Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

KINH CHUYEN PHAP LUAN/ TRICH TU 1







Kinh Chuyển Pháp luân: Bài kinh đầu tiên của Đức Phật
Giác Ngộ - Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lực và niềm tin của nhân loại, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhân loại nói chung và con người nói riêng.

Dẫn nhập
Phật giáo ra đời đã hơn 25 thế kỷ, nhưng những lời dạy của Phật vẫn chứa đựng hơi thở thời đại và dường như không bị lệ thuộc vào sự thay đổi của không gian và thời gian.
Một trong những giáo lý cơ bản và quan trọng của Phật giáo là Bát Chánh đạo (con đường tám nhánh - Trung đạo), chứa đựng trong bài kinh Chuyển pháp luân - bài pháp đầu tiên của Đức Phật. Bài pháp trở thành tâm điểm chú ý, trong đó, ý nghĩa về thái độ bao dung, khoan hòa, tránh xa những cực đoan hay thái quá (anta), được Lão Tử và Khổng Tử chia sẻ trong khái niệm "trung dung" hay "trung hòa", và tận Hy Lạp xa xôi, ý tưởng này cũng được chia sẻ bởi Aristote qua khái niệm "hài hòa". Điều này dường như vẫn là một vấn đề thời sự, giúp cho chúng ta tỉnh thức trước những cám dỗ của cuộc sống đương thời, nhằm tìm kiếm một cuộc sống thanh thản và yên bình.
chuyenphap-1.gif
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lực và niềm tin của nhân loại, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhân loại nói chung và con người nói riêng.
Trung đạo và Tứ diệu đế càng có ý nghĩa hơn khi đó chính là bài pháp đầu tiên được Đức Phật nói ngay sau khi giác ngộ Vô thượng Bồ đề, minh chứng cho một trí tuệ vô song vừa được thức tỉnh sau một thời gian dài mộng mị trôi lăn trong cõi tử sinh.
Do vậy, tìm hiểu giáo lý Trung đạo và Tứ diệu đế, cùng sự ra đời của bài kinh Chuyển Pháp luân có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận mà còn cả trong thực tiễn thực tập của mỗi người con Phật, từ đó xác định lối đi và mục đích cho thật rõ ràng trước khi lần tìm về nguyên lai bản tính của chính mình.
Bối cảnh sinh hoạt tư tưởng dẫn đến sự ra đời của bài kinh
Các nhà nghiên cứu khi xem xét tình hình sinh hoạt học thuật thời Đức Phật, thường chia thành hai trào lưu riêng biệt: trào lưu chính thống và trào lưu phi chính thống. Trào lưu chính thống lấy kinh Veda và Upanishad làm kinh điển chính; các trào lưu khác biệt hay chống lại kinh Veda và Upanishad được xem là trào lưu phi hay phản chính thống.
Một cách phân loại khác, chi tiết hơn, chia các trào lưu tư tưởng đó thành 4 loại chính: Bà la môn giáo chính thống, trào lưu tín ngưỡng dân gian, trào lưu lấy Veda và Upanishad làm tư tưởng chính nhưng có phát triển thêm như Du già, Số luận, Chính lý… và cuối cùng là trào lưu phi chính thống.
Ngoài ra, có một số nhà nghiên cứu, dựa vào các kinh điển của Phật giáo, cụ thể là kinhSa môn quả, nói đến sáu phái mà trong kinh điển thường gọi là "Lục sư ngoại đạo phái":
1. Phú-lan-na Ca-diếp (Purana Kassapa): cho rằng việc làm thiện ác là do tập quán chứ không có một nghiệp căn tương ứng nào, vì thế không tin bất cứ điều gì hay hoài nghi tất cả.
2. Mạt-già-lê Câu-xá-la (Makkholi Gosala): duy tự nhiên, tất cả mọi hành vi thiện ác, ngay cả chuyện giải thoát đều tuân thủ theo một quy luật tự nhiên, con người không thể quyết định hay nỗ lực được điều gì.
3. A-di-đa Kê-sa-khâm-bà-la (Ajita Kesakambali): chủ trương Duy vật luận. Con người do tứ đại hợp thành, chết rồi là hết, nên tận hưởng những khoái lạc, bác bỏ luân lý.
4. Phù-đà Ca-chiên-diên (Pukudha Kaccayana): chủ trương Duy tâm luận, cho rằng tâm vật bất diệt, sự sống chết của con người chỉ là sự tụ tán của những yếu tố tạo thành con người, còn những yếu tố ấy thì không bao giờ bị tiêu diệt.
5. Tán-nặc-da Tỳ-la-lê-tử (Sãnyaya bellatthyputta): theo chủ nghĩa cảm hứng, nếu cảm thấy thế nào thì nói thế ấy đối với thế giới hiện tượng, không xác quyết là có hay không, đúng hay sai.
6. Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (Nigandhà netaptta): chủ trương vận mệnh luận, lấy đó làm cơ sở để thuyết minh tất cả. Còn về sự thực hành thì lấy sự khổ hạnh cực đoan và nghiêm trì giới bất sát làm đặc sắc.
Nhìn chung, về sinh hoạt học thuật thời kỳ Đức Phật ra đời, tư tưởng triết học Ấn Độ có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, phong phú về trường phái chứ không còn thống nhất ở kinh Veda hay Upanishad trước kia. Các trường phái ra đời trong thời kỳ này có thể ví như hoa rộ nở giữa mùa xuân, mỗi trường phái đều có những cách thức giải thích khác nhau, đôi khi chống đối nhau trong việc lý giải về bản chất thế giới cũng như phương thức thực hiện nhằm đưa đến giải thoát cuối cùng. Sự phát triển vượt bậc này không chỉ tạo ra tiền đề cho Phật giáo trong việc góp nhặt tinh hoa của các trường phái khác mà còn là cơ sở để Phật giáo bổ sung, chỉnh lý và sửa chữa những ưu khuyết của các học phái khác, hình thành nên một tôn giáo mới - Phật giáo, vừa kế thừa truyền thống, vừa có những cái mới, tạo nên bước ngoặt căn bản trong dòng chảy chung của triết học Ấn Độ.
Nội dung : Kinh Chuyển Pháp Luân
a) Phê phán quan điểm sai lầm của các học phái
Mở đầu bài kinh, Đức Phật cho rằng: "Hỡi này các Tỳ kheo, có hai cực đoan (anta) mà hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh…"
Khái niệm cực đoan (anta) là khái niệm chỉ một thái độ tột cùng, thái quá hay cực điểm; và khái niệm người xuất gia (pabbajitena) là chỉ những người từ bỏ con đường thế tục, cắt ái từ thân và tìm kiếm con đường giải thoát.
Ngay khi bắt đầu giảng thuyết cho 5 anh em ông Kiều Trần Như nói riêng và những người tìm kiếm con đường giải thoát nói chung, Đức Phật nhắn nhủ ngay rằng những người xuất gia cần phải từ bỏ hai con đường cực đoan hay thái quá; nói cách khác, Đức Phật phê phán hai con đường này là con đường sai lầm, không dẫn đến giải thoát tối hậu. Hai con đường đó chính là:
1. Sự dễ duôi trong dục lạc - là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.
2. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh - là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.
Con đường thứ nhất là con đường đắm say trong dục lạc hay sung sướng thái quá và con đường thứ hai là con đường chìm đắm trong khổ hạnh, khổ đau thái quá. Đây là hai con đường Đức Phật cảnh báo sẽ không đem đến cho người xuất gia sự giải thoát viên mãn.
Cũng cần nói thêm rằng, vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế và ngay cả trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, Ấn Độ đã tồn tại nhiều trường phái hay giáo lý khác nhau nhằm tìm kiếm con đường giải thoát. Nhưng tựu trung, thái độ đối với cuộc sống thường được xoay quanh hai con đường chính: một là ham mê dục lạc và hai là khước từ mọi ham muốn.
Một trong những chủ thuyết chủ trương tận hưởng mọi lạc thú trên thế gian là chủ thuyết Lokayata - danh từ Pali và Sanskrit - ám chỉ chủ thuyết vật chất hay duy vật do Carvakas sáng lập. Theo quan điểm của giáo lý này, con người chết là hết, bỏ lại tất cả mọi năng lực trong đời sống và chỉ có cuộc sống hiện tại là có thật, do vậy, những người theo chủ thuyết này cho rằng: "Hãy ăn, uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến với tất cả", và rằng: "Đạo đức là một ảo tưởng, chỉ có khoái lạc là thực tiễn. Chết là mức cuối cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Có sự ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch và bi mẫn. Lý thuyết của họ chủ trương thỏa mãn dục vọng, lợi kỷ và thô kệch, xác nhận ý chí tục tằn. Không cần phải kiểm soát khát vọng và bản năng bởi vì đó là phần di sản thiên nhiên của con người".
Trong khi đó, một số trường phái đề cao đời sống khắt khe khổ hạnh. Họ cho rằng chỉ có khổ hạnh mới có thể đưa con người đến giải thoát. Chủ thuyết này được đa số những người tu tập của nhiều trường phái khác nhau chấp nhận. Ngay chính Đức Phật Thích Ca cùng 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cũng đã từng thực tập như vậy ròng rã suốt 6 năm trời nhưng vẫn không đạt được kết quả giải thoát tối hậu.
Phê bình hai chủ trương này, Đức Phật cho rằng cả hai đều là vô bổ, vô ích, không xứng đáng với phẩm hạnh của thánh nhân.
b) Những giáo lý chính được Đức Phật giảng trong bài pháp đầu tiên .
Giáo lý về Trung đạo hay Con đường tám nhánh
Ngay sau khi phê phán hai chủ trương là khoái lạc thái quá và khổ hạnh thái quá, Đức Phật đưa ra con đường thứ ba là Trung đạo (Majjhima Patipada). "Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ "Trung đạo" (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan (cakkhu) và tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu (abhinnaya), giác ngộ (sambhodhaya), và Niết bàn"
Trung đạo không phải là con đường nằm giữa hai thái cực mà là con đường vượt lên trên hai thái cực. Từ điển Phật học quan niệm: "Trung có nghĩa là bất nhị, là tuyệt hết đối đãi, là mục song phi song chiến, là đạo trung hòa không thiên lệch về một phía", điều đó có nghĩa con đường trung đạo là con đường chấm dứt mọi đối đãi nhị nguyên như thường-đoạn; có-không; phải-trái…
Trong các giai đoạn phát triển về sau của Phật giáo, cách hiểu về Trung đạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, như Pháp tướng cho Duy thức là Trung đạo, Tam luận cho Bát bất là Trung đạo, Thiên Thai cho Thực tướng là Trung đạo, Hoa Nghiêm cho Pháp giới là Trung đạo… Tuy vậy, trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật xác quyết rằng con đường Trung đạo chính là Bát Chánh đạo hay con đường tám nhánh.
Trong kinh nói:
"Hỡi này các Tỳ kheo, con đường Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết bàn là gì?
Đó chính là Bát Chánh đạo - là Chánh kiến (samma ditthi), Chánh tư duy (samma samkappa), Chánh ngữ (samma vaca), Chánh nghiệp (samma kammanta), Chánh mạng (samma ajiva), Chánh tinh tấn (samma vayama), Chánh niệm (samma sati), và Chánh định (samma samadhi). Hỡi này các Tỳ kheo, đó là "Trung đạo" mà Như Lai đã chứng ngộ".
Yếu tố đầu tiên trong Bát Chánh đạo là Chánh kiến, sự thấy biết chân chính, nhằm phá tan mọi hoài nghi của những người bạn đồng tu khi xưa về lời Đức Phật dạy, đồng thời cũng muốn nêu lên một nhận định then chốt trong giáo lý của Phật Đà là: cần phải thấy đối tượng một cách chân chính, nghĩa là thấy đối tượng như chính nó mới có thể dẫn đến những nhận định về sau. Không có sự thấy đúng đắn, nghĩa là nhìn đối tượng bằng đôi mắt chủ quan, thiên lệch hay cảm tính đều có thể dẫn đến sai lầm trong những đánh giá. Để có sự thấy biết đúng đắn hay như thực, cần loại bỏ các quan niệm tà kiến, vọng tưởng, truyền thống, phong tục, tập quán, quyền lực, địa vị của người nói… và nhìn chúng như chính chúng là. Đó chính là yếu tố đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết trong giáo lý Trung đạo của Phật giáo.
Sau khi có được sự thấy biết đúng đắn, như thực về đối tượng, nhánh thứ hai là Chánh tư duy, nghĩa là suy niệm chân chánh. Suy niệm chân chánh trong Phật giáo đòi hỏi đối tượng tư duy phải khách quan với đối tượng được tư duy, nghĩa là chủ thể tư duy phải loại bỏ tâm luyến ái, thái độ vị kỷ và ác tâm. Để làm được điều này, chủ thể cần nuôi dưỡng tâm từ, thái độ ôn hòa đối với khách thể được tư duy.
Nhánh thứ ba trong giáo lý về Trung đạo chính là Chánh ngữ - lời nói chân chánh. Lời nói chân chánh xuất phát từ sự tư duy chân chính, như thực về đối tượng được tư duy và dĩ nhiên, lời nói chân chánh là phải vì mục đích không chỉ nói như thực về đối tượng mà còn phải hướng đối tượng tới sự hoàn thiện hơn chứ không phải là nói chỉ để nói.
Tiếp theo Chánh ngữ là Chánh nghiệp - tạo nghiệp chân chánh hay hành động chân chánh và Chánh mạng - cuộc sống chân chính. Cả ba yếu tố: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng là phương thức thể hiện tư duy chân chính nhằm hoàn thiện giới đức, phát triển lối sống lành mạnh.
chuyenphap.gif
Nhánh thứ sáu là Chánh tinh tấn - nỗ lực thực hành trong sự chân chánh nhằm diệt trừ những hạt giống xấu và phát triển tâm thiện. Sự giải thoát và giác ngộ không phải một sớm một chiều mà thành tựu, do vậy, có thấy biết, có tư duy, có thực hành nhưng thiếu sự nỗ lực thì công phu tu hành cũng mau chóng bị mai một. Trong quá trình tinh tấn, nỗ lực không ngừng nghỉ, yếu tố thứ bảy - Chánh niệm - luôn luôn tỉnh giác trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói đến việc làm trở thành cặp song trùng thiết yếu. Nỗ lực nhưng không tỉnh giác có thể dẫn đến một kết quả đảo ngược với dự định ban đầu. Từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tỉnh giác dẫn đến Chánh định - tức an trụ tại một đối tượng duy nhất, đặc biệt đối tượng đó là tâm thức của chính mình sẽ dẫn đến một kết quả - tâm ta ngày càng được gạn đục khơi trong, những yếu tố bất tịnh, phiền não, vô minh ngày càng nỗ lực được loại bỏ, thay vào đó, những hạt giống thiện, trí tuệ, thanh tịnh ngày càng được nảy mầm. Khi tâm thức, trong sự tỉnh giác của Chánh niệm và Chánh định, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chánh tinh tấn, với việc thực hành thường xuyên của Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng thì vô hình chung dẫn đến một kết quả, sự thấy biết tự nhiên sẽ đúng đắn, tư duy ngày một rõ ràng. Như vậy, Bát Chánh đạo với Tám nhánh cơ bản nêu trên, vừa là nhân vừa là quả, hỗ tương cho nhau vì một mục tiêu giải thoát và giác ngộ.
Tóm lại, giáo lý Trung đạo - Bát Chánh đạo được Đức Phật nói trong kinh Chuyển Pháp Luân, vừa là cơ sở nhằm phê phán hai thái cực đang chi phối xã hội Ấn Độ đương thời, vừa xác lập một trong những nguyên lý căn bản nhất của Phật giáo, tôn giáo đã ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà nay đã lan rộng ra cả thế giới.
Giáo lý Tứ diệu đế
Mở đầu bài kinh bằng việc khuyên người xuất gia từ bỏ hai thái cực cực đoan, xác lập con đường Trung đạo, Đức Phật nói tiếp về Tứ diệu đế như là bài pháp cơ bản nhất trong toàn bộ giáo lý của Đức Phật và cũng là mục tiêu duy nhất của Phật giáo khi hiện hữu tại thế gian này.
Tứ diệu đế (bốn chân lý vi diệu) gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Phạn ngữ Sacca, là chân lý, cái gì thực sự có. Danh từ Bắc Phạn (Sanskrit) tương đương là Satya, một sự kiện không còn tranh luận nữa. Danh từ Pali gọi những chân lý này là Ariya Saccani (những chân lý Thánh thiện, hay Thánh đế), vì đây là những chân lý do Đức Phật tìm ra, là bậc Thánh nhân (Ariya) vĩ đại nhất, hoàn toàn trong sạch và đã thanh lọc trọn vẹn mọi nhiễm ô.
(1) "Đây là Khổ Thánh đế"
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(2) "Khổ Thánh đế này phải được nhận thức (parinneya)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(3) "Khổ Thánh đế này đã được nhận thức (parinnata)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
Thánh đế đầu tiên (Khổ đế) đề cập đến Dukkha - một Phạn ngữ được hiểu là đau khổ hay khó chịu đựng. Đứng về phương diện cảm giác, "du" là khó, "kha" là chịu đựng, "dukkha" là cái gì làm cho khó chịu đựng. Hiểu như một chân lý, "Du" là cái gì đáng khinh miệt, không đáng bám níu. "Kha" là hư vô, rỗng không. Thế gian nằm trong biển khổ và như vậy là đáng khinh miệt, ghê tởm, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có gì là thực tế, do đó thế gian là hư vô, rỗng không. Vậy, Dukkha là hư vô, không đáng cho ta bám níu.
Đối với người đạt đạo, đời sống là đau khổ. Sống tức là chịu đựng đau khổ. Mọi cảm giác hay những cái đạt được ở thế gian này không chắc thật nên cái được gọi là sung sướng hay hạnh phúc chỉ là tạm bợ, nhất thời, không vững bền… Cuối cùng, mọi người cũng chỉ thất vọng và đau khổ với cuộc sống của chính mình. "Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại, chấp thân ngũ uẩn là khổ".Trong tất cả những nỗi khổ mà con người phải chịu đựng, cái thường thấy nhất chính là sinh (jati), lão (jara), bệnh (vyadhi) và cuối cùng là chết (marana). Bốn nỗi khổ trên thường trực đe dọa cuộc sống con người và không ai có thể tránh khỏi. Bên cạnh bốn nỗi khổ trên, những nỗi khổ thuộc về cảm giác như mong ước mà không thành tựu, yêu thương mà không được gặp gỡ hay gặp gỡ người mà mình ghét bỏ đều đem lại cho mọi người những nỗi khổ niềm đau. Tựu trung lại, có thân này tức là có khổ và không ai thoát khỏi khổ đau khi chấp nhận sống ở trên thế gian này. Trong bản kinh, Đức Phật cho rằng Khổ đế là một sự thực, đòi hỏi phải được nhận thức như là một sự thực tồn tại và hiện hữu trong đời sống, đòi hỏi phải được quan sát, phân tích và sự phân tích và quan sát nỗi khổ niềm đau này sẽ dẫn đến tri kiến thích đáng thực tướng của chính ta.
chuyenphap-2.gif
(1) "Đây là Khổ tập Thánh đế."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(2) "Khổ tập Thánh đế này phải được tận diệt (pahatabba)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(3) "Khổ tập này đã được tận diệt (pahinam)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
Diệu đế thứ hai được Đức Phật xác định là Tập đế - Nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau. Trong bản kinh, nguyên nhân của đau khổ là ái dục, hay luyến ái (tanha): "Hỡi này các Tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về nguồn gốc của đau khổ (dukkha-samudaya-ariyasacca, Khổ tập thánh đế). Chính ái dục là nguyên nhân đưa đến sự tái sanh (ponobhavika). Ái, hợp với tâm thiết tha khao khát, bám níu cái này hay cái kia (đời sống). Chính là ái, đeo níu theo nhục dục ngũ trần (kamatanha), ái đeo níu theo sự sinh tồn (bhavatanha, sanh ái, luyến ái với ý tưởng cho rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu), và ái, đeo níu theo sự không sinh tồn (vibhavatanha, vô sanh ái, luyến ái với ý tưởng cho rằng sau cái chết là hư vô).
Kinh Pháp Cú ghi: "Do ái dục sanh phiền muộn. Do ái dục sanh lo sợ. Người đã hoàn toàn chấm dứt ái dục không còn phiền muộn, càng ít lo sợ" (câu 216).
Đức Phật dạy rằng, ái dục dẫn đến sanh-tử, tử-sanh, triền miên, mãi mãi. Như vậy, chính trong Tập đế, Đức Phật đã gián tiếp đề cập đến đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai.
Có ba loại ái dục: Đầu tiên, hình thức ái dục thô kệch nhất là luyến ái theo nhục dục ngũ trần (kamatanha). Thứ nhì là luyến ái đời sống (bhavatanha), và thứ ba là luyến ái theo trạng thái vô sanh (vibhavatanha). Theo các bản chú giải thì hai loại ái dục sau là luyến ái những khoái lạc vật chất có liên quan đến niềm tin rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu (sassataditthi, thường kiến) và luyến ái có liên quan đến sự tin tưởng rằng sau kiếp sống này là hư vô, không còn gì hết (ucchedaditthi, đoạn kiến). Bhavatanha cũng có nghĩa là luyến ái trong Sắc giới và Vibhavatanha là luyến ái trong Vô sắc giới, vì Aruparaga (ham muốn đeo níu theo Vô sắc giới) cũng được xem là hai ‘thằng thúc’ (samyojana, dây trói buộc, cột chúng sanh vào vòng luân hồi).
Ái dục là một năng lực tinh thần vô cùng hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm trong mỗi người và là nguyên nhân chính của phần lớn các điều bất hạnh trong đời. Chính ái dục, thô kệch hay vi tế, làm cho ta bám víu vào đời sống và do đó, dẫn dắt ta mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi. Một người bình thường chỉ biết thọ hưởng dục lạc, và cho đó là cao thượng, là hạnh phúc duy nhất. Trong sự thỏa mãn nhục dục, chắc chắn có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ các thú vui ấy. Nhưng nó chỉ là tạm bợ và huyễn ảo. Theo Đức Phật, không luyến ái (viragata), hay vươn mình vượt qua khỏi những khoái lạc vật chất là hạnh phúc cao thượng hơn. Hạnh phúc thật sự nằm bên trong chúng ta, và không thể đạt được thông qua tài sản, sự nghiệp, quyền lực, danh vọng, hay chinh phục, xâm lăng. Nếu hạnh phúc đạt được thông qua những thứ vừa kể trên thì nó chỉ là tạm bợ, mau chóng biến mất và thay vào đó là tâm thức bám víu, khổ đau và cuối cùng lại trở thành nguyên nhân dẫn chúng ta đến sinh tử luân hồi.
(1) "Đây là Khổ diệt Thánh đế."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(2) "Khổ diệt Thánh đế này phải được chứng ngộ (sacchikatabba)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(3) "Khổ diệt Thánh đế này đã được chứng ngộ (sacchikatam)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
Chân lý thứ ba là Diệt thánh đế - trạng thái sau khi ly tham, sân, si và những ái dục ràng buộc tâm thức. "Đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ (dukkha-nirodha-ariyasacca, khổ diệt Thánh đế). Đó là, xa lánh trọn vẹn và tận diệt chính tâm ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục". Theo đó, những hình thức thô kệch nhất đến vi tế nhất của ái dục suy giảm được phần nào thì đắc quả phần đó. Những hình thức thô kệch được suy giảm thì đắc quả Tư đà hàm (Nhất lai), tầng nhì trong các tầng thánh, và chỉ được diệt trừ khi đắc quả A na hàm (Bất lai), tầng thánh thứ ba. Những hình thức ái dục tế nhị được tận diệt trọn vẹn khi đắc quả A la hán.
(1) "Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế"
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(2) "Khổ diệt đạo Thánh đế này phải được phát triển (bhavetabbam)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
(3) "Khổ diệt đạo Thánh đế này đã được phát triển (bhavitam).
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.
Chân lý thứ tư, Đạo đế, con đường để diệt tận khổ đau và thành tựu Diệt đế. Trong bản kinh, Đức Phật ghi nhận rằng, để diệt tận khổ đau, người xuất gia phải thực hành Bát Chánh đạo, hay Trung đạo, con đường Tám nhánh: "Hỡi này các Tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về con đường dẫn đến sự diệt khổ (dukkha-nirodha-gamini-patipada-ariya-sacca, Khổ diệt đạo Thánh đế). Đó là Bát Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định".
Bát Chánh đạo trở thành phương tiện thực hiện việc chuyển hóa khổ đau, thành tựu đạo quả. Như vậy, Bát Chánh đạo, bên cạnh việc phê phán hai con đường thái quá sai lầm của các chủ thuyết khác, còn được Đức Phật xác nhận là con đường đưa đến an lạc và giải thoát tối hậu.
Sau khi đã giảng giải Tứ diệu đế một cách tỉ mỉ và rành mạch, Đức Phật kết luận bài pháp với những lời mạnh mẽ sau đây:
"Hỡi này các Tỳ kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ đế dưới ba sắc thái và mười hai phương thức [1], chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttara sammasambodhi).
Khi tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ đế trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Và lúc ấy phát sanh tri kiến và tuệ giác: Tâm của Như Lai đã hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn đời sống nào khác nữa."
Khi thời pháp chấm dứt, Kondanna (Kiều Trần Như), vị đệ tử cao niên nhất trong năm vị, thấu triệt giáo pháp và đắc quả Tu đà hoàn, tầng đầu tiên trong bốn tầng Thánh. Ngài chứng ngộ rằng cái gì đã có sinh ra tức phải hoại diệt - Yam kinci samudayadhammam sabbam tam nirodha-dhammam.
Kết luận
Kinh Chuyển Pháp Luân là bộ kinh đầu tiên Đức Phật nói ngay sau khi Chứng quả Vô thượng Bồ đề. Nội dung bài kinh chứa đựng những nguyên lý chính yếu và quan trọng nhất của Phật giáo (cả Nam truyền lẫn Bắc truyền). Từ nội dung bài kinh trên, có thể rút ra một vài nguyên tắc khi tìm hiểu Phật giáo nói chung và bản kinh này nói riêng:
1. Phật giáo căn cứ trên kinh nghiệm bản thân và tránh xa những hệ thống hay những chủ thuyết đang có thế lực lớn thời bấy giờ. Nguyên tắc này đòi hỏi để hiểu Phật giáo, phải căn cứ trên kinh nghiệm bản thân chứ không thuần túy ở lý thuyết. Nói cách khác, Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Tin tưởng suông vào giáo điều không thể dẫn đến giải thoát.
2. Phật giáo là một con đường đưa đến diệt tận đau khổ chứ không phải là một tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hay tạo một thế giới "ảo tưởng" theo nghĩa là "đền bù hư ảo".
3. Không có thần linh trong việc tạo ra nỗi khổ cho con người mà chỉ do chính con người tạo dựng ra nỗi khổ cho bản thân mình. Do vậy, không có nghi thức cúng tế thần linh để con người phải rụt rè, van vái hay sợ sệt.
4. Giới (sila), Định (samadhi), Tuệ (panna) là chánh yếu để thành tựu mục tiêu, Niết bàn được biểu hiện cụ thể thông qua con đường Trung đạo hay Bát Chánh đạo.
5. Nền tảng của Phật giáo là Bốn Chân lý (Tứ diệu đế) có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm. Bốn Chân lý ấy do chính Đức Phật khám phá ra thông qua sự tỉnh giác và suy tư của chính Ngài chứ không từ bất kỳ lời dạy của ai.
6. Khổ đế, chân lý đầu tiên, đề cập đến những thành phần cấu tạo bản ngã, và những giai đoạn khác nhau trong đời sống. Chính các thành phần này đưa đến trạng thái khổ đau của con người. Thấu triệt chân lý thứ nhất (Khổ đế) một cách hợp lý đưa đến tận diệt nguyên nhân của khổ.
7. Chân lý thứ hai (Tập đế) có liên quan đến một năng lực luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người, đó là ái dục. Ái dục là nguyên nhân đưa đến tất cả những điều bất hạnh trong đời sống. Chính Tập đế cũng đề cập một cách gián tiếp đến những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai, thông qua đó, chuỗi dài sinh tử của kiếp người và những hệ luận nghiệp báo, tái sinh cũng được đề cập.
8. Hai chân lý đầu tiên là tại thế, thuộc về thế gian (lokiya). Chân lý thứ ba, chấm dứt đau khổ, mặc dầu tùy thuộc nơi ta, là siêu thế (lokuttara) và vượt hẳn ra ngoài phạm vi luân lý. Diệt đế là một pháp (dhamma) phải được thấu triệt bằng nhãn quan tinh thần (sacchikatabba). Đây không phải là trường hợp từ khước thế gian bên ngoài mà là dứt bỏ mọi luyến ái ở bên trong đối với thế gian bên ngoài. Do vậy, Niết bàn không phải được tạo nên (uppadetabba) mà phải được đạt đến (pattaba). Niết Bàn có thể được thành tựu ngay trong kiếp sống hiện tại này. Như vậy, có thể hiểu rằng mặc dầu tái sanh là giáo lý chánh yếu trong Phật giáo, mục tiêu cứu cánh của Phật giáo là chấm dứt tái sanh - không tùy thuộc ở tương lai, vì có thể thành tựu trong kiếp sống hiện tiền.
9. Để tận diệt một năng lực hùng mạnh (ái dục) cần phải vận dụng và phát triển Tám yếu tố công hiệu (Bát Chánh đạo). Tám năng lực tinh thần hùng mạnh và có tánh cách thiện, phải được tập trung để đánh đổ một năng lực bất thiện dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta.
10. Tuyệt đối tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sanh tử triền miên, một cái tâm không còn vướng chút ô nhiễm, trạng thái bất diệt (amata), là những phước lành đi kèm theo cuộc chiến thắng vĩ đại này.

Trí Không
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Đại tạng kinh Việt Nam, HT.Thích Minh Châu dịch, VCNPHVN, 1995. 2- HT. Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, VNCPHVN, 1998. 3- Kinh Pháp Cú, Phạm Kim Khánh dịch, 1971. 4- Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch: Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế, năm 1995, Sài Gòn. 5- PTS. Doãn Chính, Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, NXB. Thanh Niên, HN, 1999. 6- PTS. Doãn Chính: Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, NXB. Thanh Niên, HN, 1999. 7- Thích Mãn Giác, Tìm hiểu sáu phái triết học Ấn Độ, NXB. TP.HCM, 2002. 8- Thích Quảng Liên: Sử cương triết học Ấn Độ, NXB. Bồ Đề, Sài Gòn, 1965. 9- Thích Thanh Kiểm: Lược sử Phật giáo Ấn Độ, THPG TP. HCM, 1989. 10- Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Trung tâm Thông tin ĐH Sư phạm TP.HCM, 1989

-- 1

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

LOI ICH CUA THIEN





Những lợi ích của thiền định


SM.jpg
Ngày nay, nhiều người khắp nơi trên thế giới, bất luận là theo tôn giáo nào, họ đều ý thức được lợi ích của thiền định. Mục đích gần của thiền là để rèn luyện tâm và dụng tâm một cách có hiệu quả cao trong đời sống thường nhật. Mục đích tối hậu của thiền là để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Mặc dù thiền định được xem là một việc làm khó nhất, nhưng những lợi ích tích cực thì có thể đạt được ngay trong giờ phút hiện tại nếu chúng ta chuyên tâm thực hành. Những lợi ích của thiền định có thể được tóm tắt như sau:
- Nếu là người bận rộn, thiền định có thể giúp bạn buông bỏ căng thẳng và tìm đến sự thư thả.
- Nếu là người lo âu, thiền định có thể làm cho bạn bình tĩnh và tìm đến tâm an bình.
- Nếu bạn là người có nhiều vấn đề, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và nghị lực để đối đầu và vượt qua.
- Nếu bạn thiếu tự tin, thiền định có thể giúp bạn có được tự tin (tự tin là bí quyết thành công trong cuộc sống).
- Nếu bạn có tâm lo sợ, thiền định có thể giúp bạn thấu hiểu thực chất của những vấn đề khiến bạn hoảng loạn, lúc đó bạn có thể khắc phục tâm lo sợ.
- Nếu bạn luôn bất mãn và không có gì trong đời sống làm bạn thỏa mãn, thiền định có thể giúp bạn tạo cơ hội để phát triển và duy trì sự hài lòng với chính mình.
- Nếu bạn hoài nghi và không quan tâm đến cách sống tôn giáo, thiền định có thể giúp bạn vượt qua thái độ hoài nghi và thấy được những giá trị thực tiễn trong đạo pháp.
- Nếu bạn thất bại và khổ sở do thiếu hiểu biết về tình trạng bấp bênh của đời sống và thế giới, thiền định có thể hướng dẫn và giúp bạn hiểu biết tính phù du của các pháp thế gian.
- Nếu bạn là người giàu có, thiền định có thể giúp bạn nhận chân bản chất sang trọng, cao cả của bạn và cách sử dụng nó không những vì chính hạnh phúc của bạn mà còn vì hạnh phúc tha nhân.
- Nếu bạn là người nghèo khổ, thiền định có thể giúp bạn phát triển sự tri túc và không chứa chấp lòng ganh tỵ trong lòng với những ai giàu có hơn bạn.
- Nếu bạn là một thanh niên đang ở "ngã ba đường" không biết rẽ về đâu, thiền định có thể giúp bạn tìm thấy chánh đạo để đi đến mục đích mà bạn đã chọn.
- Nếu bạn là một người đứng tuổi, chán ngán cuộc sống, thiền định có thể mang lại cho bạn sự hiểu biết cuộc sống sâu sắc hơn; sự hiểu biết này lần lượt sẽ làm vơi đi những nỗi đau của bạn và gia tăng niềm vui sống.
- Nếu bạn nóng tính, bạn có thể phát triển sức mạnh để khắc phục nhược điểm của tính nóng nảy, thù hận để trở thành người điềm đạm và tỉnh táo hơn.
- Nếu bạn ganh tỵ, bạn có thể hiểu rằng những thái độ tinh thần tiêu cực không bao giờ đóng góp bất cứ điều gì cho lợi ích của bạn.
- Nếu bạn không thể giảm thiểu tham ái đối với các dục lạc, bạn có thể học cách trở thành người làm chủ những dục lạc của bạn.
- Nếu bạn nghiện rượu hoặc ma túy, bạn có thể vượt qua thói quen nguy hiểm đã
từng làm cho bạn nô lệ.
- Nếu bạn là người hẹp hòi, bạn có thể phát triển trí sáng suốt để mang lại lợi ích cho chính mình, bạn bè và gia đình; và tránh sự hiểu lầm.
- Nếu bạn khổ sở từ những hỗn loạn như những chứng suy nhược thần kinh và xáo trộn tinh thần, thiền định có thể làm khơi dậy những năng lực tích cực trong thân tâm bạn để phục hồi sức khỏe, đặc biệt nếu chúng thuộc những vấn đề thần kinh.
- Nếu bạn là người nhu nhược hoặc có tính mặc cảm tự ti, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và khắc phục nhược điểm.
- Nếu bạn là người sáng suốt, thiền định sẽ hướng dẫn bạn đến trí tuệ cao siêu. Lúc đó bạn sẽ thấy chân tướng của các pháp, và không còn chấp theo hình tướng bên ngoài nữa...
Đây là một số điều lợi ích thiết thực phát xuất từ việc thực hành thiền định. Những lợi ích này không thể rao bán trong các cửa hiệu hay cửa hàng bách hóa mà bạn muốn có thì phải thực tập thiền và rèn luyện tâm mỗi ngày. Tâm là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc và cũng là chìa khóa mở cánh cửa khổ đau. Hiểu được tâm và khéo dụng tâm là công việc hơn hẳn đời sống thanh bình và thỏa mãn.
Một số người cho rằng thực tập thiền rất khó vì khi hành thiền họ gặp phải loạn động rồi cho rằng không ai có thể đoạn trừ loạn động ấy. Thực ra, trong thế giới chúng ta đang sống không có nơi nào mà không có loạn động. Nhưng với sự khéo léo và hiểu rõ sự vật một cách hợp lý thì chúng ta sẽ biết cách bảo vệ tâm của mình, chống lại bất kỳ hình thức xáo trộn nào. Đức Phật dạy: "Khi bạn thấy bất kỳ sự vật gì, bạn cũng đừng chấp chặt vào sự vật đó mà phải dùng tâm để phát triển sự cảm nhận sâu sắc vào bản chất thật của sự vật hiện tượng".
thuongxuyenthiendinh.jpg
Hãy quan sát mọi vật với sự rõ biết. Tốt hơn bạn không nên đắm say vào nó nếu bạn thật sự muốn giữ tâm yên tĩnh. Hãy để cho tâm tự do không dính mắc vào một thứ nào. Khi nghe âm thanh dù vui hay buồn, chỉ nghe với sự rõ biết. Bạn phải có chánh niệm để tránh sự tác động của âm thanh, lúc đó tâm của bạn mới không bị vướng mắc vào những gì mình đang có. Bạn phải rèn luyện tâm để duy trì sự bình yên nội tại.
Ngoại cảnh và sự hưng phấn thường làm cho tâm bị xáo trộn nên ý niệm tham lam, ganh tỵ, sân si, vọng tưởng sẽ phát sinh; chúng làm cho tâm ô nhiễm. Thiền là phương tiện giúp ta bảo vệ tâm. Người khéo dụng công, khi tập trung vào bất kỳ sự vật hiện tượng nào dù vui hay buồn mà vẫn không có lòng tham đắm hay thù hận phát khởi.
Chúng ta thường dành nhiều thời gian để chăm lo cho thân thể như tắm rửa, giặt áo quần, ăn uống, trang điểm, thư giãn... nhưng thử hỏi chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để quan tâm đến tâm?
Nhiều căn bệnh và chứng rối loạn có thể tránh được nếu chúng ta biết dành thời gian thực tập thiền, rèn luyện tâm để giữ tâm yên tĩnh. Nhiều người không tin hoặc do lười biếng không hành thiền, không am tường về thiền nên cho rằng thiền chỉ là lãng phí thời gian.
Thiền có thể giúp con người vượt qua thân bệnh và duy trì sức khỏe thông qua sự phát triển của tâm. Khi tâm thoải mái, chúng ta dễ dàng tiếp thu kiến thức hoặc nhạy bén hơn. Khi tâm chứa ý tưởng xấu, những tạp nhiễm này có thể gây tổn thương thân thể. Y học ngày nay cũng chấp nhận rằng tâm là nguồn gốc của các loại bệnh và tương tự tâm cũng có thể được dùng để điều trị bệnh.

Thích Quảng Đạt dịch theo Meditation the only way

--

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

TAM CUA MINH/ TANG CHI CHUONG 10


VI. Phẩm Tâm Của Mình
(I) (51) Tâm Của Mình (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, không thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thời cần phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta." Như vậy, các Tỷ-kheo các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỳ kheo, như thế nào, Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, tánh ưa trang điểm, quán sát hình ảnh mặt mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong. Nếu thấy trên mặt có hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi hay dấu nhớp ấy. Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp, người ấy hoan hỷ, thỏa mãn: "Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! " Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như vậy, được nhiều lợi ích trong các thiện pháp. "Có phải ta sống nhiều với tham? Có phải ta sống nhiều với không tham? Có phải ta sống nhiều với tâm có sân? Có phải ta sống nhiều với tâm không có sân? Có phải ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên chi phối, hay ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên được từ bỏ? Có phải ta sống nhiều với trạo cử, hay ta sống nhiều với không trạo cử? Có phải ta sống nhiều với nghi ngờ, hay ta sống nhiều vượt qua được nghi ngờ? Có phải ta sống nhiều với phẫn nộ, hay ta sống nhiều không bị phẫn nộ? Có phải ta sống nhiều với tâm bị ô nhiễm, hay ta sống nhiều với tâm không bị ô nhiễm? Có phải ta sống nhiều với thân nhiệt nóng, hay ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng? Có phải ta sống nhiều với biếng nhác, hay ta sống nhiều với tinh tấn, tinh cần? Có phải ta sống nhiều với không định tĩnh, hay ta sống nhiều với định tĩnh? "
4. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy, biết rằng: "Ta sống nhiều với tâm tham; ta sống nhiều với tâm sân; ta sống nhiều với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối; ta sống nhiều với trạo cử; ta sống nhiều với nghi ngờ; ta sống nhiều với phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm bị nhiễm ô; ta sống nhiều với thân nhiệt nóng; ta sống nhiều với biếng nhác; ta sống nhiều với không định tĩnh", thời Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy, hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy này Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp bất thiện ấy.
5. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy biết rằng: "Ta sống nhiều với tâm không tham, ta sống nhiều với tâm không sân, ta sống nhiếu với tâm không hôn trầm thụy miên; ta sống nhiều với tâm không trạo cử; ta sống nhiều với tâm nghi ngờ được vượt qua; ta sống nhiều với tâm không phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm không nhiễm ô; ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng; ta sống nhiều với tâm tinh tấn, tinh cần; ta sống nhiều với tâm định tĩnh", thời Tỷ-kheo ấy, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, rồi hơn nữa cần chú tâm đoạn diệt các lậu hoặc.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

NHU LY TAC Y/ TRUNG BO SO 2





Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo!" --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc". Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Thế Tôn nói như sau:
(Tóm lược)
-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Vị ấy không như lý tác ý như sau: "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?" Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".
Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại". Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ", như lý tác ý: "Ðây là khổ tập", như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt", như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

--

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

PHUNG PHI TAI SAN/ TRUONG BO 31





13. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no", không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy. Thế Tôn thuyết giảng như vậy.






7. Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Ðam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
8. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy.
9. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.
10. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm như vậy.
11. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.
12. Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.
13. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no", không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy. Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
14. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Có bạn gọi bạn rượu,
Có bạn, bạn bằng mồm,
Bạn lúc thật hữu sự,
Mới xứng danh bạn bè.
Ngủ ngày, thông vợ người,
Ưa đấu tranh, làm hại,
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Ác hữu, ác bạn lữ,
Ác hạnh, hành ác xứ,
Ðời này cả đời sau,
Hai đời, người bị hại.
Cờ bạc và đàn bà,
Rượu chè, múa và hát
Ngủ ngày, đi phi thời
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Chơi xúc xắc, uống rượu
Theo đuổi đàn bà người,
Lẽ sống của người khác,
Thân cận kẻ hạ tiện,
Không thân cận bậc trí,
Người ấy tự héo mòn,
Như trăng trong mùa khuyết.
Rượu chè không tiền của,
Khao khát, tìm tửu điếm,
Bị chìm trong nợ nần,
Như chìm trong bồn nước,
Mau chóng tự hại mình,
Như kẻ mất gia đình.
Ai quen thói ngủ ngày,
Thức trọn suốt đêm trường,
Luôn luôn say sướt mướt,
Không thể sống gia đình.
Ở đây ai hay than:
Ôi quá lạnh, quá nóng,
Quá chiều, quá trễ giờ,
Sẽ bỏ bê công việc.
Lợi ích, điều tốt lành,
Bị trôi dạt một bên.
Ai xem lạnh và nóng,
Nhẹ nhàng hơn cỏ lau,
Làm mọi công chuyện mình,
Hạnh phúc không từ bỏ.

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-truongbo/truong31.htm

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

tHICH MINH CHAU






So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và
kinh Trung Bộ chữ Pàli

Hòa thượng Thích Minh Châu (1961)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998)
 

Nguyên tác: Bhiksu Thich Minh Chau (1961),
"A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama
and the Pali Majjhima Nikaya",
Ph.D. Thesis,  Bihar University, India

MỤC LỤC
Bảng viết tắt
Tựa
Phần Một
I. Dẫn nhập
II. Những bằng cứ chứng minh Trung A-hàm thuộc Nhất thiết hữu bộ
III. Vài đặc điểm của Nhất thiết hữu bộ và Thượng tọa bộ
IV. Tương quan giữa Trung A-hàm và Trung bộ
Phần Hai - Những điểm đồng và dị giữa bản Hán tạng và bản Pàli.
Chương I: Sự phân loại thành phẩm và kinh
Chương II:  Ni Đà Na
Chương III: Vai trò các nhân vật trong kinh
Chương IV: Giáo lý
Chương V: Đức Phật
Chương VI: Tăng già hay đoàn thể tỷ kheo
Chương VII: Kệ tụng
Chương VIII: Các ẩn dụ hay ngụ ngôn
Chương IX: Phần kết các kinh
Phần Ba - 15 mẫu nghiên cứu tỷ giảo giữa các kinh P và C tương đương
Phần Bốn - Phụ lục

-ooOoo-


BẢNG VIẾT TẮT

C : Trung A-hàm, bản chữ Hán.
NC : Nghiên cứu so sánh Trung A-hàm và Trung bộ kinh (xem Phụ Lục 5)
P : Trung bộ kinh, bản chữ Pàli.
S : chữ Phạn (Sanskrit).
Bảng viết tắt phần chú thích:
A.M.R.H. : "Đại thừa liên hệ với Tiểu thừa", N. Dutt.
C : Chữ Hán.
C.A.P.N. : "Bản so sánh kinh A-hàm chữ  Hán và Kinh bộ Pali",  C. Akanuma.CMA : Trung A-hàm chữ Hán.
C No 30,vi,18b,3-4 : Kinh chữ  Hán số 30, hộp Tsê số 6, trang 18b, dòng 3 và 4.C.S. NNghiên cứu so sánh Số... (xem Phụ Lục 5)
D.P.P.N. : Tự điển tên riêng Pali.
E.M.B. : Phật giáo Nguyên thủy.
F.H.T.T.T. : Fu-hsueh-ta-tzu-tien (Phật học Đại từ điển).
H.I.L. : Lịch sử Văn học Ấn độ, quyển 2, Winternitz.
JRAS. : Bào Hội Hoàng-gia Á-châu.
M.A. : Sớ giải Trung-bộ-kinh (Hội kinh-điển Pali).
M.L.S. : Trung-bộ-kinh (tiếng Anh).
M.R.E.T. : Những bản thảo Phật giáo còn sót lại được tìm thấy ở Đông Turkestan.
Ms. : Trung-a-hàm chữ Phạn.
Mv. : Đại-phẩm (ấn bản của Hội PTS)
P : Pàli
P.E.D. : Tự điển Pàli-Anh (Hội PTS).
PMN : Trung-bộ-kinh chữ Pàli.
P. N2, (I, 89, 7-32) : Kinh Pàli số 2, quyển I, trang 89, dòng 7 tới dòng 32.
PTS : Hội kinh-điển Pàli.
Q.A. : Hỏi và Trả lời.
Rev. Fr. : Thưa hiền-giả.
Sarv. : Nhất-thiết hữu-bộ.
Sk. : chữ Phạn.
S.L. : Văn học Nhất-thiết hữu-bộ.
Ther. : Thượng-tọa-bộ.
ThigA. : Sớ giải Trưởng-lảo tăng-kệ. (Hội PTS).
T.M.N. : Trung-bộ-kinh Pàli (Hội PTS).
Tse : Hộp Tsê, Tục-tạng, ấn bản chữ Nhật.
Ven. : Thượng-tọa.
W.H.One : Thế-tôn.
-ooOoo-

TỰA

Những người học Phật trên khắp thế giới phải cám ơn Tiến sĩ Thích Minh Châu về tác phẩm công phu này. Công trình của Tiến sĩ là so sánh kinh Trung bộ (Pàli Majjhima Nikàya) với Trung A-hàm (Madhyama Àgama), tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàdins), hiện được duy trì trong bản dịch chữ Hán. Bởi ít ai đề cập một cách chi tiết, tạng kinh A-hàm (Àgama) hầu như bị niêm phong đối với phần đông học giả quan tâm đến Phật giáo, vì họ thiếu kiến thức về chữ Hán. Tác phẩm của Tiến sĩ Thích Minh Châu có nhiều khám phá đáng ngạc nhiên. Ông đã chứng minh rằng bản kinh A-hàm (Àgama) bằng chữ Hán và bản kinh bộ Pàli (Pàli Nikàya) này có rất nhiều điểm tương đồng và cũng khá nhiều dị biệt. Đối với tôi, ông đã rất đúng khi xác nhận rằng cả hai phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàdins) và Thượng tọa bộ (Theravàdins) đều căn cứ trên một di sản chung. Mặc dù một người ngưỡng mộ văn học Pàli có thể đồng ý với những nhà luận giải như Buddhaghosa, rằng truyền thống Pàli gìn giữ giáo lý nguyên thủy thuần túy và tiêu biểu cho lời dạy đích thực của đấng Đạo sư, ngày nay những học giả đều phê phán lời tuyên bố quá đáng này. Tất cả những học giả phương Tây cũng như phương Đông hầu như đều có chung quan điểm với Tiến sĩ Thích Minh Châu là, cả hai bản dịch chữ Hán ngữ cũng như Pàli đều căn cứ trên một bản gốc mà ngày nay đã thất lạc.
Tác phẩm này được tác giả đệ trình làm luận án Tiến sĩ, và đã được Hội đồng giám khảo đồng thanh phê chuẩn. Công trình của ông quả thực đã mở rộng chân trời hiểu biết của chúng ta. Ông đã đề cập đề tài này với cái nhìn của học giả và với thái độ vô tư, cốt đề cao chân lý chứ không với mục đích dựng lên một giáo điều hay phân phái. Sự hiểu biết của chúng ta về Phật giáo trên các phương diện học thuyết, triết lý và giới luật đều phải bị hạn hẹp và cục bộ vì thiếu tài liệu. Rủi thay, hầu như phần lớn giáo lý Phật giáo bằng nguyên bản Sanskrit đã mất, chỉ trừ một ít đoạn được các nhà nghiên cứu đưa ra ánh sáng. Mặc dù số lượng tác phẩm bằng Sanskrit ngữ hiện có được so sánh một cách bất lợi với số lượng văn học Pàli, giá trị nội tại của kinh Phạn ngữ, với cái nhìn sâu sắc và đánh giá vấn đề một cách hợp lý, đã chứng minh sự sai lầm của việc khai thác thái độ thù hằn ganh tị của thời Trung cổ, một thái độ đã làm cho Phật giáo trong quá khứ mất hết sinh lực. Nếu ta trung thành với lý Trung đạo của đức Phật, thì ngày nay ta không còn có thể bảo rằng Phật giáo tạng Sanskrit lạc xa giáo lý nguyên thủy. Những phần nhỏ và những tác phẩm nguyên bản Sanskrit này được tìm thấy tại Népal và Tây Tạng, đã chứng tỏ nguồn sinh lực vô địch của đức tin Phật giáo. Nhờ biết được những kho tàng này mà chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về bí quyết truyền bá đạo Phật tại các nước châu Á. Những học giả thường phải lấy làm lạ khi thấy Phật giáo đã đạt đến tầm vóc một tôn giáo toàn cầu, mặc dù không có sự bảo trợ rộng rãi của triều đình và giới thương gia giàu có. Dĩ nhiên, sự bảo trợ ấy cuối cùng vẫn xảy đến, vì Phật giáo tiêu biểu yếu tố thiêng liêng trong con người, chỉ đường vượt qua những bản năng thú vật. Sự bảo trợ của vua chúa là hậu quả của sự hoằng dương chứ không phải là điều kiện để truyền bá đạo Phật. Nhờ luôn nhấn mạnh tính vô thường của tài sản thế gian cũng như của nghịch cảnh, Phật giáo củng cố được nghị lực tâm hồn của tín đồ xuất gia và tại gia. Nó tịnh hóa những người quyền thế và khích lệ những người nghèo khổ, những kẻ bị chà đạp.
Lịch sử trung cổ và cận đại đều cho thấy quyền lực và tài sản thế gian rất cần thiết trong việc bảo vệ tiến bộ tâm linh và truyền thống dân tộc. Những sự xâm lăng của ngoại bang đã làm cho nhiều dân tộc bị trị khắp thế giới mất hết sinh lực. Hậu quả là tình trạng bội giáo, cải đạo xảy ra như núi lở. Sức mạnh và vinh quang của đạo Phật bắt nguồn ở lòng từ bi bao la của nó. Đức Phật chinh phục bằng lòng từ bi, và những tín đồ của Ngài cũng vậy. Thế giới ngày nay hết sức cần đến triết lý tình yêu này, và thật không đáng ngạc nhiên khi những học giả trí thức đang tìm đến Phật giáo như ánh sáng xua tan bóng tối gây nên bởi sự thi đua quyền lực, quân sự và binh bị. Thế giới đang bị siết chặt trong cơn hãi hùng khủng khiếp, và không gì làm người ta xuống tinh thần hơn là sự mất hết tự tin. Cuộc đời đức Phật là một tấm gương sống động về tinh tấn (viriya) và tỉnh giác (appamàda). Nếu chúng ta có thể có được dù chỉ một phần nhỏ những đức tính ấy trong cuộc đời rộn rịp, thế giới cũng sẽ đi đến một tương lai tốt đẹp và cao thượng hơn.
Tiến sĩ Thích Minh Châu không làm gì gián tiếp nhắm đến mục đích này. Công việc của ông là công việc của một nhà học giả, có tính cách phê phán, thận trọng và trung thành với sự thật. Nhưng kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) và Trung bộ (Majjhima Nikàya) đều có những cuộc đối thoại và ngụ ngôn phong phú để tịnh hóa tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta đi đúng chíùnh đạo. Người nào dành thì giờ để nghiên cứu tác phẩm này tự nhiên cũng muốn đọc đến nguyên bản các kinh Trung bộ và A-hàm, những kinh sẽ gieo vào tâm hồn họ những đức tính mà Phật giáo đề cao. Hậu quả tức thời của việc nghiên cứu có thể không có tính cách thực tiễn cho lắm nói theo nghĩa rộng. Tuy vậy, đấy không phải là một công việc vô bổ. Nó đem lại những hậu quả trường cửu hơn, hùng mạnh hơn vì có cơ sở trên sự nghiên cứu khách quan. Sự áp dụng những giá trị lý thuyết vào đời sống là một dư vị đến sau. Xét theo viễn tượng ấy, tác phẩm của Tiến sĩ Minh Châu sẽ tưởng thưởng cho công khó của những người đọc sách ông về ngắn hạn cũng như dài hạn. Tôi hy vọng rằng Tiến sĩ Thích Minh Châu sẽ không từ bỏ đường hướng nghiên cứu sưu tầm này. Chúng ta rất cần một sự khám phá toàn diện về đạo Phật, và bằng nỗ lực và tấm gương của ông, Tiến sĩ Thích Minh Châu có thể gợi cảm hứng cho nhiều học giả về sau. Phật giáo phải được phục hồi trở lại với vinh quang và nguồn sinh lực nguyên thủy, và điều này chỉ có thể thực hiện nhờ đi theo đường hướng làm việc của tác giả trong chân tinh thần truyền giáo.
Tôi hết sức hài lòng vì tác phẩm này đã được hoàn tất trong khuôn viên Tân tòng lâm Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara). Chúng tôi sẽ mãi mãi hãnh diện về những gì Tiến sĩ Thích Minh Châu và những người cộïng sự của ông đã làm. Khi ông trở về quê hương (Việt Nam), Tiến sĩ Thích Minh Châu cũng sẽ như Huyền Trang (Hsuan-tsang), dành trọn cuộc đời của mình để làm tròn sứ mạng truyền bá chân diệu pháp (Saddharma) vì an lạc cho nhiều người, vì hạnh phúc cho nhiều người, phát triển từ bi bằng cách nêu rõ sự vô ích của thiên kiến ngã chấp.
S. Mookerjee
Viện trưởng,
Tân tòng lâm Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara)
23-3-1964



Đầu trang | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 2.6 | 2.7
3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | Mục lục

KINH SO 4 TRUNG BO KINH






TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 4
Sợ hãi và khiếp đảm
I. TOÁT YẾU
Bhayabherava Sutta - Fear and dread.
The Buddha describes to a bradhmin the qualities required of a monk who wishes to live alone in the forest. He then relates an account of his own attempts to conquer fear when striving for enlightenment.
Phật mô tả cho một bà la môn biết những đức tính cần thiết mà một tỳ kheo phải hội đủ nếu muốn sống độc cư ở rừng núi. Rồi Ngài kể lại cách Ngài chinh phục sự sợ hãi khi Ngài đang còn nỗ lực để đạt giác ngộ.
II. TÓM TẮT
Bà la môn Janussoni đến thăm Phật trong rừng Kỳ đà và ca tụng Phật đã giúp ích nhiều cho các tỳ kheo, vì quả thực rất khó kham nhẫn đời sống ở rừng núi. Theo ông, rừng núi làm rối loạn tâm trí tỳ kheo nào chưa chứng các thiền. Phật xác nhận lời nói của bà la môn, và dạy sở dĩ tỳ kheo khó kham nhẫn đời sống viễn ly ở núi rừng, nổi lên sợ hãi, là vì còn có 16 ô nhiễm:
- không thanh tịnh thân, khẩu, ý, mạng;
- nhiều tham dục, sân hận ác ý, hôn trầm, trạo cử;
- hoài nghi, khen mình chê người, run rẩy sợ hãi, ham lợi;
- lười biếng, thất niệm, tán loạn, ngu đần.

Phật không có những lỗi như trên mà có những đức ngược lại, nên Ngài rất an ổn khi sống ở rừng núi. Phật cho biết lúc còn tu tập, vào những đêm không trăng, Ngài cố đến những nơi nổi tiếng nhiều ma để thử. Mỗi khi cơn sợ hãi nổi lên, Ngài vẫn giữ nguyên tư thế để diệt trừ nỗi sợ trong tâm. Ngài không làm như người ta thường làm mỗi khi bị khiếp đảm là đổi tư thế (như bỏ chạy), hoặc tưởng tượng đêm là ngày, vì Ngài cho đó là hành động si ám. Ngài là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ởđời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng nhân loại và chư thiên.
Nhờ chân chính quán sát bản thân không lỗi, Ngài cảm thấy tự tin khi sống ở núi rừng, tinh tấn tu tập chứng bốn thiền và ba minh. Canh một, Ngài chứng Túc mạng trí, nhớ được tất cả đời trước của mình; canh hai chứng Thiên nhãn minh, thấy sự sống chết của tất cả chúng sinh tùy theo hành nghiệp, gọi là Sinh tử trí hay Tùy nghiệp thú trí. Và cuối cùng canh ba Ngài chứng Lậu tận minh, hoàn toàn giải thoát, thành Phật.
Sau khi đạt thành chính giác, Phật vẫn cư trú trong rừng núi vì hai lý do: tự thân Ngài cảm thấy thoải mái, và vì lòng thương tưởng hậu lai (nêu gương).
III. CHÚ GIẢI
IV. PHÁP SỐBa nghiệp: [hành động cố ý về] thân, lời, ý.
Ba minh [trí]: túc mạng, sinh tử [còn gọi thiên nhãn minh, hay tùy nghiệp thú trí], lậu tận.
Ba độc: tham, sân, si.
Bốn thiền
Bốn chân lý
Năm triền cái: tham dục, sân, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi.
V. KỆ TỤNG
1. Muốn đắc các thiền chứng
V
à đoạn tận vô minh
Cần núi rừng nương ở
Với mười sáu điều kiện:
Thân, khẩu, ý, thanh tịnh
Cách sinh hoạt thanh tịnh,
Không tham, sân, ít ngủ,
Không trạo cử, ho
ài nghi
Không khen mình chê người,
Không sợ hãi, hám lợi;
Không lười biếng, thất niệm,
Không tán loạn, ngu đần.

2. Phật chân chính quán sát
Bản thân được như tr
ên
Nên Ngài không sợ hãi
Khi độc cư rừng núi.
Nhờ tinh tấn h
ành thiền
Ngài chứng được ba minh:
Canh một chứng túc mạng
Nhớ hết các đời trước
Ðại cương và chi tiết.
Canh hai chứng thiên nhãn
Sống chết và nghiệp báo
Của các hạng chúng sinh
Phật đều thấy tận tường.
Canh ba chứng lậu tận
Liễu tri cả bốn đế
Như tối diệt, sáng sinh.
Sau khi Ng
ài đắc đạo
V
ì thương tưởng hậu lai
Vì hiện tại lạc trú
Phật vẫn ở núi rừng.



http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-01.htm

Patàcàrà

Vấp ngã trên mặt đất, chống tay trên đất mà đứng dậy
Khổ đau có thể là phương diệu dược chữa căn bệnh khổ trầm thống

Giác Ngộ - Trong thời Đức Phật còn tại thế, nàng sanh trong gia đình vị thủ ngân khố nhà vua ở Sàvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng giao du với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một chàng trai xứng đôi, nàng trốn đi với người tình và sống tại một ngôi làng nhỏ.


Khi nàng sắp sanh, nàng bảo chồng đưa nàng về nhà cha mẹ, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng nàng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng và giữa đường nàng sinh được người con, rồi hai vợ chồng lại đi trở về làng. Ðến kỳ sinh nở thứ hai, sự việc xảy ra như lần trước, nhưng có điểm khác biệt như sau: giữa đường mưa to gió lớn nổi lên, người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng nàng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng. Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi. Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sàvatthi, lại được tin hồi hôm mưa to gió lớn làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, giết chết cả cha mẹ và em nàng vừa làm lễ hỏa táng xong. Trong cơn đau khổ khủng khiếp chồng chất, nàng hóa điên dại, ăn mặc hở hang, nàng vừa khóc vừa than:
Hai con ta đã chết,
Chồng ta cũng chết luôn,
Rồi trên giàn hỏa táng,
Cha ta và mẹ ta,
Cùng đứa em trai ta,
Vừa làm lễ thiêu đốt.
Rồi nàng đi lang thang đây đó, khóc than nỗi đau khổ của nàng, và vì nàng mang xiêm áo tả tơi, nàng được gọi là Patàcàra (kẻ mang xiêm áo). Người đi đường thấy nàng gọi nàng là người điên, có kẻ ném đá, có người thì quăng đồ nhớp bụi bặm trên nàng. Bậc Ðạo sư ở Jetavana đang thuyết pháp, thấy nàng đi lang thang như vậy và biết căn cơ trí tuệ của nàng đã chín muồi, ngăn cản không cho người ta xua đuổi nàng và cho phép lại gần, khiến nàng hồi tỉnh lại, và cảm thấy xấu hổ với cách ăn mặc của mình, nàng nằm phục xuống đất. Một người đưa cho nàng một tấm y, nàng quấn y vào mình và thỉnh Phật cứu độ cho nàng và nàng kể lại thân phận của nàng: ‘Thế Tôn hãy cứu độ cho con. Một đứa con bị chim diều hâu mang đi; một đứa con bị nước cuốn trôi; còn chồng con bị rắn cắn chết; cha mẹ và em con bị căn nhà sụp đổ giết chết và bị hỏa táng. Ðức Phật nói: ‘Này Patàcàra, đừng nghĩ rằng nàng đến với một người có thể cứu độ cho nàng. Như nay nàng than khóc vì con chết, vì chồng chết, cha mẹ chết. Cũng vậy, nàng đã khóc than kiếp luân hồi của nàng vì rằng con, chồng và cha mẹ bị chết của nàng còn nhiều hơn nước sông bốn biển’.
Nước bốn biển ít hơn,
Nước mắt của loài người,
Khóc than vì đau khổ,
Vậy sao nàng hủy hoại,
Sanh mạng của chính mình,
Trong khóc than sầu khổ!
Nghe Thế Tôn dạy về con đường không thể diệt khổ, nỗi đau khổ của nàng được nhẹ dần. Rồi Đức Phật khuyên thêm: ‘Ôi Patàcàrà, một người mệnh chung, thì con cháu, bà con không có thể làm chỗ nương tựa. Cho đến hiện tại, họ cũng không giúp đỡ được gì. Do vậy, người có trí sống đời sống giới đức thanh tịnh, thành tựu con đường hướng đến Niết bàn. Rồi Đức Phật dạy:
Các con, cha, bà con,
Không phải chỗ nương tựa,
Khi thân hoại mạng chung,
Bà con huyết thống nàng,
Không thể che chở nàng!
Thấy được sự thật này.
Kẻ trí sống giới đức,
Và mau chóng thành tựu,
Con đường hướng Niết bàn.
Khi bậc Ðạo sư nói xong, nàng chứng được quả Dự lưu và xin được xuất gia. Ðức Phật đưa nàng đến chúng Tỷ kheo ni và cho phép nàng được xuất gia.
Rồi nàng tinh tấn tu hành, cố gắng thành đạt những quả vị cao hơn. Một hôm lấy nước trong bát rửa chân, khi nàng đổ nước, thời nước chảy đến một khoảng đường ngắn rồi biến mất. Nàng đổ thêm nước, và con đường nước chảy dài hơn, và lần thứ ba, nàng lại đổ nuớc và con đường nước chảy còn dài hơn trước khi biến mất. Dựa trên sự kiện này làm nền tảng suy tư, nàng nghĩ: ‘Cũng vậy là loài người, chết trẻ, chết nửa chừng và chết già’. Và Đức Phật ở tại hương phòng của Ngài phóng hào quang, hiện lên trước mặt nàng và dạy rằng: ‘Hỡi nàng Patàcàrà, như vậy là cuộc sống của loài người, cuối cùng cũng phải mạng chung. Vậy tốt hơn là sống như thế nào để thấy sự sanh diệt của năm uẩn, dầu cho chỉ thấy được một ngày, hay chỉ một sát-na, còn hơn sống một trăm năm mà không thấy được sự thật ấy:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp Cú 113)
Khi Thế Tôn nói xong, Patàcàrà chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư đến quả chứng của mình, khi còn là một học nữ, nàng tán thán sự kiện đã giúp nàng chứng được quả vị cao hơn, và nàng nói lên bài kệ:
112. Với cây, cày ruộng đất,
Gieo hột giống trên đất,
Loài người được tài sản,
Nuôi dưỡng vợ và con.
113. Sao ta, giới đầy đủ
Làm theo Ðạo sư dạy,
Lại không chứng Niết-bàn,
Không nhác, không dao động.
114. Khi ta đang rửa chân,
Làm cho dòng nước chảy,
Thấy được nước rửa chân
Từ cao chảy xuống thấp,
Nhờ vậy, tâm được định,
Như ngựa hiền khéo luyện.
115. Rồi ta cầm cây đèn,
Bước vào ngôi tinh xá,
Nằm trên chiếc giường nhỏ,
Ta nhìn quán ngọn đèn.
116. Rồi lấy cây kim nhỏ,
Dìm tim đèn xuống dần,
Thấy cây đèn Niết bàn,
Tâm ta được giải thoát.
(Patàcàrà ,Therì. 134, Trưởng Lão Ni Kệ, HT.Thích Minh Châu dịch)

HT.Thích Minh Châu dịch
--