Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

DOI CHAT CANH LA GI?/ DUY THUC HOC



Đới chất cảnh?
Xin mời đọc bài này của Thiền sư TNH:
Bài tụng 18

Ngã tướng

Đối tượng của Mạt-na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa ý và tàng thức.

Đối tượng của Mạt-na là ngã tướng đới chấtSự đụng chạm giữa ý (Mạt-na) và tàng thức, sự giao thoa giữa hai nguồn năng lượng ấy tạo ra đối tượng của Mạt-na, là cái tướng có tính cách phân biệt, so sánh (đới chất). Đới có nghĩa là đeo theo, mang theo.(Chanh-Y: trong tự điển chỉ có chữ 帶 = đái> nghĩ là đeo, mang theo.)
Ta còn nhớ rằng đới chất cảnh là một trong ba cảnh (tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh - bài tụng số 8). Tánh cảnh là nhận thức trực tiếp, không bị méo mó. Mạt-na không nhìn sự vật một cách trực tiếp mà nó chỉ nhìn qua đới chất cảnh: luôn luôn có so sánh, phân biệt, tính toán.
Đới chất cảnh dịch theo danh từ triết học ngoài đời là ý tượng (representations). Ý tượng - danh từ của Linh mục George Berkeley (1685-1753), là những hình tượng trong ý mình, không giống như những sự vật bên ngoài. Chúng ta mượn danh từ ý tượng để cho người Tây phương hiểu được danh từ đới chất cảnh.
Học phái Duy Biểu nói về bốn loại điều kiện (tứ duyên) giúp cho các pháp biểu hiện ra: Đó là Nhân duyên (hetu-pratyaya), Tăng thượng duyên (adhipati-pratyaya), Sở duyên (ālambana-pratyaya) và Đẳng vô gián duyên (samanantara-pratyaya). Thức Mạt-na phát sinh từ các hạt giống (nhân duyên) nằm trong tàng thức A-lại-gia. Tăng thượng duyên giúp nó nẩy nở là các nhận thức trong tàng thức. Nắm lấy phần đó, Mạt-na tạo nên một hình ảnh đới chất (sai lầm), có tính cách liên tục về A-lại-gia.
Ngã tướng (image of itself, mark of a self) tức là cái "ta". Cái ta ấy chỉ là một đới chất cảnh. Ngã tướng không phải là tàng thức, nhưng có một chút bản chất của tàng thức. Ngã tướng là do Mạt-na tạo ra, căn cứ trên chất liệu của A-lại-gia. Thức Mạt-na ôm lấy đối tượng ấy và cho đó là ngã, là người yêu phải bảo vệ. Đó là người trong mộng. Giống như tình yêu giữa hai người nam nữ. Nhiều  khi ta không yêu con người thật của đối tượng, mà ta tạo ra một hình ảnh về người đó để yêu. Khi tiếp xúc với nhau nhiều, ta khám phá ra những điều ngược với hình ảnh ta có sẵn, nên ta đau khổ.
Ý là một chữ rất hay để dịch danh từ Mạt-na. Ý cũng có nghĩa là yêu (ý trung nhân là người trong ý của mình, là người yêu của mình). Trong bài tụng của Thầy Huyền Trang có câu: "Đới chất hữu phú thông tình bản" có nghĩa là tính chất của đới chất cảnh là bị che mờ (hữu phú) và có liên hệ (thông) tới tình (Mạt-na) và bản (tàng thức). Như vậy Thầy Huyền Trang đã dùng chữ tình để nói tới thức thứ bảy. Vậy thức thứ bảy có thể dịch là "the lover". Câu "Đới chất hữu phú thông tình bản" có thể dịch ra Anh văn như sau: "The nature of this conciousness is covered and its object is linked both to the lover (manas) and the base (ālaya)".
Muốn chuyển hóa Mạt-na, ta cần nhìn rõ được các yếu tố vô minh và tham đắm, nguyên nhân khiến cho Mạt-na hành động. Gốc rễ của Mạt-na nằm trong tàng thức. Nhìn sâu vào Mạt-na, ta sẽ thấy các tập khí do những hạt giống vô minh, tham đắm và đau khổ tiềm ẩn trong tàng thức. Nhưng ta có thể nào loại trừ hẳn được Mạt-na hay không? Không, vì Mạt-na có chứa đựng tàng thức, và trong tàng thức có đủ thứ hạt giống, kể cả Phật tánh.


_ _
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/sach/132-duy-biu-hc/927-dbh-chng-02-mt-na-thc?start=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét