GIOI THIEU:
Lý duyên sinh, mà Ái là một trong 12 giai đoạn quan trọng. Mời các bạn cùng tìm hiểu tài liệu này: (1)
VIII. ÁI (Tanhà)
Vedanà paccayà tanhà (skt. trsnà), tùy thuộc nơi Thọ phát sanh Ái. Ái, bắt nguồn, khởi nguyên, và phát sanh từ Thọ. Ái (Tanhà) bao gồm tất cả những hình thức thèm khát, tham ái, khát vọng, ước mong, dục vọng, ham muốn, nóng lòng, bám bíu, luyến ái, thiên về. Ðó là một ít, trong rất nhiều ý nghĩa của danh từ tanhà mà, theo lời của Ðức Phật, là nguyên nhân đưa đến Hữu (bhavanetti, sự trở thành, sự biến đổi). Hữu biểu hiện dưới hình thức dukkha, đau khổ, băn khoăn, và đó là loại Thọ mà chính ta đang chứng nghiệm. Kẻ thù của toàn thể thế gian là Ái (Tanhà). Xuyên qua Ái tất cả phiền não đến với chúng sanh. Nhơn loại bị vướng víu trong cảnh bấn loạn rối reng. Do sự thấu hiểu rõ ràng và minh bạch bản chất của Ái, nguồn gốc của Ái, sự chấm dứt Ái, và con đường chơn chánh đưa đến sự chấm dứt Ái, ta tự tháo mở, tự gỡ rối, và làm cho hoàn cảnh trở nên quang đãng.
Vậy, Ái là gì? Chính Ái làm cho chúng sanh "trở thành trở lại", "sanh trở lại", nay đây mai đó, cùng với khát vọng đi tìm dục lạc, mãi mãi chạy theo những thú vui mới.
Có ba loại Ái (Tanhà) là kàma-tanhà, Ái duyên theo nhục dục ngũ trần, bhava-tanhà, Ái duyên theo sự sinh tồn, và vibhava-tanhà, Ái duyên theo sự tuyệt diệt. [12]
"Ái bắt nguồn từ đâu, và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có Ái bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, có thỏa thích và dục lạc. Vậy, Ái bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó". [13]
Khi Ái bị chướng ngại thì trở thành phẫn nộ và bất toại nguyện.
"Ái dục sanh sầu muộn. Ái dục sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục không còn sầu muộn, càng ít lo sợ". [14]
Con người luôn luôn bị thích thú và dục lạc thu hút. Trong khi mưu tìm thích thú và dục lạc, con người không ngừng chạy theo, và cố bám lấy những đối tượng tương ứng của Lục Căn, tức Lục Trần. Nhưng ít khi con người nhận thức rằng không có số lượng sắc, thinh, hương, hay vị, xúc, pháp, nào có thể hoàn toàn thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trong khi mãnh liệt khát khao được có quyền sở hữu, hay được thỏa mãn tham vọng, con người càng tự ràng buộc mình vào bánh xe luân hồi, càng bị giày vò xô xát và khổ sở quằn quại, vướng mắc trong những cây căm của vòng bánh xe. Và chính con người đã khóa chặt cánh cửa đưa vào trạng thái giải thoát cuối cùng. Ðức Phật rất thiết tha trong việc chận đứng cuộc chạy đua điên rồ để rượt bắt dục lạc này. Ngài khuyên dạy:
Mà không mùi vị, và dẫn đến đau khổ.
Bậc trí giả nhận thức rằng
Ðó là miếng mồi đã được móc vào lưỡi câu".
-- (Sutta Nipàta, câu 61)
Như đã được ghi nhận ở phần trên, khi Ái duyên theo nhục dục ngũ trần thì gọi là "ái dục", khi Ái có liên quan đến sự tin tưởng vào tánh cách trường tồn vĩnh cửu của kiếp sinh tồn thì được gọi là "ái duyên theo kiếp sinh tồn vĩnh cửu", đó là sassata ditthi, thuyết vĩnh cửu (thường kiến). Khi Ái có liên quan đến sự tin tưởng vào tánh cách tuyệt diệt của kiếp sinh tồn, sau kiếp này, tức là tin rằng sau kiếp sống này không có gì còn tồn tại, sau khi chết thì tất cả đều trở nên hư vô, thì được gọi là "ái duyên theo sự tuyệt diệt", hay uccheda-ditthi, thuyết tuyệt diệt (đoạn kiến).
Không phải chỉ có Thọ lạc, hay cảm giác vui và sung sướng, mới tạo điều kiện cho Ái phát sanh. Ái cũng phát sanh tùy thuộc nơi Thọ khổ, tức buồn và đau đớn. Trong cơn phiền não hay đau đớn con người thèm khát được thoát ra khỏi cảnh bất hạnh ấy và mong mỏi, nóng lòng, ước muốn, được hạnh phúc an vui. Tóm tắt, người nghèo nàn thiếu thốn, người bịnh hoạn, ươn yếu, tật nguyền - những người đau khổ - khao khát (tức Ái) được vui vẻ, an toàn. Còn người giàu có, khỏe mạnh, và đã có nếm mùi hạnh phúc, người đã phần nào lướt qua khỏi đau khổ và thất vọng, cũng nuôi dưỡng ái dục. Hạng người sau này vẫn khao khát được có thêm thích thú, và có thêm nữa. Như vậy, ái dục không khi nào được thỏa mãn hoàn toàn. Cũng như đàn bò thả ăn ngoài đồng, luôn luôn đi tìm đám cỏ mới, con người luôn luôn chạy theo những thích thú tạm bợ mới và luôn luôn châm dầu vào để nuôi dưỡng và bảo trì ngọn lửa của kiếp sinh tồn. Lòng tham của con người quả thật không có trật tự, không bao giờ biết là đủ.
Tất cả đều bị thiêu đốt. Tất cả đều nằm trên ngọn lửa. Và cái "tất cả" ấy là gì mà nằm trên ngọn lửa và đang bị thiêu đốt? Ngũ quan và ngũ trần đang bị thiêu đốt. Tâm và tư tưởng, ý và pháp, đang bị thiêu đốt. Ngũ uẩn có đặc tánh cố bám và bảo thủ (panca upàdànakkhandhà) đang bị thiêu đốt. Và "tất cả" đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa nào? Bởi lửa tham ái, lửa sân hận, và lửa si mê.
Ngày nào còn nhiên liệu thì lửa còn cháy. Càng châm nhiều nhiên liệu thì lửa càng cháy mạnh. Ngọn lửa của đời sống cũng dường thế ấy. Ái dục là một ngọn lửa không bao giờ biết thỏa mãn. Không bao giờ có ngọn lửa nào biết tri túc. Mặc dầu cháy to đến đâu, nếu ta châm thêm nhiên liệu thì nó càng cháy to thêm nữa, không bao giờ biết là đủ, không bao giờ tự mình biết ngừng, khi còn nhiên liệu. Ðó là bản chất của ô nhiễm ái dục. Ðứng về phương diện cảnh giới, ái dục theo liền với ta mãi đến cảnh giới cao nhất của kiếp sinh tồn (trong tam giới). Còn về luồng tâm thì nó đeo dính theo ta đễn ngưỡng cửa của các bậc Thánh Nhơn, chí đến tâm chuyển tánh (gotrabhu citta), tức loại tâm chuyển tiếp từ phàm đến thánh. Nơi nào không có Ái (Tanhà) tức nhiên cũng không có "ái dục duyên theo ngũ trần" và nơi nào không còn Ái nơi ấy tất cả phiền não cũng lụn tàn, không khác nào ngọn lửa đã cạn nhiên liệu.
Ta chỉ nhận thức tánh cách tai hại của loại dây leo ái dục đượm nhuần chất độc này khi đau khổ đến với ta. Trước đó ta không biết. Và loại dây này đeo dính và quấn tròn quanh tất cả những ai chưa phải là A La Hán, tức là bậc hoàn toàn trong sạch, đã diệt tận gốc rễ mọi mầm móng si mê. Ái dục càng mạnh, đau khổ càng sâu đậm. Khao khát bao nhiêu, phiền não bấy nhiêu. Sầu muộn là moín nợ mà nhất định ta phải trả khi đã nuôi dưỡng ái dục. Vậy, hãy nhận thức ngay từ bây giờ rằng ái dục là kẻ thù độc hại nhứt của chúng ta ở đây, trong vòng luân hồi, và chính nó đã lôi cuốn ta vào những kiếp sinh tồn liên tục lập đi lập lại, chính nó đã "xây dựng cái nhà cho ta".
Khi Ðức Phật đắc quả Vô Thượng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ngài thốt lên những lời hoan hỉ sau đây:
Này hỡi người thợ làm nhà! Ngươi đã bị bắt gặp. Ngươi không con cất nàh nữa. Tất cả rui mè của ngươi đã gãy. Cây đòn dông của ngươi cũng bị phá tan.
Tâm của Như Lai đã thành đạt trng thái vô vi (Niết Bàn).
Mọi hình thức ái dục đã hoàn toàn chấm dứt".
-- Kinh Pháp Cú, câu 153, 154.
_ _
(1) http://www.viet.net/anson/uni/u-ngan/12nhanduyen.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét