1.
Trung Bộ KinhMajjhima Nikaya
37. Tiểu kinh Ðoạn tận ái
(Cùlatanhàsankhaya sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatu).
Rồi Thiên chủ Sakka đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Thiên chủ Sakka đứng một bên, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, nói một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?
-- Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp". Này Thiên chủ, nếu Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp", vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-Kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người.
Rồi Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết giảng, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ. Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền liên) ngồi cách Thế Tôn không xa. Rồi Tôn giả Maha Moggallana suy nghĩ: "Không hiểu Dạ-xoa (Yakkaha) kia, sau khi hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, có tín thọ hay không? Ta hãy tìm biết Dạ- xoa kia, sau khi hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, có tín thọ hay không?"
Rồi Tôn giả Maha Moggallana, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất ở Ðông Viên Lộc Mẫu giảng đường và hiện ra ở giữa chư thiên cõi trời Ba mươi ba.
Lúc bấy giờ Thiên chủ Sakka, với đầy đủ năm trăm nhạc khí chư thiên, đang vui chơi tại vườn Nhất bạch liên. Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Maha Moggallana từ xa đến, bảo năm trăm nhạc khí chư thiên dừng nghỉ, đi đến Tôn giả Maha Moggallana, sau khi đến, thưa với Tôn giả Maha Moggallana: "Hãy đến đây, Thiện hữu Moggallana; thiện lai, Thiện hữu Moggallana! Này Thiện Hữu Moggallana, lâu lắm Thiện hữu mới có dịp đến đây. Hãy ngồi, Thiện hữu Moggallana, trên chỗ đã soạn sẵn".
Tôn giả Mahamoggallana, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Còn Thiên chủ Sakka lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Mahamoggallana nói với Thiên chủ Sakka đang ngồi xuống một bên:
-- Này Kosiya, về lời thuyết giảng mà Thế Tôn đã nói cho Ông một cách tóm tắt, thật tốt lành cho chúng tôi, nếu được nghe chỉ một phần lời thuyết giảng ấy.
-- Thiện hữu Moggallana, chúng tôi bận nhiều công việc, chúng tôi có nhiều việc phải làm, việc làm cho chúng tôi và việc làm cho chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Lại nữa, này Thiện hữu Moggallana, lời thuyết giảng ấy được khéo nghe, khéo nắm vững , khéo suy tư, khéo thẩm lự nên không thể mau quên được. Này Thiện hữu Moggallana, xưa kia phát khởi chiến tranh giữa chư Thiên và chúng Asura (A-tu-la). Này Thiện hữu Moggallana, trong trận chiến này, chư Thiên thắng, chúng Asura bại. Này thiện hữu Moggallana, sau khi thắng trận chiến ấy và nhân dịp thắng trận, chúng tôi, sau khi trở về, cho xây dựng một lâu đài tên là Vejayanta (Tối Thắng Ðiện). Này Thiện hữu Moggallana, lâu đài Vejayanta có đến một trăm vọng tháp, trong mỗi vọng tháp có bảy ngôi nhà có hình tam giác, trong mỗi nhà tam giác có bảy tiên nữ, và mỗi tiên nữ có đến bảy thị nữ. Này thiện hữu Moggallana, Thiện hữu có muốn xem những điều khả ái của lâu đài Vejayanta không?
Tôn giả Maha Moggallana im lặng nhận lời. Rồi Thiên chủ Sakka cùng với đại vương Vessavana để Tôn giả Maha Moggallana đi trước và đi đến lâu đài Vejayanta. Các thị nữ của Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Maha Moggallana đi từ xa đến, sau khi thấy, liền hổ thẹn, bẽn lẽn, rồi bước vào phòng của mình. Ví như cô dâu khi thấy cha chồng liền hổ thẹn, bẽn lẽn; cũng như vậy, các thị nữ của Thiên chủ Sakka, khi thấy Tôn giả Maha Moggallana liền hổ thẹn, bẽn lẽn, vào phòng riêng của mình.
Rồi Thiên chủ Sakka và đại vương Vessavana đưa Tôn giả Maha Moggallana đi thăm và xem khắp lâu đài Vejayanta: "Này Thiện hữu Moggallana, xem điều khả ái này của lâu đài Vejayanta; xem điều khả ái này của lâu đài Vejayanta. Cái này chói sáng nhờ các công đức do Tôn giả Kosiya đã làm thời xưa; và loài Người, khi thấy cái gì khả ái liền nói: 'Thật sự, cái này chói sáng từ chư thiên cõi trời Ba mươi ba. Cái này chói sáng nhờ các công đức do Tôn giả Kosiya đã làm thời xưa'".
Rồi Tôn giả Maha Moggallana suy nghĩ: "Dạ-xoa này sống phóng dật một cách quá đáng. Ta hãy làm cho vị này hoảng sợ". Tôn giả Maha Moggallana liền thị hiện thần thông lực, dùng ngón chân cái làm cho lầu Vejayanta rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Thiên chủ Sakka, đại vương Sessavana và chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba, tâm cảm thấy kỳ diệu, hy hữu: "Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay đại thần thông lực, đại oai lực của Tôn giả Sa-môn! Với ngón chân cái, vị này làm cho thiên cung này rung động, chuyển động, chấn động mạnh!"
Tôn giả Mahamoggallana sau khi biết Thiên chủ Sakka đã hoảng sợ, lông tóc dựng ngược liền nói với Thiên chủ Sakka:
-- Này Kosiya, về lời thuyết giảng mà Thế Tôn đã nói cho Ông một cách tóm tắt, thật tốt lành cho chúng tôi, nếu được nghe chỉ một phần lời thuyết giảng ấy.
-- Ở đây, này Thiện hữu Moggallana, tôi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Này Thiện hữu Moggallana, sau khi đứng một bên, tôi bạch với Thế Tôn như sau:
"-- Bạch Thế Tôn, một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo là ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?
Khi nghe nói vậy, này Thiện hữu Moggallana, Thế Tôn nói với tôi như sau:
"-- Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp"". Vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp". Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não; do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". "Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người".
Như vậy, này Thiện hữu Moggallana, Thế Tôn nói một cách tóm tắt cho tôi về ái tận giải thoát. "
Rồi Tôn giả Maha Moggallana, sau khi hoan hỷ, tín cho lời Thiên chủ Sakka nói, như một nhà lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất giữa chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba, và hiện ra tại Ðông Viên Lộc Mẫu giảng đường.
Sau khi Tôn giả Mahamoggallana đi chẳng bao lâu, các thị nữ của Thiên chủ Sakka nói với Thiên chủ Sakka như sau:
-- Thưa Thiên chủ, có phải vị ấy là Thế Tôn, bậc Ðạo sư của Thiên chủ?
-- Không, vị ấy không phải là Thế Tôn, bậc Ðạo Sư của ta. Vị ấy là đồng phạm hạnh với ta, Tôn giả Maha Moggallana.
-- Thưa Thiên chủ, thật là điều tốt lành cho Thiên chủ, có một vị đồng phạm hạnh có đại thần thông, có đại oai lực như vậy. Chắc chắn vị ấy là Thế Tôn, bậc Ðạo Sư của Thiên chủ.
Rồi Tôn giả Maha Moggallana đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Maha Moggallana bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết chăng, Thế Tôn vừa mới nói về ái tận giải thoát một cách tóm tắt cho một Dạ-xoa có đại oai lực?
-- Này Moggallana, Ta biết. Ở đây, Thiên chủ Sakka đến tại chỗ Ta ở, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, này Moggallana, Thiên chủ Sakka bạch với Ta:
"-- Bạch Thế Tôn, nói một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?
Khi nghe nói vậy, này Maha Moggallana, Ta nói với Thiên chủ Sakka:
"-- Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp". Này Thiên chủ, nếu Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng nếu có thiên vị đối với tất cả pháp". Vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy nên không chấp trước một vật gì ở đời. Do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn, khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người".
Như vậy, này Moggallana, Ta biết Ta vừa nói một cách tóm tắt về ái tận giải thoát cho Thiên chủ Sakka."
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Maha Moggallana hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung37.htm
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung37.htm
Cau hoi:
1.
- Bạch Thế Tôn, nói một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?
Trời Đế thích hỏi Phật:
Tỳ kheo làm thế nào
Đạt cứu cánh phạm hạnh
Giải thoát mọi khát ái.
Phật trả lời Đế thích:
Tỳ kheo được giảng giải
Trong tất cả các pháp
Không gì đáng chấp thủ
Vì tất cả các pháp
Vô thường, vô ngã, khổ.
Khi tuệ tri như vậy
Cảm thọ nào khởi lên
Lạc, khổ hay trung tính
Vị ấy quán ngay liền:
Tánh vô thường, ly tham,
Tánh đoạn diệt, từ bỏ
Đối với cảm thọ ấy.
Nhờ vậy không chấp trước;
Nên không có phiền não,
Chứng giải thoát, niết bàn.
Tuệ tri: "Sinh đã tận
Phạm hạnh đã viên thành
Việc cần làm đã làm
Một đi không trở lại."
Tỳ kheo được như vậy
Đạt vô thượng an ổn.
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-04.htm
2. HT THICH CHON THIEN GIANG:
4.4: Kinh 37, Đoạn tận ái, Thế Tôn giảng tóm tắt cho Thiên chủ Sakka đang say đắm hưởng thụ Thiên lạc. Kinh 38, kinh dài Đoạn tận ái giảng cho Tỷ kheo Sati và chúng Tỷ kheo nhân sự kiện Tỷ kheo Sati hiểu sai về lời dạy của Thế Tôn về Thức, cho rằng Thức là luân chuyển nhưng bất biến ...với các tà kiến ấy, Sati không thể phát triển được trí tuệ, không thể đoạn trừ ái, thủ.
Kinh số 37
Kinh Ngắn: Ðoạn Tận Ái(Cùlatanhàsankhayasuttam)
- Lesser Discourse On The Destruction Of Craving -
- Lesser Discourse On The Destruction Of Craving -
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
- Lộc Mẫu giảng đường: (Migàramàtu)
. Migàra là tên của một đại phú gia đương thời.
. Màtu: mẹ; Miga: con nai: lộc.
. Migàramàtu: Mẹ của Migàra.
. Giảng đường nầy do ông đại phú Migà, vốn là tín đồ đạo lõa thể, lập lên để dâng cúng Thế Tôn.
Nguyên Visakhà là cô gái nghe Thế Tôn thuyết pháp chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh trở thành đại tín nữ của Thế Tôn. Gia đình Visakhà theo Thế Tôn, rất giàu có, hứa gả Visakhà cho con trai của Migà. Cả dòng họ Migà chống đối Thế Tôn và Tăng già đòi hủy hôn ước. Sau đó tìm cách vu khống Visakhà ngoại tình, nhân vì một đêm khuya Visakhà cùng mấy gia nhân cứu một gã đàn ông bị thương cạnh nhà. Visakhà đã tự mình lập luận chứng minh mình vô tội, và chứng minh rằng gia đình, dòng họ chồng cố ý vu khống, đồng thời nói đạo lý cho Migà nghe. Migà bừng ngộ, xin lỗi nàng và trân trọng xem nàng như là mẹ của mình, người đã sinh thân huệ mạng của mình. Để tỏ lòng biết ơn dâu quý, nàng Visakhà, ông Migà lập một giảng đường lớn để tên là "Giảng đường Mẹ của Migà" và dâng cúng Thế Tôn.
Lộc mẫu giảng đường là một trong ba Tăng xá lớn của Giáo Hội của Thế Tôn: Lộc mẫu giảng đường, Tịnh Xá Cấp Cô Độc và Trúc Lâm Tịnh Xá (do vua Tần-ba-sa-la cúng).
II. NỘI DUNG KINH NGẮN ĐOẠN TẬN ÁI
1. Tại Lộc mẫu giảng đường, thành Xá vệ, một hôm thiên chủ Sakka, vua cõi trời 33, yết kiến Thế Tôn và bạch hỏi:
"Đến mức độ nào, một Tỷ kheo ái tận giải thoát, ....., cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người? "
Đức Thế Tôn dạy:
"Một vị Tỷ kheo sau khi biết rõ các pháp, vị ấy biết rốt ráo tất cả pháp. Nếu có một cảm thọ nào, lạc, khổ, bất lạc bất khổ, vị ấy sống quán tánh vô thường, tánh tan rã, tánh hoại diệt, tánh xả lytrong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ quán như thế nên không chấp trước một vật gì ở đời, không phiền não, chứng đạt Niết-bàn..."
2. Tôn giả Mục-Kiền liên ngồi gần nghe được câu chuyện đạo và có lẽ biết Sakka chỉ đặt câu hỏi chiếu lệ vì kiến thức, mà không vì thực hành để giải thoát, nên đã xuất hiện ở cõi trời 33 để nhắc nhở thiên chủ Sakka.
Chứng kiến cảnh sống hưởng thụ quá mức của Sakka, tôn giả đã thị hiện đại thần thông làm rung động "Tối thắng điện " của cung Trời khiến thiên chủ Sakka hoảng hốt chịu nghiêm túc thuật lại lời dạy của Thế Tôn cho Tôn giả nghe. Làm thế, Tôn giả chỉ giúp cho thiên chủ không phải chỉ hoan hỷ nghe, mà còn phải tín thọ và phụng hành nữa.
3. Trở về lại Lộc mẫu giảng đường, tôn giả bạch Thế Tôn: "Thế Tôn có biết chăng Thế Tôn vừa dạy tóm tắt "Ái tận giải thoát" cho một dạ-xoa (yakka) có đại oai lực?"
Đức Thế Tôn xác nhận Thế Tôn biết và chỉ nói tóm tắt, hàm ý là Thế Tôn biết Thiên chủ tâm chưa sẵn sàng tín thọ, phụng hành, nên chỉ nói tóm tắt.
III. BÀN THÊM
1. Thái độ sống của thiên chủ Sakka:
- Thiên chủ đến học Pháp từ Thế Tôn với thái độ thiếu nghiêm túc, do vì đắm chìm và hưởng thụ lạc thú ở cung trời 33, lòng không thiết tha đến giải thoát.
- Thái độ hầu như biểu lộ một chút "ba hoa", khoe khoang ở cung trời rằng "Thế Tôn là bậc đạo sư của Thiên Chủ" để "tô điểm" oai lực của mình. Cái cung cách giới thiệu với chư Thiên: "Tôn giả Mục-Kiền liên là bạn đồng phạm hạnh" cũng thế. Hệt như tâm lý người đời muốn khoe khoang mình quen thân "ông lớn" nầy, nọ...
2. Thái độ giáo dục của đại tôn giả Mục-Kiền-liên:
Tôn giả đã thị hiện về cung trời 33, hiển đại thần thông để cảnh cáo vua trời Sakka về thái độ sống phóng dật của người.
Hầu như sinh thời, tôn giả vẫn thường cảnh cáo đủ các hạng người đến với Thế Tôn, với Tăng già với thái độ thiếu thành thật, không thật, kiêu căng, ngã mạn, tự cao v.v... và thường để lại bài học nhớ đời, "thắm-nghĩa-tình".
Phương chi, ngoại đạo luôn tìm cách để ám hại tôn giả, oán hờn tôn giả. Nhưng, đấy là "vai trò" của đại tôn giả, vai trò tự nguyện để bảo vệ "trang nghiêm" của Giáo Hội.
--
3. NS TN TRI HAI
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 37
Tiểu kinh đoạn tận ái
I. TOÁT YẾUCùlatanhàsankhaya Sutta - The shorter discourse on the destruction of craving.
The venerable Mahà Moggallàna overhears the Buddha give a brief explanation to Sakka, ruler of gods, as to how a bhikkhu is liberated through the destruction of craving. Wishing to know if Sakka understood the meaning, he makes a trip to the heaven of the Thirty-three to find out.
Bản kinh ngắn về sự diệt ái.
Tôn giả Mục kiền liên nghe lỏm một bài kinh ngắn Phật giảng cho Đế thích thiên chủ, làm thế nào một tỳ kheo giải thoát nhờ diệt ái. Vì muốn biết Thiên chủ có hiểu được ý nghĩa lời dạy ấy không, tôn giả Mục Liên lên đến cõi trời 33 để tìm hiểu.II. TÓM TẮTThiên chủ Đế thích đến xin Phật giảng vắn tắt thế nào là một tỳ kheo ái tận giải thoát, thành tựu mụcđích của đời sống phạm hạnh. Phật dạy, sau khi tỳ kheo được nghe rằng không có gì đáng chấp thủ, vị ấy biết rõ tất cả pháp, biết một cách rốt ráo, và nhờ biết rốt ráo tất cả pháp, mỗi khi một cảm thọ khởi lên, thuộc loại lạc, khổ hay bất khổ bất lạc, vị ấy đều quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ. Do quán như vậy, vị ấy không chấp trước, do không chấp trước nên không phiền não, chứng niết bàn. Vị ấy tuệ tri Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.
Đế thích hoan hỷ tín thọ lời Phật dạy rồi biến mất tại chỗ.Tôn giả Mục liên muốn biết Đế thích có tín thọ lời Phật dạy hay không, liền bay lên cõi trời 33, gặpĐế thích đang thụ hưởng thiên lạc với vô số thiên nữ trong lâu đài Vejayanta mà ông xây cất sau khi chiến thắng a tu la. Đế thích rất hãnh diện về thành tích này. Tôn giả hóa phép khiến cho lâu đài bị chấn động, thiên chủ hoảng sợ. Tôn giả yêu cầu thiên chủ nhắc lại lời Phật dạy mà ông đã được nghe. Đế thích lặp lại không sai sót. Tôn giả biến mất ở cõi trời 33, trở về bạch Phật. Phật xác nhận đã giảng cho Đế thích pháp môn giải thoát nhờ đoạn ái.
III. CHÚ GIẢIĐế thích hỏi về giai đoạn tu tập chuẩn bị của tỳ kheo hướng đến quả vị A la hán, do tu tập này mà vị ấy được giải thoát nhờ đoạn diệt ái.
Tất cả pháp ở đây là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới. Chúng được xem là không đáng tham lam chấp thủ [ái và kiến] vì cuối cùng, trên thực tế, chúng hóa ra trái ngược: Chúng được bám víu vì tưởng là thường, lạc và ngã, nhưng kỳ thực là vô thường, khổ, vô ngã. Thánh đệ tử thắng tri chúng là vô thường, khổ, vô ngã, và liễu tri chúng bằng cách đi sâu vào vào sự thực ấy. Quán vô thường, vv. được thực hiện nhờ các loại thắng trí: sinh diệt trí, hoại trí... Vị ấy không chấp thủ - do ái và kiến - vào một hành nào, không bị ái lung lạc, tự thân chứng niết bàn vì đã dập tắt tất cả cấu uế.
Đế thích gọi tôn giả Mục liên là bạn đồng tu phạm hạnh, vì bản thân ông trước kia đã chứng quả Dự lưu - theo kinh Trường bộ số 21, và như vậy trước sau gì ông cũng đạt đến giải thoát như tôn giả.
IV. PHÁP SỐBa thọ: khổ, lạc, bất khổ bất lạc.
Bốn cách quán các pháp: vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ.
V. KỆ TỤNGTỳ kheo làm thế nào
Đạt cứu cánh phạm hạnh
Giải thoát mọi khát ái.
Phật trả lời Đế thích:
Tỳ kheo được giảng giải
Trong tất cả các pháp
Không gì đáng chấp thủ
Vì tất cả các pháp
Vô thường, vô ngã, khổ.
Khi tuệ tri như vậy
Cảm thọ nào khởi lên
Lạc, khổ hay trung tính
Vị ấy quán ngay liền:
Tánh vô thường, ly tham,
Tánh đoạn diệt, từ bỏ
Đối với cảm thọ ấy.
Nhờ vậy không chấp trước;
Nên không có phiền não,
Chứng giải thoát, niết bàn.
Tuệ tri: "Sinh đã tận
Phạm hạnh đã viên thành
Việc cần làm đã làm
Một đi không trở lại."
Tỳ kheo được như vậy
Đạt vô thượng an ổn.
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-04.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét