Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

TRUNG QUAN LUAN LONG THO/ 27 CHUONG




Gioi thieu:

Duoi day xin trich ra muc luc va nhung bai ke trong tac pham Trung quan luan cua ngai Long Tho.
Can cu vao tac pham duoi day:


LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra
 
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN


CHƯƠNG I: QUÁN NHÂN DUYÊN[1]
Không sanh cũng không diệt,
Không thường cũng không đoạn,
Không nhất cũng không dị,
Không lai cũng không khứ;
Khéo nói nhân duyên này [2],
Thiện[3] diệt những hí luận.
Con cúi đầu lễ Phật,
Bậc thuyết giáo đệ nhất.
...
CHƯƠNG II: QUÁN KHỨ LAI[1]
 
Hỏi: Theo cái thấy bằng con mắt của thế gian, có tác động trong ba thời, tức là cái đã đi cái chưa đi; và cái đang đi[2]. Vì có tác động nên biết có các Pháp.
Đáp: 
1) Cái đã đi không đi.
  Chưa đi cũng không đi.
  Ngoài cái đã và chưa,
  Đang đi cũng chẳng đi.[3]
...


CHƯƠNG III: QUÁN LỤC TÌNH
Hỏi: Trong kinh nói có sáu tình[1]. Đó là:
25)Sáu tình là: mắt, tai,
Mũi, lưỡi, và thân ý.[2]
Sáu tình gồm mắt này….
Hành sáu trần là sắc…[3]    [1]
Trong đây, mắt là nội tình, sắc là ngoại trần. Mắt có khả năng thấy sắc, cho đến ý là nội tình. Pháp là ngoại trần. Ý có khả năng nhận thức pháp.
...


CHƯƠNG IV: QUÁN NGŨ ẤM[1]
Hỏi: Kinh nói có năm ấm; sự kiện ấy như thế nào?
Đáp: [2]
 33)Nếu ngoài nhân của sắc,
Thì sắc không thể được[3].
Nếu lìa sắc quả ra,
Nhân của sắc cũng không.   [1]
Nhân của sắc; như nhân của vải là sợi. Ngoài sợi không có vải, ngoài vải không có sợi. Vải như sắc, chỉ sợi như nhân.
...
CHƯƠNG V: QUÁN LỤC CHỦNG[1]
Hỏi: Sáu đại chủng đều có tướng nhất định. Vì có định tướng nên có sáu đại chủng.
Đáp:
42)Tướng không khi chưa có,
Thì không pháp hư không.
Nếu trước có hư không,
Tức hư không, không tướng[2]   [1] 
...

CHƯƠNG VI: QUÁN PHÁP NHIỄM, NGƯỜI NHIỄM
Hỏi: Kinh nói: “Tham dục, sân nhuế, ngu si là căn bổn của thế gian.” Tham dục có nhiều tên. Đầu tiên là ái. Kế đến là trước. Kế đến nữa là nhiễm. Kế đến nữa là dâm. Kế đến nữa là tham dục. Có nhiều tên gọi khác nhau như vậy. Đó là kết sử, y chỉ vào chúng sanh. Chúng sanh là người nhiễm, tham dục gọi pháp nhiễm, vì có pháp nhiễm và người nhiễm nên có tham dục. Ngoài ra, hai thứ kia cũng thế. Có sân nhuế thì có người sân. Có si nên có người si. Do nhân duyên ba độc này mà phát khởi ba nghiệp. Do nhân duyên ba nghiệp mà sanh khởi tam giới. Vì thế tất cả pháp được hiện hữu.
Đáp: Kinh tuy có nói đến tên gọi của ba độc; nhưng không thể tìm thấy tính thực hữu của chúng. Vì sao?
50)Nếu ngoài pháp nhiễm ra,
Trước tự có người nhiễm.
Nhân kẻ nhiễm dục ấy,
Hẳn phải sanh pháp nhiễm[1]   [1]
51)Nếu không có kẻ nhiễm,
Làm sao mà có nhiễm.
Hoặc có hoặc không nhiễm,
Người nhiễm cũng như thế[2]    [2]
Nếu trước quyết định có người nhiễm thì không cần pháp nhiễm, vì người nhiễm trước đã có. Nếu trước quyết định không có người nhiễm cũng không thể khởi lên nhiễm. Điều chủ yếu là trước có người nhiễm sau mới phát khởi nhiễm pháp. Nếu trước không có người nhiễm thì không có người thọ nhận nhiễm. Pháp nhiễm cũng như thế. Nếu trước lìa người ra quyết định có pháp nhiễm; thế là không nguyên nhân, làm thế nào phát khởi? Như ngọn lửa mà không củi. Nếu trước quyết định không pháp nhiễm thì không có người nhiễm. Thế nên lời tụng nói, “Hoặc có hoặc không nhiễm, người nhiễm cũng như thế.”
...

CHƯƠNG VII: QUÁN BA TƯỚNG[1]
 Hỏi: Kinh nói: “Pháp hữu vi có ba tướng, sanh, trụ, diệt.” Vạn vật sanh ra do bởi sự kiện sanh, trụ do bởi sự kiện trụ và diệt do bởi sự kiện diệt. Thế nên có các pháp.
Đáp: Không đúng. Tại sao? ba tướng không thật thể. Ba tướng ấy là hữu vi để có thể biểu hiện cho tướng trạng hữu vi? Hay là vô vi để có thể biểu hiện cho tướng trạng hữu vi? Cả hai trường hợp đều không đúng. Vì sao?
60)Nếu sanh là hữu vi,
Nó phải có ba tướng.
Nếu sanh là vô vi,
Sao gọi tướng hữu vi? [1]
... 

CHƯƠNG VIII: QUÁN TÁC, TÁC GIẢ[1]
 
Hỏi: Hiện thực có sự tạo tác, có tác giả và tác pháp được vận dụng. Ba sự thể này phối hợp cho nên có quả báo, thế nên biết có tác giả và tác nghiệp.
Đáp: Từ trước tới nay trong mỗi chương, đã phá tất cả pháp, chẳng còn pháp nào. Như đã phá ba tướng, sinh, trụ, diệt. Vì ba tướng không nên chẳng có hữu vi. Vì hữu vi thì chẳng có vô vi. Hữu vi, vô vi đã không, thì tất cả pháp đều không. Tác và tác giả, nếu thuộc hữu vi, trong đoạn hữu vi pháp đã phá hủy. Nếu thuộc vô vi, cũng đã hủy phá trong vô vi. Đáng lẽ không nên lặp lại. Vì tâm chấp trước của ông quá sâu dày nên lại Hỏi nữa. Nay sẽ đáp:
95)Tác giả nếu thực hữu,
Không tạo nghiệp thực hữu.
Tác giả không thực hữu,
Không tạo nghiệp bất thực.[2] [1] 
Nếu trước tiên tác giả đã thực hữu[3] và tác nghiệp đã thực hữu, thì không thể có sự tạo tác. Bằng trước tác giả không thực hữu, tác nghiệp không thực hữu thì cũng không có sự tạo tác. Vì sao?
96)Nghiệp thực hữu không tác,
Vì nghiệp không tác giả.
Tác giả thực không tác,
Vì tác giả không nghiệp. [2] 
Nếu trước tiên tác nghiệp là thực hữu, thì chẳng cần đến tác giả. Nếu rời tác giả mà có tác nghiệp, thì lẽ ra có nghiệp được tạo. Nhưng điều ấy không đúng. Hoặc trước tiên tác giả là thực hữu, cũng không cần có tác nghiệp. Nếu rời tác nghiệp mà có tác giả thì điều ấy không đúng. Hoặc trước tiên tác giả là thực hữu, cũng không cần có tác nghiệp. Nếu rời tác nghiệp mà có tác giả thì điều ấy không đúng. Do đó tác giả thực hữu và tác nghiệp thực hữu đều không thể có sự tạo tác. Tác giả không thực hữu và tác nghiệp không thực hữu thì cũng không thể có sự tạo tác. Vì sao? Vì bản lai nó vốn không có. Có tác giả và có tác nghiệp mà còn không thể tạo tác, huống là không tác giả và không có tác nghiệp.
...

CHƯƠNG IX: QUÁN BỔN TRỤ[1]
 
Hỏi: Có người nói:
107)Các căn như mắt, tai;
Các pháp như khổ, lạc;
Cái gì sở hữu chúng,
Cái đó là bổn trụ. [1]
108)Nếu không có bổn trụ,
Cái gì làm chủ mắt?
Vì thế nên phải biết,
Trước đã có bổn trụ. [2]
(Bài tụng nói:) “Các căn như mắt, tai” là chỉ cho các căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và mạng. (Bài tụng nói:) “Các pháp như khổ, lạc” là chỉ cho cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ, không lạc, và các tâm và tâm sở như tưởng, tư, ức, niệm v.v…
Có luận sư nói: “Trước khi chưa có các pháp như mắt v.v.. đã có bổn trụ. Do bởi bổn trụ ấy mà các căn như mắt v.v.. được tăng trưởng. Nếu không có bổn trụ, thì các căn như thân, mắt v.v... do nguyên nhân nào phát sanh mà được tăng trưởng?”
...

CHƯƠNG X: QUÁN NHIÊN, KHẢ NHIÊN[1]
Hỏi: Nên có thọ và thọ giả; cũng như lửa và củi. Lửa là thọ giả, củi là thọ; tức là năm ấm.
Đáp: Điều ấy không đúng. Vì sao? Cái đốt (nhiên) và cái bị đốt (khả nhiên) đều bất thành. Cái đốt và Cái bị đốt được chứng thành bằng pháp một hay bằng pháp hai? Nhưng cả hai trường hợp đều bất thành.
Hỏi: Hãy gác qua vấn đề nhất thể hay dị thể. Nếu nói rằng không có cái đốt và cái bị đốt nay tại sao lại bác bỏ chúng bằng tính chất nhất thể và dị thể? Như lông rùa, sừng thỏ, không hiện thực nên chẳng bị phá hủy. Cứ như sự thấy của thế gian, trước hết phải có sự thể thực hữu, sau đó mới có thể tư duy. Tỉ dụ như có vàng sau đó mới có sự thiêu đốt và trui luyện. Cũng thế, nếu không thừa nhận lửa và củi thì vấn đề nhất thể và dị thể của chúng được đặt ra làm gì? Nếu ông cho rằng có nhất, dị thể thì phải biết có lửa và củi. Nếu chấp nhận có tức là đã có.
Đáp: Vấn đề được đặt ra là căn cứ vào tập quán ngôn ngữ của thế tục cho nên không có lỗi. Đặt vấn đề lửa và củi vào nguyên lý nhất dị không phải là đã thừa nhận chúng. Nếu lìa ngôn ngữ thế tục thì không có y cứ để luận bàn. Nếu không nói đến cái đốt và cái bị đốt, thì làm sao có cái để phá. Nếu chẳng có cái gì được nói, thì nghĩa không được sáng tỏ. Như các luận gia muốn phá về cái có và không tất phải nói đến chúng; chứ không phải vì nói đến có và không mà cho là chấp nhận có. Ấy là tùy theo ngôn thuyết của thế gian nên không có lỗi. Nếu cho rằng có thể miệng nói là có thể chấp nhận, vậy thì lời bác bẻ của ông chính là từ bác bỏ. Lửa và củi cũng như thế. Tuy có nói đến, nhưng không phải thừa nhận. Thế nên, dùng nhất thể hay dị thể để tư duy về lửa và củi, cả hai đều không tựu thành. Tại sao?
119)Nếu lửa tức là củi,
Tác, tác giả là một.
Nếu lửa khác với củi,
Lìa củi ra có lửa.[2] [1] 
Cái đốt là lửa; cái bị đốt là củi. Tác giả là người, tác là nghiệp. Nếu lửa và củi là nhất thể, thì tác, tác giả cũng thế. Nếu tác và tác giả là nhất thể thì ông thợ gốm và chiếc bình cũng là một. Tác giả là ông thợ gốm, tác là chiếc bình. Ông thợ gốm không phải bình, bình chẳng phải ông thợ gốm, làm sao được nhất thể? Tác, tác giả không phải một thì lửa và củi cũng chẳng phải một. Nếu nói rằng nhất thể chẳng được thì dị thể cũng không đúng. Vì sao? Nếu lửa và củi khác thì lìa củi ra, riêng có lửa. Phân biệt rằng đây là củi, đây là lửa thì bất cứ đâu không củi tự có lửa bốc cháy, nhưng thật không phải vậy, thế nên dị thể chẳng được

...

CHƯƠNG XI: QUÁN BỔN TẾ
Hỏi: Trong kinh “Vô bổn tế” có nói: “Chúng sanh qua lại sanh tử, nhưng không thể tìm thấy bổn tế.” Trong ấy kinh nói có chúng sanh, có sanh tử, vì nhơn duyên gì mà nói lời ấy?
Đáp: 
136)Đức Đại Thánh dạy rằng:
Bổn tế không thể có,
Sanh tử không có đầu,
Cũng lại chẳng có cuối. [1] 
Thánh nhân có ba hạng: 1) Ngoại đạo chứng ngũ thần thông. 2) A-la- hán, Bích-chi Phật. 3) Đại bồ tát được thần thông. Đức Phật đối trong ba hạng ấy là hơn hết, nên nói là Đại Thánh. Những lời Phật dạy không điều nào là không chân thật. Nói “Sanh tử không có khởi đầu” là vì sao? Tìm trước và sau của sanh tử không thể được, thế nên không có đầu. Ông nói trước và sau không có, thì lẽ ra có khoảng giữa. Cũng không đúng. Tại sao?
...

CHƯƠNG XII: QUÁN KHỔ
Có thuyết nói rằng:
144)Tự tác và tha tác,
Cộng tác, vô nhân tác.
Nói các khổ như thế,
Khổ quả không phải vậy.[1] [1]
Có người nói, khổ do mình tự tạo, hoặc nói người khác tạo, hoặc nói vừa tự tạo, vừa do người khác tạo, hay nói không do nguyên nhân nào. Xét như là quả,như thế không đúng. Khổ quả không phải vậy, là vì chúng sanh do các duyên đưa đến sự khổ, rồi nhân khổ muốn tìm về tịch diệt. Nhưng không biết nhân duyên đích thật của khổ não, do đó có bốn thứ sai lầm thế nên nói, “Khổ quả không phải vậy.”
Vì sao?
145)Khổ nếu là tự tác,
Thì chẳng từ duyên sanh.
Do vì có ấm này,
Mà có ấm kia sanh. [2]
Khổ, nếu tự tác thì không từ các duyên sanh. Tự, là từ nói tự tánh phát sanh; điều này không đúng. Vì sao? Nhơn năm ấm trước mà có năm ấm sau. Thế nên, khổ không thể tự nó tạo ra nó.
...

CHƯƠNG XIII: QUÁN HÀNH
Hỏi: 
154)Như kinh Phật có nói,
Pháp bị cướp[1] là dối.
Các hành bị cướp đoạt,
Cho nên là hư dối. [1] 
Trong kinh Phật có nói: “Pháp bị (vô thường) cướp đoạt, là hư dối.” Pháp chân thật đệ nhất được gọi là Niết-bàn, không phải là pháp bị (vô thường) cướp đoạt. Vì kinh có nói như vậy, cho nên biết rằng có các hành, vốn là pháp hư dối, vì bị vô thường cướp đoạt.
Đáp:
155)Hư dối, bị cướp đoạt;
Cái gì bị cướp đoạt?
Phật dạy việc như thế,
Muốn chỉ bày nghĩa không. [2] 
Nếu pháp bị cướp đoạt là hư dối, thì trong các hành ấy cái gì bị cướp đoạt? Phật nói điều đó nên biết, đó là nói về tánh Không.
Hỏi: Làm thế nào biết tất cả các “hành” đều là tánh “không”.
Đáp: Vì tất cả các hành có tính chất hư đối, cho nên không. Các hành sanh diệt không dừng nghỉ, không tự tánh nên không. Các hành là năm ấm. Từ hành sanh ra, nên năm ấm được gọi là hành. Năm ấm đó đều hư dối, không có tướng quyết định. Vì sao?
Như sắc của đức bé khi là hài nhi không phải như sắc đứa bé lúc biết bò; sắc đứa bé lúc biết bò chẳng phải như sắc đứa trẻ khi biết đi; sắc của đứa trẻ lúc biết đi không phải như sắc của trẻ thiếu niên; sắc tướng của trẻ khi thiếu niên không phải như sắc lúc tráng niên; sắc tướng của người lúc tráng niên không phải như sắc tướng của người già nua. Như thế sắc từng sát na không đình trụ, do đó khi phân tích, không thể tìm thấy tính chất quyết định. Sắc của đứa hài nhi chính là sắc của đứa bé biết bò, cho đến sắc lão niên, hay là khác? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Nếu sắc của hài nhi tức là sắc biết bò cho đến sắc lão niên, như thế chỉ có một sắc đều là hài nhi, không có sắc khi biết bò cho đến lão niên. Lại như đất sét chỉ là đất sét thì không bao giờ thành cái bình. Tại sao? Vì sắc luôn luôn cố định. Nếu sắc khi hài nhi khác với sắc khi biết bò thì hài nhi không thể trở thành bé biết bò, biết bò không thể làm nên hài nhi. Tại sao? Vì hai sắc khác nhau. Như thế sắc của đồng tử thiếu niên, tráng niên cho đến lão niên, không thể tương tục, sẽ sai lầm ở chỗ mất pháp thân thuộc; Không cha, không con. Nếu thế chỉ có hài nhi mới có cha, ngoài ra, từ biết bò cho đến già đều không thể có phần. Thế nên cả hai đều có lỗi.

...
CHƯƠNG XIV: QUÁN HIỆP
Trong chương phá căn ở trên[1] nói: sự thấy, cái bị thấy, và người thấy, đều không thành. Vì ba điều này không có pháp dị biệt nên không hiệp. Nay sẽ nói ý nghĩa không hiệp.
Đáp: 
163)Thấy, bị thấy, người thấy,
Cả ba từng đôi một.
Ba dị biệt như thế,
Không khi nào kết hiệp.[2] [1] 
Cái thấy là con mắt, cái bị thấy là sắc trần, người thấy là ngã. Bộ ba mỗi cái đều ở riêng mỗi nơi không khi nào kết hiệp. Ở riêng biệt mỗi nơi nghĩa là mắt thì ở trong thân, sắc thì ở ngoài thân, ngã hoặc nói ở trong thân hoặc nói tất cả chỗ; thế nên không có sự kết hiệp.
Lại nữa, nếu nói có sự kiện thấy là do kết hiệp mà thấy hay là không do kết hiệp mà thấy? Cả hai đều không đúng. Vì sao? Nếu hiệp mà thấy, thì bất cứ chỗ nào có trần cảnh đều phải có căn và ngã, song điều ấy không đúng thế nên không hiệp. Nếu không hiệp mà thấy thì căn, ngã và trần mỗi cái ở riêng mỗi nơi mà vẫn có sự thấy; thế mà không thấy. Vì sao? Như mắt đây, không thấy chiếc bình ở cách xa. Thế nên, cả hai đều không thấy.
...
CHƯƠNG XV: QUÁN HỮU VÔ[1]
Hỏi: Các Pháp thảy đều có tự tánh vì có lực dụng. Như chiếc bình có tự tánh của bình, vải cũng có tự tánh của vải. Khi nào các duyên hòa hiệp, tánh ấy xuất hiện phải không?
Đáp:
171)Trong các duyên có tánh,
Điều ấy thì không đúng.
Tánh xuất hiện từ duyên,
Phải là pháp tạo tác.[2] [1] 
Nếu các pháp có tự tánh, không thể xuất hiện từ các duyên. Vì sao? Nếu xuất hiện từ các duyên thì đó là pháp tạo tác, không có tự tánh cố định.
Hỏi: Nếu tự tánh của các pháp được tác thành từ các duyên, thì sai lầm ở chỗ nào?
Đáp:
172)Nếu tánh do tạo tác,
Làm sao có nghĩa này.
Tánh không do tạo tác,
Không lệ thuộc pháp khác. [2] 
Như vàng lẫn lộn đồng thì chẳng phải vàng ròng. Cũng thế, nếu có tự tánh thì không cần đến các duyên. Nếu từ các duyên mà xuất hiện nên biết chẳng phải là thật tánh. Lại nữa, tánh nếu cố định thì không cần phải lệ thuộc cái khác mới có thể xuất hiện. Không phải như dài và ngắn, cái này và cái kia. Vì chúng không có tự tánh quyết định, nên phải lệ thuộc cái khác mới có.
Hỏi: Các pháp nếu không có tự tánh, vậy chúng có thể có tha tánh?
Đáp:
173)Pháp nếu không tự tánh,
Làm gì có tha tánh.
Tự tánh đối tha tánh,
Cũng gọi là tha tánh. [3] 
Vì do các duyên tạo ra, và cũng vì do đối đãi mà thành cho nên các pháp vốn không có tự tánh. Nếu thế, tha tánh đối với tha tánh cũng là tự tánh, bởi từ các duyên mà sinh. Do nương nhau nên cũng là không, không làm thế nào nói các pháp từ tha tánh phát sanh vì tha tánh cũng là tự tánh.
Hỏi: Nếu lìa tự tánh và tha tánh mà có các pháp thì có lỗi gì?
Đáp: 
174)Lìa tự tánh, tha tánh,
Làm sao có các pháp.
Nếu có tự, tha tánh,
Các pháp mới được thành. [4] 
Ông nói lìa tự tánh và tha tánh mà có các pháp; điều này không đúng. Nếu lìa tự, tha tánh, không có các pháp. Vì sao? Có tự tánh, tha tánh thì pháp mới có thể tựu thành. Thí dụ như chiếc bình là tự tánh thì y phục các thứ là tha tánh.
...
CHƯƠNG XVI: QUÁN PHƯỢC GIẢI
Hỏi: Sanh tử chẳng phải hoàn toàn không căn bổn; trong ấy nên có chúng sanh luân chuyển. Nếu các hành có luân chuyển, thì vì nhơn duyên gì ông nói chúng sanh và các hành đều không, không có luân chuyển?
Đáp:
182)Nếu các hành luân chuyển;
Thường, không thể luân chuyển.
Vô thường, cũng không thể.
Chúng sanh cũng như thế.[1] [1] 
Các hành luân chuyển trong sanh tử lục đạo, chúng luân chuyển như là thường hay vô thường? Cả hai đều không đúng. Nếu chúng luân chuyển như là thường sẽ không có dòng tương tục của sanh tử, vì cố định, vì vĩnh viễn an trụ với tự tánh. Nếu chúng luân chuyển như là vô thường, lại cũng không có dòng tương tục của sanh tử luân chuyển, vì không cố định và vì không có tự tánh. Nếu cho rằng chúng sanh có luân chuyển cũng có lỗi như thế.
Lại nữa:
183)Nếu chúng sanh luân chuyển,
Trong các uẩn, xứ, giới;
Năm thứ tìm đều không,
Cái gì sẽ luân chuyển? [2] 
Sanh tử, uẩn, xứ, và giới đều cùng một nghĩa. Nếu chúng sanh luân chuyển ở trong uẩn, xứ và giới này, thì chúng sanh không thể được tìm thấy dưới năm trường hợp như trong phẩm “Nhiên khả nhiên”. Vậy ai sẽ là người luân chuyển trong uẩn, xứ và giới ấy?
...
CHƯƠNG XVII: QUÁN NGHIỆP
Hỏi: Ông tuy dùng mọi cách để phá các pháp, nhưng nghiệp quyết định có, nên khiến tất cả chúng sanh thọ quả báo. Như kinh nói: “Tất cả chúng sanh đều tùy nghiệp thọ sanh. Như kẻ làm những việc ác đọa vào địa ngục; người tu phước sanh thiên đường, người hành đạo được Niết-bàn.” Thế nên, tất cả pháp chẳng thể không.
Nghiệp ấy là:
192)Người hay hàng phục tâm,
Làm lợi ích chúng sanh;
Ấy gọi là từ thiện,
Hạt giống quả hai đời.[1] [1] 
Con người có ba thứ độc. Vì để gây tổn hại cho kẻ khác mà phát sanh hành động. Người thiện, trước tự diệt những điều ác. Thế nên nói “Hàng phục tâm mình làm lợi ích người khác.” “Lợi ích người khác” là làm việc bố thí trì giới v.v.. không gây tổn hại cho chúng sanh. Đó là làm lợi ích cho người, cũng gọi là từ thiện phúc đức, cũng gọi hạt giống của quả báo an lạc ở đời này và đời sau.
Lại nữa:
193)Đại Thánh nói hai nghiệp,
Tư và từ tư sanh.
Biệt tướng của nghiệp ấy, 
Phân biệt thành nhiều loại. [2] 
Đức Đại Thánh nói tóm tắt rằng nghiệp có hai thứ: 1) Tư nghiệp. 2) Từ tư sanh[2]. Hai nghiệp này nó được nói đầy đủ trong A-tì-đàm.
194)Cái Phật nói là tư,
Đó tức là ý nghiệp.
Được phát sanh từ tư,
Tức là nghiệp, thân khẩu. [3] 
Tư, là tâm sở pháp; trong các tâm sở pháp nó có khả năng phát khởi hành động, nên gọi nó là nghiệp. Nhơn bởi tư tâm sở này mà phát xuất nghiệp bên ngoài là thân và khẩu. Tuy là nhơn các tâm và tâm sở pháp khác vẫn có hành động, nhưng tư là gốc của hành động. Do đó mới nói tư là nghiệp. Nghiệp ấy nay sẽ nói rõ tướng trạng của nó.
...

CHƯƠNG XVIII: QUÁN PHÁP[1]
Hỏi: Nếu các pháp đều rốt ráo tánh không, không sanh, không diệt, đó là thật tướng của các pháp, thì làm thế nào thể nhập?
Đáp: Hủy diệt sự đắm chấp ngã, ngã sở, chứng đắc tất cả pháp là không; có trí tuệ vô ngã. Đó gọi là nhập.
Hỏi: Làm thế nào biết các pháp là vô ngã?
Đáp:
225)Nếu ngã là năm ấm,
Ngã ấy là sanh diệt.
Nếu ngã khác năm ấm,
Tất không tướng năm ấm.[2] [1] 
Nếu như không có ngã,
Đâu thể có ngã sở.
Do diệt ngã, ngã sở,
Gọi đắc trí vô ngã. [2] 

Nếu được trí vô ngã,
Ấy gọi là thật quán.
Người đắc trí vô ngã,
Người đó là hy hữu. [3] 
Trong ngoài ngã, ngã sở,
Vì diệt hết không còn;
Các thọ ấy cũng diệt,
Thọ diệt tức thân diệt. [4] 
Nghiệp diệt, phiền não diệt,
Gọi đó là giải thoát.
Nghiệp, phiền não không thật,
Nhập không, hí luận diệt. [5] 
Chư Phật hoặc nói ngã;
Hay nói là vô ngã.
Trong thật tướng các pháp,
Không ngã, chẳng phi ngã. [6] 
Thật tướng các pháp đó,
Tâm hành ngôn ngữ đoạn;
Không sanh cũng không diệt,
Tịch diệt như Niết-bàn. [7] 
Tất cả thật, phi thật,
Vừa thật vừa phi thật,
Không vừa thật phi thật;
Ấy gọi chư Phật pháp. [8] 
Tự biết không do ai,
Tịch diệt, chẳng hí luận.
Không khác, không phân biệt;
Đó tất gọi thật tướng. [9] 
Nếu pháp từ duyên sanh,
Không một, không khác nhơn;.
Thế nên gọi thật tướng,
Không đoạn cũng không thường. [10] 
 
 
Không nhất, cũng không dị,
Không thường, cũng không đoạn;
Ấy là vị cam lồ,
Giáo hóa của Thế Tôn. [11] 
Nếu Phật không xuất thế,
Phật pháp đã diệt tận.
Trí các Bích-chi-Phật,
Từ nơi xa lìa sanh. [12] 
...

CHƯƠNG XIX: QUÁN THỜI
Hỏi: Nên có thời gian, vì nhơn đối đãi nhau mà tựu thành. Nhơn có thời quá khứ thì có thời vị lai và hiện tại. Nhơn thời hiện tại có thời quá khứ vị lai. Nhơn có thời vị lai nên có thời quá khứ, hiện tại. Các pháp thượng, trung, hạ, đồng nhất, dị biệt v.v… cũng do bởi tương đãi mà tựu thành.
Đáp:
Nếu nhơn thời quá khứ,
Có vị lai, hiện tại.
Vị lai và hiện tại,
Phải thuộc thời quá khứ.[1] [1]
... 

CHƯƠNG XX: QUÁN NHƠN QUẢ[1]
Hỏi: Các nhơn duyên hòa hiệp, hiện có quả phát sanh; do đó biết rằng quả từ chúng duyên hòa hiệp mà có.
Đáp:
Nếu các duyên hoà hiệp,,
Mà có quả sanh ấy.
Trong hòa hiệp đã có,
Đâu cần hòa hiệp sanh.[2] [1] 
Nếu nói các nhơn duyên hòa hiệp có quả phát sanh; quả ấy tất trong hòa hiệp đã có, rồi từ hòa hiệp sanh; điều ấy không đúng. Vì sao? Quả, nếu trước có định thể, không thể từ hòa hiệp sanh.
Hỏi: Trong các duyên hòa hiệp, tuy không có quả; mà quả từ các duyên sanh thì có lỗi gì?
Đáp:
Nếu các duyên hòa hiệp,
Trong ấy không có quả.
Làm sao từ các duyên,
Hòa hiệp mà sanh quả? [2] 
Nếu từ các duyên hòa hiệp phát sanh quả, mà trong hòa hiệp không quả nhưng từ hòa hiệp phát sanh, cũng không đúng. Vì sao? Nếu vật không tự tánh, vật ấy không bao giờ sanh.
...
CHƯƠNG XXI: QUÁN THÀNH, HOẠI[1]
Hỏi: Tất cả sự kiện thế gian, chính có hiện tướng hoại diệt, thế nên có hoại.
Đáp:
Lìa thành và cọng thành,
Trong ấy không có hoại.[2]
Lìa hoại và cọng hoại,
Trong đó cũng không thành.[3] [1] 
Hoặc có thành hay không có thành, vẫn không hoại. Hoặc có hoại hay không hoại, đều không có thành. Vì sao?
Nếu lìa thành ấy ra,
Làm thế nào có hoại?
Như lìa sanh có tử,
Điều ấy tất không đúng. [2] 
Thành, hoại cùng có chung, 
làm sao có thành hoại?
Như thế gian sanh tử,
Đồng thời thì không đúng. [3] 
Nếu lìa hoại ấy ra,
Làm thế nào có thành?
Không bao giờ vô thường,
Không ở nơi các pháp. [4] 
Nếu lìa thành, hoại không có thể có. Vì sao? Nếu lìa thành mà có hoại thì không nhân nơi thành mà có hoại, hoại ấy tất không nhân. Lại nữa, không có pháp thành mà có thể hoại. Thành, là các duyên phối hiệp. Hoại, là chúng duyên ly tán. Nếu lìa thành mà có hoại; không có tựu thành, cái gì hoại diệt? Như không có cái bình, chẳng được nói chiếc bình hủy hoại. Thế nên là thành không có hoại. Nếu nói cùng với thành mà có hoại, cũng không đúng. Vì sao? Sự vật trước tựu thành riêng sau mới có hiệp. Pháp hiệp không thể không có tính cách dị biệt. Nếu hoại mà không có tính cách dị biệt thì hoại ấy không nhân. Thế nên, cùng với thành cũng không hoại. Nói rằng lìa hoại hay cùng với hoại không có thành, nghĩa là nếu lìa hoại có thành tất thành đó thường; thường là tướng không hoại diệt. Nhưng sự thật chẳng thấy có pháp thường hằng tướng hoại diệt, thế nên lìa hoại không có thành. Nếu nói rằng cùng với hoại mà có thành cũng không đúng. Vì sao? Thành và hoại nó trái nhau, làm thế nào trong một lúc có cả thành và hoại. Như người không thể cùng một lúc vừa có tóc vừa không tóc; thành hoại cũng vậy. Thế nên, cùng với hoại mà có thành, điều ấy không đúng. Vì sao? Nếu bảo phân biệt pháp, nói trong thành thường có hoại, điều ấy không đúng. Vì sao? Nếu trong thành thường có hoại thì không thể có pháp đình trú. Nhưng thật có pháp trú. Thế nên lìa hoại hay cùng hoại không thể có thành.
...

CHƯƠNG XXII: QUÁN NHƯ LAI
Hỏi: Bậc tôn quý nhất trong tất cả thế gian chỉ có Như Lai là đấng Chánh biến tri, hiệu là Pháp Vương. Lẽ tất nhiên phải có bậc Nhất thế trí,.
Đáp: Nay hãy suy nghĩ kỹ, nếu có nên chấp nhận, nếu không thì nhận cái gì? Tại sao? 
Như Lai,
 Không ấm, chẳng lìa ấm,
Đây kia không trong nhau.[1]
Như Lai không có ấm,
Chỗ nào có Như Lai?[2] [1] 
Nếu Như Lai thật có, thì năm ấm chính là như Lai hay là lìa năm ấm có Như Lai? Hay trong Như Lai có năm ấm? Hay trong năm ấm có Như Lai? Hay Như Lai có năm ấm? Điều ấy không đúng. Năm ấm chẳng phải Như Lai. Tại sao? Vì năm ấm là tướng sanh diệt. Nếu Như Lai tức là năm ấm; Như Lai tức là tướng sanh diệt. Nếu là tướng sanh diệt, thì Như Lai tức có những lỗi vô thường, đoạn diệt v.v.. Lại, thọ giả, thọ pháp là một. Thọ giả là Như Lai. Thọ pháp là năm ấm. Điều ấy không đúng. Thế nên, Như Lai chẳng phải tức là năm ấm.
Lìa năm ấm cũng không có Như Lai. Nếu lìa năm ấm mà có Như Lai, thì không nên có tướng sanh diệt. Nếu vậy Như Lai có những lỗi thường v.v.. Lại, mắt v.v.. các căn không thể thấy biết Như Lai. Song điều ấy không đúng. Thế nên lìa năm ấm cũng không Như lai.
Trong Như Lai cũng không năm ấm, Vì sao? Nếu trong Như Lai có năm ấm, như trong dĩa có trái cây, hay là trong nước có cá; thế là có dị biệt. Nếu dị biệt tức có lỗi thường v.v.. như trên. Thế nên, trong Như Lai không năm ấm.
Lại trong năm ấm cũng không có Như Lai, Vì sao? Nếu trong năm ấm có Như Lai, như trên giường có người, như trong ly có sữa; như thế thì có sự cá biệt và dị biệt, mắc lỗi đã nói như trên. Thế nên trong năm ấm không có Như Lai.
Như Lai cũng không có năm ấm. Vì sao? Nếu Như Lai có năm ấm, như người có con, thế là có cá biệt và dị biệt; nếu vậy, có lỗi như trên. Điều ấy không đúng. Thế nên Như Lai không có năm ấm. Như thế trong năm, thử tìm kỹ, không thể được. Vậy, cái gì là Như Lai?
...

CHƯƠNG XXIII: QUÁN ĐIÊN ĐẢO
Hỏi: 
Từ ức tưởng phân biệt,
Phát sanh tham, sân, si.
Tịnh, bất tịnh điên đảo,
Đều từ chúng sanh duyên[1] [1] 
Trong kinh nói: “Nhơn ức tưởng điên đảo mà phân biệt tịnh, bất tịnh, rồi phát khởi tham, sân, si.” Thế nên biết có tham, sân, si.
Đáp: 
Nếu nhân tịnh, bất tịnh,
Điên đảo sanh ba độc.
Ba độc là không tánh,
Nên phiền não không thật. [2] 
Nếu các phiền não do tưởng tượng điên đảo phân biệt tịnh và bất tịnh mà phát sanh, tức không tự tánh. Thế nên, các phiền não không thật.
...

CHƯƠNG XXIV: QUÁN TỨ ĐẾ
Hỏi: Phá được bốn điên đảo, thông đạt bốn Thánh đế, đắc bốn quả sa môn.
Nếu tất cả đều không,
Không sanh cũng không diệt;
Như thế thì không có, 
Pháp bốn Thánh đế ấy.[1] [1] 
Vì bốn Thánh đế không;
Thấy khổ cùng đoạn tập,
Chứng diệt và tu đạo,
Việc như thế đều không. [2] 
Bởi vì việc ấy không,
Không có bốn đạo quả.
Vì không có bốn quả,
Đắc, hướng[2] ấy cũng không. [3] 
Nếu không Tám Hiền Thánh[3], 
Thì không có Tăng bảo.
Do vì không Tứ đế,
Cũng không có Pháp bảo. [4] 
Pháp, Tăng bảo không có,
Cũng không có Phật bảo.
Nói nghĩa không như vậy,
Thế là phá Tam Bảo. [5] 
Nếu tất cả thế gian đều không, không thật có, tức không sanh không diệt. Bởi vì không sanh, không diệt nên không có pháp bốn Thánh đế. Vì sao? Từ Tập đế sanh Khổ đế. Tập đế là nhân, Khổ đế là quả. Diệt “khổ tập đế”0 gọi là Diệt đế. Có khả năng đưa đến Diệt đế gọi là Đạo đế. Đạo đế là nhân, Diệt đế là quả. Như thế Tứ đế có nhân, có quả. Nếu không sanh không diệt thì không Tứ đế. Vì Tứ đế không có, nên không thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Vì bốn sự kiện ấy là không nên không có bốn Sa môn quả; và không bốn sa môn quả cho nên không có bốn hướng và bốn đắc. Nếu không có bốn bậc Hiền Thánh này thì không có Tăng bảo. Lại vì bốnThánh đế không; Pháp bảo cũng không. Nếu không Pháp bảo và Tăng bảo, làm sao có Phật bảo? Đắc Pháp gọi là Phật, không pháp làm thế nào có Phật? Ông nói các pháp đều không thì phá hoại Tam bảo.
...
CHƯƠNG XXV: QUÁN NIẾT BÀN
Hỏi: 
Nếu tất cả pháp không,
Không sanh cũng không diệt;
Đoạn cái gì, diệt gì,
Mà gọi là Niết-bàn? [1] 
Nếu tất cả pháp Không thì không sanh, không diệt. Không sanh, không diệt, thì đoạn cái gì, diệt cái gì mà gọi Niết-bàn? Thế nên, tất cả pháp không thể Không. Bởi vì pháp là bất không, cho nên đoạn các phiền não, diệt ngũ ấm gọi là Niết-bàn.
Đáp:
Nếu các pháp bất không,
Thì không sanh, không diệt.
Đoạn cái gì, diệt gì,
Đó gọi là Niết-bàn ?[1] [2] 
Nếu tất cả thế gian là bất không, không có sanh diệt; đoạn cái gì, diệt gì mà gọi là Niết-bàn? Thế nên, hai cánh cửa có và không chẳng mở vào Niết-bàn. Được gọi là Niết-bàn:
Không đắc cũng không đến[2],
Không đoạn cũng không thường;
Không sanh cũng không diệt,
Ấy gọi là Niết-bàn. [3] 
Không đắc, không có gì là sở đắc đối với hành và đối với quả. Không đến, là không chỗ nào để đạt đến. Không đoạn, là năm ấm từ trước đến giờ rốt ráo Không; khi đắc đạo, nhập Vô dư Niết-bàn cũng không có cái bị đoạn trừ. Không thường là, nếu có pháp nào có thể phân biệt được tức gọi là thường. Niết-bàn là tịch diệt, không có pháp nào có thể phân biệt, nên không gọi thường. Sanh diệt cũng vậy. Tướng như thế gọi là Niết-bàn.
Lại nữa, Kinh nói Niết-bàn chẳng phải có; chẳng phải không; chẳng phải vừa có vừa không; chẳng phải vừa chẳng có vừa chẳng không. Đối tất cả pháp mà không thọ, nội tâm tịch diệt; đó là Niết-bàn. Vì sao?
Niết-bàn không gọi có,
có tức tướng lão tử.
Không hề có pháp có,
Lìa tướng lão tử ra.[3] [4] 
Nhận thấy thực tế rằng tất cả vạn vật đều sanh diệt, là tướng già chết. Niết-bàn nếu có thì cũng phải có tướng già chết. Song điều ấy không đúng. Cho nên Niết-bàn không gọi là có. Lại không thấy lìa sanh tử riêng có pháp cố định nào gọi là Niết-bàn. Nếu Niết-bàn là Có, tức có tướng sanh diệt,  già chết. Bởi vì lìa tướng già chết mà gọi là Niết-bàn.
...

CHƯƠNG XXVI: QUÁN THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN.
Hỏi: Ông đã thuyết con đường đệ nhất nghĩa bằng pháp Đại thừa. Nay tôi muốn nghe pháp Thanh văn để vào đạo đệ nhất nghĩa.
Chúng sanh bị si phủ,
Về sau khởi ba hành.
Bởi vì khởi ba hành,
Theo hành vào sáu nẽo[1] 
Do nhân duyên các hành,
Thức thọ thân sáu đạo. [1]
Vì do các thức nhiễm,
Tăng trưởng nơi danh sắc. [2] 
Vì danh sắc tăng trưởng,
Nhân đó sanh sáu nhập.
Tình, trần,thức hòa hiệp,
Mà sanh ra sáu xúc.[2] [3] 
Vì nhân nơi sáu xúc,
Liền sanh khởi ba thọ.
Bởi do sanh ba thọ,
Mà phát sanh khát ái. [4] 
Nhân ái có bốn thủ,
Nhân thủ nên có hữu.
Nếu thủ ấy không thủ,
Thì giải thoát không hữu. [5] 
Từ hữu mà có sanh,
Từ sanh có lão tử.
Từ lão tử mà có,
Ưu bi các khổ não. [6] 
Như thế tất cả sự,
Đều từ sanh mà có.
Chỉ là do nhân duyên,
Tụ tập đại khổ ấm. [7]      
Ấy gọi là sanh tử,
Căn bản của các hành.
Tạo tác là vô minh,
Người trí không tạo tác. [8] 
Vì do cái này diệt,
Nên cái ấy không sanh.
Chỉ là tụ khổ ấm,
Như thế là chánh diệt. [9] 
Phàm phu vì bị vô minh làm mù tối. Với ba nghiệp thân, khẩu, ý mà sanh khởi các hành dẫn vào sáu nẽo tạo thành thân đời sau. Sự phát khởi sáu hành có ba bậc, thượng, trung, hạ. Thức đi vào sáu nẽo, tùy theo hành mà thọ thân. Do bởi nhân duyên thức đắm nhiễm mà có danh sắc tụ tập. Vì danh sắc tụ tập, nên có sáu nhập. Do nhân duyên sáu nhập mà phát khởi sáu xúc. Bởi nhân duyên sáu xúc, mà có ba thọ. Vì nhơn duyên ba thọ mà phát sanh khát ái. Do nhân duyên khát ái, mà có bốn thủ. Khi chấp thủ bốn thủ, do thân, khẩu, ý khởi nghiệp tội phước, khiến cho có tương tục của ba cõi ở đời sau. Từ hữu mà có sanh; từ sanh mà có lão tử; từ lão tử mà có ưu bi khổ não, đủ mọi sự đau khổ, chỉ là tụ tập của khổ ấm. Thế nên kẻ phàm phu vô trí khởi căn bổn của các hành dẫn đến sanh tử này. Người trí không khởi những hành đó. Do thấy biết như thật nên vô minh diệt. Do vô minh diệt, các hành cũng diệt. Bởi nhân duyên diệt nên quả cũng diệt. Như thế, tu tập Trí quán mười hai nhân duyên sanh diệt, nên sự ấy diệt. Do sự ấy diệt, cho đến, sanh, lão tử, ưu bi, đại khổ ấm, đều như thật chánh diệt. Chánh diệt là cứu cánh diệt tận. Nghĩa mười hai nhân duyên sanh diệt ấy, như trong Kinh, Luận đã nói rộng. 
...
CHƯƠNG XXVII: QUÁN TÀ KIẾN
Hỏi: Đã nghe pháp Đại thừa phá tà kiến, nay muốn nghe pháp Thanh văn phá tà kiến.
Đáp:
Tôi ở đời quá khứ,
Là có hay là không?
Thế gian thường, các kiến,
Đều y đời quá khứ.[1] [1] 
Tôi ở đời vị lai,
Là tác, là vô tác.
Chấp hữu biên, vô biên,
Đều y đời vị lai. [2] 
Nay tôi ở đời quá khứ là có hay là không? Là vừa có vừa không? là chẳng phải có chẳng phải không? Đó gọi là những kiến chấp thường v.v.. ;đều y đời quá khứ. Tôi ở đời vị lai là tạo tác hay không tạo tác? Là vừa tạo tác vừa không tạo tác? chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác? Ấy là những tà kiến hữu biên, vô biên v.v.. căn cứ đời vị lai. Những tà kiến như thế, bởi nhân duyên gì mà gọi tà kiến? Điều ấy nay sẽ nói:
Đời quá khứ có tôi,
Điều ấy không thể được.
Tôi trong đời quá khứ,
Không làm tôi đời nay. [3] 
Nếu nói ngã tức thị,
Mà thân có tướng khác.
Nếu như lìa thân này,
Chỗ nào riêng có ngã?[2] [4] 
Lìa thân không, có ngã,
Điều ấy là đã thành.
Nếu nói thân tức ngã,
Hoặc đều không có ngã.[3] [5] 
Nhưng thân không là ngã,
Vì thân tướng sanh diệt.
Làm sao cho cái thọ,
Mà làm thành Thọ giả? [6] 
Nếu lìa thân có ngã,
Điều ấy tất không đúng.
Không thủ mà có ngã,
Nhưng thật không thể được. [7] 
Nhưng nay không lìa thủ,
Mà chẳng phải chính thủ.
Chẳng không thủ chẳng không,
Đây tức nghĩa quyết định. [8] 
Tôi có mặt trong đời quá khứ; điều ấy tất không đúng. Vì sao? Tôi trong đời trước, không phải là tôi hiện nay. Vì có lỗi về thường hằng. Nếu chấp thường có thì vô lượng lỗi. Vì sao? Như người do nhân duyên tu phước làm trời sau đó làm người; nếu tôi đời trước tức là tôi đời nay thì trời tức là người. Lại, vì người bởi nhân duyên gây nghiệp tội lỗi làm Chiên-đà-la, sau làm Bà-la-môn; nếu tôi đời trước tức là tôi hiện nay thì Chiên-đà-la tức là Bà-la-môn. Thí như người Bà-la-môn ở nước Xá-vệ tên là Đề-đạt đi đến thành Vương xá nó cũng gọi là Đề-đạt, không vì đến thành Vương xá mà có tên khác. Nếu trước làm trời sau làm người, thời trời tức là người, Chiên-đà-la tức Bà-la-môn. Song điều ấy không đúng. Vì sao? Trời không phải là người, Chiên-đà-la không phải là Bà-la-môn. Có những lỗi về sự thường hằng như vậy.
Nếu nói tôi đời trước không trở thành tôi hiện nay, như người khi giặt áo gọi là người giặt, khi cắt cỏ gọi là người cắt; nhưng người giặt cùng người cắt tuy hành động có khác nhưng thân không khác. Như thế, tôi khi thọ thân trời gọi là trời, tôi lúc thọ thân người gọi là người, tôi không khác mà thân có khác. Điều ấy không đúng. Vì sao? Nếu chính là người, không thể nói trời làm người. Nay người giặt y và người cắt cỏ là khác hay là không khác? Nếu không khác người giặt y tức là người cắt cỏ, như thế trời đời trước chính là người, Chiên-đà-la, chính là Bà-la-môn, nếu thế tôi cũng có lỗi thường. Nếu là khác, người giặt y, tức không trở thành người cắt cỏ, như thế, trời không trở thành người, tôi cũng vô thường. Vô thường thì không có tướng tôi; thế nên không được nói “chính là” (tức thị).
...

--




























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét