Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

DUC PHAT THANH DAO/ DAI PHAM





Tạng Luật
Vinaya Pitaka
Đại Phẩm Mahāvagga
Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

TẠNG LUẬT - ĐẠI PHẨM
TẬP MỘT
*****
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
I. CHƯƠNG TRỌNG YẾU (MAHĀKHANDHAKAṂ):
[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền) nơi cội cây bồ đề và vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã ngồi với thế kiết già ở cội cây bồ đề trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
Khi ấy vào canh một của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện(paṭiccasamuppāda) thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
và vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó thấu hiểu được
(mọi) việc có nguyên nhân.
[2] Sau đó vào canh giữa của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
rồi vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó đã hiểu được
sự tiêu hoại các duyên.
[3] Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
tồn tại, tiêu diệt sạch
binh đội của Ma Vương
giống như ánh mặt trời
đang rọi sáng không gian.
Dứt phần nói về sự Giác Ngộ.
[4] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Bồ Đề đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê, [1] sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây si của những người chăn dê trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
Khi ấy, có vị bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, vị bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Này ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là bà-la-môn? Việc trở thành bà-la-môn có bao nhiêu điều kiện?
Sau khi hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Vị bà-la-môn nào
ác pháp đã ngăn trừ
vị thoát điều ô nhiễm
không làm tiếng “hum hum,”
bản thân đã thu thúc
thông thạo bộ Vệ Đà
sống theo đời Phạm hạnh,
đúng pháp, vị ấy thuyết
lời nói của Phạm Thiên,
không gì trong thế giới
vượt qua được vị ấy.
Dứt phần nói về cội cây si của những người chăn dê.
[5] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây si của những người chăn dê đã đi đến cội cây Mucalinda, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Mucalinda trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện. Trong bảy ngày, trời mưa có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng đuôi quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang (che) phía trên đầu của đức Thế Tôn rồi giữ nguyên tư thế (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó khi bảy ngày trôi qua, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, chắp tay, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.
Sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Vị có được an lạc,
(sống) cách ly, hoan hỷ,
vị ấy đã thấy được
Pháp đã được lắng nghe,
vị ấy đã thu thúc
việc hại mạng chúng sanh
và lạc thú cuộc đời.
Việc dứt được ái tình
là an lạc trên đời,
vượt lên trên các dục,
và bỏ rơi tự ngã
ấy an lạc tối thượng.
Dứt phần nói về cội cây Mucalinda.
[6] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Mucalinda đã đi đến cội cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapussa và Bhallika đang đi đường xa đến khu vực ấy. Khi ấy, vị thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapussa và Bhallika điều này:
- Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở gốc cây Rājāyatana là vị vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên, điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài.
Khi ấy, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi, điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ nhận ở trong (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng):
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây.
Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng.
Sau đó, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Và họ đã trở thành những nam cư sĩ chỉ đọc hai câu (dvevācikā)[3] đầu tiên ở thế gian.
Dứt phần nói về cội cây Rājāyatana.
 [7] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Rājāyatana đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê. Ở nơi ấy, đức Thế Tôn ngụ tại gốc cây si của những người chăn dê.
Sau đó, trong khi đức Thế Tôn đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Pháp này đã được ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, khó lĩnh hội, khó nhận thức, thanh tịnh, cao quý, vượt trên lý luận, tinh tế, nên được hiểu biết bởi các bậc trí. Hơn nữa, chúng sanh đời này có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục, đối với chúng sanh có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục thì vấn đề này khó lĩnh hội tức là quy luật nhân quả và sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (idappaccayatāpaṭiccasamuppāda); có vấn đề này còn khó lĩnh hội hơn nữa tức là sự yên lặng của tất cả các Hành (sabbasaṅkhāra), sự dứt bỏ tất cả gốc rễ của sự tái sanh (sabbūpadhi), sự diệt tận ái (taṇhā), sự không còn dục tình (virāgo), sự tịch diệt, Niết Bàn. Nếu ta thuyết giảng Pháp và những người khác không hiểu được ta, điều ấy sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến đức Thế Tôn:
Khó khăn ta chứng ngộ
nay thuyết giảng, thôi đi!
Bởi những kẻ chìm đắm
trong ái dục, sân hận
không ngộ được Pháp này
Pháp đi ngược giòng (đời),
tinh tế, và thâm sâu,
khó lĩnh hội, vi diệu,
những kẻ mê ái dục
lắm si mê bao phủ
không thể nào lĩnh hội.
Trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy, tâm của đức Thế Tôn thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.
[8] Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã khởi ý điều này: “Như thế này thì thế gian bị tiêu diệt! Như thế này thì thế gian bị hủy hoại! Bởi vì tâm của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.” Sau đó, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế vị Phạm thiên Sahampati đã biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra ở phía trước đức Thế Tôn. Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati đã đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, rồi chắp tay hướng về đức Thế Tôn và đã nói điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm[4] sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa.
Phạm thiên Sahampati đã nói điều ấy, sau khi nói điều ấy còn nói thêm điều khác nữa:
Đã xuất hiện trước đây
trong xứ Ma Kiệt Đà
pháp không được thanh tịnh
đã được suy nghiệm ra
bởi những người ô nhiễm.
Cửa bất tử mở ra
hãy lắng nghe Giáo Pháp
bậc vô nhiễm chứng ngộ.
Như người đứng ở trên
đỉnh đầu hòn núi đá
nhìn quanh xem nhân loại,
cũng thế hỡi bậc trí,
hãy bước lên lầu đài
được xây bằng Giáo Pháp.
Hỡi bậc thông hiểu rộng,
vị thoát khỏi buồn đau
nhìn xuống xem nhân loại
đắm chìm trong sầu khổ,
bị sanh, già hành hạ.
Hỡi người thắng chiến trận,
người hùng, hãy đứng lên,
người hướng dẫn đoàn xe
không bị vướng nợ nần,
hãy đi khắp thế gian.
Xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, sẽ có nhiều người hiểu được.
[5](Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:
- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.
Đến lần thứ nhì, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:
- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.
Đến lần thứ ba, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.)
[9] Khi ấy, sau khi hiểu được yêu cầu của vị Phạm thiên, đức Thế Tôn thuận theo lòng thương tưởng chúng sanh đã dùng Phật nhãn quán xét thế gian. Trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian, đức Thế Tôn đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác. Cũng giống như trong hồ sen xanh hoặc trong hồ sen hồng hoặc trong hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm bên dưới (mặt nước); có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, vươn lên ra khỏi nước, và tồn tại không bị thấm nước; tương tợ như thế, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác; sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã nói với vị Phạm thiên Sahampati bằng bài kệ này:
Nghĩ về việc tổn hại,
này Phạm thiên, ta đã
không thuyết cho nhân loại
Pháp chứng ngộ cao thượng.
Các cánh cửa bất tử
(nay) đã được mở ra,
cho những người có tai
hãy bỏ đi tà tín.
Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati (nghĩ rằng): “Yêu cầu của ta về việc thuyết giảng Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn chấp thuận” nên đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét