Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt
Chương 12
Chức năng của Tâm Hộ Kiếp
-ooOoo-
Có những khoảnh khắc lúc không có những cảm xúc giác quan, khi người ta không suy nghĩ, khi không có tâm bất thiện và tâm thiện. Những khoảnh khắc đó có tâm không? Thậm chí khi không có những cảm xúc giác quan và không có suy nghĩ thì vẫn có tâm; nếu không sẽ không có đời sống. Loại tâm này sanh và diệt ở những khoảnh khắc đó được gọi là tâm hộ kiếp (Bhavangacitta). Tâm hộ kiếp theo nghĩa đen có nghĩa là "yếu tố của đời sống". Tâm hộ kiếp duy trì sự liên tục trong một kiếp sống, cho nên những gì chúng ta gọi là một "chúng sanh" thì nó liên tục sống từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Ðó là chức năng của tâm hộ kiếp.
Người ta có thể tự hỏi, tâm hộ kiếp có thường phát sanh hay không. Chắc chắn có vô số tâm hộ kiếp phát sanh ở những khoảnh khắc đó, khi không có những cảm xúc giác quan, không có suy nghĩ, không có tâm bất thiện hay tâm thiện. Khi chúng ta ngủ, nằm mộng thì có tâm bất thiện và tâm thiện, nhưng thậm chí khi chúng ta ngủ không nằm mộng thì vẫn phải có tâm. Có những tâm hộ kiếp ở những khoảnh khắc như thế. Cũng vậy, khi chúng ta thức giấc, có vô số tâm hộ kiếp phát sanh; Chúng phát sanh ở giữa những tiến trình tâm khác nhau. Ví dụ, khi nghe có thể phát sanh rất ngắn sau khi thấy, nhưng thực ra có những tiến trình tâm khác nhau và ở giữa những tiến trình này có những tâm hộ kiếp.
Tâm hộ kiếp tiếp nối tâm đầu tiên trong đời sống (tâm tái tục). Khi tâm tái tục diệt, nó làm duyên cho sự phát sanh của tâm kế tiếp, tâm thứ hai trong đời sống đó, và đây là tâm hộ kiếp đầu tiên trong kiếp sống.
Tâm hộ kiếp là tâm quả; nó là kết quả giống như nghiệp mà sinh ra tâm tái tục. Chỉ có một tâm tái tục, nhưng lại có vô số tâm hộ kiếp trong một đời sống. Không những tâm hộ kiếp đầu tiên, mà còn có những tâm những tâm hộ kiếp phát sanh trong suốt kiếp sống là kết quả của nghiệp mà nó sinh ra tâm tái tục.
Tâm hộ kiếp thì giống như tâm tái tục. Có mười chín loại tâm tái tục và do đó cũng có mười chín loại tâm hộ kiếp. Nếu tâm tái tục là quả bất thiện, thì khi tái sanh sẽ sa đọa vào khổ cảnh, tất cả tâm hộ kiếp của kiếp sống đó cũng là quả bất thiện. Nếu tâm tái tục là quả thiện vô nhân, người đó sẽ bị tật nguyền ngay khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống, tất cả tâm hộ kiếp của kiếp sống đó cũng là quả thiện vô nhân. Nếu tâm tái tục là hữu nhân (tương ưng với nhân tịnh hảo), thì tâm hộ kiếp cũng là hữu nhân. Tất cả tâm hộ kiếp trong một kiếp sống thì cũng giống như tâm tái tục của kiếp sống đó, chúng phát sanh cùng với các nhân tương ưng, chúng câu hành với các sở hữu. Nếu người tái sanh có hai nhân tương ưng, vô tham và vô sân, nhưng không có trí tuệ, như vậy tất cả tâm hộ kiếp cũng có hai nhân. Một người như vậy có thể tu tập trí tuệ nhưng không thể giác ngộ trong kiếp sống đó. Nếu một người tái sanh có ba nhân tương ưng, có nghĩa là người đó tái sanh có vô tham, vô sân và trí tuệ, tất cả tâm hộ kiếp thì cũng câu hành với ba nhân tịnh hảo nầy. Như vậy người đó tu tập trí tuệ nhiều hơn, nếu họ tu tập Bát chánh đạo, họ có thể giác ngộ trong kiếp sống đó. Nếu người tái sanh có thọ hỷ, tất cả tâm hộ kiếp của kiếp sống đó thì cũng tương ưng với thọ hỷ.
Mỗi tâm phải có một cảnh và như vậy tâm hộ kiếp cũng có một cảnh. Thấy cảnh sắc; nghe cảnh thinh. Tâm hộ kiếp không phát sanh trong một tiến trình tâm như vậy và do đó nó có một cảnh khác biệt với chính những cảnh hiện diện mà được biết nhiều lần xuyên qua ngũ căn và ý môn. Tâm hộ kiếp thì nó giống như loại tâm tái tục vì chúng cùng biết cảnh giống nhau.
Như chúng ta thấy (trong chương 10) tâm tái tục biết cùng cảnh như tâm bất thiện hoặc tâm thiện mà nó phát sanh trước tâm tử của kiếp sống quá khứ. Nếu nghiệp bất thiện dẫn đến tái sanh của kiếp sống tương lai thì sẽ có sự tái sanh bất hạnh. Trong trường hợp này, những tâm bất thiện phát sanh trước tâm tử và chúng biết một cảnh bất lạc. Tâm tái tục của kiếp sống tương lai thì tiếp nối với tâm tử, nó biết cùng cảnh bất lạc đó. Nếu nghiệp thiện dẫn đến tái sanh thì sẽ có một sự tái sanh hạnh phúc. Trong trường hợp này, những tâm thiện phát sanh trước tâm tử và chúng biết cảnh lạc. Tâm tái tục của kiếp sống tương lai thì cũng biết cùng cảnh lạc đó. Bất cứ những cảnh gì mà được biết do bởi những tâm bất thiện hoặc những tâm thiện của kiếp sống quá khứ, thì tâm tái tục cũng biết cùng cảnh đó. Tâm tái tục được tiếp nối bởi tâm hộ kiếp đầu tiên của kiếp sống đó và tâm này biết cùng cảnh giống như tâm tái tục. Xa hơn nữa, tất cả những tâm hộ kiếp của kiếp sống đó thì cũng biết cùng cảnh với tâm tái tục kia:
Khi tâm tái tục diệt, thì lúc đó tiếp theo bất cứ loại tâm tái tục nào có thể xảy đến, xuất hiện những loại tâm tương tự, vì hậu quả của cùng một nghiệp, những tâm nầy được kể như là tâm hộ kiếp có cùng đối tượng, và lại tiếp theo cùng những loại đó. Và cho đến khi nào không có một loại tâm nào khác phát sanh để làm gián đoạn sự liên tục, thì chúng cứ sanh khởi bất tận trong những khoảng thời gian ngủ không nằm mộng v. v. . giống như một dòng sông.
Những tâm hộ kiếp thì giống như một dòng sông và dòng này bị gián đoạn khi có một cảnh hiện diện do một trong ngũ căn hoặc ý môn. Khi tiến trình tâm ngũ căn hoặc ý môn diệt, dòng tâm hộ kiếp lại tiếp tục.
Khi một cảnh tiếp xúc một trong năm căn, dòng tâm hộ kiếp bị gián đoạn và sẽ có một cảm xúc giác quan. Tuy nhiên, không có một cảm xúc giác quan ngay lập tức. Ví dụ, khi âm thanh tiếp xúc với nhĩ căn, không có nghe liền. Chỉ có một số tâm hộ kiếp sanh và diệt trước tâm Ngũ song thức nhận biết âm thanh xuyên qua nhĩ môn và nhĩ thức phát sanh. Tâm hộ kiếp không có thực hiện nhiệm vụ nhận biết âm thanh mà chỉ tiếp xúc qua nhĩ căn, chúng không biết âm thanh. Chúng có nhiệm vụ riêng là duy trì sự liên tục trong kiếp sống, và chúng biết cảnh riêng của chúng mà cảnh đó thì giống như cảnh của tâm tái tục. Mặc dù tâm hộ kiếp không biết âm thanh nhưng nó thì tiếp xúc với nhĩ căn, nó có thể bị ảnh hưởng "sự ồn ào" và do đó dòng tâm hộ kiếp sẽ bị gián đoạn và âm thanh sẽ được biết do các tâm phát sanh trong tiến trình nhĩ môn. Người ta có thể tự hỏi làm thế nào tâm hộ kiếp biết cảnh vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi một cảnh tiếp xúc qua một trong các căn môn. Paramattha manjùsa, bảng chú giải của Thanh tịnh đạo (478; xem Thanh tịnh đạoXIV,115, bị chú 46) giải thích điều này bằng một lối so sánh:
... nhưng làm thế nào có được sự nâng đở khác nhau khi tâm hộ kiếp bị nhiễu loạn? Bởi vì chúng thì liên hệ lẫn nhau. Và đây là ví dụ điển hình: Khi những hạt đường được đặt trên mặt trống và ngưới ta đập nhẹ mặt trống thì những hạt đường nhảy tung tăng.
Khi sắc pháp là một trần cảnh tiếp xúc một trong các căn thì đấu tiên có một khoảnh khắc tâm hộ kiếp sanh và diệt mà nó được biểu hiện bởi tên gọi là hộ kiếp vừa qua(Atìtabhavanga). Tâm này được tiếp nối bởi tâm hộ kiếp rúng động (Bhavangacalana). Người ta gọi là tâm hộ kiếp rúng động bởi vì nó nhiễu loạn do cảnh trần, mặc dù nó không biết cảnh đó. Tâm hộ kiếp vừa qua phát sanh trước dòng tâm hộ kiếp bị gián đoạn và tâm khán ngũ môn nhận biết cảnh, là tâm hộ kiếp dứt dòng (Bhavangupaccheda), được gọi như vậy là vì tiến trình tâm hộ kiếp bị gián đoạn sau tâm khán ngũ môn.
Những tâm hộ kiếp trên, không có nói đến những nhiệm vụ khác nhau, những tâm hộ kiếp này chỉ có nhiệm vụ duy trì sự liên tục kiếp sống của con người. Những tên gọi khác nhau của tâm hộ kiếp chỉ cho thấy rằng, những tâm hộ kiếp này là những tâm đã qua trước dòng hộ kiếp bị gián đoạn và một cảnh mới tiếp xúc một trong các căn được biết bởi một tiến trình tâm. Khi hộ kiếp dứt dòng đã sanh và diệt, một tiến trình tâm ngũ môn có thể bắt đầu biết cảnh xuyên qua một trong ngũ căn. Khi tiến trình tâm ngũ môn chấm dứt, dòng tâm hộ kiếp lại bắt đầu, cho nên lộ tâm tiếp nối nhau trong đời sống của chúng ta thì không bị gián đoạn. Như vậy cảnh trần tiếp xúc một trong năm căn thì được nhận biết qua ý môn. Tuy nhiên khoảng giữa tiến trình ngũ căn và tiến trình ý môn có những tâm hộ kiếp. Khi tiến trình tâm ý môn đã diệt, dòng tâm hộ kiếp lại tiếp tục.
Một cảnh trần được biết xuyên qua một trong năm căn là sắc pháp. Sắc pháp sanh và diệt, nhưng nó không diệt nhanh bằng danh pháp. Sắc pháp tiếp xúc một trong năm căn có thể được biết do bởi nhiều loại tâm nối tiếp nhau trong một tiến trình. Ví dụ khi sắc pháp là cảnh thinh nó tiếp xúc với nhĩ căn, nó có thể được biết bằng những tâm phát sanh trong tiến trình nhĩ môn. Trước khi tiến trình bắt đầu thì có những tâm hộ kiếp. Những tâm hộ kiếp đã qua phát sanh trước khi cảnh thinh có thể được biết bởi những tâm của tiến trình nhĩ môn:
Tâm hộ kiếp vừa qua
Tâm hộ kiếp rúng động
Tâm hộ kiếp dứt dòng.
Khi dòng tâm hộ kiếp bị đứt đoạn, tâm khán nhĩ môn nhận biết cảnh qua nhĩ căn. Những tâm theo sau trong tiến trình đó mà mỗi tâm như vậy thực hiện riêng chức năng riêng của chúng có thể biết cảnh thinh trước khi nó diệt. Khoảng thời gian tồn tại của một sắc pháp được các nhà chú giải xác định là có mười bảy sát na tâm. Số mười bảy này không được nhầm lẫn như sự định nghĩa đơn vị đo thời gian, nó là một khái niệm so sánh được trình bày ở đây [1]. Những tâm đầy đũ trong tiến trình ngũ căn là bao gồm ba tâm hộ kiếp trong số mười bảy sát na tâm trước khi nó biết cảnh sắc tiếp xúc. Sau nầy (trong chương 15) tai sẽ giải thích hơn với tất cả những tâm phát sanh trong một tiến trình. Trong tiến trình này mỗi tâm thực hiện chức năng riêng của nó trong khi chúng biết cảnh sắc mà cảnh sắc thì chưa diệt. Do đó khoảng thời gian của sắc pháp được tính là mười bảy sát na tâm nối tiếp nhau trong một tiến trình [2]. Chúng tôi không đếm được những sát na này, chúng tôi không thể hình dung tiến trình sát na của tâm thức, một sát na tâm tồn tại còn nhanh hơn tia chớp của ánh sáng.
Một tiến trình tâm thường không vận hành theo tiến trình đầy đủ của nó. Khi một sắc pháp tiếp xúc một trong năm căn, nó có thể xuất hiện nhiều hơn một sát na tâm hộ kiếp hơn hẳn tâm hộ kiếp rúng động và hộ kiếp dứt dòng; trong trường hợp này sắc pháp tiếp xúc một trong năm căn thì nó không tiếp tục tồn tại cho đến khi tiến trình được đầy đủ bởi vì nó không tồn tại lâu hơn mười bảy sát na tâm. Ví dụ, sau khi nó bắt đầu thì một tiến trình có thể bị gián đoạn sau tâm phán đoán, và như vậy thì không có tâm thiện hoặc tâm bất thiện trong tiến trình này. Nó cũng có thể xuất hiện để tâm hộ kiếp vừa qua tiếp nối bởi tâm hộ kiếp rúng động mà nó do cảnh làm nhiễu loạn, nhưng lúc đó sắc pháp thì đã diệt. Trong trường hợp này không có tâm hộ kiếp dứt dòng, dòng tâm hộ kiếp không bị gián đoạn và tiến trình căn môn không thể bắt đầu. Ví dụ âm thanh có thể tiếp xúc với nhĩ căn và như vậy tâm hộ kiếp vừa qua tiếp nối bởi tâm hộ kiếp rúng động. Tuy nhiên tâm hộ kiếp dứt dòng không phát sanh và như vậy dòng tâm hộ kiếp không bị gián đoạn và tiến trình nhĩ môn không thể bắt đầu. Trong trường hợp này người ta không thể nghe âm thanh .
Khi tiến trình tâm ngũ môn bắt đầu, sắc pháp tiếp xúc căn môn được người ta biết đến. Khi tiến trình tâm ngũ môn nhận biết sắc pháp như cảnh sắc hoặc cảnh thinh đã chấm dứt, và cảnh đó cũng diệt theo. Những tâm nối tiếp lẫn nhau rất nhanh chóng sau khi tiến trình tâm ngũ môn chấm dứt, một tiến trình tâm ý môn lại bắt đầu. Tiến trình tâm ý môn theo sau với tiến trình ngũ căn nhận biết sắc pháp vừa mới diệt qua ý môn. Tuy nhiên, trước khi tiến trình tâm ý môn bắt đầu thì có những tâm hộ kiếp. Những tâm hộ kiếp phát sanh giữa những tiến trình tâm khác nhau. Hai tâm hộ kiếp cuối cùng phát sanh trước tâm khán ý môn là tâm hộ kiếp rúng động và hộ kiếp dứt dòng. Như vậy tâm khán ý môn nhận biết cảnh xuyên qua ý môn và nối tiếp bởi bảy sát na tâm thiện hoặc tâm bất thiện (trong trường hợp không phải là bậc A la Hán) .
Những tâm này được tóm tắt là:
1- tâm hộ kiếp rúng động - tâm hộ kiếp dứt dòng
2- Tâm khán ý môn
3- Bảy sát na tâm thiện hoặc tâm bất thiện (đối với vị A La Hán: là những tâm tốt).
Khi tiến trình ý môn chấm dứt, dòng tâm hộ kiếp lại bắt đầu cho đến khi có những tiến trình tâm lại biết cảnh xuyên qua một trong năm căn và ý môn. Có vô số tâm hộ kiếp phát sanh suốt cả đời sống của chúng ta giữa những tiến trình tâm biết cảnh qua một trong năm căn hoặc ý môn.
Ý môn là gì? Nó thì khác với những căn môn. Một căn môn là những phương tiện nhờ nó mà tâm biết cảnh. Căn môn là những sắc pháp như sau: nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn và thân căn. Thân căn thì ở khắp thân thể. Những sắc pháp này là những phương tiện nhờ chúng mà người ta biết cảnh trần. Ý môn không phải là một trong những sắc pháp này. Ðể hiểu ý môn là gì, chúng ta nên xem tâm đầu tiên của tiến trình ý môn. Tâm thực hiện chức năng hướng đến cảnh gọi là tâm khán ý môn. Nó không hướng đến cảnh qua một trong 5 căn nhưng lại qua ý môn. Chắc chắn ý môn là danh pháp, nó là tâm. Tâm mà đi trước tâm khán ý môn gọi là ý môn, nó là những phương tiện làm cho tiến trình tâm ý môn bắt đầu với tâm khán ý môn để tiếp nhận cảnh. Tâm mà đi trước tâm kháng ý môn gọi là tâm hộ kiếp dứt dòng và tâm hộ kiếp dứt dòng này gọi là ý môn. Ý môn là do bởi tâm khán ý môn biết cảnh và nó cũng là căn môn cho việc nối tiếp những tâm của tiến trình đó.
Việc nghiên cứu tiến trình căn môn và ý môn khác nhau là thực hiện qui trình của chúng theo nhân duyên để giúp chúng ta nhận chân được tứ đại và không còn cố chấp bản ngã, vượt qua ngoài sự kiểm soát. Ví dụ khi chúng ta say đắm âm thanh hay, những gì chúng ta cho rằng âm thanh trường tồn thì lại có nhiều khoảnh khắc tâm khác nhau không tồn tại. Thậm chí khi chúng ta chưa biết nguồn gốc của âm thanh, nó là loại âm thanh gì, âm thanh đã được biết xuyên qua ý môn, bởi vì những tâm nối tiếp nhau cực kỳ nhanh chóng, sanh và diệt, âm thanh cũng không tồn tại.
Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh(IV, Salàyatana vagga, Tương ưng xứ, 50 Kinh thứ tư, chương v, 205, Ðàn tỳ bà) Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu rằng:
... Này chư Tỳ khưu, ví như một vị vua hay quan đại thần chưa bao giờ nghe tiếng đàn tỳ bà. Nay nghe được tiếng đàn Tỳ bà và vị ấy nói: "Này bạn âm thanh đó là gì, khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn như vậy?"Họ nói với vị ấy: "Thưa tôn giả, đây là đàn tỳ bà, với âm thanh khả ái, mê ly, khả lạc, say đắm, hấp dẫn như vậy".Vị ấy nói như sau: "Hãy đi và đem đàn tỳ bà ấy về cho ta".Họ đem đàn tỳ bà về cho vị ấy và nói như sau: "Thưa tôn giả, đàn tỳ bà này với tiếng khả ái.. .hấp dẫn như vậy".Vị ấy bèn nói: "Thôi đủ rồi, ta không cần cây đàn tỳ bà này. Hãy đem âm thanh lại cho ta."Họ thưa với vị ấy: "Thưa tôn giả, đàn tỳ bà này gồm có nhiều thành phần. Do những thành phần này nên đàn phát âm thanh, như nhờ cái bầu, cái da, cái cần, cái đầu, cái dây, cái cung, nhờ nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy thưa tôn giả, cái này là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần. Do những thành phần này nên đàn phát âm".Rồi đức vua chẻ cây đàn tỳ bà ấy thành mười, thành trăm mảnh. Sau khi làm như vậy, ngài chẻ thành từng mành vụng, sau khi chẻ như thế, ngài lấy lửa đốt, rồi ngài vun lại thành đống tro và quạt đống tro lớn ấy trước làn gió mạnh, để chúng trôi theo dòng nước chảy mạnh.Rồi vị ấy nói: "Thật là hạ liệt, cái gọi là đàn tỳ bà này, dù cho đàn tỳ bà là cái gì. Ở đây, đại chúng thường phóng dật, bị hướng dẫn sai lạc".Cũng vậy này các Tỳ khưu, một vị Tỳ khưu quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức- trong tất cả sự quán chiếu này, không có cái gì là 'tôi", là 'của tôi' cả.
CÂU HỎI:
1/- Ở những khoảnh khắc nào tâm hộ kiếp phát sanh?
2/- Tâm hộ kiếp đầu tiên trong đời sống phát sanh lúc nào?
3/- Tâm hộ kiếp có phải là tâm vô nhân không
4/- Tâm hộ kiếp có thể câu hành với trí tuệ không?
Chú thích:
[1] Xem "Abhidhamma Studies", vấn đề thời gian, ngài Nyanaponika.
[2] Những nhà chú giải tính khoảng thời gian tồn tại của sắc pháp là mười sáu hoặc mười bảy sát na tâm. Mặc dù kinh điển không có nói đến con số này, họ ám chỉ những tâm khác nhau trong những tiến trình mà mỗi tâm thực hiện riêng chức năng riêng của chúng, trong khi chúng thì biết cảnh, như tôi đã giải thích trong lời nói đầu.
-ooOoo-
Trang trước | Mục lục | Ðầu trang | Trang kế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét