Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

62. Ðại kinh Giáo giới La-hầu-la Mahà Ràhulovàda sutta




Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

62. Ðại kinh Giáo giới La-hầu-la
(Mahà Ràhulovàda sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá Anathapindika (Cấp Cô độc).
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Tôn giả Rahula vào buổi sáng cũng đắp y, cầm y bát, đi sau lưng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn, sau khi đưa mắt ngó xung quanh, bảo Tôn giả Rahula:
-- Này Rahula, bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta".
-- Bạch Thế Tôn, có phải chỉ sắc mà thôi? Bạch Thiện Thệ, có phải chỉ sắc mà thôi?
-- Cả sắc, này Rahula; cả thọ, này Rahula; cả tưởng, này Rahula; cả hành, này Rahula; và cả thức, này Rahula.
Rồi Tôn giả Rahula tự nghĩ: "Ai có thể hôm nay được Thế Tôn trực tiếp giảng dạy với bài giáo giới, còn có thể đi vào làng để khất thực?" Rồi Tôn giả từ chỗ ấy đi trở lui về, ngồi xuống một gốc cây, kiết già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Tôn giả Sariputta thấy Tôn giả Rahula đang ngồi dưới một gốc cây, kiết già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Sau khi thấy vậy, Ngài nói với Tôn giả Rahula:
-- Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập nhập tức xuất tức niệm (niệm hơi thở vô, hơi thở ra). Này Rahula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn.
Rồi Tôn giả Rahula, vào buổi chiều, sau khi từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Rahula bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập như thế nào? Làm cho sung mãn, (pháp môn này) như thế nào là để được quả lớn, được lợi ích lớn?
-- Này Rahula, cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ; như vậy, này Rahula, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Ðịa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự là ngã của ta". Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.
Và này Rahula, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có ngoại thủy giới. Và này Rahula, thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, đàm, niêm dịch, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ; như vậy, này Rahula, được gọi là thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới đều thuộc về thủy giới. Thủy giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới.
Và này Rahula, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, có ngoại hỏa giới. Và này Rahula, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho những vật được ăn, uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới, và những gì thuộc ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới.
Và này Rahula, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có ngoại phong giới. Và này Rahula, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các đốt, các khớp, hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy được gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với phong giới, tâm từ bỏ phong giới.
Và này Rahula, thế nào là hư không giới? Có nội hư không giới, có ngoại hư không giới. Và này Rahula, thế nào là nội hư không giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ, như lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được uống, được ăn và được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn và được uống được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn và được tống xuất xuống phần dưới để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không giới và những gì thuộc ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư không giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta," Sau khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như nước. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái không, khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt . Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về niệm hơi thở vô hơi thở ra. Này Rahula, do tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, nên được quả lớn, được lợi ích lớn. Và này Rahula, thế nào là tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn nên được quả lớn, được lợi ích lớn?
Ở đây, này Rahula, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy biết "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô," vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành (Cittasankhara), tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, này Rahula, làm cho sung mãn như vậy, có quả lớn, có lợi ích lớn. Này Rahula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, làm cho sung mãn như vậy, thời khi những hơi thở vô, hơi thở ra tối hậu chấm dứt, chứng được giác tri, không phải không được giác tri.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Rahula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung62.htm



Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 62 Kinh Lớn Giáo Giới La-Hầu-La (Mahà Ràhulovadasuttam)
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 
Mahàsuttam hay Mahà-ovadam: Greater Discourse, ở đây không có ý nghĩa là kinh dài, mà còn có ý nghĩa rằng: lần giáo giới nầy xẩy ra vào lúc Ràhula đã là Tỷ kheo, trưởng thành, có khả năng để phát triển Định uẩn và Tuệ uẩn, khác với thực hành Giới uẩn ở kinh 61.
- Tu tập Từ, bi, hỷ, xả đi cùng tu tập bất tịnh quán và vô thường quán ở đây chỉ thực hành ở cấp độ nhỏ: đối trị sân, hại, bất lạc, hận, tham ái, ngã mạn, đối trị các tâm cấu uế mà không phải ở cấp độ Tứ vô lượng tâm hành để phát triển đại tuệ (sau Tứ sắc định).
- Viràgànupassì: Bản dịch tiếng Anh, Pàli Text Society, Oxford, 1989 dịch là " beholding dispassion".  HT Minh Châu dịch là "quán ly tham."
Theo trình tự bốn nước quán của đối tượng " Pháp" là quánvô thường (Aniccànupassì), quán ly tham (Viràgànupassì), quán hoại diệt (Nirodhànupassì) và quán từ bỏ (Patinissaggànupassì). Từ viràga có hai nghĩa là ly tham và tan rã. Trình tự phát triển pháp quán " Pháp " là: từ vô thường đi đến tan rã, đi đến hoại diệt (của đối tượng); từ đây, hành giả khởi niệm xả ly, từ bỏ chấp thủ Pháp (Năm uẩn).
Như thế từ Viràgànupassì nên dịch là quán tan rã (tiếng Anh nên dịch là beholding waning hay beholding fading away).
II. NỘI DUNG KINH 62
1. Kinh 61, Thế Tôn dạy Ràhula ở thành Vương Xá (Ràjagaha); kinh 62 Thế Tôn dạy Ràhula ở thành Xá-Vệ (Sàvatthì). Tại Xá Vệ, ở tịnh xá Cấp Cô Độc, Thế Tôn dạy tôn giả Ràhula quán năm uẩn là "không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta" để đoạn trừ Thân kiến (kiết sử đầu) và tu tập "Niệm hơi thở vào, hơi thở ra".
2. Thế Tôn dạy Ràhula, bên cạnh quán Ngũ uẩn, là quán ngũ đại (địa, thủy, hỏa, phong và không đại) và tu tập tâm theo tánh vô trước, vô thủ, bất động của ngũ đại. Như thế sẽ gặt được quả lớn, lợi ích lớn.
III. BÀN THÊM
1. Đặc biệt của bản kinh 62 là tôn giả nhận được hai sự quan tâm lớn và haisự chỉ lớn từ Thế Tôn và tôn giả Xá-lợi-phất. Đặc biệt của sự chỉ dẫn pháp môn nầy là đúng thời, đúng cơ và đúng pháp công phu sẽ dễ thành tựu.
2. Lời dạy đầu tiên của bài Pháp mà Thế Tôn truyền dạy tôn giả Ràhula là quán Năm uẩn (không phải của ta...). Lời dạy tiếp theo của tôn giả Xá-lợi phất là quán niệm hơi thở vào hơi thở ra. Hai lời dạy đều hàm chứa cùng một công phu, cùng mục tiêu trước mắt, dù bên ngoài ngôn ngữ có vẻ khác nhau:
Để nhìn thấy kết qủa Sắc uẩn, v.v... là không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta, thì công phu tọa thiền theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra là cần thực hiện, bởi khi theo dõi hơi thở vào, ra, hành giả sẽ cùng lúc thấy rõ sự thật dòng chảy của các quá trình tâm lý và vật lý, cuộn vào nhau, hay là dòng chảy của Ngũ uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thấy rõ sự thật các duyên làm nên dòng nước ấy là thấy rõ "sắc, thọ,..." không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta.
3. Lời dạy thứ hai của bài pháp mà Thế Tôn truyền đạt là nhìn và phân biệt rõ địa đại, thủy đại,..., không đại. Rồi từ công phu nầy hành giả cũng sẽ thấy rõ sự thật của năm uẩn như vừa được trình bày.
4. Pháp quán (an trú niệm) trên đối tượng từ, bi, hỷ, xả, vô thường... là để tẩy sạch tâm cấu uế như sân, phẫn, hận,... để vào hiện tại lạc trú.
5. Khi mà tánh của đất là bất động, vô trước, vô chấp thủ thì tánh của tâm (tâm cũng là một Pháp) cũng thế! Đây là niềm tin mở đầu công phu giải thoát tâm.
6. Pháp quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra, hay Tứ niệm xứ quán, tuy có vẻ giản dị, nhưng thực ra khi hành thì có nhiều công phu giải thoát được thành tựu.

http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-061-70.htm



TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 62
Ðại Kinh Giáo giới La Hầu La
I. TOÁT YẾU
Mahàràhulovàda Sutta - The Greater Discourse of Advice to Ràhula.
The Buddha teaches Ràhula the meditation on the elements, on mindfulness of breathing, and other topics.
Bài giảng dài để khuyên dạy La hầu laPhật dạy cho La hầu la pháp thiền quán về các đại chủng, về niệm hơi thở, và các đề tài khác.
II. TÓM TẮT
Trong lúc cùng đi khất thực, Phật quay lại bảo tôn giả La hầu la [1] đang đi sau Ngài: "Hãy chân chính quán tất cả sắc pháp không phải của ta, không phải là ta hay tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng quán như vậy [2].
Sau khi nghe lời dạy vắn tắt, tôn giả liền trở lui về ngồi thiền định dưới một gốc cây. Thấy thế, tôn giả Xá lợi Phất khuyên La hầu la hãy niệm hơi thở [3], sẽ được nhiều lợi ích.
Sau khi ra khỏi thiền định, tôn giả La hầu la đến hỏi Phật về pháp môn niệm hơi thở. Trước khi dạy pháp niệm hơi thở, Phật dạy pháp môn quán đại chủng [4] trong thân và ngoài thân; dạy hãy tu tập như đất, nước, lửa, gió và hư không [5], để lạc khổ khởi lên không xâm chiếm tâm và an trú [6]; dạy tu tập tâm Từ để trị sân, tu Bi để trị hại, tu Hỷ để trị bất lạc, tu Xả để trị hận, quán bất tịnh để trị tham ái, quán vô thường để trị kiêu mạn.
Sau hết, Phật dạy pháp niệm hơi thở [7] gồm 4 mục thân, thọ, tâm, pháp, mỗi mục bốn đề tài; và cho biết nếu tu tập niệm hơi thở đến chỗ thuần thục, thì sẽ tỉnh giác khi thở hơi cuối cùng [8]."
III. CHÚ GIẢI1. Theo Luận, bài kinh này được giảng cho Ràhula khi ông vừa 18 tuổi, cốt để xua tan những dục vọng liên hệ đến đời sống tại gia.
2. Luận: Trong lúc Ràhula đang theo sau Phật, ông để ý và tán thán vẻ tuyệt mỹ của thân hình đức đạo sư, và nhớ lại mình, ông nghĩ:"Ta cũng đẹp trai như đức Thế tôn cha ta. Hình thể của Phật thậtđẹp và hình thể của ta cũng thế." Phật đọc được tư tưởng Ràhula nên đã quở trách ông ngay, để những tư tưởng vô lối như vậy khỏi dẫn ông đến rắc rối trầm trọng hơn. Ở đây đức Phật khuyến cáo với lời dạy hãy quán thân thể này không phải là một tự ngã, cũng không phải sở hữu của một tự ngã (không phải là tôi hay của tôi).
3. Tôn giả Xá lợi Phất thầy của Ràhula đã cho Ràhula lời khuyên này vì không biết ông đã được Phật dạy một pháp thiền quán khác. Thấy Ràhula ngồi kiết già, tôn giả tưởng ông đang thực hành niệm hơi thở.
4. Ở đây đức Phật giải thích pháp quán 4 đại thay cho quán hơi thở, để đánh tan sự bám víu của La hầu la vào thân thể, vì sự bám víu này chưa được tẩy trừ với lời giảng vắn tắt trước đấy về tính vô ngã của sắc pháp (tức thân thể).
5. Hư không không phải là 1 đại, nhưng nó được xếp vào loại sở tạo sắc.
6. Ðoạn này được dạy để chỉ rõ tính vô phân biệt của đất, nước, lửa, gió, hư không.
7. Xem giải thích về niệm hơi thở trong kinh 118.
8. Có nghĩa là, vị thiền giả chết một cách an tịnh với chính niệm tỉnh giác.
IV. PHÁP SỐBốn niệm xứ, bốn đại, bốn phạm trú, năm uẩn.
V. KỆ TỤNGTrên đường đi khất thực
Ngoái nh
ìn La hầu la
Phật dạy: "Hãy quán sát
Không ta, không của ta
Tất cả các sắc pháp
Dù trong, ngoài, đẹp, xấuÐều không phải là ta
Hay tự ngã của ta.
Cũng quán sát như vậy
Về thọ, tưởng, hành, thức."
Nghe lời dạy vắn tắt
Tôn giả về tọa thiền
Bậc thầy Xá lợi phất
Trông thấy ông ngồi thiền
Khuyên hãy niệm hơi thở
Sẽ lợi lạc vô biên.
Bởi thế La hầu La
Khi ra khỏi thiền định,
Lại đi đến hỏi Phật
Về pháp niệm hơi thở.
Phật dạy La hầu La:
"Tóc lông móng răng da
Những vật cứng trong, ngo
ài
Ðều thuộc về địa giới.
Chất lỏng ở trong thân
Bị chấp, thuộc cá nhân
Cũng như nước b
ên ngoài
Ðều thuộc về thủy giới.
Cái gì thuộc chất nóng
Làm tiêu hóa, hủy hoại,
Trong thân và ở ngoài
Ðều thuộc về hỏa giới.
Có gì có tính động
Bị chấp thủ trong thân
Cũng như gió b
ên ngoài
Là thuộc về phong giới.
Những chỗ rỗng trong thân
Như lỗ tai lỗ mũi
Cùng hư không bên ngoài
Ðều thuộc hư không giới.
Như đất nhận uế dơ
Ngươi h
ãy nên tu tập
Khi xúc lạc bất lạc
Tâm bất động như như
Như nước rửa sạch l
àu
Mọi vật tịnh bất tịnh
Hãy tu tập như nước
Không giao động, lo sầu.
Như lửa đốt tất cả
Sạch sẽ c
ùng ô uế
Hãy tu tập như lửa
Bất động, không lo âu.
H
ãy tu tập như gió
Cuốn phăng vật sạch dơ
Lạc bất lạc khởi l
ên
Không chiếm tâm an trú.
Như hư không không giữ
Không trú một nơi nào
Chớ để lạc bất lạc
Xâm chiếm trú tâm ngươi
H
ãy tu tập lòng Từ
Sân tâm sẽ diệt trừ
Hãy tu tập tâm Bi
Ðể dứt lòng tác hại.
Hãy tu tập tâm Hỷ
Ðể diệt trừ Bất lạc
Và tu tập tâm Xả
Ðể trừ oán hận tâm.
Tu tập quán Bất tịnh
Ðể trừ tâm tham ái
Tu tập quán vô thường
Trừ ngã mạn, kiêu căng.
H
ãy tu niệm Hơi thở
Theo dõi hơi ra, vào,
Cảm giác toàn hơi thở
Dài ngắn đều biết rõ;
Mười sáu đề mục quán
Về thân, thọ, tâm, pháp
Mỗi thứ gồm bốn pháp
H
ãy ghi nhớ nằm lòng.
Tu tập niệm hơi thở
Khi đã được viên thành
Sẽ có quả báo lớn:
Chết tỉnh giác, an nhiên."



http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-07.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét