Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

BAT NHI/THICHTHANHTU





Trước là Tổ Tăng Xán. Tổ Tăng Xán là Tổ thứ ba ở Trung Hoa. Bài “Tín Tâm Minh” của Ngài tôi đọc vài đoạn cho quí vị nghe để thấy:
Chí đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch.
Đản mạc tắng ái,
Đỗng nhiên minh bạch.
Hào ly hữu sai,
Thiên địa huyển cách.
Đạo đắc hiện tiền,
Mạc tồn thuận nghịch.
Tôi chỉ dẫn hai đoạn thôi. Bốn câu trên Ngài nhấn mạnh hai chữ tắng ái. “Đản mạc tắng ái”, nghĩa là chỉ chớ yêu ghét thì “đỗng nhiên minh bạch” là rõ ràng sáng suốt. Tiếp theo “đạo đắc hiện  tiền” nghĩa là muốn thấy cái chân thật hiện tiền (trước mắt), thì “mạc tồn thuận nghịch” là chớ còn thuận nghịch. Nếu còn thuận nghịch thì không có hiện tiền, nếu còn yêu ghét thì không thể rõ ràng minh bạch. Ngài chỉ cho chúng ta thấy người còn thấy hai, là còn ở trong cái kẹt. Tôi giải thích từ đầu:
“Chí đạo vô nan”: Chí đạo là cái đạo tột cùng, cái đạo đó không khó, mà tại sao khó? “Duy hiềm giản trạch”: Chỉ bởi mình giản trạch. Giản trạch là sao? Là chọn lựa, có một có hai, có tốt có xấu, có phải có quấy đó. Bởi giản trạch nên chí đạo trở thành nan, chớ chí đạo thì vô nan, vì giản trạch mà trở thành nan mất rồi. Như vậy, Ngài mới chỉ cái lỗi, bởi giản trạch nên mới có yêu ghét. Nếu dứt được yêu ghét thì rõ ràng minh bạch, chí đạo hiện tiền rõ ràng minh bạch, chớ không có gì hết. Sau đó Ngài bảo, nếu mình còn có một mảy may sai biệt, thì xa cách với đạo như trời với đất. Vậy muốn được thấy chí đạo hiện tiền, thì đừng còn thuận nghịch. Yêu ghét, thuận nghịch là những vế chỉ về hai; cái hai mà mất rồi, thì chí đạo hiện tiền; cái hai mà mất rồi, thì rõ ràng minh bạch không nghi ngờ nữa.
Đây Tổ Tăng Xán Ngài chỉ cho chúng ta rõ ràng, cái cứu kính thấy đạo phải rời cái chấp hai phải không?
Bây giờ đến Lục Tổ. Lục Tổ ngài dạy chúng ta sao? Đây trong phẩm “Phó Chúc”, ở kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài nói: Nay tôi dạy các ông nói pháp chẳng mất bản tông, nếu người hỏi “có” đem “không” đối, hỏi “không” đem “có” đối, hỏi “phàm” lấy “Thánh” đối, hỏi “Thánh” lấy “phàm” đối. Như hỏi thế nào là có? Phải nói bởi không mà có. Hỏi thế nào là không? Bởi có thành không. Nói vậy là giải thích có và không là đối đãi, có và không nương nhau. Nhân cái không mà nói có, có không không có thật. Nếu thấy có không không thật thì phàm Thánh không thật, tốt xấu cũng không thật, hơn thua cũng không thật, phải quấy cũng không thật. Nhưng mà mình có chịu chấp nhận sống với phải quấy không thật đó không? hơn thua không thật không? Chắc không chịu, nếu chịu sống với cái không thật là Thánh mất rồi. Tại sợ làm Thánh buồn, nên ưng làm phàm, rồi chấp nhận phải quấy, cho nên gặp nhau thì ngồi nói chuyện phải quấy. Bởi muốn làm phàm cho nên chấp nhận hơn thua, tốt xấu, vì vậy gặp nhau thì nói chuyện hơn thua, tốt xấu, nói người này tốt người kia xấu, người này phải người kia quấy, người này hơn người kia thua, cái này hay cái nọ dở. Cứ như vậy nói hoài, nói không cùng, do đó làm phàm mãi không thôi. Bây giờ muốn làm Thánh thì sao? Chỉ lần bỏ hai cái đó, đừng nói phải nói quấy, đừng nói hơn nói thua, đừng nói tốt nói xấu v.v... những cái đó thấy đều không thật. Thấy không thật thì không chấp, mà không chấp thì phiền não từ đâu mà sanh, mà bỏ những cái đó dễ không? Người xưa đã nói: “Điểm thiết hóa thành kim ngọc dị, khuyến nhân trừ khước thị phi nan”, nghĩa là chỉ sắt biến thành vàng ngọc dễ, khuyên người dẹp bỏ phải quấy khó. Bỏ được phải quấy khó lắm. Tại sao khó lắm vậy? Tại vì cái nghiệp chủng chúng sanh nó sâu dày quá phải không? Quí vị nhớ nói phải nói quấy, nói hơn nói thua, nói tốt nói xấu đều là cái nói của phàm phu. Cái chủng nghiệp phàm phu nó sâu quá nên ngồi lại thì cứ như vậy mà tiếp tục. Bây giờ bỏ hết những cái đó, dừng hết đừng thấy phải quấy thật, đừng thấy tốt xấu thật, đừng thấy hơn thua thật, đừng thấy có không thật v.v..., tất cả những cái hai bên mình không chấp nữa, đó là trí tuệ của Thánh nhân, là Tri kiến Phật, dễ hay khó? Bảo quí vị làm cái gì? Chỉ cần đừng mắc kẹt hai bên là Thánh mất rồi, tìm đâu cho xa. Đừng chấp như vậy là Thánh, cho nên người tu muốn thoát khỏi những cái phàm tục thì phải ứng dụng triệt để cái thấy không hai bên đó, phải thoát khỏi cái thấy hai bên. Nếu chúng ta thoát được cái thấy hai bên là chúng ta đã thoát ly được sanh tử, còn mắc kẹt  trong cái hai bên, là chúng ta đi trong dòng sanh tử. Bởi vì không thấy hai bên là trí tuệ siêu sanh tử, gọi là Tri kiến Phật hay Phật tuệ, còn nếu thấy hai bên là trí tuệ của phàm phu là sanh tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét