Hằng ngày, theo thói quen ta hay sống với cái tâm sanh diệt, hết nghĩ chuyện này sang nghĩ chuyện khác, vọng tưởng điên đảo không dừng, thật tội nghiệp cho ta biết dường nào, nhà Phật gọi trạng thái tâm phan duyên đó là vọng tâm. Trái lại, có những lúc thư thả ngồi yên lặng một mình, tâm ta như mặt nước hồ thu, trong vắt. Mặt hồ êm ả, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống đáy hồ. Ôi đẹp làm sao! Cũng như thế, tâm ta an lạc không vướng mắc, không nhiễm ô với cảnh trần, nhẹ nhàng, thanh tịnh, trong sáng và yên lặng, nhà Phật gọi ấy là chơn tâm.
Phải hiểu rõ khi tâm được tĩnh lặng. Đó là trạng thái bình thường tự nhiên của tâm. Lúc tâm động là bị sự vật, cảnh trần thu hút khiến tâm sinh khởi ý niệm thương ghét, buồn vui, hơn thua, được mất…đưa đến phiền não. Ý muốn chuyển từ việc này sang việc khác, chỗ nọ sang chỗ kia, lôi kéo tâm theo liên tục không dừng. Chẳng hạn một thương gia chỉ biết làm giàu. Ngày làm chưa đủ đêm phải làm tiếp. Trong đầu họ lúc nào cũng tìm cách kinh doanh sao cho có nhiều tiền là được. Họ chưa bao giờ thấy vô thường, tử thần đến dắt đi, bỏ lại sự nghiệp tiền bạc, sự nghiệp đồ sộ và vợ con. Những gì của thế gian ai ai cũng ra đi với đôi bàn tay trắng, cái mà mọi người mang theo là nghiệp thiện và ác của mình. Ta đang sống trong mộng mà mấy ai thấy được như thế. Chấp ngã chấp pháp là thật, cái nhà của tôi, xe của tôi, con của tôi… cái gì cũng của tôi. Nó là do ta nghĩ tưởng mà ra. Cái tâm bất ổn, vô thường, khổ thì không thể lấy làm tự ngã được. Phật dạy phải quan sát những biến chuyển của tâm. Mỗi khi tâm động, ta bất an và phiền não có mặt. Ta không trốn tránh vì như thế chẳng khác nào lấy đá đè trên cỏ. Thấy đúng như thật, tâm và tâm sở không phải là của ta. Tự nhiên ta dẹp bỏ một cách dễ dàng và tâm trở lại tĩnh lặng. Khi vọng tưởng hiện mình cứ để tự nhiên nó sẽ biến mất. Không nên đem chuyện bên ngoài vào rồi ngồi suy nghĩ. Hãy tập tâm rõ ràng và yên lặng như tâm một đứa trẻ sơ sinh. Sáu căn nó tiếp xúc với sáu trần nhưng nó không phân biết tốt xấu như ta. Vì ta chạy theo trần cảnh nên tâm bất an hiện ra. Ngài Huệ Khả cầu đạo với tổ Bồ Đề Đạt Ma, ngài thưa:
- Tâm con không an xin ngài dạy con phép an tâm!
Tổ bảo:
- Ngươi đem tâm ra đây ta an cho.
Ngài quay lại nhìn vào tâm mình nhưng chẳng thấy nên thưa:
- Bạch thầy con tìm tâm không thấy!
Tổ nói:
- Ta đã an tâm cho ông rồi đó.
Tới chỗ này ngài Huệ Khả ngộ đạo.
Bản thể của tâm vốn vô hình, vô tướng. Nó trong sáng như gương, tỉnh lặng trong suốt.Tự tánh vốn không, thanh tịnh. Bởi có gió tham sân si, bát phong nổi dậy mà sanh các pháp sanh diệt. Cũng như mặt biển im có sóng là do gió thổi. Trong kinh Kim Cang ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật: làm sao hàng phục vọng tâm an trú chân tâm? Đây là pháp tu để tâm an tịnh. Phật dạy ta không nên trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ mà sanh tâm. Vì khi sáu căn dính sáu trần thì sáu thức sẽ phát sinh. Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi nghe câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh này mà ngài ngộ đạo và thốt lên:
- Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
- Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.
- Nào ngờ tự tánh vốn không dao động.
- Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt.
- Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.
Tâm ta nên trụ vào chỗ vô trụ. Nghĩa là để tâm rỗng lặng không dính mắc vào sáu trần, ngoài lìa các tướng, trong không khởi niệm.Trong kinh Kim Cang còn có bốn câu kệ Phật dạy phải quan sát các pháp hữu vi huyễn như mộng, điện chớp, ảo ảnh…
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
Hay câu: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” (phàm những cái gì có hình tướng đều là hư giả. Nếu thấy cái không phải tướng chính là Như Lai). Lìa tướng tức là thật tướng. Thật tướng chính là vô tướng. Vô tướng chính là cái không hình, không tướng không thấy bằng mắt được. Chính là chơn tâm bất sanh bất diệt của mình. Quan sát một sự vật thấy đúng như thật (chánh kiến) sẽ đưa đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ta có tuệ giác như ngọn đèn soi sáng nhờ áp dụng Bát Chánh Đạo nên hành động tốt và chỉ tạo nghiệp thiện. Phương pháp hành Thiền cũng giúp tâm từ động trở về tỉnh lặng.
Việc thực tập đòi hỏi phải kiên nhẫn và quá trình lâu dài mới có hiệu quả. Bước đầu ngồi có nhiều trở ngại, có thể làm ta nản chí như đau lưng, tê chân, đau chân, ngứa ngáy khó chịu như kiến bò trên mặt, có khi máu dồn lên mặt làm ta căng thẳng…. Phải quyết tâm vượt qua rồi sẽ hết. Cách ngồi thì kiết già hay bán già, hay ngồi kiểu như mấy sư Miến Điện (Myanmar) làm sao cảm thấy thư thả thoải mái là được. Tùy theo cách hướng dẫn của mọi người. Có khi trụ tâm ở sống mũi hay ở dưới đan điền, quan sát hơi thở cùng bụng, “phòng xẹp”. Có thể áp dụng phương pháp “Quán Sổ Tức”, đếm số theo hơi thở ra vào, theo dõi hơi thở sâu chậm, dài biết dài, ngắn biết ngắn…Phương pháp thực tập để tâm dần vào an định ở bài này tôi chỉ nói lướt qua. Quý vị cần nên gặp các bậc xuất gia hướng dẫn.
Trong bài nói cái tâm thanh tịnh, trong sáng của mình là chơn tâm. Tôi cũng như quý bạn cũng là Cư sĩ bình thường đang dò dẫm từng bước tu tập. Chẳng khác mình ở lớp vỡ lòng trên con đường giải thoát mà thôi. Tôi viết lại những gì chẳng khác trả bài cho quý Thầy khi nghe băng giảng hay đọc sách. Dĩ nhiên sẽ có nhiều thiếu sót, kính mong các bạn hoan hỷ bỏ qua.
Trong quá trình tu tập để bớt vọng tưởng. Tôi xin chia sẽ một kinh nghiệm nhỏ đến các bạn, nếu thấy hợp thì đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Đối với các bậc xuất gia ở chốn Thiền môn yên tĩnh nên việc nhiếp tâm dễ hơn người cư sĩ tại gia. Vì lo cuộc sống sinh kế cho gia đình nên ta gặp nhiều duyên trần chi phối. Nếu ngồi thiền thử hỏi mình ngồi được bao lâu. Nhất là người lớn tuổi như tôi, ngoài 60 rồi rất khó ngồi lâu được. Bởi vậy cách làm không khó và ai ai cũng thực hiện được. Đi đứng, nằm, ngồi đều ung dung cả. Khi ta làm việc, ta vừa làm, vừa chú tâm theo dõi hơi thở vào ra. Có thể hít vào niệm thầm A Di, thở ra Đà Phật. Hoặc để tâm rỗng lặng càng tốt. Nếu có vọng tưởng thì kệ nó, tự nhiên nó sẽ mất. Đừng để tâm chạy theo bên ngoài hay vọng tưởng. Hễ vọng là buông, nếu lỡ để tâm chạy theo vọng thì lập tức kéo tâm trở về để tâm tĩnh lặng như hư không. Lục Tổ dạy: “Ngoài lìa tưởng, trong không khởi ý niệm.” Chỉ đơn giản vậy thôi. Từ từ lau dần vọng tưởng sẽ sạch dần. Có thể bạn vẫn nói chuyện tiếp xúc với mọi người nhưng bạn vẫn biết tâm mình trụ và rỗng rang. Kính chúc các bạn thực tập có kết quả.
Tóm lại luôn luôn sống trong tâm tĩnh lặng, không sanh không diệt, hằng tri hằng giác của mình. Niết Bàn hay Cực Lạc có mặt ngay trong giờ phút hiện tai, bây giờ và ở đây. Bạn khỏi phải phí công, phí sức tìm đâu xa
--
1
http://thienphuoctu.com/2011/06/chon-tam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét