Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

8 dieu suy nghi cua Đại Đức Anuruddha


Trích “Hiểu Biết Trọn Vẹn”, Hòa Thượng Sīlānanda giảng, Sư Khánh Hỷ soạn dịch 
Sau khi được phép của Đức Phật, Đại Đức Anuruddha vào rừng trúc để hành thiền. Theo chú giải Đại Đức Anuruddha đã tinh tấn thực hành trong vòng nửa tháng, phần lớn là đi kinh hành. Đến ngày thứ mười lăm, cảm thấy mỏi mệt vì kinh hành lui tới quá nhiều, Ngài ngồi nghỉ dưới một khóm trúc. Lúc ngồi dưới khóm trúc xét lại việc hành thiền của mình, xem thử phải làm những gì để đi đến giác ngộ, và “bảy điều suy tưởng” hay “bảy tư tưởng” sau đây đã khởi sinh trong Ngài:
1. Tư tưởng thứ nhất: Thiểu dục. Người muốn giác ngộ đạo quả Niết Bàn cần phải có ít nhu cầu hay “Thiểu dục”. Pháp giải thoát không dành cho người có nhiều nhu cầu. Điều này có nghĩa là giáo pháp chỉ có thể thành đạt ở những người ít tham muốn và không thể thành đạt bởi những ai có nhiều tham muốn, nhiều nhu cầu. Thiểu dục, ít ham muốn là điều kiện để thành đạt giáo pháp, giác ngộ đạo quả; đó là những đặc tính được Đức Phật tán dương. Đó là đặc tính mà mọi vị Tăng và thiền sinh phải phát triển. Nếu chúng ta muốn nhiều thứ thì chúng ta không thể hành thiền được. Nếu chúng ta muốn kết quả, nếu chúng ta muốn định tâm, nếu chúng ta muốn xuyên suốt chân lý, nếu chúng ta muốn có nhiều Trí Tuệ thì chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ trong việc hành thiền.
Có bốn loại thiểu dục (ít tham muốn):
a) Ít tham muốn hay thiểu dục về phương diện tứ vật dụng: Thức ăn, nhà ở, y phục, thuốc trị bệnh.
b) Ít tham muốn hay thiểu dục về phương diện chứng đắc thiền hay giác ngộ đạo quả. Chúng ta không được khoe khoang sự giác ngộ của mình khi đạt được sự giác ngộ. Chúng ta phải giữ sự giác ngộ bên trong ta và không được để cho người khác hay biết về sự giác ngộ của mình. Không thố lộ hay khoe khoang về sự giác ngộ của mình giúp chúng ta vun bồi đức khiêm nhường.
c) Ít tham muốn hay thiểu dục về phương diện phô bày kiến thức. Thiểu dục cũng còn được áp dụng cho việc học hỏi. Dầu cho bạn có học thuộc lòng Tam Tạng Kinh Điển, bạn cũng không nên khoe khoang hay thố lộ kiến thức hay sự hiểu biết của mình.
d) Ít tham muốn hay thiểu dục về phương diện thực hành giáo pháp. Khi một nhà Sư nguyện thực hành hạnh Đầu Đà thì cũng phải thực hành thế nào để những người khác không biết rằng mình đang thực hành hạnh Đầu Đà. Phải luôn luôn khiêm nhường.
Thiểu Dục là một đặc tính tốt đẹp của nhà Sư cũng như của thiền sinh. Chỉ những kẻ thiểu dục mới thành tựu giáo pháp. Những kẻ tham muốn nhiều không thể thành tựu mục đích giải thoát. Đó là tư tưởng đầu tiên đến với Anruddha.
2. Tư tưởng thứ hai: Tri túc hay bằng lòng với những gì mình có. Sự thành tựu giáo pháp chỉ đạt được với người biết hài lòng với những gì mình đã có. Sự thành tựu giáo pháp không đến với người không hài lòng hay bất mãn. Giáo pháp, đạo quả chỉ có thể thành tựu bởi những người biết hài lòng. Biết hài lòng là một đặc tính tốt đẹp. Biết hài lòng có nghĩa là hài lòng với những gì đã có, hài lòng với những gì mình nhận được. Nếu bạn có một vật gì đó thì bạn hãy hoan hỷ và bằng lòng với vật đó. Đừng mong muốn vật khác. Khi có ai cho bạn vật gì, bạn phải vừa lòng với vật đó. Đừng nói ‘tôi không muốn cái này, hãy cho tôi cái kia’, hay ‘tôi muốn cái kia, tôi không muốn cái này’. Đó là thái độ không hài lòng, là tham. Thiền sinh phải hài lòng với những gì mình gặt hái được cũng như với những gì mình có. Chỉ những người biết hài lòng mới có thể thành tựu giáo pháp, giác ngộ, đạo quả. Hài lòng là một đặc tính tốt đẹp lớn lao. Đó là đặc tính đòi hỏi các thiền sinh và các nhà Sư phải có.
3. Tư tưởng thứ ba: Thích ẩn cư. Sự giác ngộ Đạo, Quả, Niết Bàn chỉ đạt được đối với người thích ẩn cư, không thể thành tựu đối với người thích quần tụ. Có ba loại ẩn cư: thân ẩn cư, tâm ẩn cư và tị phiền não ẩn cư. Đến một nơi thanh tịnh để hành thiền, đó là điều tốt. Hành thiền trong thành phố rất khó vì có nhiều tiếng động ồn ào. Nếu chọn được một nơi an tịnh ít tiếng động, ít gặp những cảnh dễ làm ta phóng tâm, thì đó là nơi để cho thân ẩn cư. Một nơi an tịnh rất thích hợp cho việc hành thiền. Tuy nhiên, đối với một số người lúc đầu rất khó sống ẩn cư. Một thiền sinh có lần đến than phiền với tôi: “Ở đây im lặng quá rất ít những điều làm phóng tâm. Chúng ta cần phải tạo ra những gì dễ làm thiền sinh phóng tâm để thiền sinh đương đầu với chúng”. Có lẽ một số thiền sinh quen với chỗ ồn ào, náo nhiệt nên cảm thấy thật khó chịu khi ẩn cư nơi yên tĩnh, vắng lặng.
Chỗ tốt nhất để hành thiền là chỗ yên lặng và ít người lui tới, không bị muỗi mòng, côn trùng quấy nhiễu, có đủ chỗ để đi kinh hành, có chỗ ngủ đơn giản sạch sẽ. Trong một nơi như thế mà bạn hành thiền không tiến bộ thì chỉ mình bạn mới là người đáng trách chứ không phải hoàn cảnh hay nơi chốn ẩn cư. Theo chú giải: tâm ẩn cư là hành thiền cho đến khi đạt được các tầng thiền. Chỉ khi nào tâm nhập trong thiền thì tâm mới ẩn cư khỏi các phiền não trong một thời gian dài. Tâm ẩn cư là một bước rất tốt đẹp, nhưng chưa đủ. Bạn cần đi thêm một bước xa hơn là thực hành Thiền Minh Sát. Khi bạn hành Thiền Minh Sát một cách tốt đẹp, và giác ngộ đạo quả thì tâm sẽ giải thoát khỏi tất cả mọi phiền não. Đó gọi là giai đoạn “tị phiền não ẩn cư”.
Chúng ta ít nhất cũng phải có được thân ẩn cư và tâm ẩn cư, và cuối cùng ta có thể giác ngộ đạo quả, thành tựu giáo pháp. Giáo pháp không thể đạt được đối với người thích quần tụ. Quần tụ ở đây có hai nghĩa: Quần tụ với người khác, và Quần tụ với phiền não.
Chúng ta có thể tránh quần tụ với người khác bằng cách đi vào một nơi ẩn cư vắng lặng, không có ai chung quanh, nhưng tâm chúng ta lại đầy tham ái dính mắc. Như vậy mặc dầu chúng ta ở giữa rừng sâu, nhưng tâm bị phiền não quấy rầy thì cũng chưa phải là ẩn cư. Giáo pháp không thể được thành tựu đối với những người thích quần tụ với người khác, thích nhiều hoạt động với người khác, thích những tư tưởng thế tục, tâm đầy phiền não. Giáo pháp không thể thành tựu đối với những người như vậy.
4. Tư tưởng thứ tư: Tinh tấn. Sự thành tựu giáo pháp chỉ đến với người tinh tấn. Sự thành tựu giáo pháp không đến với người làm biếng. Chỉ có người tinh tấn mới đạt thành đạo quả. Việc hành thiền đòi hỏi phải có nỗ lực tinh tấn. Không tinh tấn thì không thể giữ tâm trên đề mục. Như vậy sẽ không có Chánh Niệm. Không có Chánh Niệm thì không có Định tâm và kết quả là không có Trí Tuệ hay không có sự xuyên thấu vào sự vật.
Tinh tấn là một yếu tố quan trọng trong việc hành thiền. Tinh tấn bao gồm cả hai phương diện thể chất lẫn tinh thần. Nhờ tinh tấn thể chất, bạn mới có thể ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng và mới có thể thực tập kinh hành. Nhờ tinh tấn tinh thần tâm mới ở thường trực trên đề mục hiện tại.
Trong việc hành thiền cần có đủ cả tinh tấn thể chất lẫn tinh tấn tinh thần. Chỉ người tinh tấn mới thành tựu đạo quả, người chây lười biếng nhác không thể thành tựu pháp cao thượng. Lười biếng hành thiền có thể do ở chỗ thiếu thỏa thích trong việc hành thiền. Lười biếng cũng có thể do ở việc thực hành nữa: Khi việc hành thiền không tiến triển tốt đẹp; khi bạn không thể tập trung tâm ý; khi bạn không đạt kết quả tốt trong việc hành thiền, bạn trở nên thất vọng và buồn chán. Điều này có thể khiến bạn làm biếng, không muốn hành thiền, nhiều khi còn muốn từ bỏ hết việc hành thiền nữa. Lười biếng là một chướng ngại, là một hiểm nguy trong việc hành thiền. Bởi vậy cần phải loại trừ tâm lười biếng ngay khi nó vừa khởi sinh.
Có thể loại trừ tư tưởng chây lười, biếng nhác trong việc hành thiền bằng cách suy tư đến những lợi ích do việc hành thiền đem lại. Khi Chánh Niệm ghi nhận đề mục hiện tại, tâm bạn an lạc tĩnh lặng. Sự an lạc tĩnh lặng này là kết quả trực tiếp của việc hành thiền. Còn rất nhiều lợi ích khác, bao gồm việc bạn có đủ khả năng, can đảm và nghị lực để đương đầu với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Lợi ích tối thượng của thiền sinh là thoát khỏi mọi phiền não. Nghĩ đến những lợi ích của việc hành thiền sẽ khích lệ bạn tinh tấn nhiều hơn. Bạn có thể tự nhủ: nếu mất cơ hội hành thiền này ta sẽ tiếc nuối về sau, người nào bỏ lỡ cơ hội này sẽ đau khổ trong tương lai.
Bạn có thể khích lệ tâm mình bằng cách đọc kinh sách. Trong kinh Pháp cú có những câu khích lệ sự tinh tấn của bạn, nhất là lúc bạn đang bị sự chây lười, biếng nhác chi phối khiến bạn chẳng muốn hành thiền. Một câu Pháp Cú nói: “Đừng bỏ qua cơ hội này. Người nào bỏ qua cơ hội này sẽ sầu muộn, đau khổ vì phải sinh vào cõi Địa Ngục”. Ngay khi không bị sinh vào Địa Ngục, bạn cũng sẽ âu sầu, phiền muộn khi bỏ qua dịp này. Trong một câu khác, Đức Phật dạy: “Sống một trăm năm chây lười biếng nhác, không bằng sống một ngày tinh tấn cần chuyên”. Trăm năm biếng nhác không đổi được một ngày tinh tấn. Suy tư như vậy sẽ là động cơ thúc đẩy bạn hành thiền.
Giáo Pháp không thể thành tựu đến người chây lười biếng nhác, đến người không cố gắng hành thiền, và đến người không chịu hành thiền. Giáo Pháp chỉ thành tựu đến người nỗ lực tinh tấn hành thiền.
5. Tư tưởng thứ năm: Chánh Niệm. Sự thành tựu giáo pháp chỉ thành tựu đến người có tâm Chánh Niệm (người hành Thiền Minh Sát). Giáo pháp không thành tựu đến người thất niệm (người không hành thiền, người không Chánh Niệm, người biếng nhác). Thiền sinh phải hành thiền một cách tinh tấn, chánh niệm để đạt kết quả tốt đẹp, đó là chứng ngộ đạo quả. Nếu không hành thiền chúng ta sẽ không có chút hi vọng nào giải thoát khỏi các phiền não, và do đó không thể thoát khỏi khổ đau.
Muốn thiết lập chánh niệm vững chắc, chúng ta chỉ cần làm một điều thôi, đó là chú tâm chánh niệm một cách đúng đắn. Ngoài Chánh Niệm ra, không có con đường nào khác để phát triển Trí Tuệ. Nhờ thực tập Chánh Niệm chúng ta sẽ đạt được Chánh Niệm vững chắc, sâu xa và xuyên suốt. Chính Chánh Niệm là nhân của Chánh Niệm. Chánh Niệm trước vun bồi khiến Chánh Niệm sau mạnh mẽ hơn và đưa đến sự tập trung tâm ý một cách tốt đẹp. Sự tập trung tâm ý tốt đẹp đó là tâm Định. Như vậy, giáo pháp chỉ thành tựu với người thực hành chánh niệm. Giáo pháp không thể thành tựu với người thiếu chánh niệm, người không thực hành chánh niệm.
6. Tư tưởng thứ sáu: Chánh Định. Giáo pháp chỉ thành tựu đến người có Định Tâm. Giáo pháp không thành tựu đến người có tâm tán loạn. Một điều chúng ta thấy rõ là người có tâm tán loạn không thể nào thành tựu giáo pháp. Muốn thành tựu giáo pháp phải có sự tập trung tâm ý. Chỉ khi nào có Định Tâm lúc ấy mới có Trí Tuệ; điều này có nghĩa là có sự hiểu biết sáng suốt, xuyên thấu vào sự vật để thấy rõ bản chất thật sự của sự vật. Đức Phật đã dạy: “Này các thầy tỳ khưu, hãy tinh tấn thực hành pháp định tâm. Khi tâm định tốt đẹp các thầy sẽ thấy rõ bản chất thật sự của mọi sự vật”.
Định Tâm là một yếu tố thiết yếu trong việc thực hành Thiền Minh Sát. Định Tâm phải được Chánh Niệm hỗ trợ, và Chánh Niệm phải được Tinh Tấn hỗ trợ. Do tích cực tinh tấn, bạn có thể giữ tâm mình trên đề mục, theo dõi đề mục. Khi tâm bạn đã nằm vững chắc trên đề mục thì đó là lúc Định Tâm đến. Một khi đã có được Định Tâm, an tịnh, tĩnh lặng; tâm sẽ ở trên đề mục một thời gian đủ dài, lúc bấy giờ, Trí Tuệ, sự hiểu biết đề mục, sẽ tự động đến. Giáo pháp chỉ thành tựu đến những người có Định Tâm; giáo pháp không thể thành tựu đến những người có tâm lang bạt phóng túng.
7. Tư tưởng thứ bảy: Trí Tuệ. Giáo pháp chỉ thành tựu đến những người có Trí Tuệ. Theo chú giải, người sáng suốt hay người có Trí Tuệ có nghĩa là người có sự hiểu biết về nghiệp báo, biết rằng nghiệp là gia tài, là của thừa kế của mình. Điều này có nghĩa là có sự tin tưởng vào luật nghiệp báo, có sự hiểu biết về luật nhân quả. Chỉ những người có sự hiểu biết căn bản này mới có thể hành thiền đạt được kết quả, thấy rõ giáo pháp. Giáo pháp chỉ dành cho người có sự sáng suốt, cho người có sự hiểu biết luật nghiệp báo, nhân quả. Giáo pháp không thể thành tựu đến những người không hiểu biết điều này.
Đó là bảy tư tưởng đã xuất hiện trong tâm của Đại Đức Anuruddha trong khi đang ngồi dưới bóng mát của khóm trúc. Trong khi đó, Đức Phật đang ở chỗ ngụ của mình hiểu được những tư tưởng của học trò, bèn đến giúp Đại Đức Anuruddha và nói: “Này Anuruddha! Con có những suy nghĩ như vậy là đúng lắm, tốt lắm; nhưng cần thêm một điều nữa”.
Và Đức Phật đã thêm vào tư tưởng số tám, đó là:
8. Hướng đến giải thoát, Niết Bàn. Đức Phật dạy Đại Đức Anuruddha: “Giáo pháp hay đạo quả Niết Bàn chỉ có thể thành tựu bởi người có tâm mong muốn, thích thú trong Niết Bàn”.
Đức Phật dùng chữ Papañca trong câu nói của Ngài: “Giáo pháp hay đạo quả Niết Bàn chỉ có thể thành tựu bởi người có tâm mong muốn thoát khỏi những trạng thái Papañca (mở rộng)”. Papañca có nghĩa là Tham Ái, Tà Kiến và Mạn (so sánh hơn thua). Papañca còn có nghĩa là nới rộng, bành trướng, làm cho lớn hơn, làm cho dài hơn. Bao lâu chúng ta còn có Tham Ái, còn hiểu biết sai lầm (Tà Kiến), còn Ngã Mạn, bấy lâu chúng ta còn luân lưu trong vòng tái sinh. Do còn Tham Ái, Tà Kiến và Mạn nên chúng ta sẽ lang thang trong vòng luân hồi nhiều lần, nhiều lần nữa. Đó là vì chúng ta muốn kéo dài sự luân lưu. Bởi thế chúng ta được gọi là ở trong trạng thái Papañca, là trạng thái bành trướng hay kéo dài. Một khi, đã thoát khỏi trạng thái Papañca nghĩa là thoát khỏi Tham Ái, Tà Kiến và Mạn thì đó là Niết Bàn; có nghĩa là người thích thú giải thoát, Niết Bàn. Chỉ những người có sự thích thú giải thoát, Niết Bàn, có sự nỗ lực thực hành mới có thể đạt được giáo pháp cao thượng, đạo, quả và Niết Bàn. Đạo quả và Niết Bàn không thể đến được với người còn có tư tưởng muốn luân lưu vòng sinh tử.
Trong thực hành, muốn hướng đến Niết Bàn, chúng ta phải hướng tâm đến sự vô thường, sự sinh diệt, sự tan biến của mọi sự vật. Có thấy được thế gian vô thường, có thấy rõ mọi sự vật đều không vững bền đến rồi đi và đang ở trạng thái hoại diệt thì ta mới ý thức được rằng chẳng có gì trên thế gian này có tầm quan trọng đến nỗi ta phải tham luyến dính mắc vào. Thấy được như thế, hiểu được như thế thì Tham Ái, Tà Kiến, Mạn mới vắng bóng, và đó mới là Niết Bàn.
Tư tưởng thứ tám là tư tưởng quan trọng nhất. Bảy tư tưởng đầu tiên là những điều kiện hay những yếu tố tiên quyết trong việc hành thiền, nhưng bảy yếu tố này chỉ đóng vai trò như những dụng cụ hay phương tiện thôi chứ chúng không phải là cứu cánh hay mục tiêu tối hậu của việc hành thiền. Hành thiền Huệ hay thiền Minh Sát là nhằm mục đích giải thoát hay loại trừ phiền não tham, sân, si mà muốn loại trừ các phiền não này thì phải loại trừ nguyên nhân của chúng. Nguyên nhân của tham ái, chấp thủ, si mê là đánh giá sai lầm hay hiểu lầm giá trị của đối tượng mà ta đang tham ái, chấp giữ; cho rằng chúng thường còn, đáng yêu, thuộc quyền làm chủ của chúng ta, trong khi đó chúng là vô thường, khổ, và không làm chủ được. (Như Kinh Giới hạnh và kinh Hiểu Biết đã nói: Một vị tỳ khưu có giới hạnh và hiểu biết cần phải thận trọng chú tâm theo dõi quán sát năm uẩn thủ để thấy chúng là Vô thường, Khổ, Bệnh tật, Ung nhọt, Mũi nhọn, Khốn cùng, Đau xót, Nằm ngoài, Hủy hoại, Trống rỗng, và Vô ngã (không có cốt lõi) để đạt Đạo và Quả từ Tu Đà Hoàn đến A La Hán, giải thoát, Niết Bàn. Do đó, người hành thiền phải hướng tâm đến Giải thoát Niết Bàn hay hướng đến việc thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã.
Sau khi thêm tư tưởng thứ tám vào bảy tư tưởng của Đại Đức Anuruddha, Đức Phật trở về chỗ ngụ của mình và giảng giải tám tư tưởng này cho các thầy tỳ khưu. Tám tư tưởng này được gọi là “Tám Điều Suy Tưởng của Bậc Đại Nhân”.
Đại Đức Anuruddha tiếp tục hành thiền theo lời hướng dẫn của Đức Phật, hướng tâm đến Niết Bàn, đến sự giải thoát, khởi đầu là hướng tâm đến sự vô thường, sinh diệt, không hướng tâm đến Tham, Tà Kiến, Mạn cũng không hướng tâm đến việc loại trừ Tham, Tà Kiến, Mạn. Chẳng bao lâu sau Đại Đức Anuruddha đắc quả A La Hán.
Các thiền sinh nên học hỏi và thực hành tám tư tưởng của bậc đại nhân này. Có nghĩa là thiền sinh phải:
1. Thiểu dục (ít tham muốn).
2. Tri túc (biết đủ), bằng lòng với những gì đã có và những gì đã nhận được.
3. Sống ẩn cư, cả tâm ẩn cư lẫn thân ẩn cư.
4. Tinh tấn.
5. Chánh niệm vào những gì đang khởi sinh trong giây phút hiện tại.
6. Định tâm.
7. Có Trí Tuệ, hiểu biết căn bản về luật nhân quả và nghiệp báo.
8. Hướng đến giải thoát, Niết Bàn, tức là hướng tâm vào sự vô thường, sự sinh diệt của các pháp; không thích thú trong Tham Ái, Tà Kiến và Mạn. Đó là không thích thú trong các việc bất thiện nhờ luôn luôn luôn hướng tâm vào sự vô thường của tất cả sự vật.
Những sự hướng dẫn thực hành này giúp cho việc hành thiền được mạnh mẽ, và tiến triển tốt đẹp. Khi sự tiến triển bị ngăn chận thì hãy nhớ rằng: Người có nhiều phiền não bất thiện không thấy được chính nó và cũng không thấy được đạo quả một cách rõ ràng.
Trong lúc hành thiền, có hai trường hợp hay hai pháp làm cản trở việc giác ngộ là: tự cao ngã mạn và thối chí ngã lòng. Nếu tự cao ngã mạn và thối chí ngã lòng xuất hiện thì hãy đến gặp một vị thầy đủ thẩm quyền để xin lời khuyên bảo của vị thầy như Đại Đức Anuruddha đã làm.
Cầu mong các bạn tinh tấn thực hành, thanh lọc tâm tốt đẹp, dẫn đến Niết Bàn.

(Trích “Hiểu Biết Trọn Vẹn”, Hòa Thượng Sīlānanda giảng, Sư Khánh Hỷ soạn dịch)
--
http://mdhammika.blogspot.de/2015/05/tam-ieu-suy-tuong-cua-bac-ai-nhan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét