Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

CHANH NIEM TINH GIAC




CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

 
Không ỷ lại, không mặc khải, đó là nét đặc trưng trong tinh thần “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” được Đức Thích Ca Mâu Ni khuyến tấn hàng đệ tử trong quá trình tu tập để đi đến chứng đắc Thánh quả. Thế nhưng, không ỷ lại, không mặc khải không có nghĩa là cứ nổ lực nhắm mắt tu là được chứng ngộ mà phải tu có phương pháp. Pháp môn tu tập không thể kể hết nhưng tất cả đều được chi phối bởi một nguyên tắc căn bản đó là chánh niệm, tỉnh giác ở mọi nơi và mọi lúc.
Đức Phật có dạy: “một niệm sân nổi lên đốt tiêu rừng công đức” vì tâm con người như con vượn chuyền hết cành cây này sang cành khác, như con ngựa phi trên đường thiên lý khó đuổi bắt kịp. Nhiều lúc chỉ   cần một ý nghĩ lóe lên, rồi thì tiếp theo có thể là bao nhiêu tưởng tượng, nghi ngờ, giận hờn, trách móc, có khi còn đưa đến hậu quả đau thương đáng tiếc không lường được.
Trong sách Trung văn “Thính hòa thuyết” có câu chuyện “Cái búa” tiêu biểu cho tình trạng thất niệm trên, câu chuyện thế này:
Có một người muốn treo bức tranh mà nhà anh chỉ có đinh, không có búa. Người hàng xóm có búa.  Thế là anh quyết định sang người hàng xóm mượn búa. Sắp ra đi, anh ta chợt phân vân: “Nếu như người hàng xóm không cho mượn thì sao? Hôm qua đây, anh ấy chỉ chào mình một cách thờ ơ, có thể là anh ấy quá vội việc, nhưng có thể sự vội vã của anh ấy là giả bộ chứ kỳ thật anh ấy không bằng lòng mình. Nhưng cái gì làm cho anh ấy không bằng lòng mình nhỉ? Mình có làm gì quấy với anh ấy đâu! Điều này anh ấy chỉ có thể tự trách mình quá nghĩ ngợi mà thôi! Nếu như có người mượn mình đồ dùng, mình cho họ mượn ngay. Còn anh ấy, sao lại không cho mình mượn chứ? … Mà lẽ nào mình lại cứ phải mượn của anh ấy mới được? Anh ấy có cái gì ghê gớm đâu? Chẳng qua là một cái búa cùn. Mình chịu đựng như vầy quá đủ rồi!!…
Thế là anh ta vội vàng chạy qua nhà kia nhấn chuông. Người hàng xóm ra mở cửa, chưa kịp thốt hai chữ: “Chào anh” thì bị anh ta xông thẳng đến nói xối xả vào mặt:
_Này, hãy giữ lấy cái búa cùn của anh mà dùng một mình đi, chẳng có cái gì ghê gớm đâu!
Từ chỗ đánh mất chánh niệm rồi đi tới buông lung tâm ý, chỉ trong gang tấc và chúng ta dễ dàng bị cuốn lôi như nước dốc. Ba độc tham, sân, si luôn rình chờ kẻ hở trong tâm ý chúng ta. Đến khi tỉnh ngộ, hối tiếc thì đã quá muộn màng. Câu chuyện “Chiếc khố rách” dưới đây sẽ minh chứng điều đó:
Có hai thầy trò cùng tu hành nơi am tranh thanh tịnh, cách xa xóm làng. Hàng ngày, thầy trò thay nhau vào xóm khất thực. Một hôm, Sư phụ có việc phải đi xa một thời gian, dặn dò đệ tử ở nhà cố gắng tu hành thanh tịnh, tinh tấn.
Sư phụ đi rồi, đệ tử ở nhà phải khất thực một mình và gặp ngay khó khăn: Chỉ có mỗi cái khố mà cứ bị chuột cắn hoài. Người trong xóm thương tình, cho trò con mèo đem về nuôi cho hết chuột.
Có con mèo, mỗi lần đi khất thực, trò lại phải xin sữa nuôi mèo. Dân làng thấy thế liền cho con bò để trò vắt sữa mỗi ngày cho mèo uống. Để nuôi được bò, trò lại phải đi xin cỏ. Dân làng thấy thế liền cho hạt thóc giống về gieo mạ trồng lúa lấy rơm nuôi bò. Quanh am có nhiều đất trống, cây lúa tha hồ phát triển, đám này sang đám khác. Đến lúc lúa quá nhiều, trò lại phải mướn người làm nông, tậu thêm bò. Để có chỗ chứa lúa, trò phải xây kho lẫm. Công việc bề bộn, còn phút nào rỗi rảnh để tu tập đâu!…
Rồi một hôm, Sư phụ trở về, tìm mãi chẳng ra cái am tranh của thầy trò khi trước mà chỉ thấy nhà cửa khang trang, kho lẫm la liệt, người ra kẻ vào bận rộn lăng xăng, tiếng nói tiếng cười ồn ào náo nhiệt.
 Sư phụ chưa hết bàng hoàng thì đệ tử chợt trông thấy, chạy vội ra ôm thầy, rơi lệ mừng hội ngộ. Định tâm lại, Sư phụ hỏi:
_Sao con lại ra nông nổi này! Khi ra đi, thầy dặn con ở lại tu hành thanh tịnh, sao con chẳng làm theo lời thầy?
Trò thổn thức kể nổi niềm:
_Chỉ tại lũ chuột quái ác cứ cắn khố con hoài. Để giữ cái mặc, con phải nuôi mèo. Để nuôi được mèo, con phải nuôi bò. Để nuôi được bò, con phải trồng lúa. Lúa nhiều, con phải đảm đương nông vụ. Xin Sư phụ thấu hiểu cho con.
Sư phụ ôn tồn:
_À, thì ra chỉ tại cái khố rách mà con đến nông nỗi này!!…
Những mẫu chuyện trên thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Tu hành là phải biết dừng lại. Văn minh vật chất ngày nay dù muốn dù không, vẫn ảnh hưởng đến nếp sống của người tu sĩ. Nhưng có nên buông thả, thụ hưởng và đánh mất cả thời giờ vào những việc ấy không, đó là điều mà chúng ta cần nghĩ suy, gạn lọc. Dù có hưởng thụ nếp sống văn minh, ta đừng để nó trói buộc và sai sử. Chỉ nên xem đó là phương tiện để phục vụ hỗ trợ cho việc học tập đạo pháp mà thôi. Bất cứ lúc nào, và trong hoàn cảnh nào ta cũng vẫn phải ghi nhớ điều giác ngộ thứ ba của bậc Đại nhân:
“Xem tuệ giác là sự nghiệp duy nhất”
Mà muốn vun trồng vườn cây Tuệ giác, ta phải luôn gieo hạt giống TỈNH GIÁC, CHÁNH NIỆM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét