(XEM CHU THICH CUA TAM HINH BEN DUOI)
Thập Nhị Nhân Duyên
(Paticca Samuppàda)
Piyadassi Maha Thera
Phạm Kim Khánh dịch (1972)Nhập đề
Pháp "Tùy Thuộc Phát Sanh" (Paticca - Samuppàda), hay Thập Nhị Nhân Duyên, là giáo lý căn bản của đạo Phật. Trong khuôn khổ một quyển sách nhỏ, chúng ta không thể nghiên cứu kỹ lưỡng và dông dài một giáo lý vừa sâu sắc vừa thâm diệu như vậy. Ðây chỉ là một cố gắng để trình bày rõ ràng phần nòng cốt của pháp "Tùy Thuộc Phát Sanh", căn cứ trên lời dạy của Ðức Phật. Các chi tiết phức tạp và rườm rà đều được gác lại một bên.
Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh không phải là một bài thuyết giảng cho người thiển trí và người không suy tư, cũng không phải một giáo lý mà ta có thể lãnh hội được bằng cách tìm tòi nghiên cứu và luận lý suông. Hãy lắng nghe lời của chính Ðức Phật dạy:
"Thâm diệu thay! này A-Nan-Ða (Ananda) [*], pháp "Tùy Thuộc Phát Sanh", pháp này quả thật thâm thâm diệu diệu. Vì không thấu triệt và thông suốt giáo lý này thế gian tựa hồ như một cuồng chỉ rối, một ổ chim, một bụi tre rậm, một đám lát. Vì không thấu triệt và thông suốt giáo lý này, con người không thể vượt qua khỏi đời sống ở những cảnh thấp hèn, không thoát khỏi trạng thái đau khổ, diệt vong và mãi mãi luân chuyển trong vòng luân hồi". -- Mahà Nidàna Sutta, Trường A-Hàm (Digha Nikàya).
[*] Ðại Ðức Ananda là vị đệ tử hầu cận của Ðức Phật.
Những ai không thấu hiểu được ý nghĩa thật sự của giáo lý vô cùng quan trọng này lầm tưởng rằng đây là định luật nhân quả có tánh cách máy móc, tự động, hay chỉ giản dị là một sự phát sanh đồng thời, hay nữa, là một điểm đầu tiên của muôn loài vạn vật - vô tri vô giác cũng như hữu giác hữu tri. Nên ghi nhận rằng trong tư tưởng Phật Giáo không có một Nguyên Nhân Ðầu Tiên viết bằng chữ hoa, và pháp Tùy Thuộc Phát Sanh không nhằm đào sâu hay tìm kiếm một nguyên nhân đầu tiên. Ðức Phật quả quyết tuyên bố rằng khởi điểm đầu tiên của kiếp sinh tồn là cái gì không thể quan niệm được [1], và những ý niệm, những khảo sát, và tranh luận tương tợ về một khởi điểm đầu tiên có thể làm loạn trí. [2]
Nếu ta quả quyết phải có một "Nguyên Nhân Ðầu Tiên" tức nhiên ta cũng phải có quyền đòi hỏi một nguyên nhân cho "Nguyên Nhân Ðầu Tiên" ấy, bởi vì không có gì thoát ra khỏi sự chi phối của định luật điều kiện và nguyên nhân, tức phát sanh do điều kiện, hay nói cách khác muốn có sự phát sanh phải có cái gì khác tạo điều kiện, một định luật thiên nhiên bao gồm toàn thể những gì trong thế gian, ngoại trừ người không trông thấy.
Theo Aldous Huxley:
"Những ai đã lầm lạc tin tưởng một nguyên nhân đầu tiên nhứt định không bao giờ có thể trở thành một nhà khoa học. Tuy nhiên, vì không biết khoa học là gì nên họ không ngờ họ đang mất một cái gì. Ở phương Tây, lối giải thích các hiện tượng bằng cách qui chiếu về một nguyên nhân đầu tiên quả không còn hợp thời nữa, dầu ở trường hợp nào... Chúng ta không bao giờ thành công trong việc cải biến kỷ nguyên sắt của chúng ta thành một kỷ nguyên vàng, cho đến khi nào chúng ta từ bỏ tham vọng tìm ra một nguyên nhân duy nhất cho tất cả mọi phiền não trong đời và chấp nhận sự hiện hữu của nhiều nguyên nhân đồng tác hành trong một lúc, chấp nhận sự liên hệ mật thiết, phức tạp, và tương ứng của hành động và phản ứng của hành động". -- (Ends and Means - London - trang 14, 15)
Một Thần Linh Tạo Hóa cầm quyền thưởng phạt hành động thiện và bất thiện của những gì chính Tạo Hóa ấy tạo nên quả thật không có chỗ đứng trong tư tưởng Phật Giáo. Tuy nhiên, người chủ trương có Thần Linh tin tưởng rằng chính Tạo Hóa Toàn Năng tạo nên chúng sanh và các diễn biến trên thế gian. Người ấy sẽ quả quyết rằng "Ðó là ý muốn của Tạo Hóa", và sẽ khép vào tội bất kính những ai nêu lên thắc mắc về quyền lực của Tạo Hóa. "Ý niệm về Thần Linh" ấy bóp nghẽn tự do của người có khuynh hướng tìm hiểu, phân tách, dò xét tỉ mỉ và muốn nhìn xem cái gì nằm phía sau tầm thấy của cặp mắt thường, cái gì làm chậm trễ tuệ giác.
Thí dụ như "X" là nguyên nhân đầu tiên. Bây giờ, đã chấp nhận như thế, sự quả quyết ấy có đem ta đến gần mục tiêu giải thoát chút nào không? Chúng ta có nhờ đó mà đến gần cánh cửa đi vào trạng thái giải thoát không? Phật Giáo chủ trương rằng sự vật phát sanh, không phải do một nguyên nhân duy nhất (ekahetuka, độc nhân), hay không nguyên nhân (ahetuka, vô nhân): Mười hai yếu tố của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Paticca-Samuppàda) và hai mươi bốn tương quan tạo điều kiện (paccaya, duyên) trong sách Patthàna - Nhân Quả Tương Quan - quyển thứ bảy của Tạng Luận, chứng minh rõ ràng rằng sự vật phát sanh do nhiều nguyên nhân (anekahetuka, đa nhân). Trong khi dạy rằng sự vật không phát sanh do một nhân duy nhất hay không nhân nào, Phật Giáo đã đi trước khoa học hiện đại cả hai mươi lăm thế kỷ.
Vũ trụ hoàn toàn nằm dưới sự chi phối của một định luật thiên nhiên. Ðó là định luật nhân quả, và định luật này không có khởi điểm, chúng ta không biết nó bắt đầu từ lúc nào. Mỗi quả đều trở thành nhân. Nhân sanh trở lại quả. Cứ như thế diễn tiến mãi mãi triền miên (ngày nào mà ái dục và vô minh còn cho phép nó tiếp diễn), Thí dụ như trái dừa là nguyên nhân chánh và gần nhất của một cây dừa và chính cây dừa này trở lại là nguyên nhân của nhiều trái dừa khác. Ông "X" có cha và mẹ, hai người, có bốn ông bà, nội và ngoại, có tám ông bà cố v.v... và như thế định luật nhân quả liên tục kéo dài vô cùng tận, như những lượn sóng trên mặt đại dương.
Quả thật không thể quan niệm được một khởi điểm. Không ai có thể đi ngược dòng thời gian, phăng trở lên đến điểm khởi nguyên của bất luận vật gì, dầu là khởi điểm của một hột cát đi nữa, nói chi đến nguyên nhân của loài người. Ði tìm khởi điểm của một quá khứ vô thủy quả thật là vô ích và vô nghĩa lý. Ðời sống không phải là một thực thể trường tồn, bất di bất dịch, mà là một sự trở thành không dứt, một sự trôi chảy luôn luôn tiếp diễn của những biến đổi sinh lý và tâm lý, một kết hợp của danh và sắc (nàma-rùpa).
"Không có lý do để giả định rằng thế gian có một khởi điểm. Ý niệm chủ trương sự vật phải có một khởi điểm thật sự phát sanh do trí tưởng tượng nghèo nàn. Như vậy, có lẽ tôi không cần mất chút thì giờ nào nữa để tìm biện luận về một nguyên nhân đầu tiên". -- (Bertrand Russell, "Why I am not a Christian", London 1958 trang 4)
Thay vì "Nguyên Nhân Ðầu Tiên", Ðức Phật đề cập đến sự phát sanh do điều kiện. Cái này phát sanh do cái kia tạo điều kiện. Toàn thể thế gian nằm dưới sự chi phối của định luật nhân quả hay, nói cách khác, hành động và hậu quả của hành động. Chúng ta không thể nghĩ đến một vật gì trong võ trụ mà tự nhiên khởi phát, không do cái gì khác làm nguyên nhân hay tạo điều kiện để hiện hữu.
Như Bá Tước Samuel viết:
"Không có cái chi tương tợ như sự rủi may. Mỗi diễn biến đều là hậu quả của những diễn biến khác xảy ra trước đó; mỗi việc xảy ra đều là hậu quả của nhiều nguyên nhân trong quá khứ phối hợp lại; và nhân nào tạo quả nấy. Luật nhân quả và luật tương đồng của vạn vật luôn luôn và ở nơi nào cũng chiếm ưu thế". -- (Belief and Action - Penguin Book, trang 16)
Phật Giáo dạy rằng tất cả các pháp hữu vi - tức các vật cấu tạo - đều khởi sanh, nhất thời tồn tại, và chấm dứt (uppàda, thiti, bhanga, sanh, trụ, diệt) tùy thuộc những điều kiện và những nguyên nhân. Hãy so sánh chơn lý này với lời nói thường được nhắc đến của Ðại Ðức A-La-Hán Assaji [3], một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Ðức Phật. Ngài đã đúc kết trọn vẹn giáo lý của Ðức Thế Tôn trong lời giải đáp cho câu hỏi của Upatissa, về sau là Ngài Xá Lợi Phất (Sarìputta),
Câu hỏi là : "Giáo lý của vị Tôn Sư ra sao? Vị Tôn Sư của Ngài tuyên ngôn như thế nào?"
Và đây là lời giải đáp:
"Ye dhammà hetuppabhavà tesam tathagato
Aha tesam ca yo nirodho evam vàdi mahàsamano".
"Về các pháp phát sanh do một nhân,
Nhân ấy, Như Lai đã chỉ rõ,
Và Như Lai cũng đã chỉ dạy phương pháp để chấm dứt.
- Ðó là giáo huấn của bậc Ðại Sa Môn". -- (Mahà Vagga)
Mặc dầu là vắn tắt, đó là những danh từ đã diễn đạt thuyết Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Phát Sanh do Ðiều Kiện, một cách rõ ràng, rành mạch, minh bạch, không thể lầm lẫn.
Kinh điển ghi nhận rằng trọn tuần lễ đầu tiên liền sau khi thành đạt đạo quả tối thượng Ðức Phật ngồi dưới cội bồ đề, tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, để thọ hưởng hạnh phúc giải thoát. Khi bảy ngày đã trôi qua, Ngài xuất thiền và suy niệm về pháp Tùy Thuộc Phát Sanh trong canh đầu theo chiều khởi phát và vạn pháp, [4] như sau: "Khi có cái này, cái kia phát sanh. Với sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh. Tức là: Tùy thuộc nơi Vô Minh, có Hành. Tùy thuộc nơi Hành, có Thức v.v... Ðó là sự phát sanh của toàn thể khối đau khổ này".
Vào canh giữa của đêm ấy Ðức Phật suy niệm về pháp Tùy Thuộc Phát Sanh theo chiều chấm dứt của vạn pháp, [5] như sau: "Khi cái này không có, cái kia không phát sanh. Với sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt. Tức là: với sự chấm dứt rõ ràng của Vô Minh, Hành chấm dứt v.v... Như vậy chấm dứt toàn thể khối đau khổ này".
Cả hai yếu tố phát sanh và chấm dứt của pháp Tùy Thuộc Phát sanh đều có từ đầu đến cuối. Thí dụ, với sự phát sanh của Vô Minh, Hành phát sanh v.v... Với sự chấm dứt của Vô Minh Hành chấm dứt v.v...
Trong canh cuối cùng, Ðức Phật suy niệm về pháp Tùy Thuộc Phát Sanh theo cả hai chiều, phát sanh và chấm dứt, của vạn pháp, như sau: "Khi có cái này, cái kia phát sanh. Với sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh. Khi cái này không có, cái kia không phát sanh. Với sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt. Tức là: tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh v.v... Như vậy phát sanh toàn thể khối đau khổ này. Do sự chấm dứt rõ ràng của Vô Minh, Hành chấm dứt v.v... Như vậy, chấm dứt toàn thể khối đau khổ này" [6].
Ðến đây ta có thể tự hỏi: pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên, quan trọng như vậy, tại sao Ðức Thế Tôn không đề cập đến trong khi Ngài Vận Chuyển Pháp Luân [7]. Trong bài Pháp Ðầu Tiên mà Ðức Phật thuyết giảng cho năm đạo sĩ tại Sarnath, Benares Ngài dạy về Tứ Diệu Ðế mà không nhắc đến Thập Nhị Nhân Duyên. Tại sao? Câu giải đáp: Những điểm chánh yếu được đề cập đến trong bài Pháp Ðầu Tiên là Tứ Diệu Ðế, hay bốn chơn lý: đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, chấm dứt đau khổ, và con đường đưa đến chấm dứt đau khổ, tức Bát Chánh Ðạo. Quả thật không có danh từ nào nhắc đến pháp "Tùy Thuộc Phát Sanh". Tuy nhiên, những ai đã thấu đạt ý nghĩa triết lý và đạo lý của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh chắc chắn sẽ hiểu rằng mười hai yếu tố của Thập Nhị Nhân Duyên - Paticca - Samuppàda - theo cả hai chiều, phát sanh và chấm dứt (anuloma và patiloma) đều đã được bao gồm trong Tứ Diệu Ðế.
Theo chiều phát sanh, pháp Tùy Thuộc Phát Sanh - Paticca-Samuppàda - biểu hiện tiến trình của sự trở thành (bhava, hữu) hay nói cách khác, sự xuất hiện hay phát sanh của đau khổ (dukkha, đế đầu tiên) và tiến trình của sự trở thành ấy được tạo điều kiện như thế nào để phát sanh (dukkha-samudaya, nguồn gốc của đau khổ, đế thứ nhì). Suy theo chiều chấm dứt, pháp Tùy Thuộc Phát Sanh đề cập một cách rất minh bạch và giản dị đến sự chấm dứt tiến trình của sự trở thành ấy (dukkha-nirodha, chấm dứt đau khổ, đế thứ ba) và sự chấm dứt những điều kiện bảo tồn tiến trình ấy, tức con đường tiêu trừ đau khổ (dukkha-nirodha gàminì pait padà, con đường chấm dứt đau khổ, đế thứ tư). Về điểm này, chính lời của Ðức Phật dạy được ghi trong bộ Tăng Nhứt A-Hàm (Anguttara Nikàya) là:
"Và cái gì, này chư Tỳ Khưu, là Chơn Lý Cao Thượng về sự phát sanh đau khổ?
"Tùy thuộc Vô Minh phát sanh Hành. Tùy thuộc Hành, Thức. Tùy thuộc Thức, Danh Sắc. Tùy thuộc Danh Sắc, Lục Căn. Tùy thuộc Lục Căn, Xúc. Tùy thuộc Xúc, Thọ. Tùy thuộc Thọ Ái. Tùy thuộc Ái, Thủ. Tùy thuộc Thủ, Hữu. Tùy thuộc Hữu, Sanh. Tùy thuộc Sanh, Lão, Tử, phiền não, ta thán, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như vậy toàn thể khối đau khổ phát sanh.
"Ðiều ấy, này chư Tỳ Khưu, được gọi là Chơn Lý Cao Thượng về sự phát sanh đau khổ.
"Và cái gì, này chư Tỳ Khưu, là Chơn Lý Cao Thượng về sự chấm dứt đau khổ?
"Do sự chấm dứt trọn vẹn Vô Minh, Hành chấm dứt. Do sự chấm dứt Hành, Thức chấm dứt v.v... chấm dứt toàn thể khối đau khổ. Ðó, này chư Tỳ Khưu, được gọi là sự chấm dứt đau khổ". -- (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, 1, 176.)
Xuyên qua những lời dạy trên chúng ta thấy rõ ràng rằng pháp Tùy Thuộc Phát Sanh - Paticca - Samuppàda cùng với mười hai yếu tố, là giáo huấn của chính Ðức Thế Tôn chớ không phải là một công trình được sáng tác về sau, như có người lầm tưởng. Trong khi chưa thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên, mà lao mình vào và chụp lấy những kết luận như vậy quả thật không hợp lý và lắm khi còn nguy hiểm.
Tùy Thuộc Phát Sanh hay giáo lý về sự phát sanh do điều kiện thường được giải thích bằng nhiều danh từ có tính cách thực hành. Nhưng đây không phải là một giáo lý thực tiễn suông mà ta có thể áp dụng vào đời sống thông thường hàng ngày, mặc dầu bề ngoài pháp này có vẻ là như vậy. Chỉ vì để được giản dị và vắn tắt nên lối giải thích thường phải được trình bày như vậy. Người đã quen thuộc với Tam Tạng Kinh (Tipitaka) sẽ hiểu rằng giáo huấn của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh bao hàm những gì đưa đến nguyên tắc căn bản của minh giác (nana) và trí tuệ (pannà) trong thiện pháp (Saddhamma). Xuyên qua giáo lý "phát sanh do điều kiện" liên quan đến tất cả sự vật trên thế gian, tức ngũ uẩn, ta có thể nhận thấy phần tinh hoa trong cái nhìn của Ðức Phật vào đời sống.
Vậy, muốn thấu triệt chơn chánh lối giải thích thế gian của Ðức Thế Tôn, phải thấu đạt vững vàng và trọn vẹn giáo lý nồng cốt của Ngài mà Ðức Assaji đã tóm tắt trong câu "Ye dhamma..." được nhắc đến ở phần trên.
Giáo lý Tùy Thuộc Phát Sanh không phải là công trình của một oai lực Thần Linh, không phải cái gì được tạo nên. Dầu có Ðức Phật hay không, sự kiện, "cái này có, cái kia trở thành". Do sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh. Cái này không có, cái kia không trở thành. Do sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt..." vẫn hiện hữu. Sự Phát Sanh do Ðiều Kiện này tiếp diễn mãi mãi vô cùng tận, không bao giờ gián đoạn, và không bị một nguyên lý hay năng lực nào từ bên ngoài kiểm soát.
Ðức Phật khám phá chơn lý vĩnh cửu ấy, giải quyết mọi phức tạp của đời sống, và phá tan nỗi bí ẩn của kiếp nhơn sinh bằng cách thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ pháp Tùy Thuộc Phát Sanh cùng với mười hai yếu tố và truyền dạy đến những ai có đủ trí sáng suốt để muốn thấy Ánh Sáng. Ngài truyền dạy với bàn tay mở rộng ra, không giữ lại điều chánh yếu nào.
Imasmin sati idam hoti - imassupàdà idam uppa jjati,
Imasmin sati asati idam na hoti - Imassa nirdhà idam nirujjhati.
Ðây là câu trả lời của Ðức Phật cho Sakuludayi (Trung A-Hàm, Majjhima 11, 32).
Bây giờ ta hãy tuần tự đề cập đến mỗi yếu tố của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh hay Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppàda).
--
http://www.viet.net/anson/uni/u-ngan/12nhanduyen.htm
2)
Vòng tròn trong cùng là Tham, Sân Si, tượng trưng bằng hình con Gà (Tham); Con Rắn (Sân), Con Lợn (Si). Ba con cắn đuôi nhau. Tham Sân si chính là Vọng Tâm.
Vòng tròn giữa có hình Lục đạo: Thiên (Tiên). Atula (Thần). Nhân (Người). Địa Ngục. Ngạ quỉ (Ma đói). Súc sinh. Súc vật.
Vòng ngoài cùng là vòng Thập Nhị Nhân Duyên: Có 12 hình vẽ: 1. Bà lão mù (Vô Minh). 2. Hình thợ gốm (Hành). 3. Hình con khỉ (Thức). 4. Hình chiếc thuyền (Danh Sắc). 5. Hình cái nhà (Lục Nhập). 6. Hình trai gái ngồi với nhau (Xúc). 7. Hình một người bị tên (Thụ). 8. Hình người đang uống rượu (Ái). 9. Hình người hái quả (Thủ). 10. Hình trai gái yêu nhau (Hữu). 11. Hình người đang sinh con (Sinh). 12. Hình bà lão chống gậy hay hình hai người khiêng cái xác (Lão Tử).
Ngoài cùng có hình Ma Vương (Mara. Tử Thần).
Ngụ ý toàn hình: ôm ấp Vọng tâm, coi đó là Mình; Ngu muội ám tâm, luyến trần, luyến cảnh đó chính là duyên do đưa con người vào cảnh sinh tử, luân hồi.
http://nhantu.net/TonGiao/PhatHocChiNam/PHCN02.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét