Gioi thieu
Doan Kinh 18 nay,
a. chung toi trich tu ban dich cua Su Gioi Nghiem, goi la ban a.
b. chung toi trich tu ban dich cua Su Nguyet Thien Indacanda
Ban A/ Su Gioi nghiem dich
18. Trí và Tuệ (nana-panna)
- Trí và Tuệ khác nhau như thế nào, thưa đại đức?
- Trí thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết; còn Tuệ là thấy rõ vô thường, khổ não, vô
ngã. Trí là thông minh mà Tuệ là sáng suốt, vậy nó khác nhau, tâu đại vương!
- Thông minh và sáng suốt khác nhau sao?
- Thông minh là học nhanh, hiểu nhanh, học một biết hai, có thể có kiến thức sâu rộng,
nhưng nếu không biết tu tập có thể đi đến tà trí. Còn người sáng suốt thì tự biết tâm mình,
có tu tập, thấy rõ pháp; nó cũng được gọi là chánh trí hay chánh tuệ, tâu đại vương!
- Người có được Tuệ có thể biết mọi sự, mọi vật không, thưa đại đức?
- Có điều biết, có điều không biết.
- Tại sao?
- Những gì có học thì biết, những gì không học thì không biết. Đơn giản có vậy. Trí thuộc
phạm trù hiểu và biết, Tuệ thuộc về cái thấy không còn lầm lẫn như: vô thường cho là
thường, vô ngã cho là ngã, khổ cho là lạc!
- Vậy người có Trí còn si mê, lầm lẫn; người có Tuệ thì hết si mê, lầm lẫn?
- Đúng vậy!
- Thế khi Tuệ phát sanh thì si mê, lầm lẫn ấy đi đâu?
- Nó diệt mất.
- Đại đức hãy cho ví dụ.
- Ví như cầm cây đèn rọi vào hóc tối, ánh sáng hiện thì bóng tối tự tiêu, tâu đại vương.
- Còn Tuệ, nó mất chăng?
- Nó cũng diệt mất, nhưng công việc mà Tuệ đã làm, như cho ta thấy biết chân tướng của
cuộc đời, cho ta thấy rõ lý vô thường, khổ và vô ngã của pháp thì vẫn còn, tâu đại vương!
- Sao lạ vậy? Điều đó trẫm ngờ lắm. Hãy cho trẫm nghe ví dụ xem nào?
- Vâng, ví như một người thắp đèn để viết sách, viết xong, tắt đèn; đèn tuy tắt nhưng chữ
vẫn còn lưu lại trên giấy, tâu đại vương .
- Xin cho một ví dụ nữa.
- Một người đề phòng hỏa hoạn, sắm sẵn năm chum đầy nước. Khi hỏa tai, người ấy lấy
nước trong năm chum đem ra sử dụng, dập tắt được lửa. Tai qua nạn khỏi, người ấy
chẳng cần dùng năm chum nước ấy nữa, phải thế chăng? Cũng như thế, năm chum nước
được ví cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ; khi rưới tắt được lửa tham sân si, phiền não
rồi, xong phận sự rồi nó sẽ tự diệt; nhưng không, vô tướng và giải thoát thì vẫn còn, tâu
đại vương!
- Trẫm muốn nghe ví dụ nữa.
- Ví như vị lương y dùng năm loại dược thảo, bào chế ra phương thuốc trị bệnh cho bệnh
nhân. Uống xong, lành bệnh, vị lương y có còn dùng lại năm loại dược thảo kia để cho
bệnh nhân uống nữa không, tâu đại vương?
- Không cần thiết nữa.
- Đúng thế, bệnh lành rồi không cần thuốc như thế nào, các tùy miên kiết sử phiền não đã
diệt rồi thì ngũ căn tín, tấn, niệm, định, tuệ cũng không dùng nữa y như thế ấy. Chỉ còn
lại niềm hạnh phúc chân thật thôi, tâu đại vương!
- Đã rõ lắm rồi nhưng đại đức còn có thể cho thêm ví dụ nữa chăng?
- Có thể được chứ! Ví như đại vương có lần cầm quân xuất trận. Cứ mỗi lần đại vương
bắn một mũi tên lửa là dấu hiệu tấn công, bắn năm mũi tên lửa là năm đợt tấn công, quân
địch bại trận. Thế thì sau khi chiến thắng, đại vương có cần bắn năm mũi tên nữa hay
chăng?
- Bắn làm gì nữa, đại đức.
- Đúng thế! Năm mũi tên chính là năm đội quân thiện pháp, quân giặc bại trận ví như ác
pháp, vô minh, ái dục. Người giác ngộ sẽ không còn sử dụng binh khí gì nữa mà chỉ thọ
hưởng an lạc siêu thế thôi, tâu đại vương!
- Hay lắm! Trẫm không còn ngờ gì nữa.
ban B/ Su* Indacanda Nguyet Thien dich
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy phải không?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy.”
“Thưa ngài, có phải cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ.”
“Thưa ngài, chính trí ấy chính tuệ ấy được sanh lên cho người nào, có phải người ấy còn mê mờ, hay không còn mê mờ?”
“Tâu đại vương, còn mê mờ về lãnh vực nào đó, không còn mê mờ về lãnh vực nào đó.”
“Thưa ngài, còn mê mờ về lãnh vực gì, không còn mê mờ về lãnh vực gì?”
“Tâu đại vương, còn mê mờ về những lãnh vực nghề nghiệp chưa được biết trước đây, hoặc về những địa phương chưa được đi đến trước đây, hoặc về những tên gọi và điều quy định chưa được nghe trước đây.”
“Không còn mê mờ về lãnh vực gì?”
“Tâu đại vương, điều nào đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã,’ thì không còn mê mờ về lãnh vực ấy.”
“Thưa ngài, vậy thì sự si mê của người này đi đâu?”
“Tâu đại vương, vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó mang cây đèn vào căn nhà tối tăm, do đó bóng tối diệt mất, ánh sáng hiện ra; tâu đại vương, tương tợ y như thế vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”
“Thưa ngài, vậy thì tuệ đi đâu?”
“Tâu đại vương, tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy. Tuy nhiên, điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là: ‘Tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy,’ và ‘điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất,’ xin ngài cho ví dụ về điều ấy.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó có ý định gởi đi bức thơ vào ban đêm, có thể cho gọi người thơ ký đến, bảo đem lại cây đèn rồi bảo viết bức thơ. Khi bức thơ đã được viết xong thì có thể cho làm tắt cây đèn, mặc dầu cây đèn đã được làm tắt, bức thơ vẫn không biến mất; tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như ở các xứ sở ở phương Đông, người ta để năm chum nước dọc theo từng nhà một để dập tắt hỏa hoạn. Khi căn nhà bị bốc cháy thì ném năm chum nước ấy ở phía bên trên căn nhà, do đó ngọn lửa được dập tắt. Tâu đại vương, có phải những người ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Chúng ta sẽ làm công việc dập tắt lửa với năm chum nước ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm chum nước ấy. Còn việc gì với năm chum nước ấy?”
“Tâu đại vương, năm chum nước là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa được dập tắt bởi năm chum nước như thế nào thì các phiền não được dập tắt bởi năm quyền là như vậy. Các phiền não đã được dập tắt thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc lấy năm loại thuốc rễ cây đi đến gặp người bệnh. Sau khi nghiền nát năm loại thuốc rễ cây ấy rồi cho người bệnh uống để loại trừ các sự khó chịu nhờ vào năm loại thuốc rễ cây ấy. Tâu đại vương, có phải người thầy thuốc ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc chữa trị với năm loại thuốc rễ cây ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với các loại thuốc rễ cây ấy. Còn việc gì với các loại thuốc rễ cây ấy?”
“Tâu đại vương, năm loại thuốc rễ cây là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người thầy thuốc là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Căn bệnh là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Người bị bệnh là như thế nào thì phàm nhân nên được xem xét như vậy. Khi sự khó chịu của căn bệnh được loại trừ nhờ vào năm loại thuốc rễ cây rồi người bệnh được hết bệnh như thế nào thì các phiền não được loại trừ nhờ vào năm quyền là như vậy, và các phiền não đã được loại trừ thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người chiến sĩ tham gia chiến trận cầm lấy năm mũi tên lao vào chiến trận để đánh bại đội quân địch, vị ấy có thể phóng năm mũi tên ấy ở chiến trận và nhờ chúng đội quân địch bị phá tan; tâu đại vương, có phải người chiến sĩ tham gia chiến trận ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc bắn tên với năm mũi tên ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm mũi tên ấy; còn việc gì với năm mũi tên ấy?”
“Tâu đại vương, năm mũi tên là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người chiến sĩ tham gia chiến trận là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Đội quân địch là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Đội quân địch bị phá tan bởi năm mũi tên như thế nào thì các phiền não bị phá tan bởi năm quyền là như vậy, và các phiền não đã bị phá tan thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét