Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

KINH VO NGA TUONG/ DAI PHAM





[19] Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Vappa và đại đức Bhaddiya: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?
Đức Thế Tôn đã nói rằng:
- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.
Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.
Sau đó, với bữa ăn đã được mang lại, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Nhóm sáu vị sống bằng vật mà ba vị tỳ khưu đã đi khất thực và mang về. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Mahānāma và đại đức Assaji: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?
Đức Thế Tôn đã nói rằng:
- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.
Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.
[20] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:
- Này các tỳ khưu, Sắc là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Sắc này là Ngã thì Sắc này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Sắc là Vô Ngã do đó Sắc đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.”
Này các tỳ khưu, Thọ là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thọ này là Ngã thì Thọ này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thọ là Vô Ngã do đó Thọ đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.”
Này các tỳ khưu, Tưởng là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Tưởng này là Ngã thì Tưởng này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Tưởng là Vô Ngã do đó Tưởng đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.”
Này các tỳ khưu, các Hành là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu các Hành này là Ngã thì các Hành này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì các Hành là Vô Ngã do đó các Hành đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.”
Này các tỳ khưu, Thức là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thức này là Ngã thì Thức này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thức là Vô Ngã do đó Thức đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.”
[21] Này các tỳ khưu, các vị nghĩ gì về Sắc ấy, là thường hay vô thường?
- Bạch ngài, là vô thường.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?
- Bạch ngài, là khổ.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Bạch ngài, điều ấy không đúng.
Này các tỳ khưu, Thọ là thường hay vô thường?
- Bạch ngài, là vô thường.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?
- Bạch ngài, là khổ.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Bạch ngài, điều ấy không đúng.
Này các tỳ khưu, Tưởng là thường hay vô thường?
- Bạch ngài, là vô thường.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?
- Bạch ngài, là khổ.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Bạch ngài, điều ấy không đúng.
Này các tỳ khưu, các Hành là thường hay vô thường?
- Bạch ngài, là vô thường.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?
- Bạch ngài, là khổ.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Bạch ngài, điều ấy không đúng.
Này các tỳ khưu, Thức là thường hay vô thường?
- Bạch ngài, là vô thường.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?
- Bạch ngài, là khổ.
- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Bạch ngài, điều ấy không đúng.
[22] Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Sắc nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Sắc ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”
Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thọ nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thọ ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”
Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Tưởng nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Tưởng ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”
Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ các Hành nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ các Hành ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”
Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thức nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thức ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”
[23] Này các tỳ khưu, khi đã thấy được như thế, vị Thinh Văn Thánh đệ tử không còn hứng thú trong Sắc, không còn hứng thú trong Thọ, không còn hứng thú trong Tưởng, không còn hứng thú trong các Hành, không còn hứng thú trong Thức; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.”
[24] Đức Thế Tôn đã giảng về điều ấy. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã hoan hỷ thâu nhận lời dạy của đức Thế Tôn. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của các tỳ khưu nhóm năm vị đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu vị A-la-hán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét