Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

RAHULA/ WAS BUDDHA SAGTE

Hoa 

...Chiều thứ bảy ghé thăm Flohmarkt
Hoa tươi tháng sáu reo trong nắng
Thơ PV


Gioi Thieu


Rahula viet 1 cuon sach Was Buddha sagte. Sau day xin gioi thieu 1 trich doan:


Đức Phật thường dạy những cư sĩ tại gia tầm quan trọng của sự cải thiện hoàn cảnh kinh tế. Ðiều này không có nghĩa Ngài tán đồng sự tích trữ tài sản với sự tham lam ràng buộc, vì nó trái ngược với giáo lý Ngài, cũng không phải Ngài tán đồng bất cứ phương tiện sinh nhai nào. Có vài nghề thương mại như sản xuất và mua bán khí giới bị Ngài cấm chỉ, xem như những phương tiện sinh nhai bất chánh như ta đã thấy trước đây[10].

Một người tên Dìghajànu một hôm đến viếng Phật và bảo: "Bạch Thế Tôn, chúng con là những người thế tục tầm thường, sống đời gia đình, có vợ con. Xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho con vài lý thuyết để giúp chúng con được hạnh phúc trong đời này và đời sau."

Ðức Phật dạy ông ta rằng có bốn điều giúp cho hạnh phúc con người trong đời này:

- Thứ nhất là phải tài khéo, có hiệu năng, hăng hái và có nghị lực trong bất cứ nghề nào mình làm, và phải tinh xảo trong nghề nghiệp mình (utthànasampadà).

- Thứ hai là phải bảo vệ lợi tức mình đã kiếm được một cách chân chánh, bằng mồ hôi trán (àrakka-sampadà); nghĩa là bảo vệ tài sản cho khỏi bị trộm cắp v.v.. (Tất cả mọi ý tưởng này cần được xét đến trong bối cảnh thời ấy).

- Thứ ba là phải giao du với bạn tốt (kalyànamitta) trung thành, có trí thức, đức hạnh, phóng khoáng và thông minh, người sẽ giúp mình đi theo chánh đạo, xa lánh đường tà.

- Thứ tư là phải tiêu dùng chừng mực, tùy theo lợi tức, đừng tiêu quá nhiều cũng đừng quá ít, nghĩa là không nên bo bo tích trữ tài sản, nhưng cũng không nên phung phí - nói cách khác phải sống trong giới hạn những phương tiện mình có (samajì vikatà).

Rồi Phật giảng bốn đức hạnh giúp cho một người thế tục được hạnh phúc đời sau:

1. Tín (saddhà): phải tin tưởng vào những giá trị đạo đức, tinh thần, và tâm linh.
2. Giới (sìla): phải chừa bỏ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu.
3. Thí (càga): phải thực hành lòng trắc ẩn, bố thí, không bám víu, ôm giữ tài sản mình.
4. Tuệ (panna): phải mở mang trí tuệ dẫn đến sự diệt khổ, chứng Niết-bàn[11].

Ðôi khi Phật còn đi vào những chi tiết về cách để dành tiền bạc và tiêu dùng, chẳng hạn như khi Ngài bảo thanh niên Sigàla rằng anh ta nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hàng ngày, 1/2 lợi tức để đầu tư vào việc kinh doanh và để riêng 1/4 phòng khi nguy cấp[12].

Một hôm Phật bảo Cấp cô độc (Anàthapindika), một thương gia danh tiếng, một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất của Ngài, đã lập cho Ngài tu viện Kỳ đà (Jetavana) hữu danh ở Xá vệ (Sàvatthi), rằng một cư sĩ sống đời thường nhật, có bốn thứ hạnh phúc:

1. Thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế hay tài sản đầy đủ, kiếm được bằng những phương tiện chính đáng (sở hữu lạc, atthisukkha).

2. Tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình, bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc, ananasukkha).

3. Không có nợ nần (vô trái lạc, anana-sukkha).

4. Sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc, anmajjasukkha).

Ở đây ta phải chú ý rằng trong bốn yếu tố đem lại hạnh phúc, có đến ba thuộc về kinh tế, và cuối cùng Phật còn nhắc cho thương gia ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất thì "không đáng một phần mười sáu" của hạnh phúc tâm hồn phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và lương thiện[13].

Qua những ví dụ kể trên, ta có thể thấy rằng đức Phật xem sự thoải mái về kinh tế là cần thiết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài không công nhận sự tiến bộ là chân thật nếu nó chỉ thuần vật chất, không có một nền tảng đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh sự phát triển đạo đức và tâm linh để kiến tạo một xã hội hòa bình an lạc.
--
ĐỨC PHẬT DẠY NHỮNG GÌ. WALPOLA RAHULA. THÍCH NỮ TRÍ HẢI DỊCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét