Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

PHAM QUAN TIEN



IV. Phẩm Quần Tiên
I. Với Người Thiện (S.i 16)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Ðược tốt hơn, không xấu.
4) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Ðược tuệ, không gì khác.
5) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Không sầu, giữa sầu muộn.
6) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chúng sanh sanh thiện thú.
8) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chúng sanh thường hưởng lạc.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, ai đã nói lên một cách tốt đẹp?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy, hãy nghe lời Ta nói:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Giải thoát mọi khổ đau.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Quần Tiên ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
II. Xan Tham (Tạp, Ðại 2,354c) (Biệt Tạp, Ðại 2,473b) (S.i,18)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,
Ai ước mong công đức,
Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ðiều kẻ xan tham sợ,
Nên không dám bố thí,
Sợ ấy đến với họ,
Chính vì không bố thí.
Ðiều kẻ xan tham sợ,
Chính là đói và khát,
Kẻ ngu phải cảm thọ,
Ðời này và đời sau.
Vậy hãy chế xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vững an trú,
Công đức trong đời sau.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Không chết giữa người chết,
Như thiện hữu trên đường,
San sẻ lương thực hiếm,
Thường pháp là như vậy.
Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều khó, đem cho,
Bố thí từ kẻ khó,
Ðong được ngàn đồng vàng.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Khó thay sự đem cho,
Khó thay làm hạnh ấy.
Kẻ ác khó tùy thuận,
Khó thay pháp bậc lành.
Do vậy kẻ hiền, ác,
Sanh thú phải sai khác,
Kẻ ác sanh địa ngục,
Người lành lên cõi trời.
7) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, vị nào đã nói một cách tốt đẹp?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đã nói một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe Ta:
Sở hành vẫn chơn chánh,
Dầu phải sống vụn vặt,
Dầu phải nuôi vợ con,
Với đồ ăn lượm lặt,
Nhưng vẫn bố thí được,
Từ vật chứa ít ỏi,
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Vì sao họ bố thí,
Rộng lớn nhiều như vậy,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí?
Sao ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy?
9) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ này với vị Thiên ấy:
Có những người bố thí,
Một cách bất bình thường,
Sau khi chém và giết,
Mới làm vơi nỗi sầu.
Sự bố thí như vậy,
Ðầy nước mắt đánh đập,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí.
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.
III. Lành Thay (S.i,20)
1) Ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí!
Kính thưa bậc Tôn giả.
Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,
Ai ước mong công đức,
Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều khó, đem cho,
Bố thí từ kẻ khó,
Ðong được ngàn đồng vàng.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin.
Bố thí và đánh nhau,
Ðược nói là bằng nhau,
Một số ít kẻ lành,
Thắng xa số đông người.
Ví dầu cho có ít,
Nhưng cho với lòng tin,
Do vậy được an lạc,
Vì lợi ích cho người.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Ai là người bố thí,
Với tàn sản hợp pháp,
Do nỗ lực tinh tấn,
Nhờ vậy thâu hoạch được;
Vị ấy vượt dòng suối,
Thần chết Dạ-ma giới,
Sau khi chết được sanh,
Chỗ trú xứ chư Thiên.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Lành thay sự bố thí,
Có suy tư sáng suốt!
Bố thí có suy tư,
Bậc Thiện Thệ tán thán.
Bố thí cho những vị,
Ðáng kính trọng ở đời,
Bố thí những vị ấy,
Ðược hưởng quả phước lớn,
Như hạt giống tốt đẹp,
Gieo vào ruộng tốt lành.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Lành thay sự bố thí,
Có suy tư sáng suốt!
Lành thay sự tự chế,
Ðối với các chúng sanh!
Giữa chúng sanh hữu tình,
Ai sống không làm hại,
Sợ người khác chỉ trích,
Không làm ác, bất thiện,
Họ khen kẻ nhút nhát,
Nhưng chỉ trích người hùng,
Chính sợ bị chỉ trích,
Người lành không làm ác.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, lời nói ai được tốt lành?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe lời của Ta:
Bố thí với lòng tin,
Ðược tán thán nhiều mặt,
Có pháp hơn bố thí,
Pháp ấy là Pháp cú.
Từ xưa, từ xa xưa,
Người lành, người chơn thiện,
Với trí tuệ sáng suốt,
Ðạt đến cảnh Niết-bàn.
IV. Chúng Không Phải (S.i,22)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Giữa loài Người chúng ta,
Có các dục vô thường.
Ai hưởng chúng ở đời,
Bị chúng trói, chúng buộc.
Phóng dật đối với chúng,
Khó thoát ly với chúng,
Người nào khó thoát ly,
Bị thần chết chinh phục.
Họa từ dục vọng sanh,
Khổ từ dục vọng khởi,
Dục vọng được nhiếp phục,
Nhờ vậy họa nhiếp phục,
Tai họa được nhiếp phục,
Nhờ vậy khổ nhiếp phục.
Vật sai biệt ở đời,
Chúng không phải các dục,
Chính tư niệm tham ái,
Là dục vọng con người.
Vật sai biệt tồn tại,
Như vậy ở trên đời,
Do vậy bậc Hiền trí,
Ðiều phục các dục vọng.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Hãy vượt qua tất cả,
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy,
Khổ không thể đến được,
Với ai không có gì.
Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,
Cắt đứt mọi tham ái,
Với danh sắc ở đời.
Vị ấy đoạn phiền trược,
Không lo âu, không ái;
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Ở cảnh giới chư Thiên,
Hay tại mọi trú xứ,
Tìm cầu nhưng không gặp,
Vết tích của vị ấy,
Họ tìm nhưng không thấy,
Vị giải thoát như vậy.
(Tôn giả Mogharàjà nói như vầy)
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Bậc tối thượng loài Người,
Lo hạnh phúc chúng sanh,
Họ đảnh lễ vị ấy,
Nên tán thán họ không?
(Bậc Thế Tôn lên tiếng)
Này Mogharàjà
Họ cũng nên tán thán,
Bậc giải thoát như vậy.
Này Tỷ-kheo khất sĩ,
Nếu họ biết Chánh pháp,
Ðoạn trừ được nghi hoặc,
Họ trở thành giải thoát.
V. Hiềm Trách Thiên (S.i,23)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Ujjhànasannà (Hiềm trách thiên), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, các vị ấy đứng giữa hư không.
3) Rồi một vị Thiên đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai nói mình khác
Với điều họ thực có,
Thời mọi vật thọ dụng,
Xem như do trộm cắp,
Chẳng khác kẻ gian manh,
Dùng lừa đảo trộm cắp.
Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Không làm nói có làm,
Kẻ trí biết rõ họ.
(Thế Tôn):
Những ai chỉ biết nói,
Hay chỉ biết nghe thôi,
Những hạng người như vậy,
Không thể nào tiến bộ.
Khó nhọc thay con đường,
Giúp kẻ trí giải thoát.
Nhờ Thiền định thiêu cháy,
Mọi trói buộc quần ma,
Kẻ trí không làm vậy,
Sau khi biết thế tình,
Với trí, chứng Niết-bàn,
Vượt chấp trước ở đời.
4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
-- Ðây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.
5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.
6) Các quần tiên ấy càng tức tối thêm và bay lên hư không.
7) Một vị Thiên nói bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Nếu không có tội lỗi,
Ở đây không lầm lạc,
Hận thù không thể tiêu.
Do gì xem là thiện?
Với ai không tội lỗi?
Với ai không lầm lạc?
Ai không bị si mê?
Ai kẻ trí thường niệm?
(Thế Tôn):
Như Lai, bậc Giác Ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Nơi Ngài không tội lỗi,
Nơi Ngài không lầm lạc.
Ngài không bị si mê,
Ngài chánh trí thường niệm.
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Ta không thích hận thù,
Ta nhận tội các Ông.
VI. Lòng Tin (S.i,25), (Tạp, Ðại 2,354b) - (Biệt Tạp, Ðại 2,473a)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm) tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên SatullapaKàyikà, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Tín là người thứ hai,
Là bạn của loài Người,
Nếu không trú bất tín,
Ðược danh dự, xưng tán,
Sau khi bỏ thân này,
Ðược sanh lên Thiên giới.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Hãy vượt qua tất cả
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy.
Tham không thể đến được,
Với ai không có gì.
Kẻ ngu không trí tuệ,
Mới đam mê, phóng dật,
Kẻ trí không phóng dật,
Như giữ tài vật quý.
Chớ đam mê, phóng dật,
Chớ đắm say ái dục,
Thiền tư, không phóng dật,
Ðạt được tối thắng lạc.
VII. Tụ Hội (S.i,26) - (Tạp, Ðại 2.323a) (Biệt Tạp, Ðại 2.411a) (S.i,26) (D. 20 Mahàsamaya, Trường, Ðại 1,79b - 81b)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.
2) Rồi bốn vị Tịnh cư thiên (Suddàvàsà) suy nghĩ như sau: "Thế Tôn nay ở giữa dân chúng Sakka, thành Kapilavatthu, rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả đều là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới, phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. Vậy chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi chúng ta đọc một bài kệ dâng lên Thế Tôn."
3) Rồi chư Thiên ấy nhanh như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ Tịnh cư thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn.
4) Chư Thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, một vị Thiên đọc bài kệ trước Thế Tôn:
Ðại hội tại Ðại Lâm,
Chư Thiên đồng tụ tập,
Chúng con đến Pháp hội,
Ðảnh lễ chúng Bất thắng.
5) Rồi các vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Tại đây chúng Tỷ-kheo,
Thiền định, tâm chánh trực,
Như chủ xe nắm cương,
Bậc hiền hộ các căn.
6) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Như khóa gãy, chốt tháo,
Trụ bị đào, tham đoạn,
Sống thanh tịnh, vô cấu,
Có mắt, voi khéo điều.
7) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước mặt Thế Tôn:
Những ai quy y Phật,
Sẽ không đọa ác thú,
Sau khi bỏ thân Người,
Sẽ sanh làm chư Thiên.
VIII. Miếng Ðá Vụn - (Tạp, Ðại 2,355a) - (Biệt Tạp, Ðại 2,473c) - (S.i,27)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)
2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
3) Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác.
4) Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
5) Ðứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
9) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
10) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
11) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.
Các vị Bà-la-môn,
Tinh thông năm Vệ-đà,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia,
Bị khát ái chi phối,
Bị giới cấm trói buộc,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia.
Ở đời không nhiếp phục,
Kiêu mạn cùng các dục,
Tâm không được an tịnh,
Không tu tập Thiền định.
Ở trong rừng cô độc,
Nhưng tâm tư phóng dật,
Vị ấy khó vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
Nhiếp phục được kiêu mạn,
Khéo tu tập Thiền định,
Tâm tư khéo an tịnh,
Giải thoát được viên mãn,
Ở trong rừng cô độc,
Tâm tư không phóng dật,
Vị ấy khéo vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
IX. Con Gái Của Pajjunna (Tạp, Ðại 2,350a) (Biệt Tạp, 14.4, Ðại 2,469a) (S.i,29)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng Ðại Lâm, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, Thiên nữ Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Thượng thủ các chúng sanh,
Nay an trú Ðại Lâm,
Tại thành Vesàli,
Hãy để con đảnh lễ,
Con gái Pajjunna,
Tên Kokanadà.
Từ trước con chỉ nghe,
Bậc chứng ngộ Chánh Giác.
Bậc vô thượng Pháp Nhãn,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Ngày nay con có thể,
Biết được Chánh pháp ấy,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc Mâu-ni Chánh Giác.
Những ai kém trí tuệ,
Khinh bác chống Thánh pháp,
Sẽ rơi vào địa ngục,
Mệnh danh Roruva,
Trải thời gian lâu dài,
Thọ lãnh nhiều thống khổ.
Những ai đối Thánh pháp,
Kham nhẫn, tâm tịch tịnh,
Từ bỏ thân làm người,
Viên mãn thân chư Thiên.
X. Con Gái Của Pajjunna (Tạp, Ðại 2, 349c) (Biệt Tạp 14.3, Ðại 2, 469a) (S.i,30)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi Cùla - Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Ðại Lâm đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Cùla-Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Con gái Pajjunna,
Tên Kokanadà.
Nhan sắc như điện quang,
Nàng đã đến tại đây,
Ðảnh lễ Phật và Pháp,
Nói kệ lợi ích này,
Dầu với nhiều pháp môn,
Con phân tích pháp này.
Nhưng lược nghĩa con nói,
Theo ý con hiểu biết,
Ở đời, chớ làm ác,
Cả ba: thân, khẩu, ý,
Từ bỏ mọi thứ dục,
Chánh niệm, tâm tỉnh giác,
Không khổ hạnh ép xác,
Vô bổ, không lợi ích.

http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu1-01.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét