Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

KHO TANG PHAP HOC/SU GIAC GIOI




CHƯƠNG PHÁP MỘT CHI
[1] Một pháp đa tác dụng (Bahukāradhammo):
"Bất khinh suất các thiện pháp" (Appamādo kusalesu dhammesu).
Bất khinh suất, cũng dịch là sự không dể duôi, nghĩa là không buông lung, không quên mình, có chánh niệm trong mọi cử chỉ hành vi; khi làm hay nói đều có sự ghi nhớ thận trọng, ý thức được điều nên làm và không nên làm.
Trong các thiện pháp, pháp bất khinh suất là trọng yếu, là hiện tướng, là dấu hiệu đầu tiên. Cũng như ánh hồng là dấu hiệu báo mặt trời mọc. Nên gọi là pháp đa tác dụng.
D.III. Dasuttarasutta; D.II. 156; S.I. 86,89;
S.V.30-45,A.I.11-17; A.III.365, A.V.21.
[2] Một pháp cần tu tập (Bhāvetabbadhammo):
"Thân hành niệm câu hành hỷ" (Kāyagatāsati sātasahagatā).
Thân hành niệm, gọi như vậy nghĩa là niệm và quán phần liên quan đến, như niệm 32 thể trược của thân gồm có tóc, lông v.v...
Câu hành hỷ tức là thiền tương ưng lạc (Sukha-sampayuttā). Thân hành niệm là đề tài tu tập dẫn đến thiền hỷ lạc.
D.III. Dasuttarasutta.
[3] Một pháp cần biến tri (Pariññeyyadhammo):
"Xúc cảnh lậu cảnh thủ" (Phasso sāsavo upādāniyo).
Xúc tức là sáu xúc như nhãn xúc v.v...
Cảnh lậu tức là pháp năng duyên của tứ lậu (Āsavānaṃ paccayabhūto).
Cảnh thủ tức là pháp năng duyên của tứ thủ (Upādānānaṃ paccayabhūto).
Xúc hiệp thế như nhãn xúc... ý xúc, là cảnh của lậu của thủ, bị pháp lậu, pháp thủ biết được nên gọi là xúc cảnh lậu cảnh thủ.
D.III. Dasuttarasutta.
[4] Một pháp cần được đoạn trừ (Pahātabbadhammo):
"Ngã mạn" (Asmimāno).
Ngã mạn là sự chấp ngã "Ta là"... chấp ngã đối với ngũ uẩn, như Sắc là ta, Ta là sắc, Thọ là ta, Ta là thọ v.v... cũng gọi là thân kiến, thuộc tà kiến.
D.III. Dasuttarasutta.
[5] Một pháp thuộc phần hạ liệt (Hānabhāgiyadhammo):
"Không khéo tác ý" (Ayoniso manasikāro).
Không khéo tác ý, còn gọi là không như lý tác ý, tức là sự ngộ nhận, sự suy xét sai lệch, sự nhận thức các pháp không đúng, không tương ưng với trí tuệ chánh kiến. Như đối với pháp hữu vi là vô thường mà nghĩ là thường (anicce niccasaññī) v.v... Hoặc đối với cảnh đến mà không suy xét bằng trí tuệ nên phiền não phát sanh.
D. III. Dasuttarasutta.
[6] Một pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyadhammo):
"Khéo tác ý" (Yonisomanasikāro)
Khéo tác ý, hay còn gọi là như lý tác ý, tức là sự suy xét các pháp bằng trí tuệ, nhận thức bằng chánh kiến. Như pháp hữu vi là vô thường thì nhận thấy là vô thường (anicce aniccasaññī), hoặc khi gặp cảnh, dùng trí suy xét theo đường lối đúng đắn khiến tăng trưởng thiện pháp ngăn chặn bất thiện pháp sanh khởi.
D.III. Dasuttarasutta; S.V.2,30; A.I.11,31; It.9.
[7] Một pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhadhammo):
"Vô gián tâm định" (Ānantariko ceto samādhi).
Theo Atthakathā (Sớ giải), tâm quả siêu thế (phala) nối tiếp tâm đạo, ấy gọi là vô gián tâm định.
D.III. Dasuttarasutta.
[8] Một pháp cần sanh khởi (Uppādetabbadhammo):
"Bất động trí (Akuppaṃ ñāṇaṃ).
Bất động trí ở đây nên biết là trí tuệ thuộc quả siêu thế (phala paññā). Theo sớ giải kinh Dasut-tarasutta.
Siêu thế quả trí không thể bị năng lực khác làm cho chuyển động biến hoại, cho dù như bậc hữu học còn tái sanh ở cõi khác khi sanh ra, trí siêu thế của vị ấy cũng không biến thái.
D.III. Dasuttarasutta.
[9] Một pháp cần thắng tri (Abhiññeyyadhammo):
"Tất cả chúng sanh duy tồn nhờ vật thực" (Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā).
Có bốn pháp vật thực là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Nhờ bốn thực ấy làm duyên, trợ sanh và nuôi dưỡng cho nên có thân danh sắc này và được duy trì kế tục.
D. Dasuttarasutta.
Theo D.III Saṅgītisutta, có nói thêm một pháp cần thắng tri là: "Tất cả chúng sanh duy tồn nhờ hữu vi" (Sabbe sattā Saṅkhāraṭṭhitikā).
Pháp hữu vi hay pháp hành (Saṅkhāra) ở đây được nói đến trong ý nghĩa duyên (Paccaya) [paccayo eva kathito' ti sambandho]. Theo sớ giải ṭīkā.
[10] Một pháp cần tác chứng (Sacchikātabadhammo):
"Bất động tâm giải thoát" (Akuppā cetovimutti).
Bất động tâm giải thoát, ở đây chỉ cho sự giải thoát bằng quả vị A-la-hán (Arahattaphalavimutti). Sự giải thoát này gọi là bất động vì vị A-la-hán đã đoạn tận mọi phiền não, và do đó tâm giải thoát này không bị các nghịch pháp làm chao động. Theo Atthakathā và Tīkā.
D.III. Dasuttarasutta.
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục |
Một Pháp: 1-10 | Hai Pháp: 11-71 | Ba Pháp: 72-163 | Bốn Pháp: 164-259 | Năm Pháp: 260-337 |
Sáu Pháp: 338-369 | Bảy Pháp: 370-398 | Tám Pháp: 399-423 | Chín Pháp: 424-442 | Mười Pháp: 443-476 |
Trên Mười Pháp: 477-497

--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét