KINH TRUNG BO 142
KINH PHAN BIET CUNG DUONG
142. Kinh Phân biệt cúng dường
(Dakkhinàvibhanga sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú giữa dòng họ Sakka (Thích-Ca), ở Kapilavatthu (Ca-ty-la-vệ), tại tinh xá Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).
Rồi Mahapajapati Gotami (Củ đàm Nữ Ma-ha-ba-xà-bà-đề), đem theo một cặp y mới, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt đặc biệt cho Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy nhận lấy cho con.
Khi được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami:
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng. Bà cúng dường Tăng chúng, thời Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy.
Lần thứ hai, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt.. hãy nhận lấy cho con.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami:
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng.. và cả Tăng chúng cũng vậy.
Lần thứ ba, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt ... hãy nhận lấy cho con.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami :
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng... và cả tăng chúng cũng vậy.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Thế Tôn hãy nhận cặp y mới cho Mahapajapati Gotami! Bạch Thế Tôn, Mahapajapati Gotami đã giúp ích nhiều cho Thế Tôn, là thúc mẫu, là dưỡng mẫu, đã nuôi dưỡng Thế Tôn, đã cho Thế Tôn bú sữa, vì rằng sau khi sanh, thân mẫu của Thế Tôn mệnh chung, chính bà đã cho Thế Tôn bú sữa. Bạch Thế Tôn, và Thế Tôn cũng giúp ích nhiều cho Mahapajapati Gotami. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami đã quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu đem lại. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami có đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, đầy đủ các giới luật làm bậc Thánh hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami không còn nghi ngờ đối với Khổ, không còn nghi ngờ đối với Khổ tập, không còn nghi ngờ đối với Khổ diệt, không còn nghi ngờ đối với Con Ðường đưa đến khổ diệt. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn cũng đã giúp ích nhiều cho Mahapajapati Gotami.
-- Thật là như vậy, này Ananda! Thật là như vậy, này Ananda! Này Ananda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng đậy, chấp tay, về làm những việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.
Nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu men, rượu nấu, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, nếu do nhờ một người mà một người khác đầy đủ tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, đầy đủ các giới luật, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, nếu do nhờ một người mà một người khác không có nghi ngờ đối với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ tập, không có nghi ngờ đối với Khổ diệt, không có khi ngờ đối với Con Ðường đưa đến khổ diệt, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, có mười bốn loại cúng dường phân loại theo hạng người. Bố thí các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là cúng dường thứ nhất, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị Ðộc Giác Phật, là cúng dường thứ hai, phân loại theo hạng người. Bố thí các bậc A-la-hán, đệ tử Như Lai, là cúng dường thứ ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả A-la-hán là cúng dường thứ tư, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Bất lai, là cúng dường thứ năm, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Bất lai là cúng dường thứ sáu, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ bảy, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ tám, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ chín, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ mười, phân loại theo hạng người. Bố thí những vị ngoại học (bahiraka) đã ly tham trong các dục vọng là cúng dường thứ mười một, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu gìn giữ giới luật là cúng dường thứ mười hai, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu theo ác giới là cúng dường thứ mười ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các loại bàng sanh là cúng dường thứ mười bốn, phân loại theo hạng người.
Tại đây, này Ananda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức. Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?
Này Ananda, có bảy loại cúng dường cho Tăng chúng. Bố thí cho cả hai Tăng chúng với đức Phật là vị cầm đầu là cúng dường Tăng chúng thứ nhất. Bố thí cho cả hai Tăng chúng, sau khi đức Phật đã nhập diệt là cúng dường Tăng chúng thứ hai. Bố thí cho chúng Tỷ-kheo Tăng là cúng dường Tăng chúng thứ ba. Bố thí cho chúng Tỷ-kheo ni là cúng dường Tăng chúng thứ tư. Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ năm. Bố thí và nói rằng: "Mong rằng Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỷ-kheo như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ sáu. Bố thí và nói rằng: "Mong rằng Tăng chúng chỉ định cho một số Tỷ-kheo ni như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ bảy.
Nhưng này Ananda, trong thời gian tương lai sẽ có những hạng chuyển tánh (gotrabhuno), với những áo cà-sa vàng xung quanh cổ, theo ác giới, ác pháp, và cuộc bố thí đối với chúng Tăng theo ác giới. Nhưng này Ananda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ananda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng.
Này Ananda, có bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường. Thế nào là bốn? Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho. Này Ananda, có loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp, còn những người nhận theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, còn những người nhận giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, và người nhận cũng theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp; và người nhận cũng giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Này Ananda, như vậy là bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
Ai đầy đủ giới luật,
Bố thí cho ác giới;
Vật thí được đúng pháp,
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy,
Thanh tịnh bởi người cho.
Ai không giữ giới luật,
Bố thí cho thiện giới;
Vật thí không đúng pháp,
Với tâm không hoan hỷ,
Không lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy,
Thanh tịnh bởi người nhận.
Ai không giữ giới luật,
Bố thí cho ác giới;
Vật thí không đúng pháp,
Với tâm không hoan hỷ,
Không lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy
Cả hai không thanh tịnh.
Ai đầy đủ giới luật,
Bố thí cho thiện giới;
Vật thí được đúng pháp,
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Ta nói bố thí ấy
Chắc chắn có quả lớn.
Ai xuất ly tham ái
Bố thí không tham ái,
Vật thí được đúng pháp.
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Ta nói bố thí ấy
Là quảng đại tài thí.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét