Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012




THẤT GIÁC CHI

(Chúng ta đã có đề cập đến Thất Giác Chi như một trong bảy pháp đoạn trừ lậu hoặc, ở phần tu tập (bhāvanā) theo kinh Sabbāsava (Xem bài Thoát Vòng Nô Lệ). Vì đây là pháp quan trọng trên hành trình giác ngộ giải thoát, nên chúng ta một lần nữa thử tìm hiểu thêm những khía cạnh vi tế khác của pháp môn nầy).
*
Thất Giác Chi (Satta Sambojjhanga) hay Thất Bồ-đề Phần là một trong những pháp chân đế (paramattha dhamma) trong Phật Giáo, đã được đề cập nhiều lần trong Tam Tạng Pāli. Nhiều Phật tử tin rằng khi nghe bài kinh nầy cơn đau đớn có thể thuyên giảm hay chấm dứt và bệnh nhân sẽ sớm được bình phục, vì thế họ thường trì tụng như một phương pháp ngừa bệnh hay trị bệnh.
Chúng ta có thể đọc được đoạn kinh sau đây trong Tam Tạng Pāli cổ nhất của Phật Giáo:
"Ta nghe như vầy, một thời Đức Thế Tôn ngự trong vườn sóc, tại Veluvana, thành Rājāgaha. Lúc bấy giờ Đại Đức Mahā Kassapa, ở tại Pipphali đang lâm trọng bệnh.
Vì thế, vào một buổi chiều, Đức Thế Tôn đi đến chỗ Đại Đức Mahā Kassapa đang tĩnh dưỡng. Sau khi an tọa, Ngài dạy Đại Đức Mahā Kassapa như vầy:
- Này Kassapa, sức khỏe ông như thế nào? Cơn đau có trầm trọng lắm không? Bệnh tình của ông đang phát triển hay đã thuyên giảm? Biến chứng thuận lợi hay bất lợi?
- Bạch Đức Thế Tôn, cơn đau rất trầm trọng, biến chứng càng ngày càng nguy hiểm, không thuận lợi.
- Này Kassapa, điều mà Như Lai đã giác ngộ, đã tu chứng và phát triển tròn đủ là Thất Giác Chi, con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và Niết-bàn.
Bảy Giác Chi ấy là gì?
- Niệm giác chi (sati sambojjhanga) điều mà Như Lai đã giác ngộ, tu chứng, phát triển tròn đủ, con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và Niết-bàn.
- Trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhanga)...
- Tinh tấn giác chi (viriya sambojjhanga)...
- Hỷ giác chi (pīti sambojjhanga)...
- An giác chi (passaddhi sambojjhanga)...
- Định giác chi (samādhi sambojjhanga)...
- Xả giác chi (upekkhā sambojjhanga)...
Thật vậy, nầy Kassapa, đó là bảy nhân sinh tuệ giác mà Như Lai đã giác ngộ, tu chứng, phát triển tròn đủ, con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và Niết Bàn".
Khi nghe xong Đại Đức Mahā Kassapa hết sức hoan hỷ, và nhờ vậy cơn bệnh trầm trọng bỗng nhiên tan biến.
Hẳn chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đại Đức Mahā Kassapa có thể bình phục chỉ vì nghe được đoạn kinh trên. Nhưng y học ngày nay đã phải nhìn nhận rằng yếu tố tinh thần giữ vai trò rất quan trọng trong việc trị liệu. Trong trường hợp vị lương y là Đức Phật, với tâm đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi đã dùng sức mạnh của chân lý siêu việt để an định tinh thần Đại Đức Kassapa thì không phải là chuyện hoang đường. Mặt khác bệnh nhân là Đại Đức Kassapa, với tâm tôn kính, trong sạch và sáng suốt đã chuyên chú theo dõi chân lý mà Đức Phật đã cố ý lập đi lập lại chín lần. Hai yếu tố tinh thần ấy hẳn phải tạo được một cảm ứng mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.
Trường hợp người mẹ mang một chứng bệnh trầm trọng vì đứa con trai yêu quí bị thất lạc, thuốc thang không làm cho người mẹ bình phục, thế mà ngay khi đứa con trở về, người mẹ khỏi bệnh một cách kỳ diệu chỉ nhờ một cảm xúc mãnh liệt .
Nếu một cảm xúc có một công hiệu lớn lao như thế, thì tinh thần khi được chuyên chú và an định đem lại những kết quả mầu nhiệm, cũng không phải là một điều kỳ lạ. Từ ngàn xưa, Hoàng Đế Nội Kinh, một y thư nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã nói:
"Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi
"Tinh thần nội thủ bệnh an tùng lai".
Nghĩa là khi tinh thần ổn định trong sáng thì chân khí qui nguyên và bệnh hoạn sẽ tự bình phục. Đó không phải là điều gì huyền bí mà chính là nguyên lý cốt lõi trong y học Đông Phương và ngày nay ngành y khoa hiện đại đã công nhận và ứng dụng.
Nếu Đức Phật hay một vị Thánh Tăng đọc một bài kinh để chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh thì không có gì khó hiểu, vì ở một mức độ thấp hơn người ta đã có thể truyền khí công để chữa bệnh cho người khác từ xa huống chi đức độ của các bậc Thánh. Nhưng ở đây có một điều lạ là chính mỗi bài kinh tự nó có một năng lực kỳ diệu. Chúng ta biết nước là một môi trường dễ cảm ứng, thu nhận và bảo trì năng lượng. Các nhà khoa học sau khi thí nghiệm nhiều lần đã thấy rằng nước bị ô nhiễm có cấu trúc phân tử bị hỗn loạn trong khi nước tinh khiết có cấu trúc phân tử đều đặn như một đóa hoa xinh đẹp. Thí nghiệm tiếp theo là lấy một chai nước tinh khiết dán vào bên ngoài một câu nói thô tục thì nước bên trong liền bị tình trạng như khi nước bị ô nhiễm, ngược lại, dán vào một chai nước đã bị ô nhiễm một câu nói cao đẹp hay một đoạn kinh Phật chẳng hạn thì cấu trúc nước trở thành như nước tinh khiết. Như vậy một câu kinh tiếng kệ tự nó đã có năng lực, nếu cộng thêm năng lực của người truyền đạt nó thì chắc chắn phải tạo nên một năng lực phi thường.
Đến đây chúng ta gác sang một bên vấn đề mầu nhiệm của Thất giác chi trong lãnh vực tâm lý trị liệu để tìm hiểu ý nghĩa bảy yếu tố giác ngộ đó là gì.
1. Niệm Giác Chi:Khi một người thất niệm thì sẽ để tâm buông theo những hoài niệm quá khứ, những mơ mộng tương lai, hoặc mãi mê lang thang, chìm đắm trong những đối tượng thuận nghịch bên ngoài, mà bỏ quên thực tại nơi chính mình. Từ thất niệm đi đến tạp niệm, tà niệm, vọng tưởng, hoang tưởng... và kết quả chắc chắn là rối loạn, căng thẳng và phân tán năng lực tinh thần bởi những cố gắng tìm tòi vô hiệu, những vấn đề triết lý viễn vong, những nỗi quan hoài bất định. Vì vậy, vọng tâm là trở ngại lớn lao đối với năng lực sáng tạo của chúng ta. Niệm là yếu tố tối ưu giúp chúng ta hoá giải trở ngại lớn lao nầy. Chánh niệm (sammāsati) thuộc về định phần trong Bát Chánh Đạo, điều tâm trở về với thực tại. Nếu chánh niệm hợp tác với tầm - vitakka (hướng tâm đến đối tượng thiền) và tứ - vicāra (giữ tâm trên đối tượng thiền) thì có thể giúp tâm đạt đến an chỉ trong chánh định. Nếu chánh niệm hợp tác với tỉnh giác (sampajannā) thuộc chánh kiến thì có thể đạt đến tuệ giác thấy rõ thực tánh của pháp chân đế trong thiền tuệ vipassanā.
2. Trạch Pháp Giác Chi:Trạch pháp (dhammavicaya) thuộc tuệ phần trong Bát Chánh Đạo nên cũng có hai chức năng: chức năng chánh kiến và chức năng chánh tư duy.
Trên bình diện tục đế (sammutisacca) thuộc lãnh vực khái niệm (pannatti), trạch pháp giữ vai trò của chánh tư duy để phân tích, tổng hợp, lý luận, so sánh, đối chiếu... các pháp để phân biệt đâu là chân giả, đúng sai, thiện ác... Ngay cả những lời dạy của Đức Phật, Ngài cũng không bắt buộc hàng tứ chúng phải mù quáng tin theo mà phải phân biệt được giáo lý ấy có lợi mình lợi người, có đem lại an lạc giải thoát hay không rồi mới chấp nhận. Nhận định rõ pháp môn nào phù hợp với căn cơ trình độ của mình, pháp nào thích ứng trong trường hợp nào để tu tập cho hiệu quả cũng là nghĩa của trạch pháp trong lãnh vực nầy. Như vậy, về phương diện tục đế, trạch pháp giúp đoạn trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.
Trên bình diện chân đế (paramatthasacca) thuộc lãnh vực thực tánh (sabhāva), trạch pháp giữ vai trò của chánh kiến, vượt ngoài ngôn ngữ, ý niệm..., dùng trí tuệ tỉnh giác (tuệ tri chứ không phải thức tri) để "phân tích tách bạch" bản chất thực của mỗi pháp. Ví dụ như khi quán chiếu thân hành thấy rõ được tính chất riêng của đất, nước, lửa, gió; thấy rõ tính chất chung vô thường, khổ, vô ngã. Như vậy, về phương diện chân đế, trạch pháp phá vỡ thành trì tà kiến nhất là ngã kiến, trung tâm của vòng luân hồi sinh tử, giúp hành giả giác ngộ giải thoát.
3. Tinh Tấn Giác Chi:Đức Phật dạy:"Một pháp dẫn đầu tất cả bất thiện pháp đó là buông lung (pamādo), một pháp dẫn đầu tất cả thiện pháp đó là không buông lung (appamādo)". Không buông lung là nghĩa chính xác nhất của tinh tấn (viriya) mặc dù tinh tấn được định nghĩa là cố gắng, nỗ lực, chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, cần cù... và đôi lúc đồng nghĩa với ý chí kiên định. Thực ra, tùy pháp môn, tùy cảnh ngộ, tùy thực chất của mỗi người mà mức độ tinh tấn phải được vận dụng khác nhau mới thích ứng và hữu hiệu.
Chánh tinh tấn có công năng nâng đỡ, duy trì và phát triển các thiện pháp khác. Vì vậy nếu không có tinh tấn thì cũng không có chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định v.v. và chắc chắn không thể làm được một việc gì tới nơi tới chốn.
4. Hỷ Giác Chi.Không một cố gắng nào có thể lâu bền nếu không tìm thấy hứng thú trong hành động của mình, vì vậy hoan hỷ là một yếu tố giúp cho hành giả phấn khởi trên hành trình chế ngự cái tâm vốn luôn lăng xăng phóng túng rất khó chế ngự.
Hỷ (pīti) là một trong 6 biệt cảnh tâm sở (pakinnakā cetasikā), vì khi hiện hành trong thiện tâm thì nó là thiện tâm sở, nhưng đồng hành với bất thiện tâm nó cũng là bất thiện tâm sở. Hỷ giác chi ở đây được tìm thấy trong một số thiện tâm và thiền tâm. Trong năm chi thiền, hỷ là chi thiền thứ ba, có công năng đối trị sân triền cái, giúp tâm được mát mẻ và hoan hỷ trong đối tượng thiền định.
Khi hành giả có tầm  tứ đúng mức thì tâm bắt đầu khắng khít với đề mục thiền định, sau đó hỷ sẽ khởi lên như toàn thân rởn ốc, ánh sáng chớp lòe, bềnh bồng trên sóng, lâng lâng bay bổng, mát mẻ thanh lương, nhờ vậy tâm được lắng dịu và ổn định.
Ba yếu tố Trạch pháp, Tinh tấn, hỷ giúp chúng ta thoát khỏi trạng thái tiêu cực, buông xuôi, thụ động, hôn trầm thụy miên đưa đến thối đọa. Vì vậy, khi nào bị rơi vào tình trạng tiêu cực thụ động chúng ta nên tu tập ba giác chi nầy để tự mình chuyển hoá.
5. An Giác Chi:An (passaddhi) là trạng thái tâm nhẹ nhàng, an tịnh, một trong 25 tịnh quang tâm sở (sobhanā cetasikā), có công năng chế ngự và hóa giải sự chi phối của trạo hối. Trạo cử (uddhacca) là phóng tâm lang thang trong những hoài niệm quá khứ hay mộng ước tương lai. Hối quá (kukkucca) là ân hận, ray rứt về những tội lỗi đã làm. Hai tâm sở bất thiện nầy được gọi là triền cái vì chúng ngăn che và trói buộc tâm làm cho tâm không an ổn thoải mái được.
Trong thiền định sắc giới (rūpāvacarajhāna), đây chính là thiền chi thứ tư có tên là lạc (sukha),trạng thái trầm lắng, an bình, chuẩn bị cho tâm thái sâu lắng hơn là định và xả. Người phát triển được giác chi nầy cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng thanh thoát như khách đường xa vừa trút bỏ được một gánh nặng nhọc nhằn.
6. Định Giác Chi:Định (samādhi) hay nhất tâm (ekaggatā) là tâm thái tĩnh chỉ, chuyên nhất, ổn định, an trú hay bất động. Định giúp tâm thoát khỏi lửa dục. Tham dục (kāmachanda) là trạng thái tâm lăng xăng hướng ngoại tầm cầu sự thoả mãn trong các đối tượng khả ái như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon hoặc xúc chạm êm ái. Chính tham dục làm cho tâm tán loạn bất an nên là triền cái cần được xa lìa.Sơ thiền được mô tả là: " Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ". Thực ra, ly dục là yếu tố tất yếu cho tất cả các bậc thiền sắc giới và vô sắc giới. Nếu không ly dục không thể đạt đến trạng thái nhất tâm.
Nếu một vài tôn giáo dùng định để thọ hưởng những trạng thái xuất thần hay để phát triển năng lực thần thông; nhà khí công hay nhà thôi miên dùng định lực để chữa bệnh hoặc sai khiến người khác làm theo mệnh lệnh của mình với một mục đích nào đó; nhà bác học chú tâm để giải quyết một vấn đề khoa học... thì Phật giáo dùng định với chủ đích giúp tâm an ổn, thanh tịnh và tạo điều kiện phát triển trí tuệ. Mặc dù vẫn đạt được an lạc và thần thông nhưng hành giả thiền Phật giáo không xem đó là mục đích chính.
7. Xả Giác Chi:Xả (upekkhà) là trạng thái tâm trung lậpquân bình giữa lạc và khổ, giữa hỷ và ưu, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện ngoại giới. Không một đối tượng nào có thể lay chuyển được người có tâm xả. Họ không bất bình trước những nghịch cảnh, cũng không tham ái đối với thuận cảnh. Họ thản nhiên trước những lời tán dương hay phỉ báng, trước thành công hay thất bại, trước được mất, hơn thua, vui khổ.
Xả luôn đi đôi với định trong tứ thiền sắc giới, cũng như trong bốn bậc thiền vô sắc. Trong tứ vô lượng tâm (appamannà) xả là tâm không dính mắc, đeo níu, chấp thủ bất cứ điều gì. Xả còn là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho trí tuệ trong lộ trình siêu thế tâm đi vào đạo quả của các bậc Thánh.
*
Trong bảy yếu tố giác ngộ trên, niệm là yếu tố then chốt luôn có mặt để hỗ trợ và giúp điều hợp sáu yếu tố còn lại sao cho thích ứng với mỗi tình trạng của tâm. Sáu yếu tố còn lại nầy được chia làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất có tính động dụng, linh hoạt gồm: Trạch pháp, tinh tấn và hỷ, có công năng giải trừ tình trạng thụ động, tiêu cực, buông xuôi, hôn trầm, mê muội của tâm, giúp tâm phấn chấn, tỉnh táo, nhanh nhẹn, tích cực và sáng suốt.
Nhóm thứ hai có tính tĩnh lắng, trầm ổn gồm: An, định và xả, có công năng giải trừ tình trạng dao động, trạo cử, phóng dật, bất an, ham muốn của tâm, giúp tâm lắng dịu, trầm tĩnh, ổn định, an lạc và thanh thản.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy bảy chi pháp nầy bao hàm trong hai yếu tố định và tuệ, không thể thiếu trên Đạo lộ chứng ngộ Niết-bàn, cứu cánh của hành trình giác ngộ giải thoát.


https://sites.google.com/site/paliviet2554/home/ty-khuu-khanh-hy/02-con-dhuong-hanh-phuc/29-32

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét