cảm thấy nặng lòng, đó là lương tâm trỗi dậy phán xét, thúc giục tôi trở về nước, phải làm được việc gì lợi ích cho nhiều người, tốt đẹp cho đạo pháp, mới thật sự giải thoát. Còn quán Không, được giải thoát, nhưng tâm tác ý khởi dậy thì không giải thoát nữa. Phải biết Niết bàn Không này là tạm thời mà thôi, đó là trụ Hóa thành theo Pháp Hoa.
Trở về nước, tôi nghe một thầy nói rất hay: Mặc dù biết Bảo sở còn xa, nhưng con quyết không trụ Hóa thành. Nghĩa là quả vị Phật cách chúng ta rất xa, nhưng không bằng lòng với cuộc sống an ổn của mình đang có. Phải phát Bồ đề tâm, tiếp tục hành Bồ tát đạo để cứu giúp mọi người thăng hoa trên con đường thánh thiện. Lúc mới trụ pháp Không, tưởng rằng lòng chúng ta đã trong sạch, nhưng thật sự phiền não vẫn còn ẩn núp trong lòng mình mà chúng ta không thấy. Và những người nói xấu mình, hại mình cũng như những người giúp đỡ mình vẫn còn nguyên đó, chỉ vì không để tâm đến họ, nên chúng ta cảm thấy an lạc. Nhưng khi khởi tâm lên thì tất cả xấu tốt này hiện ra đầy đủ, không mất gì cả.
Ý thức như vậy, tôi phân ra ba hạng người trong việc ứng xử. Đối với những người tốt, cưu mang giúp đỡ mình, là thầy hiền bạn tốt, phải nương nhờ họ, chúng ta mới phát huy được trí tuệ và đạo lực. Hạng người thứ hai luôn chống phá mình, đó là bất tương ưng hành pháp trong bách pháp theo Bồ tát Thế Thân dạy như đã nói ở trên. Ta làm gì họ cũng chê được, không bao giờ họ thấy ta tốt, họ luôn thấy ta xấu. Thậm chí sống chung trong một chùa cũng có những bạn luôn đối chọi với mình như vậy, khiến cho một số người nói rằng tức chết được. Phải trụ hạnh giải thoát của Thanh văn, không được “tức chết”.
Trong cuộc sống luôn luôn có thành phần đối nghịch và thành phần thuận theo, nghĩa là chúng ta luôn có thiện tâm sở và ác tâm sở. Ngoài ra, có người không ủng hộ cũng không chống đối, là vô vi pháp. Bồ tát Long Thọ dạy chúng ta tập nhìn sự vật theo giả quán, tức muôn sự muôn vật có, nhưng không thật, nên hiện lên rồi biến mất. Vì vậy, khi chúng ta tạo ác nghiệp, hay thiện nghiệp, thì nó xuất hiện, không tạo thì nó mất. Mọi diễn tiến trong kiếp luân hồi sinh tử là như thế. Người chống đối, phá hại và người ủng hộ, tùy hỷ với ta đều do chúng ta tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp trong quá khứ và hiện tại, mới kết thành quả báo tương ưng cho chúng ta là họ thù ghét đến cùng cực, chống đối ta không mệt mỏi, hoặc là họ thương mến giúp đỡ ta vô điều kiện.
Vì vậy, đối với người có thiện cảm, tôi liền nghĩ đến mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ với họ và tôi cố nuôi dưỡng thành quả này cho tốt hơn. Đối với người luôn chống đối, tôi tránh họ, hoặc là vô hiệu hóa sự chống đối này. Đầu tiên, tôi thường tránh mặt họ, nhưng họ vẫn còn vướng mắc trong lòng tôi, nghĩa là tòa án lương tâm còn xét xử mình. Và sau cùng, tránh được cả trong lòng là tu chứng được quả Dự lưu, được giải thoát tạm thời. Vì vậy, đối trước một người, một việc, phải thấy biết đúng đắn mới có cách phán xét, xử lý không sai trái. Với người luôn chống đối, chúng ta tránh mặt, tránh lòng. Ý này được Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng trong các an lạc hạnh của Bồ tát sơ phát tâm, có thệ nguyện an lạc, nghĩa là chúng ta biết rằng dù cố gắng nói gì, làm gì thì họ cũng không chấp nhận mình. Chúng ta phải tránh, phải đợi có điều kiện thuận tiện mới nói với họ; lúc đó, vô hiệu hóa được sự chống đối của họ để ta và họ cùng thăng hoa trên đường đạo và chúng ta cũng được giải thoát.
Tóm lại, đối trước sự phán xét của tòa án lương tâm, chúng ta phải nghĩ đến lỗi lầm của mình từ quá khứ, không có việc gì vô cớ, tự nhiên xảy ra được. Đã có lỗi quá khứ, nhưng vì trong kiếp sinh tử luân hồi khiến chúng ta quên mất, nay nó hiện hữu thì chúng ta nhận biết và sám hối, sửa đổi và không tái phạm, đó là tu, là hoan hỷ chấp nhận quyết định của tòa án lương tâm. Và khi tòa án lương tâm xét rằng chúng ta đã trong sạch, thanh tịnh, giải thoát tuyệt đối, không còn người ác chống đối, phá hại, là sạch nghiệp hoàn toàn, đạt được quả vị Phật. Người ác, việc ác này từ bên ngoài, nhưng phát xuất từ trong tâm ta, nên diệt sạch tất cả ác nghiệp trong tâm thì hiện tượng ác xấu bên ngoài không bao giờ có, hay nói đúng hơn, ác xấu không tác hại được ta. Bấy giờ, cuộc sống của hành giả thể hiện chân lý, mà Long Thọ Bồ tát gọi đó là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế.
Trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, hành trạng của Bồ tát có thể được tóm gọn rằng, trước tiên, Bồ tát dấn thân vào đời hoằng hóa độ sinh vẫn luôn an trụ pháp Không, giải thoát. Kế đến, với đầy đủ đạo hạnh, Bồ tát đối mặt giải quyết muôn sự muôn việc hoàn toàn tốt đẹp và sau cùng những việc độ sanh cần làm cho chúng hữu tình ở thế gian này, Bồ tát đã hoàn tất. Ngài trở về con người chân thật hằng hữu ở thế giới vĩnh hằng bất sanh bất diệt và nếu chúng ta có nhân duyên căn lành với vị Bồ tát nào thì các Ngài luôn phóng quang gia hộ cho chúng ta thăng hoa trên con đường thánh thiện.


HT. Thích Trí Quảng
--
giacngo.vn/phathoc/2009/03/22/7F5019/

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

50.- Giặc Cướp/ tang chi bo kinh



50.- Giặc Cướp

- Do đầy đủ ba điều kiện, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp trộm một nhà, làm kẻ đứng đường chận cướp. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào quanh co hiểm trở, dựa vào rừng rậm, dựa vào kẻ có quyền lực.

Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào quanh co hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào con sông khó lội qua, hay sự quanh co hiểm trở của núi non. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào sự quanh co hiểm trở.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào rừng rậm cỏ, hay rừng rậm cây, hay khóm rừng, hay đám rừng lớn rậm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào rừng rậm.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào vua hay các vị đại thần của vua và nghĩ như sau: "Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy hay các vị đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta". Và thực sự là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực.

Do đầy đủ ba điều kiện này, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp trộm một nhà, làm kẻ đứng đường chận cướp.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ác Tỷ-kheo đầy đủ ba pháp, tự mình xử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách, và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào quanh co hiểm trở, dựa vào rừng rậm và dựa vào kẻ có quyền lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào sự hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo đầy đủ với thân hành quanh co hiểm trở, với ngữ hành quanh co hiểm trở, với ý hành quanh co hiểm trở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào quanh co hiểm trở.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo có tà kiến, đầy đủ những tri kiến đi đến cực đoan. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là các Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, dựa vào các vua hay các đại thần của vua, ác Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy, hay các đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta". Và thực sự là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền lực.

Ðầu đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách, và tạo nên nhiều điều vô phước.

--
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi03-0507.htm