[41] Chương VII Tương Ưng Tâm-ooOoo- I. Kiết Sử (S.iv,281)1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão trú ở Macchikasanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: -- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ? 3) Ở đây, một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: -- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ. Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: -- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ. 4) Lúc bấy giờ, cư sĩ Citta đi đến Migapathaka để làm một số công việc phải làm. 5) Cư sĩ Citta được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?" Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ". Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". 6) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: -- Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". -- Có vậy, này Cư sĩ. 8) -- Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói. 9) Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: "Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen". Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không? -- Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử. 10) -- Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng... Mũi không phải là trói buộc của các hương... Lưỡi không phải là trói buộc của các vị... Thân không phải là trói buộc của các xúc... Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. 11) -- Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của đức Phật. II. Isidattà (1) (S.iv,283) 1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão trú ở Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: -- Bạch chư Thượng tọa, mong rằng chư vị trưởng lão ngày mai nhận lời mời dùng bữa ăn của con. Các Tỷ-kheo trưởng lão im lặng nhận lời. 4) Rồi cư sĩ Citta, sau khi biết các Tỷ-kheo trưởng lão đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão, thân phía hữu hướng về các vị rồi ra đi. 5) Các vị Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của cư sĩ Citta; sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. 6) Cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với Tôn giả Thera: -- Thưa Tôn giả Thera, "Giới sai biệt, giới sai biệt" (dhàtunànattam) được nói đến như vậy. Bạch Thượng tọa, cho đến như thế nào, Thế Tôn nói đến giới sai biệt? Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Thera giữ im lặng. 8) Lần thứ hai, cư sĩ Citta thưa với Tôn giả Thera: -- Thưa Tôn giả Thera, "Giới sai biệt, giới sai biệt" được nói đến như vậy. Bạch Thượng tọa, cho đến như thế nào, Thế Tôn nói đến giới sai biệt? Lần thứ hai, Tôn giả Thera giữ im lặng. 9) Lần thứ ba, gia chủ Citta thưa với Tôn giả Thera: -- Thưa Tôn giả Thera, "Giới sai biệt, giới sai biệt" được nói đến như vậy. Bạch Thượng tọa, cho đến như thế nào, Thế Tôn nói đến giới sai biệt? Lần thứ ba, Tôn giả Thera giữ im lặng. 10) Lúc bấy giờ, Tôn giả Isidattà là Tỷ-kheo mới tu nhất trong chúng Tỷ-kheo ấy. 11) Rồi Tôn giả Isidattà thưa với Tôn giả Thera: -- Bạch Thượng tọa, con xin trả lời câu hỏi ấy của cư sĩ Citta. -- Này Isidattà, hãy trả lời câu hỏi ấy của gia chủ Citta. 12) -- Này Gia chủ, có phải Ông hỏi: "'Giới sai biệt, giới sai biệt', bạch Thượng tọa Thera, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thượng tọa, Thế Tôn nói đến về giới sai biệt" chăng? -- Thưa vâng, bạch Thượng tọa. -- Này Gia chủ, Thế Tôn nói về giới sai biệt tánh như sau: "Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới... Ý giới, pháp giới, ý thức giới". Cho đến như vậy, này Cư sĩ, Thế Tôn nói về giới sai biệt tánh. 13) Gia chủ Citta, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Isidattà nói, tự tay làm cho thỏa mãn, tự tay cúng dường các Tỷ-kheo trưởng lão với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. 14) Các Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi ăn xong, rời tay khỏi bát, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. 15) Rồi Tôn giả Thera nói với Tôn giả Isidattà: -- Lành thay, này Hiền giả Isidattà, câu hỏi này đã được Ông trả lời. Câu hỏi này không được ta trả lời. Này Hiền giả Isidattà, trong dịp khác, nếu câu hỏi tương tự khởi lên, Hiền giả hãy trả lời như vậy. III. Isidattà (2) (S.iv,285) 1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão trú ở Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Rồi gia chủ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi một bên, gia chủ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: -- Bạch chư Thượng tọa, mong rằng chư vị Trưởng lão ngày mai nhận lời mời dùng bữa ăn của con. Các Tỷ-kheo trưởng lão im lặng nhận lời. 4) Rồi gia chủ Citta, sau khi biết các Tỷ-kheo trưởng lão đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão, thân phía hữu hướng về các vị ấy rồi ra đi. 5) Các Tỷ-kheo trưởng lão ấy, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của gia chủ Citta; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. 6) Rồi gia chủ Citta đi đến Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 7) Ngồi một bên, gia chủ Citta bạch Tôn giả Thera: -- Bạch Thượng tọa Thera, có một số (tà) kiến này khởi lên ở đời: "Thế giới là thường còn, hay thế giới là không thường còn? Thế giới là hữu biên, hay thế giới là vô biên? Sinh mạng và thân thể là một, hay sinh mạng và thân thể là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?". Lại có thêm 62 tà kiến này được nói lên trong kinh Phạm Võng. Bạch Thượng tọa, các tà kiến này do cái gì có mặt, chúng có mặt? Do cái gì không có mặt, chúng không có mặt? Khi được nói vậy, Tôn giả Thera im lặng. 8) Lần thứ hai, gia chủ Citta... 9) Lần thứ ba, gia chủ Citta bạch Tôn giả Thera: -- Bạch Thượng tọa Thera, có một số (tà) kiến này khởi lên ở đời: "Thế giới là thường còn, hay thế giới là vô thường? Thế giới là hữu biên, hay thế giới là vô biên? Sinh mạng và thân thể là một, hay sinh mạng và thân thể là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?" Lại có thêm 62 tà kiến này được nói lên trong kinh Phạm Võng. Bạch Thượng tọa, các tà kiến này do cái gì có mặt, chúng có mặt? Do cái gì không có mặt, chúng không có mặt? Lần thứ ba, Tôn giả Thera giữ im lặng. 10) Lúc bấy giờ, Tôn giả Isidattà là Tỷ-kheo mới tu nhất trong chúng Tỷ-kheo ấy. 11) Rồi Tôn giả Isidattà thưa với Tôn giả Thera: -- Bạch Thượng tọa, con xin trả lời câu hỏi ấy của gia chủ Citta. -- Này Isidattà, hãy trả lời câu hỏi ấy của gia chủ Citta. 12) -- Này Gia chủ, có phải Ông hỏi như sau: "Bạch Thượng tọa Thera, có một số (tà) kiến này khởi lên ở đời: 'Thế giới là thường còn...' Bạch Thượng tọa, các tà kiến này do cái gì có mặt, chúng có mặt? Do cái gì không có mặt, chúng không có mặt" chăng? -- Thưa vâng, bạch Thượng tọa. -- Này Gia chủ, một số (tà) kiến này khởi lên ở đời: "Thế giới là thường còn, hay thế giới là vô thường? Thế giới là hữu biên, hay thế giới là vô biên? Sinh mạng và thân thể là một, hay sinh mạng và thân thể là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?" Lại có thêm 62 tà kiến này được nói lên trong kinh Phạm Võng. Này Gia chủ, do thân kiến có mặt, nên các tà kiến này có mặt. Do thân kiến không có mặt, nên chúng không có mặt? 13) -- Bạch Thượng tọa, như thế nào là thân kiến có mặt? -- Ở đây, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Họ quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc... quán thọ như là tự ngã... tưởng... các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Gia chủ, là thân kiến có mặt. 14) -- Và như thế nào, bạch Thượng tọa, là thân kiến không có mặt? -- Ở đây, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử được thấy các bậc Thánh, thuần phục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, được thấy các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị ấy không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, không quán thọ... tưởng... hành... không quán thức như tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Gia chủ, là thân kiến không có mặt. 15) -- Bạch Thượng tọa, Tôn đức (Ayyo) Isidattà từ đâu đến? -- Này Gia chủ, tôi từ Avanti đến. -- Bạch Thượng tọa, tại Avanti, có một thiện nam tử tên Isidattà, một người bạn xa cách của chúng tôi, đã xuất gia tu hành? -- Thưa phải, này Gia chủ. -- Bạch Thượng tọa, hiện nay Tôn giả ấy ở đâu? Khi được nói vậy, Tôn giả Isidattà im lặng. -- Bạch Thượng tọa, có phải Tôn đức ấy là Isidattà chăng? -- Thưa phải, này Gia chủ. -- Vậy bạch Thượng tọa, Tôn đức Isidattà hãy thỏa thích ở tại Macchikàsanda. Khả ái là rừng Ambàtaka! Con sẽ hết sức cố gắng để cúng dường Tôn đức Isidattà với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. -- Thật là lời nói chí thiện, này Gia chủ. 16) Rồi Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời nói của Tôn giả Isidattà, tự tay làm thỏa mãn, tự tay cúng dường các Tỷ-kheo trưởng lão với các món ăn thượng hạng loại cứng và loại mềm. 17) Rồi các Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi ăn xong, rời tay khỏi bát, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. 18) Rồi Tôn giả Thera nói với Tôn giả Isidattà: -- Lành thay, này Hiền giả Isidattà, câu hỏi này đã được Hiền giả trả lời. Câu hỏi này không được ta trả lời. Này Hiền giả Isidattà, trong dịp khác, nếu câu hỏi tương tự khởi lên, Hiền giả hãy trả lời như vậy. IV. Mahaka (S.iv,288) 1) Một thời, một số đông các Tỷ-kheo trưởng lão trú tại Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Rồi gia chủ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi một bên, gia chủ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: -- Bạch chư Thượng tọa, mong rằng chư vị trưởng lão ngày mai nhận lời mời dùng bữa ăn của con. Các Tỷ-kheo trưởng lão im lặng nhận lời. 4-5) (Như đoạn 4,5 của kinh trước). 6) Rồi gia chủ Citta tự tay làm cho thỏa mãn, tự tay cúng dường các Tỷ-kheo trưởng lão với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. 7) Các Tỷ-kheo trưởng lão sau khi ăn xong, rời tay khỏi bát, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi gia chủ Citta, sau khi nói: "Hãy thâu lượm lại các đồ ăn dư tàn", liền đi theo sau lưng các Tỷ-kheo trưởng lão. 8) Lúc bấy giời, trời nóng rất là gay gắt (kutthitam). Và các Tỷ-kheo trưởng lão ấy đi với thân như bị chảy thành nước, vì các vị ấy đã ăn bữa ăn đầy đủ. 9) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahaka là vị mới tu nhất giữa chúng Tỷ-kheo ấy. Rồi Tôn giả Mahaka thưa với Tôn giả Thera: -- Lành thay, bạch Thượng tọa Thera, nếu có luồng gió mát thổi, có cơn giông nổi lên, có mưa từng hột xuống. -- Lành thay, này Hiền giả Mahaka, nếu có luồng gió mát thổi, có cơn giông nổi lên, có mưa từng hột xuống. 10) Rồi Tôn giả Mahaka thực hành thần thông khiến cho gió mát thổi, cơn giông nổi lên, có mưa từng hột xuống. 11) Rồi cư sĩ Citta suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo mới tu nhất trong chúng Tỷ-kheo này lại có được thần thông lực như vậy". 12) Rồi Tôn giả Mahaka sau khi đến ngôi vườn (tịnh xá) liền nói với Tôn giả Thera: -- Bạch Thượng tọa Thera, như vậy là vừa rồi. -- Như vậy là vừa rồi, này Hiền giả Mahaka. Làm như vậy là vừa rồi, này Hiền giả Mahaka. Cúng dường như vậy là vừa rồi, này Hiền giả Mahaka. 13) Rồi các Tỷ-kheo trưởng lão đi đến ngôi tịnh xá, còn Tôn giả Mahaka đi đến tịnh xá của mình. 14) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Mahaka; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahaka rồi ngồi xuống một bên. 15) Ngồi một bên, gia chủ Citta nói Tôn giả Mahaka: -- Lành thay, bạch Thượng tọa, nếu Tôn đức Mahaka thị hiện cho con thấy thượng nhân pháp thần thông. -- Vậy này Gia chủ, hãy trải thượng y trong hành lang và rải một bó cỏ. -- Thưa vâng, bạch Thượng tọa. Gia chủ Citta vâng đáp Tôn giả Mahaka, cho trải thượng y trong hành lang, và rải một bó cỏ. 16) Rồi Tôn giả Mahaka vào trong tịnh xá, gài then cửa lại, thực hành thần thông lực khiến cho ngọn lửa phun ra từ lỗ ống khóa và giữa các khe cửa, đốt cháy cỏ nhưng không đốt cháy thượng y. 17) Gia chủ Citta đập thượng y, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, đứng một bên. 18) Rồi Tôn giả Mahaka, từ tịnh xá đi ra và nói với gia chủ Citta: -- Thôi, như vậy là vừa rồi, này Gia chủ. -- Thôi, như vậy là vừa rồi, thưa Thượng tọa Mahaka. Làm như vậy là vừa rồi, thưa Thượng tọa Mahaka. Cúng dường như vậy là vừa rồi, thưa Thượng tọa Mahaka. Bạch Thượng tọa, mong Tôn đức Mahaka hãy sống thoải mái ở tại Macchikàsanda. Khả ái là rừng Ambàtaka! Con sẽ cố gắng cúng dường cho Tôn giả Mahaka các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. -- Thật là lời nói chí thiện, này Gia chủ! 19) Rồi Tôn giả Mahaka dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, đi ra khỏi Macchikàasanda, và như vậy từ biệt Macchikàsanda không còn trở lui lại nữa. V. Kàmabhù (1)(S.iv,291) 1) Một thời Tôn giả Kàmabhù trú ở Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Kàmabhù; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Kàmabhù rồi ngồi xuống một bên. 3) Tôn giả Kàmabhù nói với gia chủ Citta đang ngồi một bên: -- Này Gia chủ, lời này được nói đến: Bộ phận được tinh thuần,Này Gia chủ, lời nói vắn tắt này, ý nghĩa phải được hiểu như thế nào một cách rộng rãi? -- Bạch Thượng tọa, có phải lời nói này được Thế Tôn nói đến? -- Ðúng vậy, này Gia chủ. -- Vậy hãy chờ một lát, bạch Thượng tọa, con sẽ nghĩ đến ý nghĩa. 4) Rồi cư sĩ Citta, sau khi im lặng một lát, thưa với Tôn giả Kàmabhù: -- "Bộ phận được tinh thuần", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với các giới luật. "Mái trần che màu trắng", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với giải thoát. "Một bánh xe", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với niệm. "Liên tục chạy", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với đi tới đi lui. "Cỗ xe", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại tạo thành này, do cha mẹ sanh ra, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, bị biến hoại, bị tiêu mòn, bị tiêu hủy, bị hủy diệt. Tham, bạch Thượng tọa, là một lỗi lầm. Sân là một lỗi lầm. Si là một lỗi lầm. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng được đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không có thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc được gọi là không vi phạm lỗi lầm. "Vị đang đến", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với vị A-la-hán. "Dòng nước", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với khát ái. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khát ái ấy được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không có thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc được gọi là chặt đứt được dòng nước. Tham, bạch Thượng tọa, là trói buộc. Sân là trói buộc. Si là trói buộc. Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, chúng được đoạn tận, chặt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc được gọi là không bị trói buộc. 5) Như vậy, bạch Thượng tọa, lời nói này được Thế Tôn nói đến: Bộ phận được tinh thuần,Bạch Thượng tọa, lời nói vắn tắt này, ý nghĩa cần phải được hiểu rộng là như vậy. 6) --Lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục lời dạy thâm sâu của đức Phật. VI. Kàmabhù (2) (S.iv,193) 1) Một thời Tôn giả Kàmabhù trú tại Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka. 2) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Kàmabhà; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Kàmabhù, rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi một bên, gia chủ Citta thưa Tôn giả Kàmabhù: -- Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu hành tất cả? -- Này Gia chủ có ba hành: thân hành, khẩu hành và ý hành. -- Lành thay, bạch Thượng tọa. Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kàmabhù nói, rồi hỏi thêm Tôn giả Kàmabhù một câu nữa: -- Bạch Thượng tọa, thế nào là thân hành? Thế nào là khẩu hành? Thế nào là ý hành? -- Hơi thở vô, hơi thở ra, này Gia chủ, là thân hành. Tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ là ý hành. -- Lành thay, bạch Thượng tọa. Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kàmabhù nói... hỏi thêm câu hỏi nữa: 5) -- Vì sao, bạch Thượng tọa, thở vô thở ra là thân hành? Vì sao tầm và tứ là khẩu hành? Vì sao tưởng và thọ là ý hành? -- Thở vô thở ra, này Giả chủ, thuộc về thân. Các pháp này liên hệ đến thân; do vậy, thở vô thở ra là thân hành. Trước phải tầm cầu, tư sát, này Gia chủ, sau mới phát lời nói; do vậy, tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ thuộc về ý. Những pháp này liên hệ đến tâm; do vậy, tưởng và thọ là ý hành. -- Lành thay, bạch Thượng tọa. ... hỏi thêm câu hỏi nữa: 6) -- Như thế nào, bạch Thượng tọa, là chứng Diệt thọ tưởng định? -- Này Gia chủ, Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định không có nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng đạt Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đang chứng đạt Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định". Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy. -- Lành thay... ... hỏi thêm câu nữa: 7) -- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, những pháp nào được đoạn diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay ý hành? -- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, khẩu hành được diệt trước, thứ đến thân hành, rồi đến ý hành. -- Lành thay... ... hỏi thêm câu hỏi nữa: 8) -- Bạch Thượng tọa, người đã chết, đã mệnh chung, và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác gì? -- Ðối với người đã chết, đã mệnh chung, này Gia chủ, thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an; ý hành được đoạn diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận; sức nóng được tịnh chỉ; các căn bị hủy hoại. Còn Tỷ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, thân hành được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn diệt, khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn được trong sáng. Này Gia chủ, người đã chết, đã mệnh chung và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác như vậy. -- Lành thay... ... hỏi thêm câu hỏi nữa. 9) -- Như thế nào, bạch Thượng tọa, là ra khỏi Diệt thọ tưởng định? -- Này Gia chủ, Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định không có suy nghĩ: "Tôi sẽ ra khỏi Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đang ra khỏi Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định". Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy. -- Lành thay, bạch Thượng tọa... ... hỏi thêm câu hỏi nữa: 10) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, pháp nào khởi lên trước, thân hành, khẩu hành, hay ý hành? -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, ý hành khởi lên trước, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành. -- Lành thay, bạch Thượng tọa... ...hỏi thêm câu hỏi nữa: 11) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, cảm giác được bao nhiêu xúc? -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định cảm thọ được ba xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc. -- Lành thay, bạch Thượng tọa. Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ... và hỏi thêm câu hỏi nữa: 12) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, tâm thiên về đâu, hướng về đâu, nghiêng về đâu? -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, tâm vị ấy thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, nghiêng về viễn ly. -- Lành thay, bạch Thượng tọa. Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kàmabhù nói rồi hỏi thêm câu hỏi nữa: 13) -- Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu pháp giúp đỡ nhiều cho sự chứng đắc Diệt thọ tưởng định? -- Thật sự, này Gia chủ, điều Gia chủ cần phải hỏi trước, Gia chủ lại hỏi sau. Tuy vậy, ta sẽ trả lời cho Gia chủ. Này Gia chủ, có hai pháp giúp đỡ rất nhiều cho Diệt thọ tưởng định được chứng đắc. Ðó là Chỉ và Quán. VII. Godatta (S.iv,295) 1) Một thời Tôn giả Godatta trú ở Macchikàsanda, tại Ambàtavana. 2) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Godatta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Godatta rồi ngồi xuống một bên. 3) Tôn giả Godatta nói với gia chủ Citta đang ngồi một bên: -- Này Gia chủ, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, những pháp này là khác ngôn từ, hay đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ? -- Bạch Thượng tọa, có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này khác nghĩa, khác ngôn từ. Bạch Thượng tọa, cũng có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ. 4) -- Nhưng, này Gia chủ, pháp môn nào, theo pháp môn ấy, các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ? 5) -- Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô lượng tâm giải thoát. 6) Và bạch Thượng tọa, như thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát? Ở đây, Tỷ-kheo vượt lên Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô sở hữu tâm giải thoát. 7) Và bạch Thượng tọa, thế nào là không tâm giải thoát? Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống và suy tư: "Cái này là trống không tự ngã hay ngã sở hữu". Bạch Thượng tọa, đây gọi là không tâm giải thoát. 8) Và bạch Thượng tọa, thế nào là vô tướng tâm giải thoát? Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú Vô tướng tâm định. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô tướng tâm giải thoát. 9) Ðây là pháp môn, bạch Thượng tọa, theo pháp môn ấy, các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ. 10) Và bạch Thượng tọa, pháp môn nào, theo pháp môn ấy, các pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ? 11) Tham dục (ràga) làm sự đo lường, sân làm sự đo lường, si làm sự đo lường. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối các vô lượng tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si. 12) Tham dục, bạch Thượng tọa, là một chướng ngại, sân là một chướng ngại, si là một chướng ngại. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối với các vô sở hữu tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này được trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si. 13) Tham dục, bạch Thượng tọa, tác thành tướng, sân tác thành tướng, si tác thành tướng. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt đứt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối với các vô tướng tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si. 14) Ðây là pháp môn, bạch Thượng tọa, do pháp môn ấy, các pháp này là đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ. VIII. Nigantha (Ni-kiền-tử) (S.iv,297) 1-2) Lúc bấy giờ, Nigantha Nàtaputta đã đi đến Macchikàsanda với một đại chúng Nigantha. 3) Gia chủ Citta được nghe Nigantha Nàtaputta đã đi đến Macchikàsanda với một đại chúng Nigantha. 4) Rồi gia chủ Citta cùng với một số đông gia chủ khác đi đến Niganttha Nàtaputta; sau khi đến, nói lên những lời hỏi thăm xã giao, sau khi nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu liền ngồi xuống một bên. 5) Nigantha Nàtaputta nói với gia chủ Citta đang ngồi một bên: -- Có phải, này Gia chủ, Ông tin tưởng vào lời dạy này của Sa-môn Gotama: "Có một định không tầm, không tứ, có sự đoạn diệt các tầm và tứ"? -- Thưa Tôn giả, ở đây tôi không có đặt lòng tin vào Thế Tôn trong vấn đề: "Có một Thiền định không tầm, không tứ, có sự đoạn diệt các tầm và tứ". 6) Ðược nghe nói vậy, Nigantha Nàtaputta nhìn quanh hội chúng của mình và nói: -- Chư Tôn giả có thấy chăng? Thật chất trực là gia chủ Citta này! Thật không hư ngụy là gia chủ Citta này! Thật không hư vọng là gia chủ Citta này! Ai nghĩ rằng tầm và tứ có thể đoạn diệt được tức là nghĩ rằng có thể trói được gió trong cái lưới. Ai nghĩ rằng tầm và tứ có thể đoạn diệt được tức là nghĩ rằng có thể dùng nắm tay của mình để chận đứng dòng nước sông Hằng. 7) -- Tôn giả nghĩ thế nào, thưa Tôn giả, cái gì thù thắng hơn, trí hay là lòng tin? -- Này Gia chủ, trí thù thắng hơn lòng tin. 8) -- Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, ly dục, ly bất thiện pháp, tôi chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi làm tịnh chỉ các tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi đoạn tận hỷ... chứng và trú Thiền thứ ba. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi có thể đoạn tận lạc... chứng và trú Thiền thứ tư. Biết như vậy, thưa Tôn giả, thấy như vậy, tôi sẽ đi đến lòng tin đối với bất cứ vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn nào rằng: "Có Thiền định không tầm, không tứ, có sự đoạn diệt các tầm và tứ". 9) Khi nghe nói vậy, Nigantha Nàtaputta nhìn quanh hội chúng của mình và nói: -- Chư Tôn giả có thấy chăng? Thật không chất trực là gia chủ Citta này! Thật hư ngụy là gia chủ Citta này! Thật hư vọng là gia chủ Citta này! -- Thưa Tôn giả, tôi hiểu lời nói của Tôn giả rằng: "Chư Tôn giả có thấy chăng? Thật chất trực là gia chủ Citta này! Thật không hư ngụy là gia chủ Citta này! Thật không hư vọng là gia chủ Citta này!". Và này, thưa Tôn giả, tôi hiểu lời nói của Tôn giả rằng: "Chư Tôn giả có thấy chăng? Thật không chất trực là gia chủ Citta này! Thật hư ngụy là gia chủ Citta này! Thật hư vọng là gia chủ Citta này!" 10) Thưa Tôn giả, nếu lời nói đầu tiên của Tôn giả là chơn chánh, thời lời nói sau của Tôn giả là hư ngụy. Thưa Tôn giả, nếu lời nói sau của Tôn giả là chơn chánh, thời lời nói đầu của Tôn giả là hư ngụy. Thưa Tôn giả, có mười câu hỏi hợp lý này, nếu Tôn giả hiểu ý nghĩa của chúng, thời Tôn giả đấm trả (patihareyyàsi) tôi một đấm cùng với chúng Nigantha. Một câu hỏi, một câu giải thích, một câu trả lời. Hai câu hỏi, hai câu giải thích, hai câu trả lời. Ba câu hỏi, ba câu giải thích, ba câu trả lời. Bốn câu hỏi, bốn câu giải thích, bốn câu trả lời. Năm câu hỏi, năm câu giải thích, năm câu trả lời. Sáu câu hỏi, sáu câu giải thích, sáu câu trả lời. Bảy câu hỏi, bảy câu giải thích, bảy câu trả lời. Tám câu hỏi, tám câu giải thích, tám câu trả lời. Chín câu hỏi, chín câu giải thích, chín câu trả lời. Mười câu hỏi, mười câu giải thích, mười câu trả lời. 11) Rồi gia chủ Citta không hỏi Nigantha Nàtaputta mười câu hỏi hợp lý này, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. IX. Acela (Lõa thể) (S.iv,300) 1). .. 2) Lúc bấy giờ lõa thể Kassapa đã đi đến Macchikàsanda, một bạn cũ của gia chủ Citta khi còn là gia chủ. 3) Gia chủ Citta nghe lõa thể Kassapa, một bạn cũ của mình khi còn là gia chủ, đã đến Macchikàsanda. Rồi gia chủ Citta đi đến lõa thể Kassapa; sau khi đến, nói lên với lõa thể Kassapa những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. 4) Ngồi một bên, gia chủ Citta nói với lõa thể Kassapa: -- Tôn giả Kassapa, Tôn giả xuất gia đã bao lâu? -- Này Gia chủ, ta đã xuất gia khoảng ba mươi năm. 5) -- Thưa Tôn giả, trong ba mươi năm ấy, Tôn giả có chứng được pháp thượng nhơn nào, tri kiến thù thắng nào xứng đáng bậc Thánh và được lạc trú? -- Này Gia chủ, trong suốt ba mươi năm ấy, ta không chứng được và không được lạc trú một pháp thượng nhân nào, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, ngoại trừ sự lõa thể, sự trọc đầu, sự phủi bụi và đất cát (pàvàlanipphotana). 6) Khi nghe nói vậy, gia chủ Citta nói với lõa thể Kassapa: -- Thật là bất tư nghì, thật là hy hữu, chánh pháp được thuyết trong suốt ba mươi năm ấy, không chứng được, không được lạc trú một pháp thượng nhân nào, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh! 7) -- Này Gia chủ, đã bao lâu Ông làm người cư sĩ? -- Thưa Tôn giả, tôi thành người cư sĩ đã được ba mươi năm. 8) -- Trong suốt ba mươi năm ấy, này Gia chủ, Ông có chứng được và được lạc trú pháp thượng nhân nào, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh? -- Sao lại không vậy được, thưa Tôn giả! Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi chỉ tịnh tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, ly hỷ... tôi chứng và trú Thiền thứ ba. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, đoạn tận lạc... tôi chứng và trú Thiền thứ tư. Nếu tôi mệnh chung sớm hơn Thế Tôn, thưa Tôn giả, không có gì lạ, nếu Thế Tôn sẽ nói về tôi như sau: "Không có một kiết sử nào, do bị trói buộc bởi kiết sử ấy, Citta trở lui tại thế giới này nữa". 9) Khi nghe nói vậy, lõa thể Kassapa nói với gia chủ Citta: -- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả, Chánh pháp được khéo thuyết. Một gia chủ mặc áo trắng lại có thể chứng đạt được, lại có thể lạc trú pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh! Thưa Gia chủ, hãy cho tôi được xuất gia trong Pháp và Luật này. Hãy cho tôi thọ đại giới. 10) Rồi gia chủ Citta đưa lõa thể Kassapa đến một số Tỷ-kheo trưởng lão; sau khi đến, thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: -- Bạch chư Thượng tọa, lõa thể Kassapa này là một người bạn của chúng con khi chúng con còn là gia chủ. Chư Thượng tọa hãy cho người này xuất gia, cho thọ đại giới. Con sẽ cố gắng cúng dường các vật liệu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. 11) Lõa thể Kassapa được xuất gia trong Pháp và Luật này, được thọ đại giới. Ðược thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu vị ấy đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: đó là Vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, tự mình chứng tri với thượng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 12) Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa. X. Thăm Người Bệnh (S.iv,302) 1-2) Lúc bấy giờ, gia chủ Citta bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. 3) Rồi số đông chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng tụ hội lại và nói với gia chủ Citta: -- Này Gia chủ hãy nguyện: "Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương!" Khi được nghe nói vậy, gia chủ Citta nói với chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng: -- Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua. 4) Khi được nghe nói vậy, các bạn bè thân hữu, các bà con huyết thống nói với gia chủ Ciita: -- Này Thiện gia nam tử, hãy an trú chánh niệm, chớ có nói lung tung. -- Tôi nói với các vị những gì khiến các vị nói với tôi: "Này Thiện gia nam tử, hãy an trú chánh niệm, chớ có nói lung tung"? -- Này Thiện nam tử, vì Ông nói như sau: "Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua". -- Vì rằng, chư Thiên các hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên trú ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng đã nói với tôi như sau: "Này Gia chủ, hãy nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương'". Cho nên tôi mới trả lời với họ: 'Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua'". 5) -- Này Thiện gia nam tử, các chư Thiên ở hoa viên... các cây trong rừng đã quán thấy ý nghĩa gì mà nói với Ông: "Này Gia chủ hãy nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương""? -- Các chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên trú ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng ấy đã suy nghĩ như sau: "Gia chủ Citta này giữ giới, tánh thiện, nếu phát nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương!" Tâm nguyện thanh tịnh, đúng pháp, sẽ làm cho thành công người trì giới, sẽ đem đến quả đúng pháp". Chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng ấy, do quán thấy ý nghĩa như vậy nên đã nói như sau: "Này Gia chủ, hãy phát nguyện: 'Trong tương lai ta làm vị Chuyển luân Thánh vương"". Do vậy, tôi nói với họ: "Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua". -- Này Thiện gia nam tử, hãy giáo giới cho chúng tôi. -- Vậy các Ông cần phải học như sau: "Chúng tôi sẽ đầy đủ lòng tin bất động đối với đức Phật: 'Vị ấy là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Chúng tôi sẽ có đủ lòng tin bất động đối với Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu'. Chúng tôi sẽ có đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: 'Thiện hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Như lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Thanh tịnh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng được tôn kính, đáng được cung kính, đáng được kính lễ, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời'. Tất cả những gì có thể đem cho trong gia tộc, tất cả phải đem cúng dường, phân phát cho những vị trì giới và có thiện tánh". Như vậy, các Ông cần phải học tập. 7) Khi gia chủ Citta khiến cho các bạn bè thân hữu, các bà con huyết thống có tịnh tín đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với chúng Tăng và khuyên họ bố thí, vị ấy liền mệnh chung. -ooOoo- |
Mục Lục các Tập (Thiên):
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-41.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét