Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi một vị Thiên, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
I. Thiêu Cháy (Biệt Tạp 5.4, Ðại 2,403) (S.i,31)
Trong ngôi nhà thiêu cháy,
Vật dụng đem ra ngoài,
Vật ấy có lợi ích,
Không phải vật bị thiêu.
Cũng vậy trong đời này,
Bị già chết thiêu cháy,
Hãy đem ra, bằng thí,
Vật thí, khéo đem ra.
Có thí, có lạc quả,
Không thí, không như vậy.
Kẻ trộm, vua cướp đoạt,
Lửa thiêu đốt hủy hoại,
Khi giờ cuối cùng đến,
Bỏ thân, bỏ sở hữu.
Kẻ trí, hiểu biết vậy,
Thọ dụng và bố thí,
Thí xong, thọ dụng xong,
Theo lực hành động ấy,
Không bị ai chỉ trích,
Vị ấy được sanh Thiên.
II. Cho Gì? (Tạp 36.6 Vân hà đại đắc, Ðại 2,261b) (Biệt Tạp 8.4, Ðại 2,526b) (S.i,32)
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi?
(Thế Tôn):
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả,
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử.
III. Ðồ Ăn (S.i,32)
Trời, Người, cả hai loài,
Ðều ưa thích ăn uống,
Vị Dạ-xoa tên gì,
Lại không thích ăn uống?
(Thế Tôn):
Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,
Ðược phần món ăn ấy,
Ðời này và đời sau.
Vậy hãy ngừa xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Hữu tình vững an trú,
Công đức trong đời sau.
IV. Một Căn Rễ (S.i,32)
Một rễ, hai phương diện,
Ba uế, năm môi trường,
Biển lớn, mười hai họa,
Vực xoáy bậc Thánh siêu.
V. Bậc Hoàn Toàn (S.i,33)
Bậc viên mãn toàn diện,
Thấy được nghĩa bí huyền,
Ban phát chân trí tuệ,
Thoát ly khỏi dục tạng,
Thấy được bậc toàn trí,
Bậc Thiện tuệ trí giác.
Vị Ðại Thánh dấn bước,
Trên con đường Thánh đạo.
VI. Thiên Nữ (S.i,33)
Thiên nữ đoàn tụ hội,
Ngạ quỷ chúng tới lui,
Rừng ấy danh rừng si,
Làm sao có lối thoát?
(Thế Tôn):
Ðường ấy tên chơn trực,
Phương ấy danh vô úy,
Cỗ xe gọi vô thanh,
Với pháp luân khéo ráp,
Tàm là dàn xe dựa,
Niệm là trướng màn xe,
Ta nói vị đánh xe,
Tức là chơn diệu pháp,
Và chính chánh tri kiến,
Mau chóng đi tiền phong.
Không kể nam hay nữ,
Ðều dùng cỗ xe ấy.
Chính nhờ cỗ xe ấy,
Hướng tiến đến Niết-bàn.
VII. Trồng Rừng (S.i,33)
Những ai ngày lẫn đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,
Trú pháp, cụ túc giới,
Kẻ nào sanh thiên giới?
Ai trồng vườn, trồng rừng,
Ai dựng xây cầu cống,
Ðào giếng, cho nước uống,
Những ai cho nhà cửa,
Những vị ấy ngày đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,
Trú pháp, cụ túc giới,
Những vị ấy sanh Thiên.
VIII. Kỳ Viên (S.i,33)
Ðây là rừng Kỳ Viên.
Chỗ trú xứ Thánh chúng,
Chỗ ở đấng Pháp Vương,
Khiến tâm con hoan hỷ.
Nghiệp minh và tâm pháp,
Giới và tối thắng mạng,
Chính những diệu pháp ấy,
Khiến chúng sanh thanh tịnh,
Không phải vì dòng họ,
Không phải vì tài sản.
Do vậy bậc Hiền trí,
Thấy lợi ích chính mình,
Chánh giác sát tâm pháp,
Như vậy được thanh tịnh.
Như ngài Xá-lợi-phất,
Tuệ giới và tịch tịnh,
Tỷ-kheo đến bờ giác,
Ở đây là tối thượng.
IX. Xan Tham (S.i,34)
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?
Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,
Bị tái sanh địa ngục,
Bàng sanh, Dạ-ma giới.
Nếu được sanh làm người,
Sanh gia đình nghèo khó,
Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được rất khó khăn.
Ðiều kẻ ngu ước vọng,
Họ không thâu hoạch được,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh ác thú.
(Vị Thiên):
Nhờ những điều Ngài nói,
Chúng con được hiểu vậy,
Tôn giả Gotama,
Con xin hỏi câu khác.
Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?
Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,
Họ chói sáng chư Thiên,
Tại đấy họ tái sanh.
Nếu họ sanh làm người,
Họ sanh nhà phú gia,
Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được không khó khăn,
Như các Tự tại thiên,
Hân hoan được thọ hưởng,
Giữa vật dụng tài sản,
Ðược người khác quy tụ,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh Thiên giới.
X. Thợ Ðồ Gốm (S.i,35) (Tạp 22.10 Vô phiền thiên, Ðại 2,159b) (Biệt Tạp, 9.29, Ðại 2,442b)
Ðược sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.
Vượt bùn, họ là ai,
Khéo vượt lệnh thần chết,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên?
Họ là Upaka,
Với Pukkusàti,
Hợp thành là ba vị,
Và Phalaganda,
Lại thêm Bhaddiya,
Với Khandadeva,
Và Bàhuraggi,
Cùng với Pingiya,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.
(Thế Tôn):
Người nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,
Họ thoát ly, đoạn trừ,
Các cạm bẫy Ma vương,
Pháp họ biết, của ai,
Ðoạn diệt hữu kiết sử?
(Ghatìkàra):
Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,
Họ biết pháp của Ngài,
Ðoạn được hữu kiết sử.
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư,
Họ học được pháp ấy,
Ở đây từ nơi Ngài.
Nhờ vậy họ đoạn trừ,
Hữu kiết sử trói buộc.
(Thế Tôn):
Lời nói người thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,
Pháp Ông biết của ai,
Sao Ông không nói được?
(Ghatìkàra):
Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và con được tên gọi,
Là Ghatìkàra.
Chính con lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Con đệ tử tại gia.
Con viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật,
Thuở xưa con đồng hương,
Cũng là bạn của họ,
Do vậy con biết họ,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.
(Thế Tôn):
Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,
Thuở xưa, Ông thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và Ông được tên gọi,
Là Ghatìkàra.
Chính Ông lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Ông đệ tử tại gia.
Ông viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật.
Thuở xưa Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta,
Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thời xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét