III. Phẩm Cư Sĩ
I. Cày Ruộng (S.i,172)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Magadha, trên núi Nam Sơn, tại làng Bà-la-môn tên Ekanàlà.
2) Lúc bấy giờ là thời gian gieo mạ, và Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja sắp đặt sẵn sàng khoảng năm trăm lưỡi cày.
3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến nông trường của Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja.
4) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja đang phân phát đồ ăn.
5) Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, rồi đứng một bên.
6) Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, thấy vậy, bèn nói với Thế Tôn:
-- Này Sa-môn, tôi cày và tôi gieo mạ; sau khi cày và gieo mạ, tôi ăn. Này Sa-môn, Ông có cày và gieo mạ không; sau khi cày và gieo mạ, Ông ăn?
7) -- Này Bà-la-môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn.
8) -- Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, cái cày, cái lưỡi cày, cái gậy đâm, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Tuy vậy Tôn giả Gotama lại nói như sau: "Này Bà-la-môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn".
9) Rồi Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Ông nói là nông phu,
Ta không thấy Ông cày,
Người nông phu được hỏi,
Hãy lên tiếng trả lời,
Sao chúng tôi biết được,
Ông thật sự có cày?
10) (Thế Tôn):
Lòng tin là hạt giống,
Khổ hạnh là mưa móc,
Trí tuệ đối với Ta,
Là cày và ách mang,
Tàm quý là cán cày,
Ý căn là dây cột,
Chánh niệm đối với Ta,
Là lưỡi cày, gậy đâm.
Thân hành được hộ trì,
Khẩu hành được hộ trì
Ðối với các món ăn,
Bụng Ta dùng vừa phải,
Ta nhổ lên tà vạy,
Với chơn lý sự thật,
Hoan hỷ trong Niết-bàn
Là giải thoát của Ta.
Tinh tấn đối với Ta,
Là khả năng mang ách,
Ðưa Ta tiến dần đến,
An ổn khỏi ách nạn,
Ði đến, không trở lui,
Chỗ Ta đi, không sầu.
Như vậy, cày ruộng này,
Ðưa đến quả bất tử,
Sau khi cày cày này,
Mọi đau khổ được thoát.
11) -- Hãy ăn Tôn giả Gotama, Tôn giả Gotama thật là người nông phu. Tôn giả Gotama cày, sự cày đưa đến quả bất tử.
12) (Thế Tôn):
Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,
Thường pháp không phải vậy,
Ðối vị có tri kiến.
Chư Phật đã loại bỏ,
Tụng hát các kệ chú,
Chơn thật đối với Pháp,
Sở hành là như vậy.
Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn,
Cúng dường phải khác biệt,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Trạo hối được lắng dịu,
Với những bậc như vậy,
Cơm nước phải cúng dường.
Thật chính là phước điền,
Cho những ai cầu phước.
Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
II. Udaya (S.i,173)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Udaya.
3) Bà-la-môn Udaya lấy cơm đổ đầy bình bát của Thế Tôn.
4) Lần thứ hai Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Udaya...
5) Lần thứ ba, Bà-la-môn Udaya lấy cơm đổ đầy bình bát Thế Tôn và nói với Thế Tôn:
- Tham lam là Sa-môn Gotama, đến đi đến lại nhiều lần!
(Thế Tôn):
Nhiều lần và nhiều lần,
Chúng gieo vãi hạt giống.
Nhiều lần và nhiều lần,
Trời mưa đi, mưa lại.
Nhiều lần và nhiều lần,
Người nông phu cày ruộng.
Nhiều lần và nhiều lần,
Lúa gạo đến quốc độ.
Nhiều lần và nhiều lần,
Hành khất lại xin ăn.
Nhiều lần và nhiều lần,
Thí chủ lại bố thí.
Nhiều lần và nhiều lần,
Thí chủ sau khi cho.
Nhiều lần và nhiều lần,
Ðược đi đến thiên giới.
Nhiều lần và nhiều lần,
Người làm sữa vắt sữa,
Nhiều lần và nhiều lần,
Bò con tìm bò mẹ.
Nhiều lần và nhiều lần,
Mệt sức và lao khổ.
Nhiều lần và nhiều lần,
Kẻ ngu nhập bào thai.
Nhiều lần và nhiều lần,
Lại sanh rồi lại chết.
Nhiều lần và nhiều lần,
Họ mang đến nghĩa địa.
Họ được đường giải thoát,
Không đưa đến tái sanh.
Bậc đại trí, đại tuệ,
Không sanh đi, sanh lại.
7) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Udaya bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
III. Devahita (S.i,173)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bịnh về phong khí và Tôn giả Upavàna là thị giả Thế Tôn.
3) Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Upavàna:
-- Này Upavàna, Ông có biết làm sao cho Ta nước nóng?
4) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Upavàna vâng đáp Thế Tôn, đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Devahita; sau khi đến, đứng im lặng một bên.
5) Bà-la-môn Devahita thấy Tôn giả Upavàna đứng im lặng một bên, bèn nói lên bài kệ với Tôn giả Upavàna:
Tôn giả đứng im lặng,
Trọc đầu, choàng đại y,
Ông muốn gì, cầu gì?
Ông đến để xin gì?
6) Tôn giả:
Bậc La-hán, Thiện Thệ,
Hiện bị bịnh phong khí,
Nếu đây có nước nóng,
Hãy dâng bậc Ðại Thánh!
Xứng đáng được cúng dường,
Ngài đã được cúng dường.
Xứng đáng được tôn kính,
Ngài đã được tôn kính,
Xứng đáng được cung kính,
Ngài đã được cung kính,
Vì Ngài, tôi muốn được
Nước nóng để đem về.
7) Rồi Bà-la-môn Devahita bảo một người lấy đòn gánh gánh nước nóng và một bình đường mật, dâng cho Tôn giả Upavàna.
8) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn, dùng nước nóng tắm cho Thế Tôn, dùng đường mật pha với nước nóng dâng lên Thế Tôn dùng.
9) Và bệnh phong khí của Thế Tôn được nhẹ bớt.
10) Rồi Bà-la-môn Devahita đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
11) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Devahita nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Chỗ nào người thí chủ,
Xứng đáng nên bố thí?
Chỗ nào sự bố thí,
Ðưa đến quả báo lớn?
Cúng dường phải thế nào?
Cung kính phải thế nào?
12) (Thế Tôn):
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, ác thú,
Ðoạn diệt được tái sanh,
Thắng trí, bậc Mâu-ni.
Nên bố thí vị ấy,
Bố thí được quả lớn.
Cúng dường phải như vậy,
Cung kính phải như vậy.
13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Devahita bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng!
IV. Mahàsàla: Ðại phú giả hay y choàng thô.
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Bà-la-môn đại phú, dáng bộ tiều tụy, đắp y thô xấu, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với vị Bà-la-môn đại phú đang ngồi xuống một bên:
-- Này Bà-la-môn, sao dáng bộ ông tiều tụy? Sao ông đắp y thô xấu?
4) -- Thưa Tôn giả Gotama, ở đây bốn đứa con trai của con, chúng âm mưu với vợ của chúng, trục xuất con ra khỏi nhà.
5) -- Vậy này Bà-la-môn, hãy đọc thuộc bài kệ này, và khi nào quần chúng hội họp trong thính đường và cả các người con cùng ngồi họp, hãy đọc lên bài kệ:
Khi chúng sanh, tôi mừng
Tôi muốn chúng sinh thành.
Cùng vợ, chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác gì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn,
Ác độc và lỗ mãng,
Chúng gọi tôi: "Cha thân".
Chúng thật quỷ Dạ-xoa,
Ðội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Khi tôi đến tuổi già,
Như ngựa già suy nhược,
Bị tẩn xuất chuồng ăn.
Nay cha già bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người,
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chận bò dữ,
Chận được loại chó dữ,
Chỗ tối dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã đứng dậy được.
6) Bà-la-môn đại phú ấy học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn. Khi quần chúng tụ hội tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp, vị ấy đọc lên bài kệ:
Khi chúng sanh, tôi mừng,
Tôi muốn chúng sinh thành.
Cùng vợ, chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác gì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn.
Ác độc và lỗ mãng,
Chúng gọi tôi: "Cha thân".
Chúng thật quỷ Dạ-xoa,
Ðội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Khi tôi đến tuổi già,
Như ngựa già, suy nhược,
Bị tẩn xuất chuồng ăn.
Nay cha già bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người.
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chận bò dữ,
Chận được loài chó dữ.
Chỗ tối, dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã, đứng dậy được.
8) Rồi những người con Bà-la-môn đại phú ấy, dắt người cha về nhà, tắm rửa và mỗi người đắp cho cha một bộ áo.
9) Rồi Bà-la-môn đại phú ấy cầm một bộ áo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
10) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, chúng con Bà-la-môn, có dâng cúng sở phí cho bậc Ðạo Sư. Mong Tôn giả Gotama chấp nhận sở phí cho bậc Ðạo Sư của con.
11) Và Thế Tôn vì lòng từ chấp nhận.
12) Rồi Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
V. Mànatthada (S.i,177)
1) Nhân duyên tại Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn tên Mànatthada trú ở Sàvatthi. Vị này không cung kính mẹ, không cung kính cha, không cung kính Ðạo sư, không cung kính anh trưởng.
3) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp, có đại chúng đoanh vây.
4) Rồi Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ như sau: "Sa-môn Gotama nay đang thuyết pháp có đại chúng đoanh vây. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama nói chuyện với ta, ta cũng sẽ nói chuyện với Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama không nói chuyện với ta, ta cũng sẽ không nói chuyện với Sa-môn Gotama".
5) Rồi Bà-la-môn Mànatthada đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền đứng một bên và im lặng.
6) Và Thế Tôn không nói chuyện với Bà-la-môn ấy.
7) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này không biết gì hết", bèn muốn trở về.
8) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của Bà-la-môn Mànatthada, liền nói lên bài kệ với Bà-la-môn Mànatthada:
Hỡi này Bà-la-môn,
Kiêu mạn không có tốt,
Ở đây không có ai,
Bà-la-môn nên biết.
Ông đến, mục đích gì,
Hãy nói lên cho biết?
9) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: "Sa-môn Gotama biết tâm tư của ta", cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay thoa vuốt và nói lên tên của mình:
-- Tôn giả Gotama, con là Mànatthada. Tôn giả Gotama, con là Mànatthada.
10) Rồi đại chúng ấy tâm khởi lên kinh dị vi diệu: "Thật là vi diệu, thưa Ngài! Thật là hy hữu, thưa Ngài! Bà-la-môn Mànatthada không bao giờ cung kính mẹ, không bao giờ cung kính cha, không bao giờ cung kính Ðạo sư, không bao giờ cung kính anh trưởng, nay lại hạ mình tột cùng như vậy trước Sa-môn Gotama."
11) Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Mànatthada:
-- Thôi vừa rồi Bà-la-môn. Hãy đứng dậy và ngồi lại trên ghế của Ông. Lòng tín thành của Ông đối với Ta từ đâu đến?
12) Rồi Bà-la-môn Mànatthada sau khi ngồi trên ghế của mình, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Ðối ai không nên kiêu?
Ðối ai nên kính trọng?
Ðối ai nên tôn kính?
Cúng dường ai, tốt lành?
13) (Thế Tôn):
Với mẹ và với cha,
Với anh nhiều tuổi hơn,
Với thầy là thứ tư,
Không nên sanh kiêu mạn,
Nên kính trọng vị ấy,
Nên tôn kính vị ấy,
Cúng dường họ, tốt lành.
Các bậc A-la-hán,
Thanh lương, lậu hoặc đoạn,
Việc nên làm đã làm,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Bậc Vô thượng tôn ấy,
Ông thật nên đảnh lễ.
14) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Mànatthada bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
VI. Paccaniika (S.i,179)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn tên là Paccaniikasàta ở tại Sàvatthi.
3) Rồi Bà-la-môn Paccaniikasàta suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama có nói điều gì, ta sẽ nói lời phản ngược lại".
4) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang đi kinh hành ngoài trời.
5) Rồi Ba-la-môn Paccaniikasàta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn đang đi kinh hành:
-- Này Sa-môn, hãy thuyết pháp.
6) (Thế Tôn):
Không thuyết pháp với ông,
Này Paccanìka!
Tâm ông thật ô uế,
Và đầy những thù hận,
Làm sao biết tốt đẹp,
Làm sao nói tốt đẹp!
Ai nhiếp phục thù hận,
Nhiếp phục tâm chống đối,
Từ bỏ mọi sân tâm,
Vị ấy biết tốt đẹp,
Vị ấy nói tốt đẹp.
7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Paccaniikasàta bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
VII. Navakammika (S.i,179)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn Navakammika Bhàradvàa đang làm công việc tại khu rừng ấy.
3) Bà-la-môn Navakammika thấy Thế Tôn ngồi kiết-già dưới gốc cây, lưng thẳng và để niệm trước mặt.
4) Thấy vậy, vị Bà-la-môn suy nghĩ: "Ta thích làm việc về củi gỗ tại khu rừng này. Còn Sa-môn Gotama thời thích làm việc gì?"
5) Rồi Bà-la-môn Navakammika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Nay Ông làm việc gì,
Trong rừng cây sa-la,
Khiến Ông sống một mình,
Vui gì Ông tìm được,
Tỷ-kheo Gotama?
6) (Thế Tôn):
Ta không phải làm gì,
Trong khu rừng sa-la.
Với Ta, rễ đã cắt,
Cả khu rừng rậm rạp,
Như vậy Ta được thoát,
Mọi rừng rú chông gai.
Tâm Ta không bị đâm,
Một mình sống an lạc,
Ðoạn trừ mọi bất mãn,
Sống thích thú hoan hỷ.
7) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn Navakammika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
VIII. Katthahàra (S.i,180)
1) Một thời Thế Tôn sống ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên lượm củi, đệ tử của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, đi đến khu rừng ấy.
3) Sau khi đến, họ thấy Thế Tôn ngồi kiết-già trong khu rừng ấy, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Thấy vậy, họ liền đi đến Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja.
4) Sau khi đến, họ nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja:
-- Tôn giả có biết không, tại một khu rừng kia, có vị Sa-môn ngồi kiết-già, lưng thẳng và để niệm trước mặt?.
5) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja cùng với các thanh niên ấy đi đến khu rừng và thấy Thế Tôn tại khu rừng ấy, đang ngồi kiết-già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Thấy vậy họ liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Trong khu rừng thâm u,
Nhiều dễ sợ khủng khiếp,
Rừng trống không, hoang vắng,
Ngài vào sâu một mình,
Thân bất động, kiên trì,
Ðẹp đẽ và uy nghi.
Này Tỷ-kheo, Ngài thiền
Với tâm tư định tĩnh.
Ở đây không ca hát,
Ở đây không nói năng,
Cô độc trong rừng sâu,
Bậc Thánh nhơn an trú,
Như vậy đối với con,
Thật kỳ diệu hy hữu.
Khi Ngài sống một mình,
Hoan hỷ trong rừng vắng,
Con nghĩ, Ngài ước nguyện,
Ðồng sanh làm thân hữu,
Với bậc Thế giới chủ,
Tại vô thượng Tam thiên.
Vậy sao bậc Tôn giả,
Không bỏ rừng hoang vắng,
Tu khổ hạnh ở đây,
Ðể đạt Phạm thiên quả?
6) (Thế Tôn):
Phàm có ước vọng gì,
Hay những ái lạc gì,
Những gì kẻ phàm phu,
Thường chấp trước các giới,
Các tham ái khởi lên,
Từ gốc rễ vô minh,
Tất cả Ta đoạn tận,
Trừ cả gốc lẫn rễ.
Nay Ta không ước nguyện,
Không tham ái, chấp trước,
Ðối với tất cả pháp,
Ta thấy đều thanh tịnh.
Ðạt được Chánh Ðẳng Giác,
Và mục đích tối thượng,
Ta tu tập Thiền định,
Vắng lặng, không sợ hãi.
7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!.. từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
IX. Màtaposaka: Nuôi dưỡng mẹ (S.i,181)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Bà-la-môn Màtaposaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Màtaposaka nói với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy; tôi có làm đúng trách nhiệm không?
4) -- Này Bà-la-môn, Ông làm như vậy là làm đúng trách nhiệm. Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp; sau khi tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha thì người ấy được nhiều công đức.
Người nào theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Ðối với cha, với mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh,
Hưởng an lạc, chư Thiên.
5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Màtaposaka bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
X. Bhikkhaka (S.i,182)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Bà-la-môn Bhikkhaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi một bên.
3) Ngồi một bên Bà-la-môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?
4) (Thế Tôn):
Không phải ai xin ăn,
Cũng gọi là khất sĩ.
Nếu chấp trì độc pháp,
Không còn gọi Tỷ-kheo.
Ai sống ở đời này,
Từ bỏ các phước báo,
Ðoạn trừ mọi ác pháp,
Hành trì theo Phạm hạnh,
Sống đời sống chánh trí,
Vị ấy xứng "Tỷ-kheo".
5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
XI. Sangàrava (S.i,182)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sangàrava trú ở Sàvatthi, là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh).
3) Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về Tôn giả đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Sangàrava trú ở Sàvatthi, là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh). Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn đi đến trú xứ của Bà-la-môn Sangàrava.
5) Thế Tôn im lặng nhận lời.
6) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Sangàrava; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
7) Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sangàrava đang ngồi một bên:
-- Có đúng sự thật chăng, này Bà-la-môn, Ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh)?
9) -- Thưa đúng vậy, Tôn giả Gotama.
10) -- Này Bà-la-môn, nhằm mục đích lợi ích gì, Ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh)?
11) -- Ở đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi làm ác nghiệp gì, buổi chiều tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy; buổi tối tôi làm ác nghiệp gì, buổi sáng hôm sau tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy. Tôn giả Gotama, do nhằm mục đích như vậy, tôi là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều tôi sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh).
12) (Thế Tôn):
Chánh pháp là ao hồ,
Giới là bến nước tắm,
Không cấu uế, trong sạch,
Ðược thiện nhơn tán thán,
Là chỗ bậc có trí,
Thường tắm, trừ uế tạp,
Khi tay chân trong sạch,
Họ qua bờ bên kia.
13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
XII. Khomadusa (S.i,154)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Khomadussa.
2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào thị trấn Khomadussa để khất thực.
3) Lúc bấy giờ các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa đang tụ họp tại hội trường để giải quyết một vài vấn đề và trời đang mưa nhỏ hột.
4) Rồi Thế Tôn đi đến hội trường ấy.
5) Các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa thấy Thế Tôn từ xa đi đến.
6) Thấy vậy, họ bèn nói:
-- Những Sa-môn đầu trọc ấy là ai? Và họ có thể biết gì về quy tắc của hội trường?
7) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa:
Không thể có hội trường,
Nếu không có thiện nhân.
Không thể có thiện nhân,
Nếu không nói đúng pháp.
Những ai đã đoạn trừ,
Cả tham, sân và ái,
Nói lên lời đúng pháp,
Họ mới thật thiện nhân.
8) Khi được nghe nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Chúng con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét