Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

KINH QUAN NIEM HOI THO TBK 118/ TOAT YEU CUA TN TRI HAI/ 16 CACH THO THEO HT THICH NHAT HANH


Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

118. Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm
(Kinh Quán niệm hơi thở)
(Anàpànasati sutta)

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatupasade), cùng với rất nhiều Thượng tọa có thời danh, có danh xưng như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Mahakaccayana (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahakotthita (Ðại Câu-hy-la), Tôn giả Mahakappina (Ðại Kiếp-tân-na), Tôn giả Mahacunda (Ðại Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) và Tôn giả Ananda (A-nan), cùng với nhiều bậc Thượng tọa đệ tử khác có thời danh, có danh xưng.
Lúc bấy giờ, các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy các tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy mười tân Tỷ-kheo. Một số Thượng Tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy hai mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ba mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng Tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy bốn mươi tân Tỷ-kheo. Và các tân Tỷ-kheo được các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt.
Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày Bố-tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn sau ngày Tự tứ, đang ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng, rồi bảo các Tỷ-kheo:
-- Ta được thỏa mãn, này các Tỷ-kheo, với đạo lộ này. Tâm ta được thỏa mãn, này các Tỷ-kheo, với đạo lộ này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn hơn nữa, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây, tại Savatthi cho đến tháng tư, lễ Komudi.
Những Tỷ-kheo địa phương được nghe: "Thế Tôn sẽ ở đây, tại Savatthi, cho đến tháng tư, lễ Komudi". Các Tỷ-kheo địa phương tụ họp tại Savatthi để yết kiến Thế Tôn.
Và các Thượng tọa Tỷ-kheo lại càng khuyến giáo, giảng dạy các tân Tỷ-kheo nhiều hơn nữa. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy mười tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy hai mươi tân Tỷ-kheo, Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ba mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy bốn mươi tân Tỷ-kheo. Và những tân Tỷ-kheo được các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt.
Lúc bấy giờ Thế Tôn vào ngày Bố-tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn, ngày lễ Komudi vào tháng tư, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, chung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn sau khi nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng liền bảo các Tỷ-kheo:
-- Hội chúng này, này các Tỷ-kheo, không có lời thừa thãi. Hội chúng này, này các Tỷ-kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lõi cây thanh tịnh. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng bố thí ít, được phước báo nhiều; bố thí nhiều, càng được phước báo nhiều hơn nữa. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng khó thấy ở đời. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần (yojana) với một bao lương thực trên vai để đến yết kiến. Chúng Tỷ-kheo này là như vậy, này các Tỷ-kheo; hội chúng này là như vậy, này các Tỷ-kheo.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỷ-kheo, có những bậc Tỷ-kheo như vậy trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, này có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn niệm xứ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn chánh cần. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong hội chúng này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bốn như ý túc. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm căn. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm lực. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bảy giác chi. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Thánh đạo tám ngành. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bi tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập hỷ tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập xả tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bất tịnh. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập nhập tức xuất tức niệm.
(Quán niệm hơi thở)
Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát (vijjavimutti) được viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là tu tập nhập tức xuất tức niệm? Như thế nào là làm cho sung mãn? Như thế nào là quả lớn, công đức lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra.
Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.
(Làm viên mãn bốn niệm xứ)
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là nhập tức xuất tức niệm được tu tập? Như thế nào là làm cho sung mãn, khiến bốn niệm xứ được viên mãn?
Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay khi thở ra dài, vị ấy biết "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay khi thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nghĩ: "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các thọ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghĩ: "Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tu tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, sự tu tập nhập tức xuất tức niệm không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán tâm trên tâm, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Khi nào này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghĩ: "Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham.... quán đoạn diệt... quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán trên các pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn sự vật với niệm xả ly. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.
(Làm viên mãn bảy giác chi)
Và bốn niệm xứ, này các Tỷ-kheo, được tu tập như thế nào, được làm sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?
Này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy, niệm giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy, trạch pháp giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Trong khi Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy, tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các Tỷ-kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỷ-kheo tinh tấn tinh cần, trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, hỷ giác chi được vị Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy, định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, định giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy, xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi, được Tỷ-kheo làm cho đến sung mãn.
Này các Tỷ-kheo, trong khi quán thọ trên các cảm thọ...
Này các Tỷ-kheo, trong khi quán tâm trên tâm...
Này các Tỷ-kheo, trong khi quán pháp trên các pháp, Tỷ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỷ-kheo, trong khi niệm của Tỷ-kheo được an trú, không có hôn mê, niệm giác chi, trong khi ấy, được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Niệm giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Niệm giác chi trong khi ấy, được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỷ-kheo. Tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Ðối với vị ấy, tinh cần tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo tinh cần tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỷ-kheo. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị ấy có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, định giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được sung mãn.
(Minh giải thoát được viên mãn)
Và này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh giải thoát được viên mãn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly; tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


-ooOoo-

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 118

Nhập tức xuất tức niệm

I. TOÁT YẾU

Nàpànasati Sutta - Mindfulness of Breathing.

An exposition of sixteen steps in mindfulness of breathing and of the relation of this meditation to the four foundations of mindfulness and the seven enlightenment factors.
[Trình bày 16 bước trong pháp niệm hơi thở, tương quan giữa thiền pháp này với Bốn niệm xứ và Bảy giác chi.]II. TÓM TẮT
Vào lễ tự tứ [1] đêm rằm, Phật ngồi giữa trời được vây quanh bởi một đại chúng gồm những vị thượng thủ danh tiếng. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi khen hội chúng này thật toàn hảo, đã đắc quả từ Dự lưu đến A la hán, hoặc là những vị chuyên tu thiền bốn niệm xứ cho đến bát thánh đạo. Ngài tuyên bố sẽ ở lại đấy (Xá vệ) cho đến tháng tư lễ Komudi [2]. Những tỷ kheo tại địa phương đến quy tụ để hành thiền. Họ chuyên tâm tu tập bốn phạm trú, tu tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, hoặc tu niệm hơi thở vô ra.
Pháp môn niệm hơi thở này, nếu được tu tập viên mãn, sẽ đưa đến kết quả lớn là viên mãn bốn niệm xứ. Do viên mãn bốn niệm xứ mà bảy giác chi được viên mãn. Do bảy giác chi viên mãn mà minh giải thoát được viên mãn.
Như thế nào tu niệm hơi thở được viên mãn sẽ có kết quả lớn, công đức lớn? Vị tỷ kheo đi đến chỗ trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú chính niệm trước mặt. Chính niệm, vị ấy thở vô, chính niệm vị ấy thở ra.
Thở vô dài, vị ấy biết tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy tập: Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra. [3]
Vị ấy tập: Cảm giác hỷ thọ [4], tôi sẽ thở vô. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô. Cảm giác lạc thọ [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô. Cảm giác tâm hành [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
Vị ấy tập: Cảm giác về tâm [6], tôi sẽ thở vô. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm hân hoan [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm định tĩnh [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm giải thoát [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.

Vị ấy tập: Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở vô [7]. Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở vô. Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở vô. Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô. Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra.
Bốn pháp đầu, trong khi quán thân thể [8] như là thân thể, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệmđể điều phục tham ưu ở đời. Khi quán cảm thọ [9] như là cảm thọ với bốn pháp tiếp theo, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Với nhóm bốn pháp thứ ba, trong khi quán tâm trên tâm [10], vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu [11] ở đời. Trong khi quán pháp trên các pháp với nhóm bốn pháp thứ tư cũng vậy. Như vậy là bốn niệm xứđược viên mãn nhờ quán hơi thở vô ra.
Bảy giác chi [12]: Trong khi tỷ kheo tùy quán thân trên thân, niệm giác chi phát sinh và đi đến viên mãn. Nhờ tư duy thẩm sát trong khi có chính niệm [13] trạch pháp giác chi sinh khởi và đi đến viên mãn. Trong khi thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động khởi lên gọi là tinh tấn giác chi, và khi tinh tấn giác chi viên mãn thì hỷ phi vật chất sinh khởi. Tâm hoan hỷ đi đến viên mãn sẽ khiến thân tâm khinh an, là khinh an giác chi. Khi tâm được khinh an, an lạc, sẽ đưa đến định giác chi, và với tâm định tĩnh thì dễ nhìn sự vật với thái độ xảđấy là xả giác chi. Ðối với ba nhóm còn lại là thọ, tâm, pháp cũng thế.
Minh giải thoát: Bảy giác chi được tu tập viên mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn là vì cả bảy giác chi đều liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt, xả ly.
III. CHÚ GIẢI
1. Pavàranà lễ tự tứ, là lễ kết thúc an cư mùa mưa, trong lễ này các tỷ kheo thỉnh cầu lẫn nhau giáo giới, chỉ lỗi cho mình.
2. Komudì là ngày rằm tháng Kattika, tháng thứ tư mùa mưa; nó được gọi như vậy vì vào mùa mưa ấy hoa kumuda (hoa súng) nở.
3. Ðoạn bốn pháp đầu được giải thích trong kinh số 10, chỉ khác đoạn này ở chỗ thêm ví dụ. Vì đã giải thích bốn niệm xứ quán về hơi thở trong Thanh Tịnh Đạo nên ở MA, Luận sư Buddhaghosa chỉ nói độc giả tham khảo luận TTD. Bốn chú thích sau đều rút từ TTD VII.

4. Người ta kinh nghiệm hỷ thọ theo hai cách: nhờ đạt hai thiền đầu trong đó có mặt hỷ, hành giả cảm thọ hỷ theo kiểu khinh khoái. Cách thứ hai là nhờ xuất khỏi thiền ấy và quán sát hỷ cũng phải bị hoại diệt, như vậy hành giả được hỷ theo kiểu tuệ giác.

5. Cũng phương pháp giải thích ấy áp dụng cho mệnh đề hai và ba, ngoại trừ mệnh đề hai bao hàm ba thiền dưới còn mệnh đề ba bao hàm cả bốn thiền. Tâm hành là tưởng và thọ được an tịnh nhờ tuần tự phát triển các tầng mức cao hơn về tịnh chỉ và tuệ quán.
6. Cảm thọ về tâm cần hiểu là nhờ bốn thiền. Khiến tâm hân hoan là hoặc đắc hai thiền đầu có hỷ hoặc đi sâu và hai thiền bằng tuệ quán để thấy chúng vô thường, vân vân. Khiến tâm định tĩnh ám chỉ hoặc định chứng thuộc thiền, hoặc sự tập trung chốc lát (sát na định) khởi lên cùng với tuệ quán. Khiến tâm giải thoát có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các thiền chi thô nhờ các định chứng cao dần, và khỏi các nhận thức sai lầm nhờ tri kiến thuộc tuệ.
7. Ðoạn bốn pháp này hoàn toàn đề cập tuệ giác, không giống ba đoạn trước đề cập cả chỉ lẫn quán. Quán ly tham và quán đoạn diệt có thể hiểu là tuệ quán đi sâu vào tính vô thường của các hành, và làđạo lô siệu thế chứng niết bàn ly dục (viràga) và chấm dứt khổ đau. Quán từ bỏ là sự từ bỏ nhiễm ô nhờ tuệ và sự thể nhập niết bàn nhờ đạo.

8. Hơi thở ra vào cần được xem như phong đại làm nên thân thể trong bốn đại. Nó cũng cần được hiểu là xúc xứ trong các pháp thuộc về thân (vì đối tượng chú ý là sự chạm xúc của hơi gió ra vào nơi cửa mũi).
9. MA giải thích sàdhuka manasikàra (tác ý một cách sát nút) tự nó không phải là cảm giác thực, mà đây chỉ nói ẩn dụ. Trong đoạn bốn pháp thứ hai, cảm thọ thực thụ là lạc thọ nói trong câu hai và cảm giác bao hàm trong chữ tâm hành trong câu ba và bốn.
10. MA: Mặc dù thiền giả lấy tướng hơi thở vô ra làm đề mục tu, vị ấy vẫn được xem là đang quán tâm như là tâm, vì đang duy trì tâm mình trên đối tượng bằng cách đánh thức hai tâm pháp là chính niệm và tỉnh giác.
11. MA: Tham và ưu là hai triền cái đầu tức dục và sân, và do vậy tiêu biểu sự quán các tâm pháp khởi đầu bằng năm triền cái. Vị ấy từ bỏ được triền cái nhờ quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và đi đến kết quả là nhìn đối tượng với tâm xả.

12. MA nói đoạn kinh này hiển thị các giác phần cùng hiện hữu trong từng sát na tâm khi tu thiền quán.
13. MA: Chính niệm theo dõi hơi thở là thuộc thế gian; chính niệm thế gian này làm hoàn hảo nền tảng chính niệm thế gian; nền tảng chính niệm thế gian kiện toàn các đại chi siêu thế; và các đại chi siêu thế làm viên mãn chính trí và giải thoát, nghĩa là quả và niết bàn.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG



Ðêm trăng rằm tự tứÐức Phật ngồi giữa trời
Với đại chúng vây quanh
To
àn thượng thủ danh tiếng.
Ngài đưa mắt nhìn quanh
Khen hội chúng toàn hảo
Gồm nhiều vị La hán
Tối thiểu cũng Dự lưu.
Ngài cho đại chúng biết
Như Lai sẽ lưu lại
Tại th
ành Xá vệ này
Ðến rằm tháng tư sau.
Khi được biết tin ấy
Những tỷ kheo địa phương
Quy tụ lại h
ành thiền
Theo lời Phật chỉ dạy.
Hoặc tu bốn phạm trú
Hoặc tu tưởng bất tịnh
Hoặc tu tưởng vô thường
Hoặc tu niệm hơi thở.
Phật dạy pháp môn này
Nếu tu tập viên mãn
Sẽ có kết quả lớn:
Viên mãn bốn niệm xứ
Kiện toàn bảy giác chi
Cho đến minh giải thoát.
Pháp quán niệm hơi thở
Gồm mười sáu đề mục
Về thân thọ tâm pháp
Cách tu tập như sau.
Tỷ kheo chọn chỗ vắng
Ngồi kiết gi
à lưng thẳng
An trú niệm trước mặt
Tỉnh giác, thở vô ra.
Hơi vô dài, rõ biết
Hơi ra dài, rõ biết
Hơi thở ngắn cũng vậy
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở vô,
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thân.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành,
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thọ.
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở vô
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về 
Tâm.
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Pháp.
Trong khi quán thân thể
Chỉ như là thân thể
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tỉnh giác và chính niệm
Ðể điều phục tham ưuÐối với mọi sự đời.
Trong khi quán cảm thọ
Quán tâm v
à các pháp
Qua mười sáu đề mục
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Chính niệm v
à tỉnh giác
Ðể điều phục tham ưuÐối với mọi sự đời.
Như vậy bốn niệm xứ
Ðược tu tập viên mãn
Nhờ quán thở vô ra.
Trong khi tùy quán thân
Và quán thọ, tâm, pháp
Niệm giác chi phát sinh
Và đi đến viên mãn.
Nhờ tư duy thẩm sát
Trong khi có chính niệm
Trạch pháp giác chi sinh
Và đi đến viên mãn.
Trong khi thẩm sát pháp
Sự tinh tấn khởi lên
Là tinh tấn giác chi
Khi tinh tấn viên mãn
Hỷ phi vật chất sinh.
Tâm hoan hỷ tột độ
Sẽ khiến thân nhẹ nh
àng
Và tâm cũng khoan khoái
Là khinh an giác chi.
Khinh an đưa đến lạc
Lạc đưa đến định
Gọi l
à định giác chi.
Và với tâm định tĩnh
Ta dễ nh
ìn sự vật
Với thái độ buông xả
Ðấy là xả giác chi.
Bảy giác chi tu tập
Ði đến chỗ viên mãn
Minh giải thoát phát sinh
Vì cả bảy giác chi
Ðều liên hệ viễn ly
Ly tham, diệt, giải thoát.


http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-12.htm



16 CACH THO TRONG KINH 118 TRUNG BO KINH/ TS NHAT HANH



Gioi thieu
Bai nay hay, xin gioi thieu ban doc. Chu Blue mau xanh da troi la do CY them vao de de nho. No duoc trich tu Kinh 118 TBK do Thay Thich Minh Chau dich.

Tinh Yếu Kinh Quán Niệm Hơi Thở

(Sư Ông nói bài pháp thoại về kinh Quán Niệm Hơi Thở này nhân dịp có một đoàn làm phim từ Việt Nam qua thăm và tu tập tại Làng Mai. Khi ấy đoàn phim đang làm một bộ phim về Kinh Quán Niệm Hơi Thở, và họ đã thỉnh Sư Ông giảng về đề tài này.)


Tinh Yếu Kinh Quán Niệm Hơi Thở
Hồi tôi viết cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng là vào mùa đông, trời rất lạnh, không có lò sưởi như bây giờ. Trong phòng chỉ có một cái lò củi, tôi hơ tay trái trên lò cho ấm, còn tay phải thì viết sách. Mỗi ngày tôi viết rất nhiều giờ. Tôi đã rất hạnh phúc trong khi viết cuốn sách ấy. Tuy trong nhà không có lò sưởi, thiếu thốn tiện nghi nhưng niềm hạnh phúc của tôi rất lớn. Trong khi viết, tôi biết chắc rằng người đọc sẽ rất hạnh phúc, tại vì người viết sách hạnh phúc thì người đọc cũng sẽ có hạnh phúc. Khi ông tỷ phú Modi đề nghị làm phim “Đường Xưa Mây Trắng”, tôi có đề nghị rằng với ông ta rằng: Quý vị làm phim này thì phải vừa làm vừa tu phim mới có giá trị. Trong khi làm mà mình có hạnh phúc, có sự tu tập thì những người xem phim mới có hạnh phúc. Cho nên từ đạo diễn đến diễn viên tất cả phải tu trong khi làm việc. Để sau khi làm phim xong thì mình đã chuyển hóa rồi, đã thay đổi rồi và chắc chắn là những người xem phim họ sẽ có hạnh phúc, họ cũng sẽ chuyển hóa. Nhà xuất bản Brasax, hay nhà xuất bản Lá Bối cũng vậy, hai nhà xuất bản này thường in những cuốn sách về sự thực tập. Nếu muốn bán sách để cho người đọc tu thì với cương vị là nhà xuất bản mình cũng phải tu. Khi in những cuốn sách về thực tập thì mình phải thực tập những cái mà mình nói trong sách trước đã. Cái nhân tốt thì mới có quả tốt. Vậy nên tôi rất mong quý vị trong khi làm phim, muốn chia sẻ phương pháp thở cho nhân gian thì mình phải thực tập trong suốt quá trình đó. Thực tập như vậy đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay bây giờ và ở đây trong lúc làm việc. 

Tôi nghĩ là trong khi quý vị làm phim này, quý vị dựng ra những cốt truyện thì quý vị cũng phải sống với chánh pháp đó, thì người xem mới tiếp thu được một cách cụ thể. Và họ có thể đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Ngày tôi khám phá ra kinh Quán Niệm Hơi Thở tôi rất hạnh phúc, tôi xem như mình đã tìm ra một kho báu, tôi có cảm tưởng tôi là người hạnh phúc nhất trên đời. Vì vậy tôi đã từng giảng dạy, từng trình bày và từng hướng dẫn cho rất nhiều người tu tập. Trong khi hướng dẫn người khác tu tập tôi luôn luôn có hạnh phúc và những người được nghe và tu tập theo cũng có hạnh phúc. Do đó tôi nghĩ rằng trong phạm vi một giờ đồng hồ tôi sẽ trình bày mười sáu hơi thở như thế nào để quí vị có thể sống và thực tập được ngay bây giờ, và trong khi quý vị tìm cách chia sẻ các phương pháp này với những người khác thì quý vị đã hưởng cái hạnh phúc đó rồi. 
Tôi đã nghiên cứu rất kỹ 16 hơi thở mà Đức Thế Tôn đề ra. Tôi đã áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày. Những điều tôi giảng dạy đều xuất phát từ kinh nghiệm chứ không phải từ sự nghiên cứu và học hỏi trong sách.
Hơi thở thứ nhất: Nhận diện hơi thở
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra.
Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào
Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra.
Trong hơi thở đầu mà Đức Thế Tôn đề nghị là nhận diện hơi thở. Khi thở vào thì mình biết là mình đang thở vào, khi thở ra thì mình biết là mình đang thở ra. Mục đích của hơi thở thứ nhất là nhận diện hơi thở vào và nhận diện hơi thở ra. Bài tập này không khó, trẻ em cũng có thể làm được. Nhưng hiệu quả của nó thì vô song, tại vì nếu muốn nhận diện thì mình phải có mặt đó mới nhận diện được. Trong lúc thở vào mà biết đây là hơi thở vào thì tự nhiên tâm của mình bám lấy hơi thở vào. Khi đã để tâm vào hơi thở thì không còn lo nghĩ về chuyện quá khứ, hay tương lai nữa. Tâm của mình có mặt với thân. Đó là kết quả có liền lập tức khi mình nhận diện hơi thở.
Chúng ta thường sống trong thất niệm, thân ở một nơi mà tâm ở một ngả. Vì vậy nên mình không thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, không sống được sâu sắc với giây phút hiện tại, vì thế hơi thở đầu có công năng đưa tâm trở về với thân. Khi thân tâm đã nhất như rồi thì lúc đó mình mới có mặt thực sự để tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống đang có ở trong mình và xung quanh mình. Bài thực tập này có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi: Khi lái xe, khi rửa bát, khi rửa tay… Chỉ cần thở vào biết rằng mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra. Bất cứ một giây phút nào của đời sống hằng ngày mình cũng có thể thực tập hơi thở này. Đem tâm trở về với thân để thực sự có mặt mà sống với giây phút đó.
Bài tập thứ hai: Đi theo hơi thở.
Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài".
Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". 
Thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết rằng hơi thở của mình dài hay ngắn
Thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết hơi thở của mình dài hay ngắn
Hơi thở có chiều dài của nó. Nó có điểm bắt đầu và chỗ chấm dứt. Trong khi thở vào mình phải bám sát lấy hơi thở từ đầu cho đến cuối. Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào. Tâm của mình hoàn toàn bám lấy hơi thở và không có một giây phút nào rời hơi thở. Bám lấy hơi thở gọi là đi theo hơi thở (tùy tức). Ví dụ: Cái bút này là hơi thở, ngón tay của tôi là cái tâm. Thì khi bắt đầu thở, ngón tay của tôi bám lấy cây bút. Tâm của tôi bám sát vào hơi thở. Trong suốt hơi thở vào tôi hoàn toàn chú tâm vào hơi thở, do đó cái định của tôi không bị gián đoạn. Có thể trong hơi thở đầu, tuy là tâm tôi đã có khả năng nhận diện được đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra nhưng mà cái định chưa thể sánh bằng so với hơi thở thứ hai. Bởi vì trong hơi thở thứ hai tôi hoàn toàn bám sát hơi thở, không hề rời hơi thở. 

Trong bài tập thứ hai này mình thấy rõ ràng niệm và định của mình vững chãi, sâu sắc hơn. Cố nhiên khi niệm, định vững chãi hơn thì sự có mặt của mình trong giây phút hiện tại cũng vững chãi hơn. Và mình có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống một cách sâu sắc hơn, khi ấy mình mới thực sự sống đời sống của mình. Ví dụ như khi đứng trước cảnh tượng mặt trời mọc rất huy hoàng, nếu cái tâm của mình không có mặt ở đó, mình cứ nghĩ về quá khứ, hay mải mê với những dự tính trong tương lai hoặc lo lắng sầu khổ thì cảnh mặt trời mọc đẹp đẽ kia không phải để dành cho mình. Trong khi người khác thực sự có mặt ở đó nên họ hưởng được cảnh tượng đẹp đẽ đang diễn ra trước mặt.
Vì vậy, hơi thở đầu là đem tâm trở về với thân và hơi thở thứ hai là có mặt một cách liên tục không gián đoạn. Tất cả những mầu nhiệm của sự sống ở trong ta và quanh ta luôn luôn có đó nhưng ta đã không có mặt cho nên ta không thừa hưởng được. Hơi thở thứ hai giúp ta trở về với chính mình để có mặt thực sự mà tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Cái đó gọi là “sống”. Từ một người “chết” trở thành một người “sống”. Khi tâm của mình trở về với thân thì mình mới thực sự sống, sống như một người sống. Nhà văn pháp  …… tác giả của cuốn Người Xa Lạ đã nói : “Sống như một người chết” để chỉ những người sống trong thất niệm.
Bài tập thứ ba: Ý thức toàn thân
 "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Thở vào tôi ý thức được toàn thân tôi
Thở ra tôi biết hình hài tôi có đó.
Trong khi thở vào và thở ra mình chế tác một năng lượng chánh niệm. Năng lượng này giúp mình có mặt trong giây phút hiện tại. Vì vậy mình có thể định nghĩa: năng lượng chánh niệm là năng lượng giúp mình thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để biết được những gì đang xảy ra trong giây phút ấy. Năng lượng này do chính mình chế tác ra trong khi thở vào và thở ra. Với năng lượng đó, mình tiếp tục nhận diện sự có mặt của thân thể mình, đó là mục đích của bài tập thứ ba.
Thở vào tôi ý thức được sự có mặt của toàn thân thể tôi, dùng năng lượng chánh niệm để ôm lấy cơ thể, một sự đoàn tụ của thân và tâm rất sâu sắc. Mình bắt đầu một cuộc trở về mà hơi thở là cửa ngõ. Trước hết mình trở về với hơi thở, khi trở về được với hơi thở rồi thì mình có mặt với thân thể. 
Giống với bài thực tập thứ nhất và thứ hai, bài thực tập này cũng có thể thực tập ở mọi lúc mọi nơi: khi đang lái xe, khi đang quét nhà, đang, uống trà.v.v… Khi có mặt với thân thể thì mình có thể khám phá ra trong thân thể có những đau nhức, căng thẳng bị dồn chứa lâu ngày. Nhờ trở về với thân nên mình giác ngộ ra một điều, vì không tu nên những căng thẳng đau nhức mới có cơ hội tích tụ như vậy, đây chính là nguyên nhân phát sinh bệnh tật. Do đó mình cần đến bài thực tập thư tư

Bài tập thứ tư: Buông thư toàn thân
 "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân tôi an tịnh
Tôi đang thở ra và làm cho toàn thân tôi an tịnh
Buông thư toàn thân có nghĩa là làm cho hình hài lắng dịu xuống, làm cho những căng thẳng đi ra khỏi thân thể. Khi những căng thẳng dịu xuống thì những đau nhức cũng theo đó mà giảm thiểu. Nếu mình căng thẳng nhiều thì đau nhức cũng sẽ nhiều và từ căng thẳng đau nhức này sẽ phát sinh ra vô số bệnh tật. Trước hết là những bệnh về thân rồi sau đó là những bệnh về tâm. Nếu có ý thức tu tập thì mình sẽ vượt thoát khỏi những căng thẳng, đau nhức và không mang nhiều chứng bệnh nữa. Vì vậy bài tập thứ ba và thứ tư không chỉ có công năng trị liệu mà còn có giá trị phòng ngừa rất lớn lao. Rất là hay, chỉ cần thở là có thể ngăn ngừa bệnh tật.
Chúng ta có thể buông thư toàn thân trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, trong tư thế đứng, và ngay cả trong tư thế đi mình cũng có thể buông thư toàn thân được. Mỗi bước chân thảnh thơi giúp mình loại bỏ những căng thẳng ra ngoài. Đi như là đi chơi, đường dài em bước như dạo chơi. Đi như vậy thì đường không còn dài nữa, mình không đi như bị ma đuổi và mình có hạnh phúc trong từng bước chân. Vì vậy trong khi đi, mình có thể buông thư toàn thân, buông thư tất cả những căng thẳng. Thiền đi trước hết là buông bỏ tất cả những căng thẳng để mình có thể bước được trong tịnh độ. Một khi đã buông bỏ và đi được những bước chân chánh niệm thì mỗi bước chân như vậy giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của đất trời: Bầu trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại là vậy.
Tịnh độ không còn là mơ ước của tương lai nữa. Tại vì trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở là những mầu nhiệm của sự sống đang thực sự có mặt. Những cái đó không thuộc về tịnh độ thì thuộc về cái gì? Chính mình đây cũng vậy, mình cũng thuộc về tịnh độ nhưng tại vì không biết cho nên mình tự gây ra cho mình những đau nhức, những sầu khổ. Một khi tâm đã trở về với thân, buông thư và an trú trong giây phút hiện tại thì tự nhiên mình tiếp xúc được với tịnh độ ở trong mình và xung quanh mình. Cơ thể của mình cũng thuộc về tịnh độ cũng là vật sỡ hữu của đức A Di Đà, của đức Thích Ca, đừng làm hư thân thể mình mà tội nghiệp. Bốn hơi thở đầu này nó có liên hệ đến thân thể - quán thân ở trong thân. Và nó có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc. Mình mới trở về với hơi thở, mới chỉ tu thân thôi chưa tu tâm mà đã có thể buông bỏ được khổ đau và bắt đầu có những hạnh phúc rồi.
Bốn bài thực tập đầu của kinh Quán Niệm Hơi Thở thuộc về thân, đó là nhận diện hơi thở, nhận diện toàn thân và làm lắng dịu toàn thân. Qua bài tập thứ năm và thứ sáu ta bắt đầu bước sang lĩnh vực cảm giác. Bụt đã dạy rất nhiều phương pháp để chế tác ra niềm vui. Bài tập thứ bảy và thứ tám là cách nhận diện và ôm ấp niềm đau. Sang bài tập thứ chín và thứ mười, đang từ lĩnh vực thân (bốn hơi thở đầu), thọ (bốn hơi thở tiếp theo) chúng ta bước sang lĩnh vực của tâm. Kính mời các bạn tiếp tục học về phần 2 của kinh Quán Niệm Hơi Thở từ bài tập thứ 5 cho đến bài tập thứ 10
Bài tập thứ năm: Chế tác mừng vui
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui
Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui
Với hơi thở thứ năm, chúng ta đi sang lĩnh vực cảm giác. Chúng ta có thể nhìn cơ thể mình như một dòng sông. Trong dòng sông đó mỗi tế bào là một giọt nước. Tại vì cơ thể chuyển biến, thay đổi trong từng giây, từng phút. Giây phút nào cũng có những tế bào mới sinh ra. Nó không phải là một thực thể bất động. Nó là vô thời gian. Nó là một dòng sông và bây giờ chúng ta ngồi trên bờ của một dòng sông thứ hai trong cơ thể, đó là dòng sông cảm giác. Trong cơ thể của mình có một dòng sông cảm giác tuôn chảy đêm ngày, mỗi cảm giác là một giọt nước của dòng sông. Những cảm giác đó được phát triển, tồn tại một thời gian rồi tiêu diệt để nhường chỗ cho những cảm giác mới phát triển. Và bài tập thứ năm là học cách làm như thế nào để đem lại những cảm giác mừng vui. Người hành giả phải có khả năng đem lại cảm giác mừng vui cho chính mình. Tại vì mình cần được nuôi dưỡng bằng những niềm vui.
Bài tập thứ sáu: Chế tác hạnh phúc
"Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. 

Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc
Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc
Mỗi chúng ta phải có khả năng chế tác sự mừng vui, phải có khả năng chế tác hạnh phúc. Nếu anh chưa có khả năng chế tác niềm vui cho anh thì anh thực tập chưa giỏi. Nếu chị chưa có khả năng chế tác hạnh phúc cho chị thì chị thực tập vẫn chưa giỏi. Chúng ta rất cần những giây phút có sự mừng vui, cần những giây phút có hạnh phúc để được nuôi dưỡng. Tại vì chúng ta có những nỗi đau cần phải được ôm ấp và chuyển hóa. Mà nếu chúng ta không đủ mạnh thì sẽ không thể ôm ấp và chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau đang có mặt. Muốn có đủ sức mạnh để ôm lấy và chuyển hóa những niềm đau thì mình phải tự nuôi mình bằng những niềm vui, những hạnh phúc mà mình có thể chế tác được. Vậy nên hơi thở thứ năm là chế tác niềm vui, hơi thở thứ sáu là chế tác hạnh phúc. Niềm vui trong kinh gọi là Hỷ. Chế tác hạnh phúc ở trong kinh gọi là Lạc. Vậy làm như thế nào để chế tác mừng vui, chế tác hạnh phúc?
Bụt đã dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp để đem lại cảm giác mừng vui, hạnh phúc. Bất cứ lúc nào, nếu muốn là mình có thể có niềm vui, mình có thể có hạnh phúc ngay được. Hay như vậy đó! Và đây là những phương pháp:
1. Ly sinh hỷ lạc:

Trước hết là phương pháp buông bỏ để đạt tới hỷ lạc. Buông bỏ có thể đem tới niềm vui và hạnh phúc. Ví dụ: Mình đang ở một thành phố lớn ồn ào, bụi bặm. Ngày cuối tuần mình muốn thoát khỏi thành phố đó nên đã chuẩn bị đồ ăn, nước uống và lên xe đi về một miền quê để sống hai ngày. Chỉ sau một giờ đồng hồ xe chạy mình đã rời khỏi thành phố, tiếp xúc với ruộng nương xanh tốt, nghe được tiếng chim hót, gió thổi, và không khí trong lành khiến tâm tư khỏe nhẹ, tâm hồn thư thái. Đạt được điều đó là do mình có khả năng bỏ lại cái thành phố ồn ào bụi bặm kia. Vì vậy đây là một trong những phương pháp thực tập để đem lại niềm vui và hạnh phúc. Có rất nhiều cái mình có thể buông bỏ được. Ví dụ khi mình có một ý niệm như: Nếu tôi không có được cái đó thì tôi sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Nếu tôi không loại trừ được kẻ đó thì tôi sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Mình có những ý niệm như vậy và những ý niệm đó làm mình đánh mất đi cơ hội có hạnh phúc. Tại vì có thể mình có ý niện đó nhưng không bao giờ ý niệm đó thành hiện thực. Nếu tôi không cưới được người đó thì chắc là tôi không sống nổi. Nếu tôi không có bằng cấp đó, không có địa vị đó thì sống có nghĩa gì nữa đâu? Nếu cứ đưa vào trong đầu những ý niệm như vậy thì mình cứ khổ hoài, không thể có niềm vui hạnh phúc. Nhưng nếu mình bỏ được những ý niệm ấy ra ngoài thì niềm vui hạnh phúc ào ào đi tới. Thành ra những ý niệm, những tư tưởng của mình cũng là những nguyên do làm cho mình đau khổ. Vì vậy mình phải xét xem mình có những ý niệm nào, thành kiến nào cần phải buông bỏ. Càng buông chừng nào thì càng có hạnh phúc chừng đó. Cái đó gọi là ly sinh hỷ, ly sinh lạc. Hạnh phúc, niềm vui có được nhờ buông bỏ.
2. Niệm sinh hỷ lạc: 
Phương pháp thứ hai mà Bụt dạy để chế tác niềm vui và hạnh phúc là phương pháp chánh niệm. Niệm là năng lượng giúp cho mình có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Biết được, nhận diện được những cái gì đang thực sự xảy ra trong giây phút đó. Niệm giúp cho mình biết rằng đây là hơi thở vào. Và khi thở vào mình biết rằng mình là một sinh vật. Mình là một người đang còn sống. Biết rằng mình đang còn sống, đó là một hạnh phúc rất lớn. Tại vì những người chết rồi thì làm sao mà thở vào được? Vì vậy cho nên khi thở vào tự nhiên mình giác ngộ được một sự thật là mình đang còn sống và đang còn sống là một phép lạ. Mình có thể ăn mừng phép lạ đó bằng cách thở vào và thở ra. Chỉ cần thở vào, thở ra thôi là đã có hạnh phúc rồi. Tự mình thở vào có chánh niệm, thở ra có chánh niệm cho nên năng lượng của chánh niệm cho mình biết mình là một thực tại mầu nhiệm và xungquanh mình là những sự sống mầu nhiệm. Cho nên khi có chánh niệm thì tức là sống có niềm vui và hạnh phúc. Vì thế có thể nói chánh niệm là một nguồn sống vô tận của hạnh phúc. Ví dụ, tôi thở vào và có ý thức về trái tim tôi, trái tim tôi rất là dễ thương với tôi. Nó làm việc đêm ngày để bơm máu nuôi các tế bào trong cơ thể. Tôi thì có thể được ngủ năm hoặc sáu giờ trong một ngày đêm, còn trái tim của tôi thì phải làm việc liên tục. Ấy vậy mà tôi chưa bao giờ lân mẫn, để ý thương yêu lưu tâm đến trái tim của tôi. Tôi có thể đã hút thuốc. Tôi có thể đã uống rượu. Tôi có thể đã thức đêm và tôi làm cho trái tim của mình mệt nhoài. Bây giờ tôi thở vào một hơi và tôi đem năng lượng chánh niệm nhận diện sự có mặt của trái tim. Và mình ôm lấy trái tim bằng sự trân quý, bằng ý thức của mình. Thở vào: trái tim của ta ơi, ta biết ngươi có đó. Mình phải biết rằng mình đã đối xử với trái tim không được dễ thương lắm do chuyện mình hút thuốc, mình uống rượu. Nghĩ tới đó tự nhiên tình thương đối với trái tim được phát triển và mình nghĩ từ đây về sau mình sẽ không uống rượu, hút thuốc, thức khuya nữa để cho trái tim của mình có hạnh phúc. Khi ôm lấy trái tim với chánh niệm thì mình nhận ra một điều rất mầu nhiệm là trái tim của mình nó đang vận hành một cách bình thường. Có những người không có một trái tim bình thường, họ có vấn đề về tim mạch, trái tim của họ có thể ngừng đập bất cứ lúc nào và họ luôn sợ hãi. Điều mong muốn sâu sắc nhất của họ là có một trái tim bình thường như là trái tim của bất cứ ai. Khi thở vào, mình giác ngộ một sự thực là mình có một trái tim bình thường. Và mình có thể ăn mừng sự kiện là có một trái tim bình thường. Đó là niềm vui có được nhờ có chánh niệm.
- Thở vào tôi ý thức về trái tim của tôi. Tôi ý thức rõ sự có mặt của trái tim tôi.
- Thở ra tôi biết trái tim tôi là một trái tim bình thường, mạnh khỏe.
Ý thức đó đưa tới niềm vui và hạnh phúc. Cái đó gọi là niệm sinh hỷ lạc. Mà đâu phải trong cơ thể chỉ có mỗi trái tim thôi. Lá gan của tôi, thận của tôi cũng còn tốt. Hai chân của tôi còn mạnh. Tôi có thể chạy nhảy được. Biết bao nhiêu là những điều kiện hạnh phúc có đó mà tôi vì không có ý thức, không có niệm cho nên không có hạnh phúc. Vì vậy, trở về với năng lượng chánh niệm. Nhận diện những điều kiện của hạnh phúc mình đang có thì tự nhiên sẽ có vô số hỷ, vô số lạc. Khi nhìn ra ngoài, mình cũng thấy trời xanh hoa nở, biết bao nhiêu là mầu nhiệm của sự sống. Người thương của mình vẫn còn và mình được sống chung với nhau dưới một mái nhà. Biết bao nhiều là điều kiện của hạnh phúc. Nó dư dả để cho mình không cần đi tìm thêm nữa. Tất cả những cái đó là điều nhờ công dụng của niệm. Vì vậy hễ thực tập thở vào – thở ra, trở về tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có thì tự nhiên niềm vui, hạnh phúc được sinh ra liên tiếp. Đó là phương pháp Bụt dạy để có niềm vui và hạnh phúc. Và mình có thể khẳng định rằng chánh niệm là một nguồn suối vô tận của hạnh phúc. Năng lượng chánh niệm có thể được chế tác bằng hơi thở vào và hơi thở ra.
3.  Định sinh hỷ lạc: 

Phương pháp thứ ba mà Bụt dạy, đó là định sinh hỷ lạc. Định cũng là một loại năng lượng. Có chánh niệm thì bắt đầu có định. Ví dụ như khi ý thức được sự có mặt của bông hoa thì mình có chánh niệm về bông hoa. Nhưng nếu duy trì chánh niệm được lâu dài thì mình chú tâm vào bông hoa đó nhiều hơn. Và như vậy thì cái định nó sinh ra từ cái niệm. Định càng hùng thì niệm càng hùng và hạnh phúc càng lớn. Ví dụ: Khi uống một tách trà thơm mà nếu có niệm thì mình thực sự có mặt trong giây phút hiện tại. Mình có mặt trong giây phút hiện tại thì chén trà trở thành một cái gì có thật. Còn nếu mình không có mặt. Nếu tâm mình ở chỗ khác thì rõ ràng mình uống trà mà không biết là mình đang uống trà. Mình là một bóng ma không có thực mà chén trá cũng là một bóng ma không có thực. Tại vì mình đang bị kẹt vào trong cái lo lắng, buồn khổ, đang toan tính thì không có ai ngồi đó để mà uống trà hết, mà cũng không có trà để uống. Mình uống trà như một cái máy. Trong khi đó, nếu có hơi thở chánh niệm thì tự nhiên mình có mặt thật sự, thân tâm nhất như và mình có mặt thực sự thì trà cũng có mặt thực sự. Lúc ấy sự tiếp xúc giữa mình với trà là sự sống đích thực. Khi uống trà như vậy, có niệm có định thì chén trà rất là ngon. Còn nếu không, tách trà chỉ là một bóng ma mà thôi. Người thương của mình cũng vậy. Nếu mình không có niệm, không có ý thức rằng người thương của mình ở đó thì người thương của mình cũng như là một bóng ma. Mình chỉ sống với bóng ma. Vì vậy cho nên có niệm, có định thì tất cả đều trở thành sự thật. Điều đó đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.
4. Tuệ sinh hỷ lạc:
Tuệ tức là cái thấy. Nếu mình có chánh niệm và mình tập trung cho vững thì mình sẽ có cái thấy, cái thấy này đem lại cho mình rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Càng tập trung chừng nào thì hạnh phúc càng lớn chừng đó. Đó gọi là tuệ sinh hỷ lạc. Là người hành giả khôn ngoan, ta phải có khả năng chế tác được niềm vui trong mọi giây phút bằng những phương pháp pháp buông bỏ, chánh niệm, chánh định và tuệ giác. Khi có niệm, có định thì sẽ có tụê.
Bài tập thứ bảy: Nhận diện niềm đau
 "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta
Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta
Bài tập thứ tám: Ôm lấy niềm đau
 "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh
Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh
Khi nào chúng ta có đủ Hỷ và Lạc thì chúng ta có khả năng sử lý những nỗi khổ niềm đau ở trong ta và xung quanh ta dễ dàng hơn. Vì vậy cho nên phải có bài tập thứ năm và thứ sáu trước khi chúng ta đi vào bài tập thứ bảy. Bài tập thứ bảy là nhận diện niềm đau. Bài tập thứ tám là ôm lấy niềm đau. Người hành giả, người thực tập không tìm cách trốn chạy niềm đau của mình, không tìm cách khỏa lấp niềm đau của mình bằng tiêu thụ, bằng rượu, bằng ma túy, bằng thức ăn, bằng những phương tiện tiêu khiển khác. Người hành giả biết tu thì có khả năng đối diện trực tiếp với niềm đau, ôm lấy niềm đau của mình mà chuyển hóa. Trước hết, tôi nói đến một chút về sự khác biệt giữa Hỷ và Lạc. Ở trong kinh có nói, ví dụ mình đi trong sa mạc mà khát nước cháy cả cổ, tự nhiên mình trông thấy một lùm cây và một hồ nước. Mình thấy mừng quá đi, tuy chưa thực sự được uống nước và ngồi dưới bóng mát nhưng mình đã có niềm vui rồi. Cái này gọi là Hỷ. Và khi mình tới nơi, quỳ xuống vốc nước uống, trong khi vốc nước uống mình có hạnh phúc. Cái đó gọi là Lạc. Hỷ và Lạc khác nhau ở chỗ đó. Trong Hỷ còn có sự xôn xao, còn có sự mong đợi. Nhưng trong Lạc thì mình hoàn toàn không còn sự xôn xao, còn sự mong đợi nữa. Mình thực sự hạnh phúc. Thành ra các pháp môn thực tập là đưa tới Hỷ, rồi đưa tới Lạc. Khi có Hỷ và Lạc rồi thì mình đủ mạnh và mình có khả năng nhận diện và ôm lấy niềm đau mà không trốn chạy, không khỏa lấp, không đàn áp niềm đau. Thở vào, tôi biết có một niềm đau trong tâm tôi. Đây là một cảm giác đau khổ, một khổ thọ. Chúng ta có ba loại cảm giác: cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu và cảm giác trung tính. Bài tập thứ năm là để chế tác những cảm giác dễ chịu. Bài tập thứ sáu cũng là để chế tác những cảm giác dễ chịu. Còn bài tập thứ bảy là để xử lý những cảm giác đau buồn, để ôm lấy niềm đau. Niềm đau là đối tượng cần được ôm ấp, cần được công nhận. Niềm đau của ta ơi, ta biết rằng ngươi đang có mặt đó, ta không trốn chạy. Ta không giả bộ rằng ta không có niềm đau. Mình phải có can đảm chấp nhận sự có mặt của những niềm đau, nỗi khổ. Và phải dùng những năng lượng chánh niệm mà mình đã chế tác để nhận diện và ôm ấp lấy niềm đau nỗi khổ của mình. Đó là bài tập thứ bảy, bài tập này bất cứ người hành giả nào cũng có thể làm được. Nếu mình dạy cho trẻ em thì các em cũng có thể làm được chuyện đó. Ở trong bài tụng Hướng Về Tam Bảo dành cho thiếu nhi có câu:

…Con xin lạy Bụt
Đã ban cho con
Giáo pháp nhiệm mầu
Giúp con nuôi dưỡng
Tình nghĩa, hạnh phúc
Nụ cười, niềm tin
Dạy con biết thở
Ôm lấy niềm đau
Những lúc tâm con
Tham đắm, giận hờn
Si mê, ganh tỵ….

Đó là những bài kinh cho các em thiếu nhi nhưng kỳ thực đó là phương pháp cho các em thực tập. Con lạy Bụt tại vì Bụt đã ban cho con giáo pháp, giúp cho con biết thở, biết ôm lấy niềm đau những lúc tâm con bị tham đắm giận hờn, si mê, ganh tỵ nó làm cho con đau khổ. Đây là sự thực tập. Khi mình đã thực tập được thì mình cũng có thể chỉ cho các em nhỏ thực tập theo. Các em nhỏ từ nhiều quốc gia khác nhau khi tới Làng Mai đã chứng tỏ rằng các em cũng có thể thực tập được. Thở vào, tôi nhận diện những nỗi khổ niềm đau trong thân tâm và tôi ôm lấy niềm đau đó. Nếu mình không có năng lượng chánh niệm và không ôm ấp được nỗi khổ, niềm đau thì mình sẽ để cho nỗi khổ, niềm đau tràn ngập. Muốn cho nỗi khổ niềm đau không tràn ngập thì mình phải có chánh niệm và chánh định. Nếu mình biết thực tập hơi thở thì mình liên tục chế tác ra chánh niệm, có năng lượng chánh niệm đó thì mình có khả năng ôm lấy niềm đau của mình. Mà đã ôm lấy nó thì tự nhiên mình bớt khổ. Cũng như khi một người mẹ đang làm việc ở trong bếp, nghe tiếng khóc của em bé, bà liền bỏ công việc xuống, đi vào và ôm lấy em bé một cách rất dịu hiền. Tuy bà mẹ chưa biết con mình có vấn đề gì, nhưng nội chuyện ôm lấy bé với tất cả sự trìu mến và thương yêu thì em bé đã hạnh phúc rồi. 

Ở đây cũng vậy, khi mình có niềm đau, nỗi khổ nếu mình biết dùng năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm lấy niềm đau nỗi khổ ấy thì dù chưa làm gì hết mình đã bớt khổ rồi. Năng lượng thứ nhất là năng lượng khổ được năng lượng thứ hai là chánh niệm săn sóc, bảo hộ. Năng lượng thứ hai làm công việc của người chị lớn, người mẹ ôm lấy đứa con là khổ đau. Đó là sự mầu nhiệm của hơi thở thứ bảy, mà bất cứ một hành giả nào cũng phải làm cho được. Tại vì trong chúng ta người nào cũng có nỗi khổ, niềm đau mà chúng ta chỉ biết trốn chạy, khỏa lấp. Trong khi đó thì Bụt dạy đừng có trốn chạy, đừng có khỏa lấp, phải có can đảm nhận diện và ôm lấy niềm đau. Nhưng nếu quý vị không thực tập hơi thở chánh niệm thì làm sao quí vị có được những năng lượng đó để làm cái công việc là ôm ấp niềm đau. Phải có bà mẹ mới ôm đứa con được. Mình phải thực sự có mặt mới ôm lấy những nỗi khổ, niềm đau được. Mà muốn thực sự có mặt để ôm lấy nó thì mình phải thực tập hơi thở. Thực tập hơi thở mình sẽ làm phát khởi năng lượng của chánh niệm. Và kết quả là hơi thở thứ tám giúp mình có thể làm lắng dịu niềm đau. Mình chưa thể chuyển hóa được niềm đau tận gốc. Nhưng sự kiện là mình đã có thể nhận diện được nó, ôm lấy nó một cách rất là dịu dàng, rất là trìu mến thì niềm đau đó sẽ dịu xuống, khổ đau đã vơi bớt rất nhiều rồi. Với những bài tập tiếp theo, mình có thể đi xa hơn để có thể chuyển hóa hoàn toàn gốc rễ của những nỗi khổ, niềm đau. Nhưng ở đây chỉ nói nhận diện và ôm ấp thôi cũng đã có thể bớt khổ rồi.
Bài tập thứ chín: Nhận diện tâm
"Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. 
Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta
Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta

Tám hơi thở vừa qua thuộc về lĩnh vực cảm giác. Tới hơi thở thứ chín chúng ta bước sang lĩnh vực của tâm. Trong bài tập đầu chúng ta có nhận diện hơi thở, bài tập thứ ba có nhận diện toàn thân,  bài tập thứ tư làm lắng dịu toàn thân. Chúng ta cũng đã học cách nhận diện niềm đau, ôm ấp niềm đau qua hơi thở thứ bẩy, và làm lắng dịu niềm đau qua hơi thở thứ tám. Sang bài tập thư chín phương pháp cũng giống như vậy. Lúc đầu là thân, sau đó tới thọ và bây giờ sang lĩnh vực tâm. Tâm ở đây tức là tâm hành, trong đạo Bụt có nói tới 51 tâm hành (buồn, vui, thương, ghét, tuyệt vọng,.v.v..) Tâm ở đây không phải là cái gì trừu tượng nữa mà là cái mình biết rất rõ. Tâm tựa như là một dòng sông trong đó có 51 tâm hành đang tuôn chảy trên dòng sông ấy. Khi vào trường Phật học thì mình phải học thuộc tên của 51 tâm hành đó để khi chúng phát hiện thì mình nhận ra liền và gọi tên chúng: A! Bạn là giận, tôi biết bạn tên là giận. Cũng giống như một sinh viên trường Dược phải thuộc tên của những dược phẩm. Mình cũng phải nhận diện được tâm hành gì đang diễn ra trong mình. Trong 51 tâm hành có những loại tâm hành như tích cực như: Thảnh thơi, thương yêu, bao dung, ... Có những loại tâm hành tiêu cực như: giận hờn, ganh tị, thù hận, ... Trong bài tập thứ chín, nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện và gọi được tên của tâm hành mỗi khi chúng phát khởi. Giống như mình ngồi trên bờ sông tâm hành và quan sát, chỉ nhìn và quan sát vậy thôi chứ mình không bám lấy chúng cũng không xua đuổi chúng dù chúng là tâm hành tích cực hay tâm hành tiêu cực. Nó xấu cũng đừng tìm cách đuổi đi mà nó tốt cũng đừng nắm giữ. Nhận diện tâm đây không còn là một cái gì trừu tượng nữa mà rất là cụ thể. Cảm thọ (cảm giác) cũng là một loại tâm hành nên tâm ở đây còn 50 tâm hành. Niềm vui, nỗi khổ là những cảm thọ. Người tu phải luôn luôn có mặt nhờ sự thực tập hơi thở có chánh niệm. Phải luôn luôn có mặt để khi nào có một tâm hành biểu hiện thì mình phải kịp thời nhận diện không để cho nó tác yêu, tác quái. Như vậy là mình làm chủ được tâm.
Bài tập thứ mười: Làm cho tâm hoan lạc
"Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. 
Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc
Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc
Mục đích của bài thực tập này là làm cho tâm hoan lạc. Mình rất cần năng lượng để tiếp tục thực tập. Cho nên phải nhận diện tâm và làm cho tâm phấn chấn, tươi vui. Bài thực tập này là sự tiếp nối của bài thực tập thứ 5 và thứ 6 nhưng nó đi sâu hơn vào những tâm hành khác. Nó cũng liên hệ tới Tứ Chánh Cần. Trong con người mình có những tâm hành như: tha thứ, bao dung, niềm vui, hạnh phúc, tình thương, chí nguyện độ đời... Tất cả những cái đó rất quý giá. Cho nên chúng ta phải làm như thế nào để những tâm hành đó được phát triển và đi lên. Cũng giống như nhà mình có cái CD nhạc rất hay nhưng mình cứ để bụi bặm bám vào từ năm này qua năm khác mà không đem ra nghe, rất là uổng. Mình vốn có sẵn những tâm hành rất thiện, rất lành được gia đình tổ tiên trao truyền nhưng mình không biết cách xử lý mà cứ để cho những tâm hành buồn giận, lo lắng, sầu khổ trấn ngự. Giống như mình có một cái CD hát những bài nhạc tình sầu đứt ruột nhưng mình cứ nghe đi nghe lại tới nỗi điên cái đầu luôn mà không chịu dừng. Vì vậy vấn đề ở đây là chọn CD. Nếu cái CD nào không thích hợp, không đem lại sự thoải mái cho ta thì ta không nên tiếp tục nghe nó nữa. Nếu cái CD đó không hay thì ta phải thay bằng cái CD mới, cái đó gọi là làm cho tâm mình hoan lạc. Thiếu gì những bản nhạc hay mà cứ phải nhai đi nhai lại những bài hát sầu đời để mặc cho nó kéo tâm mình chìm nghỉm xuống? Một ông thợ mộc thường dùng cái chốt mới để thay thế cho cái chốt cũ đã bị mục. Khi cái chân bàn hay chân ghế bị lung lay ông ta làm một chiếc chốt mới thay vào nơi chiếc chốt cũ, khi ấy chiếc bàn hay chiếc ghế lại trở nên vững chắc. Cái đó gọi là phương pháp thay chốt. Ngày nay nếu cái bàn hay cái ghế bị hư thì thường là người ta mua cái mới chứ không “thay chốt” nữa, vì vậy ngày xưa Bụt gọi là “phương pháp thay chốt”, còn ngày nay chúng ta gọi là “phương pháp thay CD”, hay “phương pháp thay DVD”. Ví dụ khi xem một bộ phim quá tệ mà ta cứ ráng ngồi chịu trận thì thật là dại, tại sao không đi thay bằng một bộ phim khác hay hơn? Cái đó là sự thực tập làm cho tâm hoan lạc. Mỗi chúng ta có bao nhiêu là tâm hành tốt ở trong mình: Vị tha, đại nguyện, đại trí, đại bi, tha thứ, bao dung, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc.v.v.. nhưng mình không chịu phát triển nó mà cứ để cho đau khổ, buồn rầu chiếm cứ lấy. Đây chính là nội dung của bài thực tập thứ mười, là người hành giả ta gắng phải thực tập cho được. Một người tu khôn ngoan là một người biết cách làm hạnh phúc cho chính mình và làm hạnh phúc cho người khác. Đức Thế Tôn đã trao truyền cho chúng ta biết bao nhiêu là phương pháp hay, vấn đề là chúng ta có chịu thực tập hay không mà thôi.
Bài tập thứ mười một và mười hai vẫn thuộc về tâm nhưng bốn hơi thở cuối từ hơi thở thứ mười ba cho tới hơi thở thứ mười sáu có liên hệ tới tri giác. Tri giác của mình có thể sai lầm, thấy sợi dây mà tưởng con rắn. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Mình khổ là vì vọng tưởng. Vì vậy mục đích tối hậu của đạo Bụt là đào tận gốc vọng tưởng liệng đi.
Ta đang thở vào và thu  nhiếp tâm ý ta vào định
Ta đang thở ra và thu  nhiếp tâm ý ta vào định


"Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Tâm của mình có thể bị phân tán và thất niệm, khi ấy ta dùng chánh niệm để đưa tâm trở về và đem tâm vào trong định. Khi tâm được tập trung, được gom lại thì tâm trở nên rất hùng tráng, từ đó có thể làm được những việc rất hữu ích. Cũng giống như ánh sáng, ánh sáng truyền đi bằng đường thẳng nhưng khi ta sử dụng thấu kính thì thấu kính đó giúp tập trung ánh sáng vào một điểm duy nhất. Một khi chumg ánh sáng hội tụ tại một điểm thì nó tạo nên một sức nóng rất lớn có thể đốt cháy một tờ giấy. Tương tự như vậy, những si mê, lầm lạc của mình một khi mình có định thì những si mê lầm lạc ấy bị đốt cháy.
Định có nhiều loại định: Định về không, định vô thường, định vô ngã, định tương tức, vô tướng, vô tác,.... biết bao nhiêu là định. Chỉ cần có định thì phiền não sẽ bị đốt cháy. Nhiệm vụ của hơi thở thứ mười một là đưa tâm vào định, đưa tâm vào định thật ra không khó khăn gì mấy, khi định tâm hùng hậu thì nó bắt đầu đốt cháy những phiền não, tháo bỏ những sợi dây trói buộc.
Vô thường là một loại định chứ không phải là một lý thuyết. Ví dụ: Khi mình giận người kia, mình muốn trừng phạt người kia, mình tính nói một câu để người ấy khổ một chút cho vui. Tại vì người kia dám làm cho mình khổ. Hoặc có thể mình đánh người kia một cái để cho người kia khổ, tại vì người kia dám làm cho mình đau khổ. Mình làm như vậy bởi vì trong mình có sự đau khổ giận hờn. Thì bây giờ mình sẽ thực tập một loại định gọi là định vô thường, mình nhắm mắt lại và bắt đầu thực tập:
Thở vào tôi quán chiếu để thấy được sau 300 năm nữa thì tôi sẽ trở thành cái gì?
Thở ra tôi quán chiếu cái người đứng trước mặt tôi sau 300 năm nữa sẽ trở thành cái gì?
Mà định vô thường đâu cần tới 300 năm. Chỉ cần vài chục năm nữa là mình và người kia đã thành tro cả rồi. Thấy thế thì tội gì mà lại đi giận nhau? Mình chỉ có mấy chục năm để chơi với nhau thôi, vậy mà bây giờ hai đứa giận nhau, muốn làm khổ nhau thì đó là chuyện rất là ngu dốt. Và mình chỉ cần cái định đó trong vòng hai giây thôi là cơn giận hờn kia nó tan biến. Khi mở mắt ra mình chỉ muốn ôm người đó vào lòng. Biết em còn sống anh mừng quá đi. Biết con còn sống mẹ mừng quá đi. Biết bố còn sống con mừng quá đi

Bài tập thứ mười hai: Cởi trói cho tâm giải thoát
"Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do
Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do
Tâm mình nó bị những sợi dây ràng buộc. Sợi dây sân hận, thù oán, tuyệt vọng làm cho mình đau khổ. Nhờ những cái định đó mà mình đốt cháy, mình tháo gỡ được, cởi trói được cho tâm, đó gọi là tâm giải thoát. Giống với hơi thở thứ chín và thứ mười, hơi thở thứ mười một và mười hai cũng thuộc về tâm hành
Bài tập thứ mười ba: Quán chiếu về vô thường
"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp
Ta đang thở ra và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp
Với hơi thở thứ mười ba mình đi sang lĩnh vực của tri giác. Khi nhìn cây bút mình biết đây là cây bút, đó là một tri giác. Danh từ chuyên môn là Tưởng, Tưởng là một tri giác. Tưởng là một trong năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức -  năm yếu tố tạo nên cơ thể. Chữ Tưởng  trong chữ Hán có chữ tướng ở trên (tướng mạo). Mình nhận diện được cây bút vì nó có tướng mạo của vây bút. Mình nhận diện được bông hoa vì có tướng mạo của bông hoa. Nhờ nó có cái tướng cho nên mình tưởng được và phần dưới là chữ tâm. Cái tâm nhận ra được cái tướng đó nên gọi là tưởng (tri giác). Tri giác của mình có thể là sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng là con rắn. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Mình khổ là vì vọng tưởng. Vì vậy mục đích tối hậu của đạo Bụt là đào gốc vọng tưởng liệng đi hết. Bốn hơi thở cuối có liên hệ tới tri giác. Và tri giác là một trong 51 tâm hành.
Quán chiếu vô thường: Khi nhìn vào hình hài của mình, mình thấy nó là một dòng sông. Mỗi tế bào là một giọt nước. Mình thấy hình hài của mình không phải là một cái bất động mà là một dòng chuyển biến, qua đó mình thấy được tự tính vô thường, thấy được sự chuyển biến của cơ thể. Nhìn vào tập album ta thấy cái hình của mình lúc 5 tuổi khác xa so với bây giờ. Rõ ràng là không có cái gì giống nữa. Về sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có cái gì giống hết vậy mà mình vẫn là cái tên đó. Cái tên của mình thì còn mà cả năm cái: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều thay đổi. Vô thường và vô tướng là một phép quán rất mầu nhiệm. Tuy trong lý thuyết là sự vật vô thường, vậy mà mình vẫn cư xử như sự vật mãi là thường. Trên lý thuyết thì mình đều biết là cái người sống với mình đó mai mốt cũng sẽ chết nhưng trên thực tế mình cứ nghĩ người đó cứ sống hoài và mình đối xử tệ với người đó, mình không dễ thương với người đó. Nếu mình biết người đó vô thường thì ngày hôm nay mình có thể làm những điều đem lại hạnh phúc cho người ấy, nếu để đến ngày mai thì quá trễ. Vì vậy cho nên quán chiếu vô thường đem lại rất nhiều hạnh phúc. Mình biết rằng những cái gì mình có thể làm được cho người đó hạnh phúc thì phải làm ngay hôm nay chứ không thể đợi tới ngày mai. Và mình cũng biết rằng những công trình, những dự án mà không có lợi ích, không thiết thực thì mình không theo đuổi nữa. Mình buông bỏ. Hay lắm! Phải thực tế mới được. Vì vậy quán chiếu vô thường đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và người thương của mình.
Bài tập thứ mười bốn: Quán chiếu vô dục
"Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. 
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp 
Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp
Vô dục có nghĩa là không đáng để cho mình thèm khát. Không đáng để cho mình theo đuổi. Khi quán chiếu còn mình thì như con thiêu thân, mình muốn lao mình vào mà không biết rằng làm như thế thì mình sẽ bị cháy xèo một cái. Cho nên phương pháp quán chiếu để giúp ta thấy được đối tượng của thèm khát kia vốn chứa đựng những hiểm nguy độc hại. Ví dụ con cá thấy một miếng mồi rất là hấp dẫn nó bèn tiến tới đớp một cái, đâu ngờ bị mắc câu? Mà hiện nay người ta bán những mồi câu bằng nhựa trông rất giống thật nhưng không phải là mồi thật. Vì vậy phải nhìn cho kỹ đối tượng mà mình đang theo đuổi. Đó là danh hoặc là lợi hoặc là sắc hoặc là dục. Tất cả đều có những hiểm nguy ở trong, nó không đáng để mình theo đuổi, không đáng để mình hy sinh cuộc đời vì nó. Cái đó gọi là quán chiếu vô dục. Khi quán chiếu vô dục được rồi thì mình có tự do, có thảnh thơi và hạnh phúc. Ví dụ bây giờ có người mời tôi làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục hay là làm Thủ Tướng thì tôi thấy rằng làm thầy tu sướng hơn nhiều, làm thầy tu an lạc thảnh thơi, tự dưng làm cái kia làm chi cho cực. Tôi đang hạnh phúc như vậy ai mà dại gì đi vào chỗ đó cho khổ. Tôi không mảy may ham muốn, hoàn toàn lạnh lẽo với chuyện đó, ấy vậy mà hạnh phúc của tôi rất lớn. Bởi vì thấy được những hoạn nạn, tai ương trong những cái đó nên mình không hề muốn dính tới. Đó là kết quả của sự quán chiếu vô dục. Ở trong kinh Samadhi Đức Thế Tôn có dạy rằng
Không biết rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Tâm ái dục không sinh
Ai quyến rũ được mình
Mình là người tự do. Người tự do thì có hạnh phúc, không có tự do thì không có hạnh phúc. Là một người tu, cái quan trọng nhất chính là tự do.
Bài tập thứ mười lăm: Quán chiếu vô sinh, niết bàn
 "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. 
Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp
Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp
Đây là một pháp tu rất là mầu nhiệm. Bề mặt thì có tới có đi, có sinh có diệt, có còn có mất. Mà nhìn cho kỹ thì bản chất của vạn hữu là vô sinh bất diệt, không tới không đi, không có không không. Đây chính là đối tượng của Tâm Kinh Bát Nhã mà người tu tụng mỗi ngày. Ví dụ đám mây, bản chất của nó là vô sinh, bất diệt. Đám mây không phải từ không mà trở thành có. Trước khi nó là đám mây thì nó là nước của đại dương nhờ sức nóng của mặt trời mà nước bốc hơi, khi lên cao gặp khí lạnh nó ngưng tụ thành mâu. Sự có mặt của đám mây chỉ là sự tiếp nối của sức nóng và nước thôi. Vì vậy đám mây không phải từ không mà trở thành có, đám mây chẳng qua chỉ là sự nối tiếp, bản chất của nó là vô sinh. Tại vì sinh là gì ? là từ không mà trở thành có. Mà đám mây đâu có thể từ không mà trở thành có được ? Không có cái gì từ không mà trở thành có được hết. Anh cũng vậy, chị cũng vậy và tôi cũng vậy. Mình không tới từ không, cho nên nói từ hư không tới lại trở về hư không là không đúng đâu. Khi đám mây chết, đám mây thì làm sao mà chết được ? Chết tức là từ có mà trở thành không. Làm sao mà đám mây trở thành không được ? Đám mây chỉ có thể trở thành tuyết, trở thành mưa, trở thành sương mù, thành nước đá chứ mây không thể nào trở thành hư vô được. Vì vậy cho nên bản chất của đám mây là vô sinh, vô diệt. Bản chất của Đức Thế Tôn là vô sinh bất diệt. Bản chất của mình cũng vậy là vô sinh bất diệt. Khi thấy được bản chất của mình là vô sinh bất diệt thì mình không sợ hãi nữa mình sẽ đạt được sự vô úy. Không có sự sợ hãi thì hạnh phúc mới thật là toàn hảo. Chừng nào còn sợ chừng đó hạnh phúc chưa toàn vẹn. Ví dụ một đợt sóng đi lên đi xuống, sóng có bắt đầu, có chung kết. Đợt sóng có thể nói mình cao hay mình thấp hơn ngọn sóng khác, mình đẹp hay là mình xấu hơn những ngọn sóng khác. Tất cả những so sánh đó chỉ khiến cho con sóng lao đao, buồn khổ. Nhưng nếu đợt sóng quán chiếu thấy bản chất của mình là vô sinh, nếu nó thấy rằng bản chất của nó là nước, trước khi là sóng nó vốn là nước, trong khi là sóng nó vẫn đang là nước, nếu thấy được như vậy thì dù lên hay xuống, đẹp hay xấu nó cũng vui. Nó thấy được bản chất của nó là nước, mà bản chất của những ngọn sóng khác cũng là nước thì nó sẽ thấy nó đẹp mà những ngọn sóng khác cũng đẹp. Vì vậy khi tiếp xúc được với bản chất của mình, tiếp xúc với tự tính của mình cái đó gọi là vô sinh. Vô sinh có nghĩa là vô dục, có nghĩa là vô khứ – vô lai, phi hữu – phi không…..vô sinh đại diện cho tám cái vô gọi là bát không. 

Khi đám mây thấy được tự tính vô sinh bất diệt của mình thì là đám mây nó cũng hạnh phúc mà khi trở thành cơn mưa nó cũng hạnh phúc, trở thành dòng sông cũng hạnh phúc. Mình cũng vậy nếu thương xuyên duy trì sự quán chiếu về vô sinh thì mình không còn sợ chết, không còn sợ sinh nữa. Tại vì sinh diệt chỉ là ý niệm. Thực tập được hơi thở thứ 15 rồi thì hơi thở thứ 16 rất là dễ thực tập.
Bài tập thứ mười sáu: Quán chiếu buông bỏ
"Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ
Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ
Buông bỏ đây là buông bỏ cái gì ? Đó là buông bỏ những ý niệm, những ý niệm về trước về sau, về trong về ngoài, về sinh về diệt. Ta phải buông bỏ hết tất cả những ý niệm đó. Nếu mình sợ, mình buồn, mình lo là vì có những ý niệm. Khi tiếp xúc được với bản chất vô sinh rồi thì mình có thể buông bỏ được tất cả. Ví dụ mình có một ý niệm về thời gian. Thời gian là một dòng trôi chảy liên tục nhưng vì mình có một ý niệm về thời gian cho nên mình mới chọn một điểm trong thời gian đó làm điểm sinh của mình. Và tại vì mình đã sinh ra rồi cho nên mình phải chết đi. Cho nên phải có một điểm nào đó gọi là tử. Rồi từ hai ý niệm sinh – tử, mình có ý niệm thọ mạng (kiếp). Mình có thể thọ 20 năm hay 100 năm. Từ đó mình nghĩ rằng trước khi sinh ra thì mình không có, mình chỉ có từ khi được sinh ra và mình sẽ chấm dứt khi mình chết, nghĩa là mình từ không mà trở thành có, rồi từ có lại trở thành không, thế nên mới có ý niệm : có – không ; trước – sau ; sinh – tử làm cho mình điên đầu. Vì vậy, buông bỏ ở đây là buông bỏ tất cả những ý niệm đó. Buông bỏ được thì mình trở thành một con người tự do, một người hạnh phúc, không còn sợ hãi nữa. Đó là hạnh phúc của một Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã dạy rằng hễ là con người thì ai cũng có thể đạt được tới cái đó hết.

Đây là cốt lõi của sự sống. Mình cần phải học hỏi thêm và phải đem áp dụng cho được vào đời sống hằng ngày thì cái hiểu của mình mới càng ngày càng sáng rõ.
--
http://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/tinh-yeu-kinh-quan-niem-hoi-tho













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét