Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Nguồn Gốc Các Kinh






Nguồn Gốc Các Kinh 

Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não
Kinh này được dịch từ tạng Hán, nguyên tên là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật do thầy Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào đầu thế kỷ thứ năm. Kinh này là kinh số 335 trong tạng kinh Đại Chánh. Tiếng Phạn Vajracchedika có nghĩa là Kim Cương có khả năng chặt đứt (phiền não), dịch là Kim Cương Năng Đoạn hoặc Năng Đoạn Kim Cương. Các thầy Cấp Đa (đời Tùy) và Nghĩa Tịnh (đời Đường) đều dịch là Kim Cương Năng Đoạn.
Kinh này từ xưa đến nay đã được nhận thức như một trong những kinh đại thừa căn bản của Thiền, nghĩa lý vô cùng thâm sâu. Kinh chỉ dạy cho ta đường lối phá vỡ và siêu việt những ý niệm ràng buộc ta trong vô minh, sinh tử và khổ đau, nhất là bốn ý niệm ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả mà kinh gọi là tướng. Muốn nắm bắt được tinh yếu của kinh, xin hành giả tham cứu sách Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não (nhà xuất bản Lá Bối) do thiền sư Nhất Hạnh trước thuật.
Kinh Thương Yêu
Kinh này vốn tên là Metta Sutta, dịch từ tạng Pali, trong bộ Sutta Nipata, phần Ị Kinh này dạy phương pháp nuôi dưỡng lòng từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất, câu kinh sáng ngời ấy đã được trích ở kinh này.
Kinh Phổ Hiền
Kinh này được trích trong phẩm Nhập Bất Tư Nghị Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, do thầy Bát Nhã dịch vào thế kỷ thứ bảy. Kinh này là kinh số 293 trong tạng kinh Đại Chánh. Tinh túy của kinh này là mười hạnh nguyện lớn của bồ tát Phổ Hiền: lễ kính Chư Bụt, xưng tán Như Lai, cúng dường cùng khắp, sám hối nghiệp chướng, tùy hỉ công đức, thỉnh Bụt chuyển Pháp luân, thỉnh Bụt ở lại cõi đời, theo Bụt học hỏi, hằng thuận chúng sinh và hồi hướng cùng khắp. Những hạnh nguyện này đều được thực tập trong tuệ giác tương tức và tương nhập: một là tất cả, tất cả là một.
Kinh Diệt Trừ Phiền Giận
Kinh này được dịch từ kinh Thủy Dụ, kinh thứ 25 của bộ Trung A Hàm (26, tạng kinh Đại Chánh). Kinh tương đương trong tạng Pali là kinh Aghatavinaya của Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya IIỊ186). Tuệ giác và hạnh nguyện của thầy Xá Lợi Phất trong kinh này chứng tỏ thầy xứng đáng là bậc cao đệ của Bụt. Sống trong chúng xuất gia, nếu thực tập được theo những giáo huấn của kinh này ta sẽ có nhiều an lạc và sẽ tạo được an lạc cho cả tăng thân ta.
Kinh Quán Niệm Hơi Thở
Kinh này được dịch từ tạng Pali, tên kinh là Anapanasatisutta, dịch theo Hán là Nhập Tức Xuất Tức Niệm Kinh. Kinh này là kinh 118 của Trung Bộ (Majjhina Nikaya). Trong tạng Hán, nếu ta góp chung các kinh số 815, 803 và 810 của bộ Tạp A Hàm (kinh 99 của tạng kinh Đại Chánh) lại thì sẽ có nội dung tương đương với kinh này. Quán Niệm Hơi Thở là một trong những thiền kinh căn bản nhất của đạo Bụt nguyên thỉ. Muốn học hỏi cách thức thực tập kinh này trong đời sống hàng ngày để tự nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa, xin tham khảo sách Kinh Quán Niệm Hơi Thở (nhà xuất bản Lá Bối) của thiền sư Nhất Hạnh.
Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Các Bậc Đại Nhân
Kinh này được dịch từ kinh Bát Đại Nhân Giác của tạng Hán, do thầy An Thế Cao dịch từ tiếng Phạn. Đây là kinh 779 của tạng kinh Đại Chánh. Hành giả có thể tham khảo thêm kinh A Na Luật Bát Niệm của tạng Pali (Anuruddhamahàvitakkasutta)trong Tăng Nhất Bộ (Anguttara Kikàya) và kinh Bát Niệm, kinh số 74 của bộ Trung A Hàm. (Kinh 26 của tạng kinh Đại Chánh). Kinh này tuy ngắn nhưng có đầy đủ những đề tài quán chiếu căn bản đưa tới tuệ giác và giải thoát. Xin tham khảo sách Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân của thiền sư Nhất Hạnh chú giải và do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành.
Kinh Sức Mạnh Quan Âm
Đây là phần trùng tụng của phẩm Phổ Môn, phẩm thứ 25 của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dịch từ tạng Hán. Kinh Pháp Hoa này do thầy Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Phạn vào đầu thế kỷ thứ năm. Đây là kinh số 262 của tạng Đại Chánh. Thần lực của bồ tát Quan Thế Âm là do các pháp quán chiếu Chân quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Bi quán và Từ quán mà có. Tất cả đều do khả năng lắng nghe mà thành tựu. Trì tụng kinh này không phải chỉ để cầu nguyện sức gia hộ của bồ tát mà còn để học hỏi về pháp lắng nghe và năm pháp quán chiếu ấy.
Bốn Lãnh Vực Quán Niệm
Kinh này được dịch từ tạng Pali, tên kinh là Satipatthàna Sutta, kinh số 10 của Trung Bộ (Majjhima Nikaya). Đây là kinh thiền tập căn bản nhất của đạo Bụt nguyên thỉ. Tất cả các thầy và các sư cô thời Bụt đều thuộc lòng kinh này. Trong truyền thống Nam Tông, hiện thời cũng có nhiều thầy thuộc lòng. Đây là kinh gối đầu giường của thiền giả. Người hấp hối cũng được nghe kinh này, hy vọng vào những giờ phút chót của cuộc đời, nhờ nghe kinh mà thực tập được những gì chưa thực tập được. Trong tạng Hán, ta có kinh Niệm Xứ (kinh 98 của bộ Trung A Hàm, 26, tạng kinh Đại Chánh) của bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu và kinh Nhất Nhập Đạo, quyển thứ 12 trong bộ Tăng Nhất A Hàm của bộ phái Ma Ha Tăng Kỳ; hai kinh này là hai kinh có nội dung tương đương. Hành giả có thể tham khảo sách Con Đường Chuyển Hóa của thiền sư Nhất Hạnh, trong đó có đầy đủ những chỉ dẫn về phương pháp thực tập.
Kinh Trung Đạo Nhân Duyên
Kinh này dịch từ kinh số 301 trong bộ Tạp A Hàm của tạng Hán. Tạp A Hàm là kinh số 99 của tạng kinh Đại Chánh. Kinh này nói về tri kiến chân chính vượt thoát các ý niệm có và không và xác nhận tính duyên sinh của vạn pháp. Ta có thể tham khảo thêm kinh Kaccayanagotta của tạng Pali, trong Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya II, 16-17).
Kinh Soi Gương
Kinh này vốn tên là kinh Anumànasutta, kinh số 15 trong Trung Bộ (Majjhima Nikaya). Kinh này rất cần thiết cho hạnh phúc của những người xuất gia cùng sống dưới một mái tu viện. Trong tạng Hán, ta cũng có kinh Tỳ Khưu Thỉnh, nội dung tương đương. Kinh Tỳ Khưu Thỉnh là kinh 89 của bộ Trung A Hàm, kinh số 26 tạng kinh Đại Chánh.
Kinh Người Biết Sống Một Mình
Kinh này được dịch từ tạng Pali, kinh Bhaddekaratta Sutta của Trung Bộ (Majjhima Nikaya 131). Kinh này dạy ta cách an trú chánh niệm trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, quán chiếu những gì đang xảy ra trong giây phút ấy để đạt tới tuệ giác và tự do, không bị quá khứ, tương lai và các tâm hành bất thiện lôi kéo. Trong Trung Bộ còn có nhiều kinh khác cũng cùng một đề tài, đó là các kinh 132, 133, 134. Trong tạng Hán, có các kinh A Nan Thuyết, Ôn Tuyền Lâm Thiên, Thích Trung Thiền Thất cũng cùng một đề tài và nội dung. Ba kinh này là các kinh số 167, 165 và số 166 của Trung Bộ. Ngoài ra còn có kinh Tôn Thượng (77, tạng kinh Đại Chánh) do thầy Pháp Hộ dịch, cũng có cùng một đề tài.
Kinh này là văn kiện xưa nhất của lịch sử văn học loài người dạy về nghệ thuật sống trong hiện tại, vững chãi và thảnh thơi. Xin tham khảo sách Kinh Người Biết Sống Một Mình của thiền sư Nhất Hạnh, trong ấy tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp hành trì kinh rất cụ thể.
Kinh Bát Nhã Hành
Kinh này được dịch từ phần trùng tụng của kinh Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát Nhã Ba La Mật trong tạng Hán do thầy Pháp Hiền dịch vào đầu thế kỷ thứ 11 (229, tạng kinh Đại Chánh). Đây là kinh Bát Nhã xuất hiện sớm nhất trong nền văn học Bát Nhã. Những tư tưởng căn bản của Bát Nhã đều đã được hàm chứa trong kinh này.
Kinh Ba Cửa Giải Thoát
Kinh này dịch từ kinh Pháp Ấn của tạng Hán (kinh 104 của tạng kinh Đại Chánh) do thầy Thi Hộ dịch vào đầu thế kỷ thứ mười. Ta có thể tham khảo thêm kinh Thánh Pháp Ấn (103, tạng kinh Đại Chánh) do thầy Pháp Hộ dịch vào cuối thế kỷ thứ ba, và kinh số 80 của bộ Tạp A Hàm (99, tạng kinh Đại Chánh).
Kinh A Nậu La Độ
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikaya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm (99, tạng kinh Đại Chánh). Kinh này tuy ngắn nhưng lại là một đề tài quán chiếu quan trọng vào bậc nhất giúp ta vượt được các ý niệm sinh/diệt, có/không, tới/đi và một/ khác. Các tư tưởng của hệ thống Trung Quán đều được phát xuất từ các kinh căn bản như kinh này.
Kinh Người Bắt Rắn
Kinh này dịch từ kinh A Lê Sá, kinh thứ 220 của bộ Trung A Hàm trong tạng Hán (26, tạng kinh Đại Chánh), do thầy Tăng Già Đề Bà dịch vào cuối thế kỷ thứ tư. Kinh này hàm chứa nhiều tư tưởng uyên áo và là gốc rễ của những kinh đại thừa lớn sau này như kinh Kim Cương và kinh Duy Ma Cật. Kinh tương đương trong tạng Pali là kinh Xà Dụ (Alagaddùpama sutta), kinh thứ 22 của Trung Bộ (Majjhima Nikaya).
Kinh A Di Đà
Kinh này được dịch từ tạng Hán, đây là kinh số 366 của tạng kinh Đại Chánh do thầy Cưu Ma La Thập dịch từ kinh Sukhàvàtivyùhasùtra vào đầu thế kỷ thứ năm. Ở đây ta có một bản dịch quốc văn rất đẹp, gọn và sáng sủa. Người trì tụng kinh này có thực tập thiền quán sẽ thấy những gì nói tới trong kinh đều có thể nhận diện được ngay trong tâm thức và thế giới hiện tại.
Kinh Độ Người Hấp Hối
Kinh này dịch từ bộ Tăng Nhất A Hàm của tạng Hán, kinh số 8, phẩm 51. Tăng Nhất A Hàm là kinh số 125 của tạng kinh Đại Chánh, do thầy Tăng Già Đề Bà dịch vào cuối thế kỷ thứ tư. Thực tập quán chiếu để thấy được tính cách không sinh, không diệt, không tới, không đi, không có, không không, v.v... của thực tại, ta có thể vượt được sự sợ hãi, và ngồi bên giường người hấp hối ta có thể hướng dẫn cho người bệnh thiết lập sự an bình trong cơ thể và tâm hồn, giúp người ấy buông bỏ sầu khổ, sợ hãi và thoát hóa một cách an nhiên. Hành giả có thể tham khảo kinh Anathapindikovada, kinh số 143 của Trung Bộ (Majjhima Nikaya) và kinh số 28 của bộ Trung A Hàm (26, tạng kinh Đại Chánh).
Kinh Phước Đức
Kinh này được dịch từ Mahamangala sutta (Sutta Nipata II) trong tạng Pali. Kinh tương đương trong tạng Hán là phẩm Cát Tường (phẩm thứ 42) của kinh Pháp Cú Thí Dụ (211, tạng kinh Đại Chánh).
Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc
Kinh này được dịch từ kinh Tam Di Đề, kinh số 1078 của bộ Tạp A Hàm trong tạng Hán (99, tạng kinh Đại Chánh). Kinh này dạy về hạnh phúc của sự hành trì chánh pháp theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú, sống sâu sắc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi trong giờ phút hiện tại, thoát ra ngoài mọi mặc cảm và thèm khát về ngũ dục. Kinh tương đương trong tạng Pali là kinh Samiddhi của Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya I, 2.10)
Kinh Hải Đảo Tự Thân
Kinh này dịch từ kinh 639 của bộ Tạp A Hàm (99, tạng kinh Đại Chánh). Có thể tham khảo Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya V, 152) và kinh Du Hành (kinh số 2 của bộ Trường A Hàm) do các thầy Phật Đà Gia Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào đầu thế kỷ thứ năm (1, tạng kinh Đại Chánh). Kinh này được Bụt nói vào độ một tháng trước ngày Người nhập diệt, chứa đựng những lời dặn dò đầy tâm huyết của Bụt cho hàng đệ tử xuất gia của Người.
Kinh Người Áo Trắng
Kinh này được dịch từ Kinh Ưu Bà Tắc, kinh số 128 của bộ Trung A Hàm, trong tạng Hán (26, tạng kinh Đại Chánh) do thầy Gotama Sanghadeva dịch vào đời Đông Tấn trong khoảng từ năm 397 đến năm 398. Trong tạng Pali, kinh tương đương là kinh Gia Chủ thuộc Tăng Chi Bộ (Ạ. III, 211).
--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét