Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

KINH AI SANH/TRUNG BO KINH 87







TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 87

Ái Sanh
I. TOÁT YẾU
Piyajàtika Sutta - Born from Those who are dear.
Why the Buddha teaches that sorrow and grief arise from those who are dear.
Do người thân mà phát sinh.
Vì sao Phật dạy sầu ưu khởi lên từ những người thân ái.
II. TÓM TẮT

Một gia chủ có con chết, đau khổ không còn muốn làm gì, đi khắp nơi mà than khóc. "Con ở đâu, đứa con một của ta đâu?" Ông đi đến Phật kể lể như trên. Phật dạy: "Sầu bi khổ ưu do Ái sinh, hiện hữu từ nơi Ái."
Gia chủ nói ngược lại, hỷ lạc từ Ái sinh, hiện hữu từ nơi Ái. Ông bất mãn bỏ đi, gặp một nhóm người đang chơi cờ bạc, ông thuật lại lời Phật dạy: Sầu bi khổ não do Ái sinh (yêu là khổ). Những ngườiđánh bạc đồng ý với ông rằng trái lại, yêu là vui.
Câu chuyện ấy truyền đến nội cung. Vua Ba tư nặc gọi hoàng hậu, nói lại cho bà nghe lời Phật dạy "yêu là đau khổ." Hoàng hậu nói Phật đã dạy thì tất nhiên là đúng. Vua Ba tư nặc bất mãn bảo, chính vì bà quá hâm mộ Gotama nên cái gì Sa môn nói, hoàng hậu cũng cho là phải.
Hoàng hậu sai người hầu đến yết kiến Phật để hỏi lại cho chắc có phải Ngài đã dạy như vậy không. Phật dạy đúng như thế. Xưa nay có nhiều người đã than khóc người thân chết: con trai con gái khóc cha mẹ, cha mẹ khóc con trai con gái, vợ khóc chồng, chồng khóc vợ, anh chị khóc em trai em gái, em trai em gái khóc anh chị… Vì quá thương mà phát điên cuồng, tâm tư bấn loạn, họ đi từ ngã tưđường này qua ngã tư đường khác và nói: "Có ai thấy cha tôi không, thấy mẹ tôi không, thấy vợ, chồng, con trai, con gái, anh, chị, em… của tôi không." Do vậy nên biết, sầu bi khổ ưu não từ ái mà sinh ra. Xưa có người phụ nữ có chồng bị bà con ép gả cho người khác. Người chồng đã chặt bà làm đôi rồi tự tử, nói: Hai chúng ta sẽ gặp nhau trong đời sau. Do vậy nên biết sầu bi khổ ưu não do Ái sinh.
Nghe những lời ấy, Mạt lợi phu nhân đi đến vua Ba tư nặc, hỏi: "Vua có thương công chúa Vajirì không, có thương hoàng hậu Vasabha, tướng quân Vidùdabha [1], có thương chính bà và dân chúng Kàsi, Kosala không." Vua nói có, hoàng hậu lại hỏi: "Nếu có sự biến dịch [2] đổi thay gì xảy đến cho những người ấy, vua có buồn khổ không?" Vua đáp đương nhiên là có. Phu nhân bảo, chính vì thế mà Phật dạy sầu bi khổ ưu não do Ái sinh.
Sau khi nghe hoàng hậu trình bày, vua Ba tư nặc đứng dậy sửa y phục, bảo phu nhân đưa cho vua nước phép [3] rồi hướng về Phật mà đảnh lễ.
III. CHÚ GIẢI
1. Vidudabha là con trai của vua về sau đã lật đổ vua. Kàsi và Câu Tát La là các lãnh thổ vua trị vì.
2. Từ ngữ này thường dùng để chỉ bệnh nặng và chết.
3. Theo kinh sớ, ông ta dùng nước này để rửa tay chân và súc miệng trước khi chào Phật.
IV. PHÁP SỐ
Không có.
V. KỆ TỤNG



Một người vì con chết
Nỗi đau buồn không vơiÐi khắp nơi than khóc
Con của ta đâu rồi.
Ông đến Phật thổ lộ
Phật dạy n
ên hiểu rõ:
"Sầu khổ do Ái sinh,
hiện hữu từ nơi Ái."
- Sa môn nói ngược đời
Có y
êu mới thật vui
Hỷ lạc từ Ái sinh
Do Ái, có hỷ lạc
Ðến bọn người đánh bạc
Ông được họ tán đồng
"Thương y
êu là hỉ lạc"
Chuyện truyền vào nội cung.
Quốc vương Ba tư nặc
Bảo Mạt lợi phu nhân
Phật dạy "yêu là khổ"
Bà nghĩ có đúng không
- Phật đ
ã dạy điều nào
Tất nhiên điều ấy đúng
- Cái g
ì Cồ đàm nói
Ðệ tử cũng hùa theo.
Phu nhân sai người hầu
Ði đến yết kiến Phật
Phật giải thích thế n
ào
Nhớ kỹ về thuật lại.
"Sầu khổ do Ái sinh
Hiện hữu từ nơi Ái
Không ái, không lo sầu
Ðúng lời Ngài đã dạy.
Xưa nay đã lắm kẻ
Vì yêu nên khổ sầu
Nào con khóc cha mẹ
Nào chồng vợ khóc nhau
Vì yêu, chúng phát cuồng
Lang thang khắp nẻo đường
Với tâm tư bấn loạn
Mong t
ìm thấy người thương.
Vì quá đỗi yêu nhau
Có người chồng giết vợ
Rồi chính chàng tự tử
Hẹn tái ngộ kiếp sau."
Phu nhân nghe lời ấy
Liền đến hỏi vua rằng:
- Công chúa v
à thái tử
Vua thương nhiều, phải chăng
Nếu người vua y
êu mến
Bỗng dưng gặp tai biến
Vua cảm thấy thế nào?
- Ta sẽ rất sầu đau.
- Chính bởi v
ì lẽ ấy
Nên Phật mới dạy rằng
Sầu bi khổ ưu não
Là do Ái phát sinh.
Nghe phu nhân nói xong
Nhà vua chỉnh y phục
Hướng về nơi Phật ngự
Ðảnh lễ đức Thế tôn.



http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-09.htm


Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

87. Kinh Ái sanh
(Piyajàtika sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp cô độc).
Lúc bấy giờ con một của một gia chủ, khả ái, đáng thương, bị mệnh chung. Sau khi nó chết, người cha không còn muốn làm việc, không còn muốn ăn uống, luôn luôn đi đến nghĩa địa, người ấy than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta? Con ở đâu, đứa con một của ta?" Rồi người gia chủ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với người gia chủ đang ngồi một bên:
-- Này Gia chủ, có phải Ông có các căn để an trú tự tâm ông, có phải các căn của Ông đổi khác?
-- Bạch Thế Tôn, sao các căn của con có thể không đổi khác được? Bạch Thế Tôn, đứa con một khả ái, đáng thương của con đã mệnh chung. Sau khi nó chết, con không còn muốn làm việc, con không còn muốn ăn uống, con luôn luôn đi đến nghĩa địa và than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta? Con ở đâu, đứa con một của ta?"
-- Sự thật là như vậy, này Gia chủ, vì rằng, này Gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
-- Nhưng đối với ai, bạch Thế Tôn, sự tình sẽ như vậy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái?" Vì rằng, bạch Thế Tôn, hỷ lạc (anandasomanassa) do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi người gia chủ, không hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, chống báng lại, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Lúc bấy giờ, một số người đánh bạc đang chơi đổ nhứt lục không xa Thế Tôn bao nhiêu. Người gia chủ kia, đi đến những người đánh bạc ấy, sau khi đến nói với những người ấy như sau:
-- Này Quý vị, ở đây tôi đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến, đảnh lễ Sa-môn Gotama rồi ngồi xuống một bên. Này Quý vị, Sa-môn Gotama nói với tôi đang ngồi một bên:
-- "Này Gia chủ, có phải Ông có các căn để an trú tự tâm ông. Có phải các căn của Ông đổi khác?" Này Quý vị, được nghe nói vậy tôi nói với Sa-môn Gotama:
-- "Bạch Thế Tôn, sao các căn của con có thể không đổi khác được? Bạch Thế Tôn, đứa con một khả ái, đáng thương của con đã mệnh chung. Sau khi nó chết, con không còn muốn làm việc, con không còn muốn ăn uống, con luôn luôn đi đến nghĩa địa và than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta? Con ở đâu, đứa con một của ta?"
-- "Sự thật là như vậy, này Gia chủ. Vì rằng, này Gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
-- "Nhưng đối với ai, bạch Thế Tôn, sự tình sẽ như vậy! "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Vì rằng, bạch Thế Tôn, hỷ lạc do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Này Quý vị, không hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, ta chống báng lại, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
-- Sự thật là như vậy, này Gia Chủ! Sự thật là như vậy, này Gia chủ! Này Gia chủ, hỷ lạc do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi người gia chủ suy nghĩ: "Có sự đồng ý giữa ta và những người đánh bạc", rồi bỏ đi.
Và cuộc đối thoại ấy dần dần được truyền đi và truyền đến trong nội cung. Rồi vua Pasenadi xứ Kosala cho gọi hoàng hậu Mallika:
-- Này Mallika, đây là lời Sa-môn Gotama nói với các người ấy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
-- Tâu Ðại vương, nếu Thế Tôn đã dạy như vậy, thì sự việc là như vậy.
-- Ðiều gì Sa-môn Gotama nói, Mallika này cũng nói theo. Vì Mallika quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama. Vì vị Ðạo sư nói gì cho đệ tử, và đệ tử quá hoan hỷ với vị Ðạo sư nên nói: "Sự thật là vậy, thưa Ðạo sư! Sự thật là như vậy, thưa Ðạo sư". Cũng vậy, này Mallika, điều gì Sa-môn Gotama nói, Hoàng hậu quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama nên đã nói: "Nếu Thế Tôn đã nói như vậy thời sự việc là vậy". Hãy đi đi, Mallika, hãy đi đi!
Rồi hoàng hậu Mallika cho gọi Bà-la-môn Nalijangha và nói:
-- Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú, và thưa: "Bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú không, và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như sau: Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Và nếu Thế Tôn trả lời Ông như thế nào, hãy khéo nắm giữ và nói lại với ta. Vì các Như Lai không nói phản lại sự thật.
-- Thưa vâng, tâu Hoàng hậu.
Bà-la-môn Nalijangha vâng đáp hoàng hậu Mallika, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, Và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Nalijangha Bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ chân Sa-môn Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như sau: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái"?
-- Thật sự là như vậy, này Bà-la-môn. Thật sự là như vậy, này Bà-la-môn. Này Bà-la-môn, sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, bà mẹ của một người đàn bà mệnh chung. Từ khi bà ta mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy mẹ tôi đâu không? Người có thấy mẹ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn bà mệnh chung..., người anh mệnh chung..., người chị mệnh chung..., người con trai mệnh chung..., người con gái mệnh chung..., người chồng mệnh chung. Từ khi người chồng mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy chồng tôi đâu không? Người có thấy chồng tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người mẹ của một người đàn ông mệnh chung. Từ khi bà ta mệnh chung, người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy mẹ tôi đâu không? Người có thấy mẹ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn ông mệnh chung..., người anh mệnh chung..., người chị mệnh chung..., người con trai mệnh chung..., người con gái mệnh chung..., người vợ mệnh chung. Từ khi người vợ mệnh chung, người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, và nói: "Người có thấy vợ tôi đâu không? Người có thấy vợ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa chính tại thành Savatthi này, một người đàn bà đi về thăm gia đình bà con. Những người bà con ấy của người đàn bà muốn dùng sức mạnh bắt người đàn bà ấy phải xa chồng và muốn gả cho một người đàn ông khác. Người đàn bà ấy không chịu. Rồi người đàn bà ấy nói với chồng mình: "Này Hiền phu, những người bà con này muốn dùng sức mạnh bắt tôi phải xa anh và muốn gả cho một người đàn ông khác. Nhưng tôi không muốn như vậy". Rồi người ấy chặt người đàn bà ấy làm hai, rồi tự vận, nghĩ rằng: "Hai chúng ta sẽ gặp nhau trong đời sau". Này Bà-la-môn, do pháp môn này cần phải được hiểu rằng sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi Bà-la-môn Nalijangha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến hoàng hậu Mallika, sau khi đến, kể lại cho hoàng hậu Mallika toàn thể cuộc đàm thoại với Thế Tôn.
Rồi hoàng hậu Mallika đi đến vua Pasenadi nước Kosala, và thưa:
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có thương công chúa Vajiri của thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta thương công chúa Vajiri.
-- Tâu đại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của Ðại vương. Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của ta, thì sẽ có một sự thay đổi đến đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có thương yêu không?
-- Này Mallika, ta có thương yêu nữ Sát-đế-lị Vasabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lị Vasabha, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Tướng quân Vidudabha, Ðại vương có thương quý không?
-- Này Mallika, ta có thương quý tướng quân Vidudabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha thì sẽ có sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta có thương yêu Hoàng hậu.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho thiếp, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho Hoàng hậu, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương dân chúng Kasi và Kosala không?
-- Phải, này Mallika, ta thương yêu dân chúng Kasi và Kosala. Này Mallika, nhờ sức mạnh của họ, chúng ta mới có được gỗ chiên-đàn từ nước Kasi và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho dân chúng Kasi và Kosala, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch đổi khác xảy đến cho dân chúng nước Kasi và Kosala, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
-- Thật vi diệu thay, này Mallika! Thật hy hữu thay, này Mallika! Thế Tôn đã thể nhập nhờ trí tuệ, đã thấy nhờ trí tuệ. Ðến đây, Mallika, hãy sửa soạn tẩy trần.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái Thế Tôn và nói lên ba lần lời cảm hứng sau đây: "Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! ".
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 87 Kinh Ái Sinh (Piyajàtikasuttam) - Discourse On " Born Of Affection " -
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
- Ái sanh: Piyajàtika: Born of affection, hay Origininates in affection: chỉ cái gì sinh ra, phát sinh từ ái.
- Piya (adj): Dear, beloved (từ verd: Love): tình yêu, tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.
II. NỘI DUNG KINH ÁI SANH
1. Khi trú tại Sàvatthi (Xá Vệ), tịnh xá Cấp-cô- độc, chứng kiến một gia chủ mất đứa con trai độc nhất, đau khổ, hàng ngày đến nghĩa địa than khóc, đức Phật nói với gia chủ ấy rằng:" Sự thật là thế, nầy gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu não là do ái mà sanh ra, phát sinh từ ái".
Vị gia chủ ấy và một số người không đồng ý với ý kiến của Thế Tôn, bất bằngvớiý kiến của Thế Tôn, cho rằng:" Hỷ, Lạc do Ái sanh, phát sinh từ Ái".
2. Sự việc chuyển đến tai Hoàng hậu Mallika và Vua Pasenadi (vua Ba-tư-nặc): Vua Pasenadi hỏi ý kiến Hoàng hậu Mallika về lời dạy của Thế Tôn, Hoàng hậu xác định lời dạy của Thế Tôn là lời dạy về sự thật; nhà vua bất bình cho rằng là đệ tử của Thế Tôn, Hoàng hậu luôn luôn tán thán và tán thành Thế Tôn.
Hoàng hậu bèn sai một Bà-la-môn trí thức để đảnh lễ Thế Tôn và xin chỉ giáo rồi về báo lại nội dung lời dạy cho Hoàng hậu biết.
Thế Tôn chỉ cho Bà la môn quan sát ngay từ cuộc sống để thấy rõ sự thật:
- Một bà mẹ ở Xá-vệ mất (có sự thật), người con đau khổ trở nên điên cuồng...
- Một người chồng mệnh chung, người vợ trở nên điên cuồng...
- Một người vợ mệnh chung, người chồng trở nên điên cuồng...
3. Hôm sau Hoàng hậu bèn hỏi Vua Pasenadi một số câu hỏi:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ rất thương công chúa Vajiri, nếu vô thường đến, công chúa có mệnh hệ gì, bệ hạ có đau khổ không?
- Nhà Vua đáp: Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu, não được? (!)
- Bệ hạ rất quý vương phi Vasabha, nếu Vasabha có mệnh hệ gì, bệ hạ có khổ đau không?
- Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu, não được?
- Bệ hạ rất thương yêu thiếp, nếu thiếp có mệnh hệ gì, bệ hạ thấy thế nào?
- Làm sao ta không sầu, bi, khổ, ưu não được?
- Tương tự đối với tướng quân Vududabha, thần dân Kàsi và Kosala...
Chính vì sự tình đó, Hoàng hậu tiếp, mà Thế Tôn dạy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh, phát sinh từ Ái " Bấy giờ lòng sáng tỏ vấn đề, nhà vua hướng về trú xứ của Thế Tôn mà đảnh lễ và ba lần nói lên lời cảm thán " Đảnh lễ Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác".
III. BÀN THÊM
1. Bài pháp đầu tiên là " Tứ Thánh đế " mà Tập đế là Ái (Piyam hay Tanhà) đã được Thế Tôn dạy suốt 45 năm tại thế. Ái là nguyên nhân căn bản của khổ đau của Tam giới, của sinh tử.
Sự thật ấy thật quá rõ ràng nhưng hầu như luôn luôn gây " sốc " cho người đời, từ vua chúa đến thứ dân, khiến họ nghe " ngỡ ngàng", khó chấp nhận.
Người đời do vì tập khí nghiệp và văn hoá lâu đời nuôi dưỡng Ái, xem Ái như là lẽ sống, là đối tượng ước mơ muôn thuở nên thân tâm chẳng khi nào muốn chấp nhận " Tập đế " phũ phàng ấy, dù ngay cả khi đang đau đớn, đau khổ vì nó; nói gì đến những lúc con người đang nếm vị ngọt của nó (!).
Nói " sầu, bi, khổ, ưu, não sinh ra từ Ái " là lời nói quá nhẹ nhàng êm ả, ru êm người nghe. Phải bằng cách làm cho hiện về trong lời nói ấy đủ mọi hình ảnh thống khổ ở đời, mọi hình thái bi thảm như là hình ảnh của sự tàn phá do nhiều trái bom nguyên tử, như là bom Ái, gây ra thì mới đủ mạnh để đánh thức tâm đang ngái ngủ của con người. Tất cả vô lượng trạng huống khổ đau của vô lượng thế giới từ vạn cổ đến nay đều do chỉ một gốc Ái gây ra, mà nói đủ là tham, sân, si.
Mỗi người phải tự mình trầm tư thế nào để thấy rõ từng khối lửa đang bốc cháy từ tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý từ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và từ cái biết từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý làm thế nào để thấy thế giới mình sống đang bốc cháy vì Ái thì mới cảm nhận được sự thật từ lời dạy của Thế Tôn dành cho gia chủ khổ đau kia, mới sụp đầu đảnh lễ Thế tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc Toàn giác, mới có thể cảm thán: Ôi! chỉ một chút mật ngọt của Ái đã làm cho thế giới bốc cháy, đã tạo ra vô lượng sóng gió ở đời! Phương chi, cả một vũ trụ trí tuệ của Như Lai mà chỉ nói lên có mấy lời " Ái là gốc của khổ đau "!
2. Kỹ thuật, phương pháp giảng dạy của Thế Tôn là giúp người đời quan sát cuộc đời với trí tuệ thì sẽ thấy rõ mọi sự thật, như Ngài đã chỉ cho Bà la môn trong kinh " ái sinh". Ở đó không đòi hỏi trình độ văn hoá, học thuật, văn bằng hay tuổi tác, dòng họ; ở đó, không đòi hỏi có kiến thức triết lý, tâm lý hay siêu hình, ngôn ngữ.
4. Qua kinh " Ái sinh", ta có thể đi đến nhận xét rằng: ai thấy rõ sự thật của khổ đau, vô thường là có thể thấy đạo, hiểu đạo.


http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-081-90.htm


中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

18. PHẨM LỆ

216. KINH ÁI SANH[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có một người Phạm chí, độc nhất chỉ có một đứa con, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung. Sau khi đứa con mạng chung, người Phạm chí ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.
Rồi Phạm chí lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:
“Ông nay vì sao, các căn không trụ nơi tâm mình?”
Phạm chí đáp rằng:
“Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được? Vì sao vậy? Chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chìu chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên nó mạng chung. Sau khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.
Thế Tôn nói:
“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Nếu khi ái sanh thì phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Phạm chí nói:
“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Thế Tôn đến ba lần nói như vậy:
“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Phạm chí cũng ba lần hỏi rằng:
“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Lúc bấy giờ Phạm chí nghe những lời Phật nói, không cho là phải, mà chỉ bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi.
Bấy giờ ở trước cổng Thắng lâm, có một số thị dân [02] đang đánh bạc. Phạm chí từ xa trông thấy, bèn nghĩ rằng, ‘Trong đời nếu có những người thông minh trí tuệ, cũng không thể hơn được những kẻ đánh bạc. Ta hãy đến đó. Những gì vừa được thảo luận với Cù-đàm ta sẽ kể lại hết cho họ nghe’. Rồi Phạm chí đi đến số đông những người đánh bạc ấy, và đem những gì vừa được thảo luận với Thế Tôn kể lại cho họ nghe. Những thị dân đang đánh bạc này nghe xong nói rằng:
Này Phạm chí, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Phạm chí nên biết khi ái sanh, thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Phạm chí nghe xong, bèn nghĩ rằng, ”Điều mà con bạc nói thật hết sức phù hợp với ta.” Rồi gật đầu mà đi.
Rồi thì vấn đề này lần lượt truyền rộng ra, cho đến lọt vào Vương cung. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vậy, ”Nếu khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi khóc than, ưu khổ, phiền muộn ảo não.” Vua bèn nói với hoàng hậu Mạt-lỵ [03] rằng:
“Tôi nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ”Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Hoàng hậu nghe xong, thưa rằng:
“Thật vậy, Đại vương! Thật vậy, Đại vương! Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:
“Nghe tôn sư nói gì thì đệ tử nhất định đồng ý. Sa-môn Cù-đàm là tôn sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà nói như vậy, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Hoàng hậu Mạt-lỵ thưa rằng:
“Đại vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.”
Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn gọi Phạm chí Na-lị-ương-già [04] đến bảo rằng:
“Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta mà hỏi Sa-môn Cù-đàm Thánh thể, khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Rồi nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời thăm hỏi Thánh thể khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’ chăng?’ Này Na-lị-ương-già, nếu Sa-môn Cù-đàm có nói những gì, ngươi hãy khéo ghi nhớ và thuộc kỹ. Vì sao? Vì những người như vậy không bao giờ nói dối.”
Phạm chí Na-lị-ương-già vâng lời vua, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời hỏi thăm thánh thể mạnh khỏe, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói như vầy, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não chăng?’.”
Thế Tôn nói rằng:
“Này Na-lị-ương-già, Ta nay hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Na-lị-ương-già, ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một người đàn bà đã chết. Người ấy phát cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng mà chạy rong khắp các ngõ đường, nói như vầy, ‘Này các người, có thấy mẹ tôi chăng? Này các người có thấy mẹ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.
“Cũng vậy, nếu cha chết, anh, chị, em chết, con cái chết, vợ chết, người ấy phát sanh cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng chạy rong khắp cả ngõ đường, nói rằng, ‘Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng? Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.
“Này Na-lị-ương-già, thuở xưa có một người đàn bà về thăm gia đình, các thân tộc của người này muốn cưỡng bức cải giá. Người đàn bà ấy tức tốc trở về nhà chồng, nói với chồng rằng, ‘Này ông, hãy biết cho, thân tộc của tôi muốn cướp vợ của ông để gả cho người khác. Ông có mưu kế gì chăng?’ Người ấy bèn nắm cánh tay của bà vợ dẫn vào trong nhà, nói rằng, ‘Chết chung, sang đời khác với nhau! Chết chung, sang đời khác với nhau!’ Rồi lấy con dao bén chém chết vợ và mình cũng tự sát luôn. Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Phạm chí Na-lị-ương-già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở về.
Về đến Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, Sa-môn Cù-đàm quả thực có nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Hoàng hậu Mạt-lỵ tâu rằng:
“Đại vương, tôi hỏi Đại vương, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý Đại vương nghĩ sao? Đại vương có thương yêu đại tướng Bệ-lưu-la [05]chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự có yêu thương.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, Đại vương sẽ như thế nào?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Vương có yêu Đại thần Thi-lị-a-đà [06], yêu con voi Nhất-bôn-đà-lị  [07] , yêu đồng nữ Bà-di-lị [08] , yêu Vũ Nhật Cái [09], yêu nước Ca-thi và yêu Câu-tát-la chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự có yêu thương.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nước Ca-thi và Câu-tát-la bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, tôi được hưởng thụï thỏa mãn năm thứ công đức của dục là do ở hai nước này. Nếu Ca-thi và Câu-tát-la mà bị biến dịch, đổi khác, mạng sống của tôi cũng không, nói gì đến những sầu bi, khóc than ưu khổ, phiền muộn, ảo não?”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Ý Đại vương nghĩ sao? Có yêu thương tôi chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự tôi yêu thương bà.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:
“Này Mạt-lỵ, kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm, do sự kiện này là Thầy của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt-lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng.”
Phật thuyết như vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và hoàng hậu Mạt-lỵ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 60. Tương đương Pāli, M. 87. Piyajātika-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.91; No.125 (13.3).
[02] Nguyên Hán: thị quách nhi 市 郭 兒. Bản Pāli: sambahulā akkhadhuta, một số đông những tay cờ bạc.
[03] Mạt-lỵ 未 利. Pāli: Mallikā, vợ chánh cung của vua Pasenadi; bà là một nữ tại gia nhiệt thành và cũng là một phụ nữ gương mẫu. Bà thường thảo luận Phật pháp với vua Pasenadi, và thường thường nhà vua thua.
[04] Na-lị-ương-già 那 利 鴦 伽. Nālijaṅgha theo bản Pāli, không phải Ba-tư-nặc đích thân sai đi, mà chính Mạt-lỵ (hình như lén?) sai đi, để được hiểu rõ vấn đề.
[05] Bệ-lưu-la, Pāli: Viḍūḍabha. Xem Kinh 212 trên.
[06] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶; Pāli: Sirivaḍḍha. Xem Kinh 212 trên.
[07] Nhất-bôn-đà-lị, Pāli: Ekapundirika. Xem Kinh 214 trên.
[08] Bà-di-lị đồng nữ 婆 夷 利 童 女. Pāli: Vajīrī-kunāri, công chúa, con gái độc nhất của Ba-tư-nặc và Mạt-lỵ, sau được gả cho vua A-xà-thế.
[09] Vũ Nhật Cái 雨 日 蓋. Pāli: Vāsabhā (Khattiyā), một nữ tỳ dòng họ Thích, được giả làm con gái của Ma-ha-nam và được gả cho Pasenadi, về sau sinh Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha).
http://www.viet.net/anson/uni/u-kinh-ahamtrung/trungaham216.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét