Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

LY DUYEN KHOI




VI. Cây Lớn (S.ii,88)
1) ... Trú tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ví như có một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm sâu xuống dưới và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều đem lên nhựa sống cho cây ấy. Này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn... (như trên)... hay đổ tro vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho cây ấy không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VII. Cây Non (Tạp 12,1 Chủng Thọ, Ðại 2, 79a) (S.ii.89)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ được sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người thỉnh thoảng vun xới các rễ, thỉnh thoảng bỏ thêm phân, thỉnh thoảng tưới thêm nước. Này các Tỷ-kheo, cây non ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy, sau khi chặt đứt, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa nắng và gió, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây non ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VIII. Danh Sắc (S.ii, 90)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm thẳng xuống dưới và đâm ngang ra, tất cả rễ ấy đem lên nhựa sống. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể được đứng vững trong một thời gian dài.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi... (như trên)...
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... Trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
IX. Thức (S.ii, 91)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức, nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, rễ của các cây ấy... (như trên)...
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không sanh. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không có sanh khởi. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
X. Nhân (S.ii, 92)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammàsadamma.
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, sâu xa thay là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Nhưng đối với con định lý ấy có vẻ rõ ràng, minh bạch!
4) -- Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Sâu xa thay, này Ananda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ananda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập pháp này mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
5) Này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, hữu có mặt. Do duyên hữu, sanh có mặt. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
6) Này Ananda, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm xuống và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều hút lên nhựa sống cho cây ấy. Này Ananda, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
7) Cũng vậy, này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ có mặt. Do duyên thủ, hữu có mặt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
8) Này Ananda, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
9) Này Ananda, ví như một cây lớn, rồi có người đi đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con, rễ phụ. Người ấy chặt cây ấy ra từng khúc. Sau khi chặt ra từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ ra từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ ra từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun lại thành đống tro. Sau khi vun lại thành đống tro, hoặc người ấy sàng trong gió lớn hay đổ vào dòng nước chảy mạnh để nước cuốn đi. Như vậy, này Ananda, cây lớn ấy sẽ bị chặt đứt, làm thành như cây ta-la, không thể nào tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
10) Như vậy, này Ananda, ai sống thấy tai hại trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét