Thoát khỏi bộc lưu
Ấn Độ quả thật là một xứ sở lạ lùng, kỳ quái với cái khoảng cách trời vực giữa giàu nghèo sướng khổ. Đế vương vọng tộc ở đó mà mạt thứ lê dân cũng ở đó. Những tòa bạch ngọc, bích ngọc, hồng ngọc... lấp lánh uy quyền một thuở, soi bóng xuống những ao tù bẩn thỉu rác rưởi quanh năm. Nghiệt ngã. Khắc khổ. Bi thương. Vậy mà Đức Phật lại chọn nơi này làm quê hương.
Thị hiện vào dòng Sát đế lợi tột đỉnh quyền uy, tột đỉnh cao sang, nhưng Như Lai không thích ngồi ở đó. Ngài bước xuống cõi đời hòa cùng nhân sinh, đau cái đau của con người, khổ cái khổ của con người, để rồi từ đó tìm đường thoát khổ cho mình và muôn loài. Vượt thành xuất gia, khổ hạnh cầu đạo, hang động là nhà, tuyết trắng là bạn, cỏ cây là lương dược, Như Lai chưa một lần ân hận và thối bước. Trải tòa cỏ dưới cội bồ-đề, một mình chiến đấu với ma quân, trong tay không một tấc sắt, chỉ có cung thiền định kiếm trí tuệ, vậy mà Ngài chiến thắng. Trần gian phủ phục, toàn thể chúng ma quy hàng, Như Lai đứng lên, ung dung bước ra khỏi ba cõi. Ánh sáng ngập tràn.
Sau này, có một Thiên tử hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Như Lai thoát khỏi bộc lưu?
Đức Phật trả lời:
- Này Thiên tử! Như Lai không đứng lại, Như Lai không bước tới, vì thế Như Lai thoát khỏi bộc lưu.
Như Lai không đứng lại nên Như Lai không chìm xuống, Như Lai không bước tới nên Như Lai không trôi dạt. Chìm xuống đâu? Chìm xuống quá khứ. Những niềm vui nỗi buồn qua rồi theo dĩ vãng, nhưng vẫn vương vấn trong tâm tư, khiến con người phải đau buồn, trầm uất. Đó là chìm trong quá khứ. Chúng ta thường hay nhớ về dĩ vãng hoặc mộng tưởng tới tương lai, ít để tâm ngay hiện tại. Do ôn lại quá khứ nên cứ đeo mang một quá khứ đau buồn. Đức Phật nói Như Lai không đứng lại, nghĩa là không chìm xuống dòng quá khứ, vì thế Như Lai thoát khỏi bộc lưu.
Như Lai không bước tới, nghĩa là Như Lai không chạy theo ngũ dục trần cảnh thế gian, không chạy theo tương lai chưa đến, nên Như Lai không trôi dạt. Con người thường hướng ngoại hơn hướng nội. Tất cả mọi vấn đề, mọi ứng xử, luôn luôn chạy theo ngoại cảnh mà phân biệt quyết đoán, chớ không xoay lại mình. Chúng sanh tác nghiệp nhanh nhạy, trí tuệ không theo kịp. Thấy liền phân biệt, đó là thói quen. Quen đến nỗi sống với thói quen này ta thấy bình thường, không có gì là mê lầm cả. Đức Phật nói như vậy là mê nhưng chúng sanh thấy là tỉnh nên chạy theo và trôi dạt.
Phật bảo trong cuộc đời có năm thứ quyến rũ, con người khó cưỡng lại, đó là tài sắc danh thực thùy. Chúng sanh vừa thấy là dính mắc, đúng sở thích thì không có chuyện lưỡng lự mà chạy theo ngay. Không chạy theo bằng chân thì cũng chạy theo bằng tâm. Chạy theo bằng tâm mới thật là mối nguy hiểm đáng sợ và khó thoát. Bởi vì tâm quyết định cho mọi hành động và vận mệnh của chúng ta. Nhiều người ngoài mặt tỉnh bơ nhưng trong lòng cuồng phong bão tố dữ dội. Người ngoài không biết nhưng bản thân đương sự biết rất rõ. Đau khổ hay hạnh phúc, đó là cảm thọ không thể tự dối lòng. Đức Phật nói chúng sanh luôn luôn bị thói quen hướng ngoại làm cho trôi dạt. Ngũ dục vô tận, con người hướng theo ngũ dục nên cũng trôi dạt vô tận.
Sống vui buồn theo quá khứ là chìm xuống. Mộng mơ tới tương lai, chạy đuổi theo ngũ dục là trôi dạt. Vừa chìm xuống vừa trôi dạt theo dòng xoáy, nỗi kinh hoàng đó như thế nào? Thế nên Đức Phật nói Như Lai không dừng lại, Như Lai không bước tới nên Như Lai qua được bờ bên kia, thoát khỏi bộc lưu. Chư Bồ-tát thị hiện ra nơi đời cũng khuyên chúng sanh dừng lại, đừng bước tới nữa. Thoát khỏi hai bên là thoát khỏi sanh tử, việc này không phải dễ. Cần tận lực bình sinh với cung thiền định và kiếm trí tuệ của mỗi người. Một đời? Nhiều đời? Bao nhiêu cũng được, không ngán không sợ, chỉ xin tận tụy hết lòng.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, Đức Phật thương chúng sanh như mẹ thương con. Tình thương này không có sự trói buộc mà chỉ có sự chia sẻ tháo gỡ, càng thương càng thoáng, càng tự do và hạnh phúc. Cho nên cuộc đời còn lại, Đức Phật dành trọn vẹn cho chúng sanh. Một ngày của Như Lai là một ngày của chúng sanh. Hơi thở của Như Lai là hơi thở của chúng sanh. Như Lai đến với cuộc đời hay cuộc đời đến với Như Lai thì cũng vậy thôi, có khác biệt gì đâu. Tất cả đều làm thành cho nhau trong cái viên dung đại nguyện đại hạnh của một đấng toàn giác.
Từ khi đạo Phật có mặt trên thế gian này, chúng sanh đã bớt đi bao nhiêu lầm than thống khổ. Khổ vì sanh lão bệnh tử, oán tắng hội, ái biệt ly… trong đó nỗi khổ lớn nhất là si ái vô minh. Chỉ vì ái ngã mà chúng sanh tạo ra bao nghiệp chướng oan khiên, sinh đi tử lại từ vô lượng kiếp đến nay. Chấm dứt được mầm mống vô minh cũng có nghĩa là chấm dứt mọi thống khổ. Giá trị và sức mạnh chuyển hóa của đạo Phật không ở cung thương đao kiếm, mà ở tình thương và sự hiểu biết. Cho nên tự thân nó là nguồn sáng tâm linh, tự nhiên vận hành trong cuộc sống nhân sinh, giúp con người chuyển mê khai ngộ, dứt khổ được vui, biết thương yêu và tha thứ cho nhau. Không có ánh sáng trí tuệ thì chúng sanh vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử, chịu vô lượng khổ não bức bách thân tâm. Chỉ cần ánh sáng tuệ giác bừng lên thì bóng tối lùi tan.
Đức Phật đến và đi trong cuộc đời với ánh sáng ấy, đôi tay buông xả, nhất thiết pháp không mà Phật pháp cửu trụ nơi đời. Là đệ tử Phật, sao chúng ta không buông bỏ hết mọi vọng tình đảo điên để được thanh thản nhẹ nhàng trong lòng. Tuy chưa giác ngộ hoàn toàn như Phật, ít ra mình cũng được đôi chút an vui. Trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi, tất cả đều sẽ mất đi, cả mạng căn của chúng ta cũng đang mất đi từng phút từng giây. Phút này ta già hơn phút trước, phút tới sẽ già hơn phút này, liên tục liên tục như thế. Chỉ có tâm chân thật thì còn nguyên mãi mãi. Thế nên đệ tử Phật phải biết thương mình thương đời, đừng để khổ lụy tai ương vì tham ái vô minh. Học Phật mà vẫn chấp, vẫn khổ như xưa thì thiệt tình… không học còn hơn!
Nhớ tưởng Đức Từ Phụ, chẳng gì bằng cố gắng tiến tu. Chúng ta không phải trải tòa cỏ dưới cội Tất-bát-la mà là tĩnh tọa ngay trong lòng. Chỉ mong không chìm xuống, không trôi dạt, vui thoáng buồn qua cũng phải bỏ. Xin nguyện trọn đời, đời đời là đệ tử Phật, sống như Phật sống, làm như Phật làm, vô trụ mà thường trụ trong cõi đời, lợi ích vô lượng chúng sanh rồi phất áo ra đi, không chút bận lòng. Thoát khỏi bộc lưu, thú vị thay mà cũng khó lắm thay!
Hạnh Chiếu
==
http://giacngo.vn/chude/phatdan2554/2010/06/03/72F251/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét