Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

7. KINH VI DU TAM VAI




Trung Bộ KinhMajjhima Nikaya

7. Kinh Ví dụ tấm vải
(Vatthùpama sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". --"Bạch Thế Tôn", các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác - hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía - vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác - hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những cấu uế của tâm? Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, phẫn là cấu uế của tâm, hận là cấu uế của tâm, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật là cấu uế của tâm.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghĩ rằng: "Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm" và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ tham dục, tà tham cấu uế của tâm; nghĩ rằng: "Sân là cấu uế của tâm", và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ sân, cấu uế của tâm; phẫn... hận... hư ngụy... não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống... ngoan cố... cấp tháo... mạn... quá mạn... kiêu; nghĩ rằng: "Phóng dật là cấu uế của tâm" thì sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ phóng dật, cấu uế của tâm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được: "Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm", tham dục, tà tham cấu uế của tâm được diệt trừ, ... sân... phẫn... hận... hư ngụy... não hại... tật đố... xan tham... man trá... khi cuống... ngoan cố... cấp tháo... mạn... quá mạn... kiêu; khi nào Tỷ-kheo biết được: "Phóng dật là cấu uế của tâm", phóng dật, cấu uế của tâm được diệt trừ, Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật: Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu.
Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
Ðến giai đoạn này, đối với vị ấy có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly. Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Thế Tôn", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.
Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.
Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tăng", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.
Vị ấy tự nghĩ: "Ðến giai đoạn này, đối với Ta, có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.
Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, - nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, nếu bỏ trong nước sạch, trở thành thanh tịnh sạch sẽ, như bỏ vào lò lửa trở thành thanh tịnh sạch sẽ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, - nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác, cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy.
Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... (như trên)... với tâm câu hữu với hỷ... (như trên)... biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.
Vị ấy biết: "Có cái này, có cái hạ liệt, có cái cao thượng, có sự giải thoát vượt qua các tưởng".
Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là Tỷ-kheo đã được tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm.
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja đang ngồi không xa Thế Tôn. Rồi Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja bạch Thế Tôn:
-- Tôn giả Gotama có đi đến sông Bahuka để tắm rửa không?
-- Này Bà-la-môn, sông Bahuka là gì? Sông Bahuka có làm được lợi ích gì?
-- Tôn giả Gotama, sông Bahuka được nhiều người xem là có khả năng giải thoát. Tôn giả Gotama, sông Bahuka được nhiều người xem là có khả năng đem lại công đức. Và nhiều người đã gội sạch các ác nghiệp trong sông Bahuka.
Rồi Thế Tôn nói lên những bài kệ sau đây cho Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja:
Trong sông Bàhukà
Tại Adhikakkà,
Tại cả sông Gayà
Và Sundarikà,
Tại Sarassatì
Và tại Payàna,
Tại Bàhumatì,
Kẻ ngu dầu thường tắm,
Ác nghiệp không rửa sạch.
Sông Sundarikà
Có thể làm được gì?
Payàga làm gì?
Cả sông Bàhukà?
Không thể rửa nghiệp đen
Của kẻ ác gây tội.
Ðối kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt,
Với kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày lành,
Các tịnh nghiệp thanh tịnh,
Luôn thành tựu thiện hạnh.
Này vị Bà-la-môn,
Chỉ nên tắm ở đây,
Khiến mọi loài chúng sanh,
Ðược sống trong an ổn.
Nếu không nói dối trá,
Nếu không hại chúng sanh,
Không lấy của không cho,
Có lòng tín, không tham,
Ði Gayà làm gì,
Gayà một giếng nước?
Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong con được xuất gia với Tôn giả Gotama! Mong con được thọ đại giới!
Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Trong thời gian ngắn sau khi thọ đại giới, Tôn giả Bharadvaja sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần và không bao lâu sau khi tự thân chứng ngộ với thượng trí, chứng đắc và an trú ngay trong hiện tại, vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Như vậy, Tôn giả Bharadvaja trở thành một vị A-la-hán nữa.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 7

Ví dụ tấm vải
I. TOÁT YẾU
Vatthùpama Sutta - The simile of the cloth.

With a simple simile the Buddha illustrates the difference between a defiled mind and a pure mind.
Bằng một ví dụ đơn giản, Phật nói rõ sự khác nhau giữa một tâm ô nhiễm và một tâm thanh tịnh.II. TÓM TẮT
Cõi xấu ác chờ đợi một tâm ô nhiễm, như một tấm vải dơ đem nhuộm sẽ có màu loang lổ không đẹp. Ngược lại, cõi tốt lành chờ đợi một tâm không ô nhiễm, ví như tấm vải sạch khi nhuộm sẽ có màuđẹp đẽ.

Những cấu uế của tâm là:


- tham, sân, phẫn, hận,
- hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham,
- man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo,
- mạn, quá mạn, ki
êu, phóng dật.

Tỳ kheo nào biết được những cấu uế của tâm để diệt trừ, vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối nơi Phật, Pháp, thánh chúng. Nơi vị ấy có sự từ bỏ, diệt trừ, giải thoát, xả ly, chứng được nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, được sự hân hoan liên hệ đến Pháp. Do hân hoan, có hỷ, do hỷ có khinh an, do khinh an có lạc, do lạc có định. Một vị tỳ kheo có giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, thì dù ăn gạo thơm và các thực phẩm ngon lành cũng không vì vậy mà bị chướng ngại (vì đã dứt lòng tham vị ngon). Vị ấy có thể tu tập các phạm trú từ bi hỷ xả, tu các thiền định, đạt đến tâm giải thoát tuệ giải thoát của bậc A la hán. Tỳ kheo ấy được gọi là đã tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm.
Phật nói câu sau cùng là cốt nhắm đến bà la môn Sundarikabharadvaja ngồi cách Ngài không xa. Quả nhiên ông ta liên tưởng đến nghi lễ tắm sông để tẩy tội trong tín ngưỡng của mình, và hỏi Phật có tắm sông Bahuka không, vì sông này đem lại nhiều công đức. Khi ấy Phật nói lên một bài kệ đại ý rằng, không có sông nào rửa sạch được quả báo nơi kẻ đã tạo ác nghiệp, đã gây tội lỗi; tắm để rửa tội là một tục lệ mê tín. Ðối với người sống thanh tịnh thì ngày nào cũng tốt lành; vậy chỉ nên tắm trong tịnh nghiệp mới được sống an vui.

Bà la môn sau khi nghe kinh này, xin được xuất gia với Phật, và không bao lâu ông chứng thánh quả, thành một bậc A la hán.
III. CHÚ GIẢI
Theo bản Anh, 16 cấu uế là:


1. Covetousness and unrightous greed; 2. ill will; 3. anger; 4. Revenge; 5. contempt; 6. domineering attitude; 7. envy; 8. avarice; 9. deceit; 10. fraude; 11. obstinacy; 12. presumption; 13. conceit; 14. arrogance; 15. vanity; 16. negligence
- tham dục bất chính, ác ý, sân, hận, khinh miệt, thống trị, ngoan cố, tư phụ, kiêu căng, hợm hĩnh, khoe khoang, lơ đễnh.

Sớ giải nói 16 cấu uế trên được từ bỏ tuần tự như sau:


- Dự lưu đạo từ bỏ các cấu uế từ 5 - 10;
- Bất hoàn đạo từ bỏ thêm các cấu uế 2, 3, 4 và 16.
- A la hán đạo từ bỏ nốt sáu cấu uế còn lại.
IV. PHÁP SỐ
Ba lậu: dục, hữu, vô minh.

Ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.

Bốn đôi tám vị: bốn quả sa môn và bốn đạo: Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán.

Bốn phạm trú hay vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả.
V. KỆ TỤNG

1. Như vải dơ đem nhuộm
Sẽ có m
àu không đẹp
Cũng vậy c
õi ác dữ
Chờ đợi tâm cấu uế
Như vải sạch đem nhuộm
Sẽ có m
àu thuần tịnh
Cũng vậy cõi tốt lành
Chờ đợi tâm hiền thiện.

2. Mười sáu cấu uế tâm
Cần biết để tẩy trừ:
T
à tham và giận dữ
Phẫn uất và hiềm hận,
hư ngụy và não hại,
tật đố và xan tham
man trá và khi cuống,
ngoan cố và cấp tháo
ngã mạn và thượng mạn
kiêu căng và phóng dật.



http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-01.htm






中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

8. PHẨM UẾ

93. KINH THỦY TỊNH PHẠM CHÍ[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật đến Uất-bệ-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào lúc mới thành đạo[02].
Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Phạm chí[03] ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Phạm chí từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Phạm chí, Ngài bảo các Tỳ-kheo[04]:
“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm[05] thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
“Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật[06].
“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
“Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch[07], hoặc dùng bột giặt[08] hay dùng nước chắt[09] chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn[10]. Cũng như vậy, nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.
“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
“Ví như cái áo trắng sạch của loại vải dệt ở xứ Ba-la-nại, đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, dùng hoặc tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho thêm sạch cái áo trắng sạch bằng loại vải Ba-la-nại này. Người thợ giặt Ba-la-nại chà xát thật kỹ cho thêm sạch, nhưng cái áo trắng sạch loại vải Ba-la-nại ấy vốn đã sạch lại càng trắng sạch thêm. Cũng vậy, nếu có hai mươi mốt thứ ô uế mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
“Nếu ai biết được tà kiến là ô uế của tâm, sau khi biết liền đoạn trừ. Cũng như vậy, nếu ai biết được tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn; nếu biết phóng dật là tâm uế, sau khi biết liền đoạn trừ.
“Tâm của vị ấy cùng đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Như vậy, cho đến hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới, trùm khắp tất cả cùng đi đôi với lòng từ, không kết, không oán, không giận, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.
“Này Phạm chí, đó là phương pháp gột rửa nội tâm chứ không phải gột rửa ngoại thân”.
Bấy giờ, Phạm chí nói với Thế Tôn:
“Này Cù-đàm, hãy đến sông Đa thủy tắm rửa[11].”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Phạm chí, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì sẽ được những gì?”
Phạm chí trả lời:
“Này Cù-đàm, sông Đa thủy ấy là dấu hiệu trai khiết của thế gian, là dấu hiệu độ thoát, là dấu hiệu phước đức. Cù-đàm, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì được trừ sạch tất cả ác”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng cho Phạm chí nghe:

Diệu hảo thủ Phạm chí [12]
Nếu vào sông Đa Thủy
Là trò chơi kẻ ngu
Không thể sạch nghiệp dữ.
Hảo Thủ, đến sông chi
Sông ấy có nghĩa gì?
Người tạo nghiệp bất thiện
Nước trong nào ích chi!
Người tịnh, không cấu uế,
Người tịnh, thường thuyết giới;
Người tịnh, nghiệp trắng trong;
Thường được thanh tịnh hạnh.
Nếu ông không tạo sát,
Cũng không hay trộm cắp,
Chân thật không điêu ngoa,
Thường chánh niệm, chánh trí;
Phạm chí học như vậy,
Tất cả chúng sanh an.
Phạm chí về nhà chi?
Suối nhà đâu trong sạch.
Phạm chí, ông nên học,
Dùng thiện pháp tẩy sạch.
Cần gì nước bẩn kia,
Chỉ trừ dơ thân thể.
Phạm chí bạch Phật rằng:
Tôi cũng nghĩ như vầy:
Dùng thiện pháp tẩy sạch,
Cần gì nước dơ kia.
Phạm chí nghe Phật dạy,
Trong lòng rất hoan hỷ.
Tức thì lạy chân Phật,
Quy y Phật, Pháp, Tăng.
Phạm chí bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Con nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ ngày nay, trọn đời, con tự quy y cho đến chết”.
Phật thuyết như vậy. Phạm chí Diệu Hảo Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli M.7 Vatthūpama-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.51, No.99 (1185), No.100 (99), No.125 (13.5).
[02] Xem cht.2, Kinh 134. Bản Pāli: Phật tại Xá-vệ.
[03] Thủy Tịnh Phạm chí 水 淨 梵 志. No.51: Kế Thủy Phạm chí; No.99 (1185) không nói tên; No.100 (99): Bà-la-môn thờ lửa; No.125 (13.5): một người Bà-la-môn đang gánh một gánh nặng, đi đến gần Phật. Người Bà-la-môn mà Phật gặp ngay sau khi vừa thành đạo, được nói đến trong Luật tạng Pāli teân laø Huhuṅkajātika.
[04] Sự kiện này hoàn toàn không phù hợp. Khi vừa thành đạo này, Ngài chưa có một đệ tử xuất gia nào cả.
[05] Uế ô ư tâm 穢 污 於 心. Pāli: citassa upakkilesa, ô nhiễm của tâm (hay tùy phiền não của tâm). No.51 và No.125: kết  結.
[06] No.125 (13.5): 21 kết nhiễm tâm: sân, nhuế, hại, thùy miên, điệu hý, nghi, nộ, kỵ, não, tật, tắng, vô tàm, vô quý, huyễn, gian, ngụy, tránh, kiêu mạn, đố, tăng thượng mạn, tham. Liệt kê theo bản Pāli: abhijjhavisamalobho (tham và tà tham), vyāpādo (sân), kodho (phẫn nộ), upanāho (oán hận), makkho (phú tàng hay ngụ thiện), palāso (não hay ác ý, ác cảm), issā (tật đố), macchariyam (xan hay bỏn sẻn), māyā (cuống hay huyễn hoặc), sāṭheyyam (siểm hay gian trá), thambho (ngoan cố hay ngạo mạn), sārambho (cấp tháo hay dễ kích động), māno (mạn), atimāno (quá mạn), mado (kiêu hay say sưa), pamādo (phóng túng hay buông lung). Bản danh sách đầy đủ và giải thích chi tiết, xem Pháp Uẩn Túc Luận 9 (Đại 26, tr.494c).
[07] Thuần hôi 淳 灰; có lẽ nước tro.
[08] Tháo đậu 澡 豆; loại bột giặt do nghiền đậu trộn với vài thứ cây lá.
[09] Thổ tí 土 漬, nước chắt, để thấm qua đất?
[10] No.51 cũng nói không thể giặt sạch như vậy. No.125 (13.5). Pāli: tấm vải dơ thì không thể nhuộm bất cứ màu gì cho đẹp đẽ ra được.
[11] Đa thủy hà 多 水 河. No.99 (1158): Bà-hưu hà. Pāli: Bāhukā.
[12] Diệu hảo thủ Phạm chí 妙 好 首 梵 志?

http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtrung/trungaham093.htm


4.
Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 7
Kinh Ví dụ Tấm vảiVatthùpama sutta- Discourse on the simile of the Cloth
Hòa thượng Thích Chơn Thiện

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮVí dụ tấm vải: với ý nghĩa như tấm vải bẩn khó có thể nhuộm thành màu tinh sạch như ýcũng thế, tâm cấu uế khó có thể tu tập thành tựu phạm hạnh.
Các tâm cấu uế: (tương tự như bản liệt kê ở kinh trưóc).
Sáu đặc tính của giáo lý Phật giáo:
1Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng: Svàkkhàto Bhagavà dhammo (Dhamma is well taught by Lord Buddha): Pháp dạy đúng như sự thật, khế cơ dẫn đến giải thoát.
2. Thiết thực hiện tại: Sanditthiko (it is self-realized): được tự thể nhận .
3. Vượt thời gian: Akàliko (Timeless): đúng qua ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
4. Đến để mà thấy: Ehipassiko (it is a come and see thing): mỗi người cần thực hành Pháp mới thấy diệu dụng của nó.
5. Có khả năng hướng thượng: Opanayiko (Leading onwards): có tác dụng phát triển tâm và tuệ .
6. Được người trí chứng hiểu: Paccatam veditabbo vinnùhi (is understood individually bythe wise): chỉ có trí tuệ dẫn dắt công phu thực hành thì hành giả mới có thể giải thoát khổ.
Diệu hạnh: Supatipanno (Good conduct): thiện hạnh; hạnh lành.
Trực hạnh: Ujupatipanno (Upright conduct): hạnh chánh trực; thẳng thắn.
Như lý hạnh: Nyapatipanno (wise conduct): hạnh trí tuệ.
Chánh hạnh: Sàmìcipatipanno (Right conduct Dutiful conduct): đúng nghĩa phạm hạnh, chân chính tự độ và độ tha.
Bốn đôi tám vị:
1. Tu đà hoàn đạo --> Tu đà hoàn quả (Nhập lưu)
2. Tư đà hàm đạo --> Tư đà hàm quả (Nhất lai)
3. A na hàm đạo --> A na hàm quả (Bất lai)
4. A la hán đạo --> A la hán quả (Ứng cúng)
Nghĩa tín thọ: Atthaveda (Knowledge of the goal): theo nội dung bản kinh, Attha có nghĩa là mục đích; Veda là trí, hiểu biết: trí tuệ thấy rõ mục tiêu phạm hạnh.
Pháp tín thọ: Dhammaveda (Knowledge of dhamma): trí tuệ thấy rõ sự thật của các hiện hữu (dhamma ở đây có nghĩa là existing things).
Ghi chú: Do vì hành giả thấy rõ mục tiêu phạm hạnh, và thấy rõ sự thật của vạn hữu mà tâm sanh hân hoan, do hân hoan mà hỷ sinh, lạc sinh, khinh an sinh, định sinh.
- Từ vô lượng: Mettà (Friendliness): mong cho tất cả chúng sinh hạnh phúc.
Bi vô lượng: Karunà (Compassion): quan tâm đến nỗi khổ đau của chúng sinh.
Hỷ vô luợng: Mudità (Sympathetic joy): vui vẻ đối với sự thành đạt hạnh phúc của
chúng sinh.
Xả vô lượng: Upekkha (Equanimity): nhìn vạn hữu với tâm chính xác, vô tư, không thiên vị.
II. NỘI DUNG BẢN KINH1. "Ví dụ tấm vải" giới thiệu hai giai đoạn công phu giải thoát:
a) Giai đoạn đầu và rất là nền tảng là tẩy sạch các tâm cấu uế như "Ngũ cái", các ác, bất thiện tâm phát sinh do "Ngũ cái"Đây là bước công phu giữ tâm tịnh như một tấm vải tinh sạch. Định và Tuệ chỉ có thể phát triển tốt từ tâm này.
b) Giai đoạn tiếp là nhờ tâm tịnh mà thấy rõ mục tiêu phạm hạnh và thấy rõ sự thật của vạn hữu; từ thành tụu này, hành giả phát khởi lòng tin bất thối vào ngôi Tam bảo; từ tín, hân hoan sinh, hỷ sinh, khinh an sinh, định sinh. Tại đây, ở đệ tứ Sắc định, hành giả hành Tứ vô lượng tâm, vượt qua hết thảy các ngã tưởng, lần lượt đoạn trừ dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đắc quả A la hán, thành tựu phạm hạnh.
2. Có rất hiếm bản kinh trong 5 Nikàyas giới thiệu pháp môn "Tứ vô lượng tâm" như là pháp môn để đoạn tận lậu hoặc. Chỉ có vài bản kinh đề cập "Tứ vô lượng tâm" là pháp môn tu của các Chuyển Luân Thánh Vương vào cuối đời để thác sinh về Phạm Thiên (cõi Trời thứ nhất của Sắc giới). Nét giáo lý này rất đặc thù, rầt cần được tìm hiểu kỹ qua các công trình biên khảo công phu.
3. "Ví dụ tấm vải", ngoài hai điểm giáo lý nêu trên, xác quyết rằng giải thoát nghiệp là công phu tu tập tâm, chuyển hóa tâm do mỗi người tự thực hiện cho chính mình, không thể, không bao giờ ngoại cảnh (sông, núi v.v...) hay các nghi lễ, chú thuật loại trừ được khổ nghiệp thay thế con người.
III. BÀN THÊM1. Lòng tin bất thối của một Tỷ kheo nói riêng, của một Phật tử nói chung, chỉ được thiết lập vững chắc khi tâm thức vị ấy không còn cấu uế, khi nghi tâm bị loại trừ; nghi tâm bị loại trừ khi dục vọng và tà kiến (các ngã tưởng) vắng mặt; chỉ có khi này thì giáo lý vô ngã và con đường phạm hạnh đi vào vô ngã mới hiển lộ như trăng thoát mây che. Đây là điểm giáo lý, qua "Ví dụ tấm vải" được minh thị mà người đọc dễ cảm nhận. Tại đây, "Nghĩa tín thọ", Atthaveda, và "Pháp tín thọ", Dhammavedà, tự tâm phát khởi.
2Bấy giờ hành giả cảm nhận mạnh mẽ và tin tưởng bất động rất tự nhiên đối với Phật bảo, đấng đầy đủ thập hiệu Như Lai, đối với Pháp bảo. Với 6 đặc tính rất thật, rất chân và rất trí tuệ, đối với Tăng bảo đầy đủ đức hạnh hướng đến thành tụu giải thoát. Lòng tin bất thối này mở đầu sự thành tựu tánh Phật bảo, tự tánh Pháp bảo và tự tánh Tăng bảo.
3Rất đặc biệt ở bản kinh số 7 này là pháp môn "Tứ vô lượng tâm" được giới thiệu thực hành nối tiếp bước thành tụu Định uẩn, đạt đến Tứ sắc định để thành tựu hoàn toàn tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Điểm giáo lý đặc biệt khai mở trí tuệ cho hành giả rằng:
a) Bước tu tẩy sạch cấu uế của tâm là thành quả chế ngự các căn, chế ngự Sắc uẩn (thuộc Giới học).
b) Bước tu vào đại định, Tứ sắc định là thành quả chế ngự các cảm thọ (chế ngự thọ uẩn, thuộc Định học).
c) Bước thứ ba phải là bước chế ngự Tưởng uẩn (hay Tưởng, Hành và Thức uẩn). Chế ngự tưởng uẩn là chế ngự các ngã tưởng. Chế ngự các ngã tưởng là ý nghĩa chế ngự luôn Hành uẩn và Thức uẩn (vốn vận hành trên các ngã tưởng). Phương cách hay kỹ thuật chế ngự các ngã tưởng thì có hai cách chính:
Với nhiều bản kinh Nikàyas, bước tu này thường là hành thiền quán (Vipassana) Duyên khởi-vô ngã hoặc thiền quán Vô ngã, Vô thường của các pháp để cắt đứt 10 kiết sử, đắc đại tuệTác dụng của pháp quán này là dập tắt các ngã tưởng; dập tắt các ngã tuởng là dập tắt vô minh khiến minh khởi.Điểm này gợi cho người đọc liên tưởng đến kinh Kim Cang Bát Nhã: cũng đoạn trừ 8 loại ngã tưởng, cũng thiền quán vô ngã, vô thường theo lời dạy của bài kệ cuối kinh.
Cách thứ hai là thay thế công phu thiền quán về Duyên sinh bằng công phu quán tưởng rải tâm từ, bi, hỷ, xả khắp mười phương chúng sinh. Công phu này ở thời điểm nhuần nhuyễn cũng dập tắt tất cả các ngã tưởng (theo "Ví dụ tấm vải".
Ở một vài kinh khác, thuộc 5 Nikàyas, thì "Tứ vô lượng tâm" được hành giả thực hiện ở cảnh giới định "Vô sở hữu xứ", với mục đích là vượt qua khỏi tưởng, đi vào định "Diệt Thọ Tưởng" để đắc Chánh trí (Tam minh, Lục thông).
Thật là đại trí tuệ trong các dòng kinh ngắn ngủi trên, kinh Ví dụ tấm vải.
(trích Nguyệt san Giác Ngộ số 73, 04-2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét