Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

BOC LUU/TUONG UNG CHU THIEN





[01] Chương I

Tương Ưng Chư Thiên

-ooOoo-
I. Phẩm Cây Lau
I: Bộc Lưu (S.I,1)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
II. Giải Thoát (Si.2)
... Ở Sàvatthi. Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không?
-- Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh.
-- Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?
Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt,
Các thọ diệt, tịch tịnh,
Như vậy này Hiền giả,
Ta biết sự giải thoát,
Thoát ly và viễn ly,
Cho các loại chúng sanh.
III. Ðưa Ðến Ðoạn Tận - (Tạp 36.9. Ðại 2,262b. Biệt Tạp 8.7, Ðại 2,427b). (S.i,2)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
IV. Thời Gian Trôi Qua (Biệt Tạp 8.8, Ðại 2,427b) (S.i,3)
... Nhân duyên ở (Sàvatthi ), đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
V. Bao Nhiêu Phải Cắt Ðoạn. (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Phải cắt đoạn bao nhiêu,
Phải từ bỏ bao nhiêu,
Tu tập thêm bao nhiêu,
Vượt qua bao trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo vượt bộc lưu?
(Thế Tôn):
Phải cắt đoạn đến năm,
Phải từ bỏ đến năm,
Tu tập thêm năm pháp (lực),
Vượt qua năm trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo "vượt bộc lưu".
VI. Tỉnh Giác (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Có bao pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác?
Có bao pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ?
Có bao nhiêu việc làm
Ðưa ta đến trần cấu?
Có bao nhiêu việc làm
Khiến ta được thanh tịnh?
(Thế Tôn):
Có năm pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác,
Có năm pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ.
Chính có năm việc làm
Ðưa ta đến trần cấu,
Chính có năm việc làm
Khiến ta được thanh tịnh.
VII. Không Liễu Tri (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai với các pháp,
Không liễu tri thấu suốt,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo.
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai với các pháp,
Khéo liễu tri sáng suốt,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
VIII. Mê Loạn (Tạp 22.5, Ðại 2,154b. Biệt Tạp 9.5, Ðại 2,435c) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai đối các pháp,
Quá đắm say mê loạn,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai đối các pháp,
Không đắm say mê loạn,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
IX. Mong Muốn Kiêu Mạn (Tạp 36.4, Ðại 2,261a. Biệt Tạp 8.2, Ðại 2,426a) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ðối vị ưa kiêu mạn,
Ở đây không điều phục,
Không trí tuệ sáng suốt,
Không định tĩnh nhiếp tâm,
Ðộc thân trú rừng núi,
Sống với tâm phóng dật,
Vị ấy không vượt khỏi,
Sự chi phối ma lực.
(Thế Tôn):
Từ bỏ mọi kiêu mạn,
Tâm tư khéo nhiếp định,
Với tâm khéo tư sát,
Giải thoát mọi phiền trược,
Ðộc thân trú rừng núi (giới),
Với tâm không phóng dật,
Vị ấy vượt thoát khỏi,
Sự chi phối ma lực.
X. Rừng Núi (Tạp 36.3, Ðại 2,260c. Biệt Tạp 8.1, Ðại 2,426a) (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
(Thế Tôn):
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét